Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đón các đoàn phụ nữ về dâng hương nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2021), từ ngày 19/10/2021 Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tổ chức nghi thức dâng hương cho các cơ quan, đoàn thể về tham quan, thăm viếng tri ân nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai - người đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 30/9/1910 tại xã Vĩnh Yên, nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi (1927) đồng chí được kết nạp vào Việt Nam cách mạng đồng chí Hội phụ trách công tác vận động phụ nữ. Vượt lên trên những định kiến về gia đình và xã hội cùng với tinh thần kiên nhẫn khắc phục mọi khó khăn, nhiệt huyết trong công tác, đồng chí đã thành lập tổ chức phụ nữ đầu tiên có tên gọi “Phụ nữ đoàn”. Đầu năm 1928 “Phụ nữ đoàn” phát triển đến 50 hội viên thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, sống rải rác trong thành phố và chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá . Năm 1929 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Ban Thường vụ Tỉnh đảng bộ Tân Việt và trực tiếp làm Bí thư “Phụ nữ đoàn”. Tổ chức này còn có các tên gọi Hội phụ nữ Tân Việt , sau đó đổi tên thành Hội phụ nữ giải phóng là một trong những tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đồng chí vừa tích cực vận động phụ nữ vừa tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cốt cán cho Đảng, sau này trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931.
Năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ các nước phương Đông nói chung tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tổ chức tại Moskva. Bài phát biểu đã tố cáo chế độ thuộc địa ở Đông Dương, kêu gọi công nông, binh lính đoàn kết chống Pháp đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình. Bài phát biểu đã nhận được sự đánh giá cao trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về hoạt động cách mạng ở Nam Kỳ, được cử làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, lãnh đạo cao trào cách mạng dân chủ thời kỳ 1936 – 1939. Nhận nhiệm vụ mới trong tình hình khó khăn, nguy hiểm, phải hoạt động bí mật. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo các phong trào đấu tranh của công nhân, phụ nữ. Đồng chí viết nhiều bài báo đăng trên các tờ Dân Chúng, Lao động… nêu lên những quan điểm bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ như: “ Nam nữ xưa kia đã bình đẳng và sau này sẽ bình đẳng, lúc chưa bình đẳng thì phải đấu tranh đòi, đó là bước tiến hóa của lịch sử ” và “ đàn bà cũng cần phát triển tài năng đặng đóng vai anh thư trong lịch sử đã qua và sắp tới ”. Những bài viết với quan điểm táo bạo, sắc sảo, tiến bộ của đồng chí đã góp phần khai sáng nhận thức của xã hội thời đại đó, động viên phụ nữ tham gia hoạt xã hội, tham gia cách mạng và thúc đẩy phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển thêm một tầm cao mới.
Ngày 30/7/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam ở Khám Lớn Sài Gòn, bị tra tấn dã man để khai thác thông tin nhưng mọi kế sách của địch đều thất bại. Ngày 26/8/1941 Thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số lãnh đạo trung kiên của Đảng. Đồng chí đã ngã xuống khi mới 31 tuổi nhưng tinh thần, nghị lực và ý chí thì đã được truyền lại mãi cho các thế hệ trong rất nhiều những năm tháng về sau.
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 các hội phụ nữ ở các cơ quan ban ngành lại hành hương về Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại phường Quang Trung, thành phố Vinh bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến cuộc đời cao đẹp của nữ chiến sĩ. Mặc dù năm 2021 tình hình dịch Covid19 diễn biến căng thẳng, phức tạp, số đoàn khách đến Nhà lưu niệm giảm bớt, nhưng với việc tuân thủ nghiêm túc 5K, hoạt động dâng hương tại đây vẫn diễn ra suôn sẻ, vừa đảm bảo công tác phòng dịch vừa thể hiện được tấm lòng của hậu thế với sự hy sinh của bậc tiên liệt cách mạng, nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai. Một số hình ảnh hoạt động được ghi lại:
Nguyễn Thị Thu Hằng
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội