ĐÔI NÉT VỀ DÂN CA VÍ, GIẶM NGHỆ TĨNH

10:49 18/07/2018

Vào lúc 17 giờ 10 phút giờ Paris (Pháp), tức 23 giờ 10 phút giờ Hà Nội, ngày 27/11/2014, tại Kỳ họp thứ 9 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại thủ đô Paris, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ vinh danh dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh

  1. Về nguồn gốc Dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh.

Nói đến dân ca xứ Nghệ là người ta nghĩ ngay đến Ví, Giặm vì đây là “đặc sản” của xứ này. Như phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nhận xét: “Dân ca Ví, Giặm Nghệ-Tĩnh là hai “thổ sản” độc đáo. Thứ “thổ sản” độc đáo ấy thể hiện sự kết tụ tuyệt vời của Tiếng Việt với khẩu ngữ địa phương, của làn điệu dân ca Việt Nam với nhịp sống, điệu thức của vùng quê nắng gió, nhọc nhằn, quả cảm. Từ thưở nằm nôi, tâm hồn người xứ Nghệ đã được tắm chất thi ca trong những lời ru của bà, của mẹ. Lớn lên cùng những bài hát đồng dao rồi những điệu ví, câu giặm cứ gắn với cuộc sống mưu sinh và tình yêu quê hương, lứa đôi. Mộc mạc mà ý nhị, dung dị mà mượt mà, lạc quan mà da diết, sôi nổi mà sâu lắng”.

Có thể nói dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật được khơi nguồn từ cuộc sống. Điệu ví, giặm được sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động và sản xuất, sinh hoạt gắn với những không gian quen thuộc như ruộng đồng, sông núi, giếng nước, cây đa, sân đình…Những ca từ mộc mạc nhưng lắng sâu, đầy thổ ngữ nhưng không kém phần tinh diệu, súc tích và ý nhị, âm điệu thì thiết tha lắng đọng đã phản ánh toàn diện cuộc sống, phong tục tập quán, những cung bậc cảm xúc cũng như cốt cách của người dân Nghệ Tĩnh.

Dân ca Ví, Giặm có thể được hình thành từ lâu đời trong lịch sử nhưng phải đến thế kỷ XVII-XVIII mới đủ độ chín muồi với những cuộc hát có thủ tục, lề lối chặt chẽ như nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Dân ca xứ Nghệ từ đó như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách của bao người dân xứ Nghệ.

Cuối thế kỷ XIX, sau khi nhà Nguyễn ký hiệp định nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp cũng là lúc xã hội Việt Nam có nhiều biến động, trước hết là phong trào Văn Thân, tiếp đến là phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn này, ở Nghệ Tĩnh xuất hiện những bài dân ca Ví, Giặm cách mạng phản ánh lại hai cuộc khởi nghĩa này. Bên cạnh đó, các nhà chí sỹ yêu nước trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã có những cái nhìn mới và có hướng đấu tranh mới, đó là dùng dân ca Ví, Giặm làm ngọn cờ chiến đấu, khơi dậy lòng tự trọng dân tộc, lòng yêu nước và kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh. Trong đó có các bậc anh hùng dân tộc, danh hiền, chí sĩ, văn sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…

Đến cuối thế kỷ XX Sân khấu ca kịch Ví, Giặm ra đời. Đây là loại hình nghệ thuật có tính chuyên nghiệp cao, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, tổ chức sân khấu hiện đại. Đến hôm nay, trong nền văn học, âm nhạc, sân khấu nghệ thuật đương đại thì dân ca Ví, Giặm vẫn là nguồn sống, là mạch nguồn cảm xúc bất tận để nhà văn, nhà thơ và người nghệ sỹ sáng tác những tác phẩm mới.

2.Đôi nét về hai làn điệu dân ca “Ví”, “Giặm”.

2.1. Hát Ví .

Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể loại ngâm vịnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể…)

Theo giáo sư Đinh Gia Khánh: “Nhân dân gọi là hát ví, có lẽ hát ví hay dùng lối ví von để trao đổi tình cảm với nhau. giọng ví von rất gần với giọng thơ, âm giai và nhịp điệu”.

Cũng có ý kiến cho rằng: “ví” là “vói” tức là bên nam đứng ngoài ngõ, ngoài đường để hát vói vào sân vào nhà với bên nữ, hoặc đám con gái đang cấy lúa bên đồng này “hát vói” sang đồng kia với đám con trai đang nhổ mạ.

Tính biểu cảm của hát ví tùy vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.

Thể hát ví có nhiều điệu như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo…

2.2. Hát Giặm.

Giặm được hiểu là thêm vào(giặm lúa). Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện ngôn ngữ, Viện khoa học xã hội Việt Nam, 1992) thì “giặm” có 2 nghĩa: 1. Đan vá vào chỗ hỏng (giặm nong, giặm thúng; 2. giặm là thêm vào chỗ còn trống (giặm mạ vào ruộng, ăn giặm vào giữa buổi).

Có nhiều cách hiểu về “giặm”. Nhạc sỹ Vĩnh Long trong bài Hát giặm Nghệ Tĩnh đã nêu ra hai cách hiểu: Chữ giặm là để chỉ hiện tượng láy lại câu cuối, và giặm là giặm lại vần của bài hỏi. Cũng có cách hiểu là “giặm” nghĩa là điền vào chỗ trống trong câu hát.

Khác với ví, giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài hát giặm có nhiều khổ, mỗi khổ 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ. Tuy vậy, cũng có những bài giặm, vè không phân khổ rõ ràng, àm cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu và mỗi câu không nhất nhất 5 chữ mà có thể 4 hoặc 6,7 chữ(do lời thơ biến thể).

Giàu rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày. Cũng có loại giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả giặm trữ tình trao duyên.

Hát giặm là một thể loại hát nói bằng thơ ngụ ngôn. Âm nhạc đi theo thường là phách. Các làn điệu hát giặm như: giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm kể… Có các tiết tấu phách mạnh, phách nhẹ, những nhịp trong và ngoài.

3. Sức sống của Ví giặm trong đời sống xã hội đương đại.

Thuở mới ra đời, môi trường diễn xướng của dân ca Ví, Giặm chủ yếu gắn với lao động sản xuất, với nông nghiệp, với các ngành nghề thủ công như dệt vải, đan lát, làm mộc… Từ chỗ chỉ là câu hò, điệu ví bên cây đa, giếng nước hay những lời thề ước trong đêm trăng thanh gió mát, những lời ru ngọt ngào của mẹ bên nôi thì trải qua quá trình lịch sử của dân tộc, dân ca Ví, Giặm cũng dần có sự biến đổi không ngừng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân ca Ví, Giặm bắt đầu có sự chuyển hóa từ diễn xướng dân gian sang trình diễn nghệ thuật dưới hình thức kể vè, đối ca, hoạt ca trong các phong trào văn nghệ quần chúng. Qua hồi ức của các nhạc sỹ và nhà nghiên cứu, chúng ta có thể biết tới một số hoạt cảnh dân ca và bài hò tiêu biểu như: Ngô khoai tranh đấu, Hỏi ai quan trọng, Trước lúc lên đường, Thần sấm ngã, Giặt áo bên phà Bến Thủy, Áo xanh càng thắm, áo nâu càng bền… .

Dân ca Ví, Giặm còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhạc sỹ để từ đó họ đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc đương đại, cho các ca khúc, ca kịch biểu diễn trên sân khấu.Có rất nhiều tác phẩm âm nhạc dựa trên âm hưởng dân ca Ví, Giặm đã rất thành công, được công chúng yêu thích, trở thành những “bài ca đi cùng năm tháng” như: Xa khơi, giận mà thương, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Điệu ví giặm là em

Sự ra đời, hoạt động mạnh mẽ của gần 100 câu lạc bộ dân ca ở cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay, sự thành công của các Liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ những năm gần đây là minh chứng sống động khẳng định giá trị trường tồn và sức thu hút, lan tỏa, thăng hoa của “đặc sản” văn hóa Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Cố PGS Ninh Viết Giao từng nhận xét về điệu Ví, Giặm: “…êm như nhiễu, nhẹ như tơ, trầm ấm man mác từ các thôn xóm vọng ra, lan tỏa khắp đồng nội cỏ cây”. Còn nhà văn Nguyễn Quang Vinh từng viết: “ Ví, giặm vì thế mới là hồn cốt của người dân xứ Nghệ: Vất vả mà vẫn bay bổng, nghèo khó mà vẫn lãng mạn, gian nan mà vẫn kiêu hùng, thiếu thốn mà vẫn phóng đãng, lo toan mà vẫn thong dong… Âm thanh giai điệu ví, giặm xứ Nghệ như keo dính, như ma thuật, như giông bão, như mây nguồn sóng bể, dễ chôn, dễ vùi, dễ xoáy, gây nghiện, gây yêu, gây thương, gây mến, như “thuốc độc” tình…”

“Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ

Ai đi ra nơi đây, xin chân dừng xứ Nghệ

Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu

Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thuở vui sầu”…

Trần Thị Thu Hằng

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội thảo khoa học quốc tế: “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)” Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, 2014.
  2. Ngữ Văn địa phương Thành phố Vinh , Tác giả Dương Xuân Hồng (biên soạn), NXB đại học Vinh.
  3. Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh , PGS Ninh Viết Giao, Nxb Nghệ Tĩnh, 1982.
  4. Bài viết: “Giá trị sức sống của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” , Từ Thị Loan, tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 29/05/2015.


    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN