Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nơi lưu giữ nét đẹp của phụ nữ Việt Nam

09:21 16/03/2020

Phụ nữ Nghệ An trong những năm qua luôn phát huy tinh thần, truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, “ giỏi việc nước, đảm việc nhà ”, tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn do Công đoàn phát động đồng thời luôn đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng những hoạt động thiết thực thể hiện sự ghi nhớ, tri ân đến những người phụ nữ anh hùng của dân tộc ta.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 và 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng này, từ những ngày đầu tháng 3/2020 các tổ chức đoàn thể đã lần lượt tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của nhà cách mạng tiền bối, nữ anh hùng đã sống, chiến đấu, hy sinh vẻ vang vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX.

Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 1/11/1910 trong một gia đình công chức, giàu lòng yêu nước ở thị xã Vinh, tỉnh Nghệ An. Gia đình Chị có 8 chị em (5 trai, 3 gái), sống ở số nhà 132 phố Ga cũ, thị xã Vĩnh Yên, nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong đó Nguyễn Thị Minh Khai và em ruột Nguyễn Thị Quang Thái là những gương mặt tiêu biểu về lòng yêu nước, cách mạng ở đầu thế kỷ XX.

Thủa nhỏ, Nguyễn Thị Minh Khai sinh sống cùng gia đình ở phố Ga. Chị được học trường Cao Xuân Dục và sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước từ các nhà cách mạng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Trần Văn Tăng…Nguyễn Thị Minh Khai sớm bộc lộ tư chất thông minh trong học tập và tích cực tham gia các phong trào yêu nước: đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, dự lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh.

Lên 17 tuổi, Chị được kết nạp vào Việt Nam cách mạng Đảng, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Dưới vỏ bọc là nữ sinh, người buôn bán, ngoài thời gian học tập Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng các chị Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Xân… bí mật len lỏi vào các trường học, nhà máy, xí nghiệp ở Vinh, Trường Thi, Bến Thủy và các huyện phụ cận Thanh Chương, Nghi Lộc gây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền, vận động quần chúng và các tầng lớp từ học sinh, thanh niên đến công nhân, nông dân… cùng tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Chị đã sáng lập nên “Hội phụ nữ Tân Việt” sau này đổi tên thành “Hội phụ nữ Giải Phóng” chính là tổ chức tiền thân của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sau này. Nguyễn Thị Minh Khai đã góp phần xây dựng phong trào phụ nữ lớn mạnh lúc bấy giờ, đưa những người phụ nữ Nghệ An trở thành những hạt giống đỏ gieo mầm cách mạng trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh và trở thành những đảng viên ưu tú của Đảng.

Mùa xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp chính thức vào Đảng. Sau đó chị được cử sang Trung Quốc, công tác tại Văn phòng Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản và nhận được sự dìu dắt trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khiến chị trưởng thành về mọi mặt. Năm 1931 Nguyễn Thị Minh Khai bị chính quyền Trung Quốc bắt giam ở Thượng Hải, bị cầm tù đến năm 1933 mới được trả tự do. Ra tù, Chị tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng. Sau đó công tác ở Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài, chị đã yêu và kết hôn với anh Lê Hồng Phong – một chiến sĩ cách mạng, sau này là Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng ta.

Năm 1935, được sự phân công của tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong làm trưởng đoàn đi Liên Xô tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Nguyễn Thị Minh Khai đã đọc tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cách mạng giải phóng dân tộc và gây được ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế. Sau đó chị còn được tham dự Đại hội Thanh niên Quốc tế Cộng sản lần thứ VI, vào học ở trường Đại học Phương Đông.

Năm 1936 Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức cử về hoạt động ở Xứ ủy Nam kỳ. Sau đó Chị được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Chị và Xứ ủy, cơ sở cách mạng của Đảng phát triển mạnh mẽ. Quần chúng nhân dân bị áp bức nổi dậy sẵn sàng tham gia cách mạng, đấu tranh giành chính quyền.

Đầu năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai sinh con gái đầu lòng, chị lấy họ và tên đệm của cả bố và mẹ đặt tên con là Lê Nguyễn Hồng Minh. Chỉ kịp ở với con trong thời gian ngắn chị phải gửi con cho cơ sở nuôi, tiếp tục đi hoạt động vì đây là lúc cách mạng đang cần chị hơn bao giờ hết. Nguyễn Thị Minh Khai rút vào hoạt động bí mật tại Mười Tám thôn Vườn Trầu thuộc huyện Hóc Môn. Chị đã gắn bó với mảnh đất này bằng cả trí tuệ và máu của mình.

Ngày 30/7/1940 cở sở Đảng bị lộ, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí lãnh đạo xứ ủy Nam kỳ bị địch bắt. Trải qua những nơi bị giam giữ ở Khám Phú Mỹ, Khám Lớn Sài Gòn, Chị bị kẻ thù tra tấn, dày vò đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Theo lời của những nhân chứng kể lại, khi thấy chị bước vào trại giam cả chính trị phạm lẫn thường phạm đều khóc! Mặc dù vậy, ở trong tù Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tiếp tục hoạt động. Chị không ngừng động viên chị em giữ vững lòng tin đối với cách mạng, bồi dưỡng cho họ phương pháp và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Chị em đã đoàn kết xung quanh đồng chí lãnh đạo của mình để đấu tranh chống lại những chính sách hà khắc của chế độ nhà tù. Trong thời gian này chị đã bí mật liên lạc với tổ chức đảng bên ngoài tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Kẻ địch biết Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong là vợ chồng, chúng đã đưa tổ chức một cuộc đối chất trong tù hòng lung lạc tinh thần cách mạng của hai người và tìm chứng cứ buộc tội. Biết được âm mưu thâm độc đó Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong cố nén tình cảm riêng tư, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết. Dù không hẹn trước, cả hai đều kiên quyết không nhận nhau, trước sau chỉ có một lời: “Tôi không biết người này”.

Sau những phiên tòa xét xử, không khuất phục được tinh thần, ý chí cách mạng của Chị. Ngày 28/8/1941 (tức ngày 6 tháng 7 âm lịch) Nguyễn Thị Minh Khai đã bị địch xử bắn tại Nhà thương Giếng Nước, nay là Trung tâm y tế huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước pháp trường chị đã hướng về đồng bào, đồng chí nói lời tâm huyết cuối cùng: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì. Thưa đồng bào! Chúng ta phải tiêu diệt đế quốc, phong kiến thì đời sống mới sung sướng được”.

Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh khi mới 31 tuổi. Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 6/9/1942, Lê Hồng Phong cũng hy sinh tại nhà tù ở Côn Đảo.

Cuộc đời sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là tấm gương sáng ngời của sự hy sinh, xả thân cứu nước. Để tưởng nhớ công lao của nữ anh hùng, Đảng, Nhà nước và quê hương Nghệ An đã có nhiều hoạt động tri ân: hàng năm tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất trang nghiêm, thành kính. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để làm sáng rõ những cống hiến, hy sinh của đồng chí với cách mạng Việt Nam. Tên của Chị được đặt cho các trường học, đường phố trên khắp đất nước…ở Thành phố Vinh, quê hương của chị có 2 con đường mang tên Nguyễn Thị Minh Khai – Lê Hồng Phong là 2 con đường lớn, sầm uất nhất, điều thú vị là 2 con đường giao nhau ở vườn hoa Cửa Bắc như sự đồng điệu, son sắt, thủy chung của cặp vợ chồng cộng sản kiên trung nổi tiếng. Trên con Phố Ga cũ nơi gia đình chị đã sinh sống Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã xây dựng Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai khang trang, có kiến trúc đẹp được khánh thành vào năm 2012. Đây là công trình ân nghĩa thể hiện tấm lòng kính trọng của nhân dân Nghệ An và nhân dân cả nước đối với nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai. Nhà lưu niệm, nơi có tượng đài tái hiện chân dung của Nguyễn Thị Minh Khai trẻ trung trong tà áo dài duyên dáng nhưng vẫn toát lên được khí phách hiên ngang, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cùng với những hình ảnh, hiện vật còn lưu giữ được, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vừa là địa chỉ tâm linh để dâng nén tâm hương, nghiêng mình kính phục Chị, vừa là địa chỉ đỏ để mọi thế hệ phụ nữ tìm hiểu về một chiến sĩ cách mạng trung kiên,người đã làm rạng danh truyền thống phụ nữ Việt Nam, từ đó có thêm động lực, niềm tin, sự trân trọng với cuộc sống. Dù Nguyễn Thị Minh Khai đã mất nhưng lý tưởng và sự cống hiến của chị cho đất nước sẽ còn sống mãi, đúng như lời ngợi ca trên câu đối ở nhà lưu niệm:

Gương liệt nữ hy sinh vì đất nước

Chói lòng son sống mãi với non sông.

Sau đây là tổng hợp những hình ảnh hoạt động tại Nhà lưu niệm trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai:

Ngày 6/3/2020 Sở Văn hóa và Thể thao tôt chức lễ dâng hương, tham dự lễ có đồng chí Đào Thị Thanh Mai - Phó Chủ tịch Công đoàn viên chức, đ/c Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở VH & TT, đ/c Phan Thị Bích Hậu - Chủ tịch Công đoàn cùng toàn thể các đ/c cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Sở.
Cán bộ công chức Sở Văn hóa & Thể thao nghe thuyết minh tại Nhà lưu niệm.
Ngày 6/3/2020 Sở Công Thương dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm.
Đồng chí Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương dâng hương
Tập thể cán bộ Sở Công Thương chụp ảnh dưới chân tượng đài đ/c Nguyễn Thị Minh Khai.
Ngày 6/3/2020 Hội phụ nữ Khối xây dựng lực lượng Công An tỉnh Nghệ An
Ngày 6/3/2020 Thư viện tỉnh Nghệ An.
Ngày 6/3/2020 Chi hội phụ nữ Khối 10, Hội LHPN phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh.
Ngày 7/3/2020 Báo Công an Nghệ An do Thượng tá Nguyễn Xuân Thư - Trưởng phòng dẫn đầu
đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Xuân Thư dâng hoa tại Nhà lưu niệm
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài.
Ngày 7/3/2020 Chi hội phụ nữ Khối 13 phường Lê Lợi, thành phố Vinh.
Ngày 8/3/2020 Chi hội phụ nữ khối 2 phường Lê Lợi, thành phố Vinh

Các tổ chức, đoàn thể về tham quan Nhà lưu niệm đúng dịp Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động tuần lễ mặc áo dài. Khuôn viên Nhà lưu niệm với không gian đẹp mắt đã trở thành điểm tôn vinh, lan toả vô cùng ý nghĩa những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Nguyễn Thị Thu Hằng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN