MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐỀN KHAI LONG XÃ TRUNG SƠN VÀ ĐỀN KHAI LONG XÃ TÂN SƠN
Nghệ An là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là nơi có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, điểm giao thoa giữa các nền văn hóa Đông – Tây. Chính vì vậy, Nghệ An là nơi hội tụ, hình thành và phát triển hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình (Đến thời điểm này có 2606 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó 492 di tích được xếp hạng (6 di tích quốc gia đặc biệt; 145 di tích quốc gia; 341 di tích cấp tỉnh); 463 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê (02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ( [1] ) ; 01 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ( [2] ) ; 9 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, có vai trò quan trọng trong việc định hình nên diện mạo, bản sắc riêng của vùng đất xứ Nghệ. Đây chính là tài nguyên quan trọng góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An.
Theo Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh, huyện Đô Lương có 191 di tích thuộc danh mục kiểm kê trong đó 37 di tích đã xếp hạng các cấp (9 di tích cấp quốc gia; 29 di tích cấp tỉnh). Trong hệ thống di tích của huyện Đô Lương có 2 ngôi đền mang tên Đền Khai Long: Đền Khai Long xã Trung Sơn thuộc danh mục kiểm kê di tích; đền Khai Long xã Tân Sơn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Giữa hai ngôi đền có nhiều mối liên hệ với nhau.
1. Về quy mô và vị trí xây dựng
Hai ngôi đền mang tên Khai Long đều thuộc tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn. Khoảng cách theo đường chim bay khá gần. Chính vì vậy, nguyên xưa, khi xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung (nay là xã Trung Sơn) tổ chức lễ hội tại đền Khai Long, nhân dân xã Phượng Nghi (nay là xã Tân Sơn) đều hành hương về lễ bái. Tuy nhiên, quy mô của hai ngôi đền có sự khác nhau, cụ thể:
- Đền Khai Long, xã Thuần Trung (nay là xã Trung Sơn): Theo các tài liệu và kết quả điền dã cho biết: là ngôi đền có quy mô lớn, gọi là đền hàng tổng tức là đền chung của tổng Thuần Trung ( [3] ) , do nhân dân của 20 làng thuộc 5 xã của tổng đóng góp xây dựng cũng như phụng thờ.
- Đền Khai Long, xã Phượng Nghi (nay là xã Tân Sơn) là đền hàng xã do nhân dân xã Phượng Nghi trước đây xây dựng và thờ phụng. Cũng theo một số người dân cho biết: Để tiện cho việc thực hành tín ngưỡng tâm linh, nhân dân xã Phượng Nghi đã xây dựng đền và xin rước chân hương của đền Khai Long ở xã Thuần Trung về thờ phụng vị thần Khai Long Sứ Quân.
2. Về thời gian xây dựng và quá trình tồn tại của hai ngôi đền
Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau thì cả hai ngôi đền đều được xây dựng từ khá sớm, ít nhất là dưới thời Hậu Lê, trong đó
- Đền Khai Long xã Trung Sơn: Theo tìm hiểu tài liệu Hán nôm liên quan đến di tích như sắc phong, bản sao sắc phong của đền cho biết: Sắc phong có niên đại sớm nhất phong cho thần Khai Long Sứ Quân, xã Thuần Trung là vào năm Quý Dậu (1633). Theo lẽ thường để được ban cấp sắc phong cho thần thì trước đó phải có cơ sở thờ tự và vị thần được thờ có nhiều linh ứng, về sau làng kê khai thần tích gửi lên để triều đình ban cấp sắc phong xuống cho làng, xã, tổng được tiếp tục thờ phụng như trước. (chỉ trừ những trường hợp đặc biệt là ban sắc để lập đền thờ). Từ đó ta có thể khẳng định, ít nhất là đền phải được xây dựng trước năm Quý Dậu (1633) niên hiệu Đức Long thứ 5 đời vua Lê Thần Tông.
Đền Khai Long, xã Trung Sơn, được Ty Văn hóa Nghệ An kiểm kê 1964 xác định quy mô kiến trúc gồm 3 tòa hình chữ Tam và Nghi Môn. Trước kháng chiến đền còn nguyên vẹn. Trong kháng chiến do bom đạn nên đền bị hư hỏng ngói và cổng Nghi Môn. Sau đó nhà Hạ điện bị tháo dỡ, chỉ còn nền móng. Tại thời điểm năm 1964, nhà Trung điện được làm văn phòng của trường cấp 2 xã Trung Sơn cũng bị hư hỏng nhiều. Nhà Thượng điện đã bị mối mọt, không còn tường xung quanh. Đồ tế khí của đền lúc này chỉ còn: 1 bộ kiệu thời Lê, một chiếc áo rồng có mũ và đai, bốn bộ áo của ông từ, 16 đồng tiền đồng đề hiệu “Khai Long thông bảo”, một hộp sắc phong còn nguyên vẹn. Trước kháng chiến, đền có hai lễ lớn là 5/3 và 15/3 âm lịch. Theo tài liệu kiểm kê năm 2010, khung nhà Trung điện bị hư hỏng nặng, sau đó đổ sập hoàn toàn. Năm 2022, di tích bước đầu được phục hồi hạng mục nhà thượng điện và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư phục hồi lại các hạng mục còn lại.
- Đền Khai Long xã Tân Sơn: Theo nhân dân địa phương cho biết đền được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê Trung Hưng.
Đền Khai Long, xã Tân Sơn được Ban quản lý Di tích Nghệ An kiểm kê năm 2010. Thời điểm này di tích chỉ còn là phế tích. Theo tư liệu kiểm kê cho biết, đền bị tháo dỡ vào năm 1976 theo chủ trương của chính quyền địa phương nhằm di chuyển các đình, đền, chùa lên vùng đồi, núi để lấy đất sản xuất. Lúc này khung nhà Hạ điện bán cho một gia đình ở xóm 11 xã Tân Sơn, nay họ đã chuyển về xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành; nhà Trung điện bán cho họ Đào Công ở xóm 2 xã Tân Sơn (nay đang sử dụng làm nhà thờ họ); nhà Thượng điện bán cho họ Hoàng xóm 12 xã Tân Sơn (nay đang sử dụng làm nhà thờ họ). Tất cả các đồ thờ tự của các đình, đền, chùa trong làng được tập trung về nhà kho của xã, một thời gian sau đã bị hư hỏng, mất mát hiện nay không còn; Năm 2014, chính quyền và nhân dân xã Tân Sơn nhất tâm công đức để phục hồi lại di tích với quy mô kiến trúc gồm 3 tòa: Hạ điện, trung điện, thượng điện như hiện nay; Năm 2016, đền được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định: 6389/QĐ.UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An.
3. Các di sản còn lại của hai ngôi đền
Cả hai ngôi đền đều đã bị hư hỏng và trở thành phế tích trước khi được phục dựng lại như hiện nay. Bởi vậy, di sản còn lại đều rất ít, trong đó, đền Khai Long xã Trung Sơn còn lưu giữ được khá nhiều tư liệu rõ ràng hơn đền Khai Long xã Tân Sơn, cụ thể:
- Đền Khai Long ở xã Trung Sơn, tư liệu về đền được ghi chép ở một số tài liệu thành văn như:
+ Sách “Đồng Khánh dư địa chí” có đoạn chép: “Huyện Lương Sơn có đền Quả Sơn (Quả Sơn linh từ) (ở thôn Nhân Bồi xã Bạch Đường), miếu Khai Long Sứ Quân (ở thôn Đông Bích xã Thuần Trung), miếu vua Lê Trang Tông Dụ Hoàng đế (ở thôn Yên Tứ xã Văn Trường)” . Như vậy có thể thấy, đền Khai Long Sứ Quân là một trong ba ngôi đền lớn của huyện Lương Sơn, được liệt kê vào sách địa chí của quốc gia.
+ Theo biên bản kiểm kê sắc phong tại đền Linh Kiếm, xã Thuận Sơn ngày 28/11/2023 cho biết có 25 sắc phong cho thần Khai Long Sứ Quân (trong đó có 22 sắc phong riêng cho thần Khai Long Sứ Quân và 3 sắc hợp phong cho thần Khai Long Sứ Quân và Nguyễn Cảnh Hoan) giao cho xã Thuần Trung thờ phụng gồm những niên hiệu: Phúc Thái 5 (1647), Phúc Thái 7 (1649), Thịnh Đức 4 (1656), Thịnh Đức 5 (1657), Vĩnh Thọ 3 (1660), Cảnh Trị 8 (1670), Dương Đức 3 (1674), Chính Hòa 5 (1684), Vĩnh Thịnh 6 (1710), Vĩnh Khánh 2 (1730), Long Đức 5 (1736), Cảnh Hưng 1 (1740), Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783), Cảnh Thịnh 4 (1796), Minh Mệnh 5 (1824), Thiệu Trị 3 (1843), Thiệu Trị 3 (1843), Tự Đức 3 (1850), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Thành Thái 6 (1894), Khải Định 9 (1924), Duy Tân 3 (1909) và một đạo thời Lê bị mất niên hiệu. Cũng theo tài liệu Hán Nôm “Thượng miếu sắc sao” lưu tại đền Linh Kiếm cho biết niên đại sớm nhất của sắc phong cho thần Khai Long Sứ Quân có niên đại Đức Long thứ 5 (1633).
+ Nội dung biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872) cho biết: Đền Khai Long xã Thuần Trung được cả 20 làng của 5 xã (Thuần Trung, Phật Kệ, Trường Mỹ, Phượng Nghi, La Sơn) thuộc tổng Thuần Trung cùng phụng sự và khi tu bổ tôn tạo đền, các làng đều có trách nhiệm đóng góp để cùng thực hiện. Đền có kiến trúc gồm 3 tòa: Thượng đường, Trung đường, Hạ đường và Nghi môn. Mỗi hạng mục công trình giao cho mỗi xã có trách nhiệm trùng tu: “Thượng đường do xã Thuần Trung; Trung đường do xã Phật Kệ, Trường Mỹ; Hạ đường do xã Phượng Nghi; Nghi môn do xã Sơn La” [4] .
+ Tài liệu kiểm kê 1964 do Ty Văn hóa Nghệ An thực hiện, cho biết: Đền Khai Long (xã Trung Sơn) còn có tên gọi là đền Cả. Đền thờ thần “Khai Long Sứ Quân”, kiến trúc gồm 3 tòa hình chữ Tam và Nghi Môn. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đền lần lượt bị hư hỏng như đã trình bày ở phần thời gian xây dựng và quá trình tồn tại.
4. Về nhân vật thờ
Cả hai ngôi đền đều thờ vị thần có mỹ hiệu “Khai Long Sứ quân”, trong đó, tại đền Khai Long ở Tân Sơn, nhân vật Khai Long Sứ quân được chính quyền và nhân dân địa phương xác định là Ngô Xương Xí. Cho đến nay chưa tìm thấy tư liệu nào ghi chép cụ thể về lý do sứ quân Ngô Xương Xí được nhân dân Nghệ An nói chung, nhân hai 2 xã Trung Sơn và Tân Sơn huyện Đô Lương nói riêng lập đền thờ phụng.
Ngô Xương Xí là con trai của Ngô Xương Ngập, cháu đích tôn của Ngô Quyền [5] - một vị anh hùng dân tộc trí dũng song toàn. Ông sinh vào khoảng những năm 945- 950, tại Nam Sách Giang. Sự kiện này được sách “Đại việt sử ký toàn thư” chép như sau: “ Ngô sứ quân, tên húy là Xương Xí, khi Thiên Sách vương lãnh nạn, lấy vợ ở Nam Sách Giang sinh ra ”.
Ngô Xương Xí sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập tự chủ và từng bước xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền ( [6] ) nên tình hình chính trị, xã hội chưa ổn định, mức độ tập quyền chưa cao, các lực lượng cát cứ ở nhiều địa phương vẫn tồn tại và đó chính là mầm mống để hình thành nên loạn 12 sứ quân sau này.
Năm 944, Ngô Quyền mất, các con còn thơ dại. Lợi dụng cơ hội đó, người em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi tự xưng là Bình Vương. Con trưởng là Ngô Xương Ngập thấy biến chạy trốn vào đất Trà Hương ( Kim Thành - Hải Dương ) nương nhờ nhà hào trưởng Phạm Lệnh Công ( [7] ) . Dương Tam Kha nhận Ngô Xương Văn ( con trai thứ của Ngô Quyền ) làm con nuôi.
Năm 950, nhân có loạn ở Sơn Tây, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng các tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi dẹp. Đi đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn mưu với các tướng đem quân trở về bắt Dương Tam Kha giáng xuống làm Chương Dương công. Năm 951, Ngô Xương Văn lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn Vương rồi sai sứ đi đón anh là Xương Ngập về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách vương ( [8] ) .
Từ giữa thế kỷ X, tình hình đất nước ngày càng rối loạn ( [9] ) . Năm 954 Ngô Xương Ngập mất. Ngô Xương Văn nhiều lần mang quân đi đàn áp các cuộc nổi loạn nhưng không có kết quả. Đến năm 965 Ngô Xương Văn bị trúng tên độc mà chết ( [10] ) .
Sau khi Ngô Xương Văn mất, Ngô Xương Xí lên nắm binh quyền nhưng lúc này, trong triều xảy ra nhiều biến loạn và xung đột làm cho chính quyền trung ương ngày càng suy yếu. Lợi dụng tình trạng đó, các hào trưởng nổi dậy mỗi người hùng cứ một phương. Sự kiện này được sách “Lịch sử Việt Nam tập I” chép như sau: “ Lợi dụng tình trạng đó, các thế lực phong kiến liền nổi dậy, mỗi người hùng cứ một phương và tranh giành quyết liệt… ” ( [11] ) .
Lúc này, Ngô Nhật Khánh – Thứ sử Đường Lâm kéo quân về Cổ Loa tranh dành ngôi báu. Tiếp theo là Thứ sử Phong Châu Kiều Công Hãn kéo quân về triều đình cùng tranh ngôi vương với Lã Xử Bình . Thế và lực của Ngô Xương Xí ngày càng suy yếu không đủ sức chống lại các sứ quân đang tranh giành ngôi báu. Ngô Xương Xí lui quân về chiếm giữ đất Bình Kiều, Châu Ái ( nay là Triệu Sơn - Thanh Hóa ). Châu Ái là đất bản bộ của họ Dương ( Dương Đình Nghệ cố ngoại của Ngô Xương Xí là người châu Ái) đồng thời đây cùng là vùng đất khi xưa Ngô Quyền ( ông nội của Ngô Xương Xí) từng giữ chức thứ sử, trông coi vùng đất này. Trong thời kỳ làm thứ sử ở đây Ngô Quyền đã làm được nhiều việc giúp ích cho dân nên ông được nhân dân nơi đây kính phục, yêu mến. Chính vì vậy, Ngô Xương Xí đã chọn vùng châu Ái làm đại bản doanh cho lực lượng của mình.
Năm 966, cả nước hình thành nên 12 lực lượng cát cứ mà sử gọi là “ loạn 12 sứ quân ”. Loạn 12 sứ quân đã gây ra cảnh loạn lạc “ nồi da nấu thịt ” kéo dài hơn 2 năm (966 - 967). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “ Bây giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai ” ( [12] ).
Các sứ quân trấn giữ các vùng như sau:
1. Ngô Xương Xí , tức Ngô sứ quân giữ Bình Kiều ( Triệu Sơn - Thanh Hóa ).
2. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội )
3. Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ Đỗ Động Giang ( Thanh Oai , Hà Nội )
4. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu ( Hưng Yên )
5. Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Bạch Hạc (Việt Trì-Lâm Thao, Phú Thọ )
6. Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái ( Yên Lạc , Vĩnh Phúc )
7. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt ( Thanh Trì , Hà Nội )
8. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du (Bắc Ninh)
9. Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ - Cẩm Khê ( Phú Thọ )
10. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại ( Thuận Thành , Bắc Ninh )
11. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố ( Thái Bình )
12. Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang ( Văn Giang , Hưng Yên )
Mỗi sứ quân chiếm cứ một vùng, xây thành, đắp lũy và mang quân thôn tính lẫn nhau. Chính vì vậy, loạn 12 sứ quân đã gây ra biết bao tổn thất, đau khổ cho nhân dân và đi ngược lại hòa bình, thống nhất của dân tộc ( [13] ) .
Đứng trước hoàn cảnh đó, vào năm 967, vị tướng tài Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân. Lúc này, sứ quân Ngô Xương Xí đã theo về dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh để tập hợp lực lượng chống lại các thế lực ngoại xâm phương Bắc đang âm mưu cướp nước ta. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập của nhân dân ta.
Theo truyền ngôn của nhân dân vùng Tân Sơn cho biết: Trong thời gian ở Bình Kiều, Châu Ái, Ngô Xương Xí thường qua lại vùng đất Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) để tuyển mộ binh lính và xây dựng nơi đây thành căn cứ đóng quân, luyện tập binh mã, tích trữ lương thực. Trong thời gian đó ngài đã có công khai cơ lập làng, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân trong vùng nên nhân dân nhớ ơn lập đền thờ phụng với vị hiệu “ Thánh Thượng Khai Long Sứ Quân ”.
Hiện nay, tác giả chưa tìm thấy tư liệu thành văn nêu rõ lý do nhân dân tổng Thuần Trung lập hai ngôi đền thờ phụng thần Khai Long Sứ Quân trên địa bàn hai xã Trung Sơn và Tân Sơn của huyện Đô Lương. Dù vậy, cả hai ngôi đền có những sự tương đồng khá rõ rệt. Và dù thần Khai Long được thờ ở đây vì lý do gì thì cũng đều thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước. Trải qua biến thiên của lịch sử, có thời gian đền trở thành phế tích nhưng thần Khai Long đã in sâu trong tiềm thức của nhân dân nhiều thế hệ. Bởi vậy, khi các ngôi đền được phục hồi (đền Khai Long xã Tân Sơn phục hồi năm 2016, đền Khai Long xã Trung Sơn phục hồi năm 2022) đều nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ hết mình của chính quyền và nhân dân địa phương. Hiện nay, cả hai ngôi đền đều và trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và vùng phụ cận, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của chính quyền và nhân dân hai xã Trung Sơn và Tân Sơn./.
Nguyễn Thị Hưng
Tài liệu tham khảo:
1. Đại việt sử ký toàn thư (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697)), Nhà xuất bản Khoa học xã hội
2. Trương Hữu Quýnh (2000), Đại cương lịch sử Việt Nam , Tập 1 Nhà xuất bản giáo dục.
3. Trích nội dung biển ký, sắc phong tư liệu do Trần Văn Hữu, chuyên viên Sở VHTT phiên âm dịch nghĩa
4. Ủy ban khoa học xã hội Việt nam, (1971), Lịch sử Việt Nam , NXB Khoa học xã hội, tập 1.
- Tài liệu kiểm kê lưu tại kho Ban quản lý Di tích Nghệ An
[1] Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
[2] Nghệ Thuật Ca Trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào năm 2009.
[3] Tổng Thuần Trung có 5 xã gồm: Thuần Trung, Phật Kệ, Trường Mỹ, Phượng Nghi, La Sơn
[4] Trích nội dung biển ký, tư liệu do Trần Văn Hữu, chuyên viên Sở VHTT phiên âm dịch nghĩa
[5] Hiện nay tại xã Diễn Thái huyện Diễn Châu còn lưu dấu tích ngôi đền thờ Ngô Quyền gọi là đền Ngô Vương
[6] Ngô Sỹ Liên (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập I, tr245.
[7] Trương Hữu Quýnh (2000), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1, tr 109.
[8] Sử gọi giai đoạn này là Hậu Ngô vương – Ngô Sỹ Liên (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập I, tr207.
[9] Ngô Sỹ Liên (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập I, tr208.
[10] Trương Hữu Quýnh (2000), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1, tr 110.
[11] Lịch sử Việt Nam , sđd Tập 1, tr 143..
[12] Ngô Sỹ Liên, Đại việt sử ký toàn thư sđd, tr 209
[13] Lịch sử Việt Nam, sđd, tập 1, tr 143
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội