ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA PHAN BỘI CHÂU

10:03 28/12/2022

Phan Bội Châu là lãnh tụ của phong trào cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời cụ đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc. Do sớm xác định được tư tưởng chiến lược làm cách mạng dân tộc dân chủ, lại đề ra được chủ trương bạo động, Phan Bội Châu đồng thời cũng nhìn thấy được những lực lượng có thể tập hợp vào công cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp. Đó là tư tưởng đoàn kết dân tộc trong đấu tranh cách mạng của nhà chí sỹ.

Đất nước rơi vào tay giặc Pháp. Vua quan trở thành tay sai, bù nhìn. Nỗi thống khổ đè nặng lên vai người dân:

“Trăm thứ thuế, thuế gì cũng ngặt

Rút chặt dần như thắt chỉ xe

Miền kẻ chợ phía nhà quê

Của đi có lối của về thì không”

Chính nhận thấy người dân chìm trong nỗi thống khổ như thế nên Phan càng nung nấu phải làm sao giải phóng được dân tộc. Muốn giải phóng dân tộc ắt phải có sự đoàn kết, gắn bó của tất cả nhân dân. Phan nhận ra rằng nhân dân là chủ của đất nước, và đã là chủ thì phải cùng nhau đứng dậy giết giặc để thu phục lại giang sơn. Đối với cụ, Đất nước là của nhân dân, do dân và vì dân chứ không phải vì “quyền lợi của một ông vua nào đó”.

“ Nghìn muôn ức triệu người chung góp

Xây dựng nên cơ nghiệp nước nhà

Người dân ta, của dân ta

Dân là dân nước nước là nước dân”.

Quả là một cái nhìn tiến bộ của cụ Phan về nhân dân. Vì thế trách nhiệm khôi phục đất nước là thuộc về người dân. Phan Bội Châu đặt hy vọng vào “năm mươi triệu số người trong nước”. Họ đều là “cháu con một họ”, đều là “chú bác anh em”, đều có tài sản chung là đất nước của ông cha để lại. Cho nên việc đánh giặc: “Cốt rằng người nước chung nhau một lòng”. Yêu nước là phải đoàn kết và đoàn kết mới thực hiện được yêu nước: “nước đã là nước chung thì phải chung lòng, chung sức mà chống đỡ”. Yêu nước là phải giữ cho nước nhà được độc lập mà “độc lập là do hợp quần mà có” (Việt Nam Quốc sử khảo), vì vậy phải đoàn kết. Và cụ tin rằng nhân dân ta “ai cũng một bụng phục thù ái quốc”. Với lòng tin vững chắc đó, Phan đã ra sức kêu gọi đồng tâm:

“ Hợp muôn tay ra sức quang phục

Quyết có phen rửa nhục báo thù

Mấy câu ái quốc reo hò

Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng”.

Một khi cả nước đã đồng tâm thì:

“ Việc dẫu nặng chia mang cũng nổi

Xúm tay vào kéo lại non sông”

và tự do độc lập của đất nước ắt giành lại được.

Trên cơ sở một lòng tin như vậy vào nhân dân đối với sự nghiệp cứu nước, nhận thức của Phan Bội Châu về vai trò của nhân dân qua các thời kỳ đã có sự phát triển, sự phân tích , đánh giá mức độ và khả năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc của mỗi hạng người trong xã hội nước ta ngày càng được xác định cụ thể hơn. Năm 1905, khi viết Việt Nam vong quốc sử, Phan Bội Châu chia những người trong nước ra làm năm bậc, tất cả đều là con một ông cha và một bà mẹ, của một bầu trời và cùng sống trên một miếng đất như nhau, tất cả đều là đồng bào trong một nước  và đều có nhiệm vụ làm cho nước nhà sống lại. Đến tác phẩm Hải ngoại huyết thư (1906), cụ đã đề cập đến mười hạng người đồng tâm: phú hào, quan tước, thế gia, sĩ tịch, lính tập, giáo đồ, côn đồ nghịch tử, nhi nữ anh si, bồi bếp thông ký, cừu gia đệ tử, người đi du học. Ở mỗi hạng người cụ đều phân tích vị trí, vai trò của họ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tầng lớp nào, hạng người nào cụng bị chèn ép, cũng bị đầy đoạ dưới sự thống trị của Thực dân Pháp. Cho nên ai cũng có trách nhiệm và khả năng để đứng lên lật đổ thực dân cướp nước.

“ Năm mươi triệu đồng lòng đua sức

Năm mươi nghìn giống khác được bao

Cùng nhau bên ít bên nhiều

Lọ là gươm sắc súng kêu mới nhiều”

Đây là một nhận thức rất tiến bộ của Phan Bội Châu trong đánh giá vai trò của mỗi hạng người đối với sự thăng lợi của cách mạng dân tộc.

Lời kêu gọi 10 giới đồng tâm đó của Phan Bội Châu mới là xuất phát từ quan điểm yêu nước của sĩ phu phong kiến tư sản hoá, nên cái hạn chế tất yếu của nó là chưa thấy được sức mạnh của công nông, lực lượng cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Nhưng cái tiến bộ của Phan là đã thấy được sự cần thiết và khả năng khách quan có thể đoàn kết được tất cả những người yêu nước  không kể giai cấp, tôn giáo, đảng phái đứng lên cứu nước. Điểm đặc biệt là cụ đã nhìn thấy được khả năng cách mạng của phụ nữ, của lính tập, của giáo đồ Thiên Chúa, điều mà nhiều nhà yêu nước đương thời và trước đó không thấy được.

Trước hết đối với phụ nữ, Phan Bội Châu có cái nhìn rất trân trọng. Trong xã hội trước đây, vai trò của phụ nữ là ở chốn buồng the, bếp núc, họ xem thường phụ nữ là “đái không qua ngọn cỏ” chứ nói gì đến việc xã hội, việc làng, việc nước. Còn với cụ Phan, nhận thấy rõ vai trò của phụ nữ không chỉ trong gia đình là người vun vén hạnh phúc, xây dựng tổ ấm mà còn thấy họ cũng là quốc dân có trách nhiệm. Ngay từ khi còn là một chàng thanhn niên say mê lý tưởng cứu nước, cậu nho San đã nhận thấy được sức mạnh của chị em phụ nữ:

“Chị em cất gánh sơn hà

Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.

Đến khi dấn thân vào con đường cứu nước, Phan càng nhận rõ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.Họ ý thức rất rõ về địa vị và vai trò của mình trong xã hội. Họ là những người “ đã biết mình là một hạng người không phải trâu ngựa”, đã biết mình là một phần quốc dân mà không phải con hầu đứa ở. Từ trước đã có Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bùi Thị Xuân những nữ tướng tài ba, bây giờ họ noi gương các nữ anh hùng ấy để tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Cụ nhấn mạnh “phụ nữ là những người có trách nhiệm làm mẹ tốt, làm vợ hiền, biết việc văn thư, hay nghề buôn bán, khéo đường dạy giỗ con em, giúp đỡ quân lính. Mẹ tốt thì sinh được con ngoan, vợ hiền thì giúp được chồng giỏi. Hơn nữa về các sự nghiệp chính trị, người phụ nữ thực có quyền lợi không cùng. Có chú trọng việc giáo dục thì mới bỏ được riêng tư mà theo công lợi, mới làm cho nước nhà giàu mạnh tấn tới”. Trong quan niệm đối với vấn đề phụ nữ, Cụ đã có một nhận định vô cùng táo bạo nhưng rất sáng suốt là “Trong nước nếu không có phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho người ta thôi”. Vì thế, trên bước đường hoạt động cách mạng của cụ đã có rất nhiều đồng chí phụ nữ có năng lực và rất trung thành với sự nghiệp cách mạng như cô Liên, cô Triệu, cô Chí…

Đối với công giáo, cụ Phan cũng nhận thấy họ đều có mối thù chung với giặc Pháp: “Đồng bào công giáo đều là anh ta cả, đều là em ta cả… Mấy mươi năm nay, người Pháp nghiêm hình trọng phạt, có một thứ nào tha cho người theo giáo Da Tô đâu. Tiền sưu, tiền thuế bao nhiêu, không bớt một đồng nào cho người theo đạo Da Tô”. Vì vậy, giáo cũng như lương, ai cũng có lòng yêu nước.

Phong trào Đông Du phát triển có sự đóng góp không nhỏ của  đồng bào công giáo. Hàng chục thanh niên giáo dân đã theo Phan Bội Châu sang Nhật du học để về giúp đât nước như Lưu Văn Quế, Lý Trọng Mậu, Lý Hồng Chung, Lê Khanh, Nguyễn Văn Phú,… Trong đó tiêu biểu như Mai Lão Bạng tức Mai Châu, đã được nghĩa hội cử sang Nhật với tư cách là đại biểu của đồng bào Thiên Chúa giáo tham gia Hội Duy Tân và trở thành đồng chí thân thiết của Phan Bội Châu

Từ thời đó, Phan Bội Châu đã nhận thức được “yêu nước và kính Chúa” gắn liền với nhau. Do nhận thức được sâu sắc lòng yêu nước của giáo dân, do biết phân biệt bạn thù một cách đúng đắn, Phan Bội Châu đã kêu gọi lương giáo đoàn kết và tin tưởng ở khối đoàn kết đó: “Đám mây đen tối chia rẽ giáo lương bây giờ đã được quét sạch, đó cũng là việc đáng thích”

Tuy nhiên, bên cạnh những cái nhìn tích cực như vậy, Cụ Phan chưa thấy rõ được nguồn gốc xã hội cũng như chưa thấy rõ được cơ sở giai cấp của vấn đề tôn giáo để đặt ra vấn đề đoàn kết tôn giáo. Vì vậy, phong trào còn lẻ tẻ, tự phát, chưa đều trong toàn quốc và cũng chưa có cơ sở vững chắc trong quảng đại quần chúng lao động của tín đồ Thiên Chúa giáo. Song những đóng góp ấy của Cụ cũng đã phần nào cho ta thấy một tư tưởng, một cái nhìn tiến bộ về tinh thần yêu nước của đồng bào giáo dân dưới con mắt một nhà Nho cách mạng lúc bấy giờ.

Đối với binh lính, cụ cũng thấy được họ cũng vì khốn khổ mà theo Tây để được nhận mấy đồng lương rẻ mạt:

“ Vì thần tiền phải bước chân ra

Có đâu ta lại giết ta

Cũng là một gốc mọc ra nỡ nào”.

Cho nên khi hết hạn họ trở về, số phận họ cũng chẳng khác gì người dân quê họ:

“Mãn hạn chú về

Thuế sưu chú chết

Họ đương chú la lết

Thân thích chú xác xơ”.

Số phận của binh lính khi quay về xóm làng đều bi đát như thế nên Phan Bôị Châu tin rằng sẽ vận động được họ :“ binh lính Việt Nam sẽ quay súng bắn vào quân Pháp” là một điều tất yếu xảy ra và là một trong những nguyên nhân tất thắng của dân tộc ta. Và điều tin tưởng đó đã thể hiện ở các cuộc đấu tranh của binh lính người Việt trong quân đội Pháp như vụ Hà thành đầu độc, khởi nghĩa Thái Nguyên.

Phan Bội Châu quả thực đã có cái nhìn rất tiến bộ về tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Bất cứ hạng người nào đối với cụ đều có khả năng làm cách mạng và làm một cách rất tốt. Lòng tin tưởng sắt đá, niềm lạc quan tràn trề của Phan Bội Châu đã truyền cả vào một thế hệ thanh niên đương thời, làm cho nhiều người hăng hái ra nước ngoài theo cụ làm nhiệm vụ cứu nước.

Ngoài mười hạng người trên, Phan Bội Châu còn nhìn thấy sự đoàn kết dân tộc giữa miễn xuôi và miền ngược.  Các dân tộc thiểu số được Phan xem cũng là một lực lượng cách mạng. Cụ đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của những lãnh thổ của dân tộc thiểu số. Cụ tin vào khả năng cách mạng của họ và đánh giá cao lòng dũng cảm của họ: “Những miền thượng du kia, địa thế hiểm yếu, vật sản phong phú, bản chất con người ở đây lại dũng cảm chiến đấu. Nếu khéo dùng thì họ là của ta, đấy sẽ là mầm mống của sự nghiệp bá vương; nếu bỏ qua đi thì họ sẽ theo người khác và sẽ là cái mồ chôn vùi nước ta”. Nhận xét như vậy là sáng suốt, và tiến bộ so với quan niệm đương thời, chỉ nhìn thấy những miền rừng núi kia là vùng rừng thiêng nước độc, là man di. Và trong sự nghiệp cứu nước của cụ đã có rất nhiều thổ hào, nhiều người con dân tộc thiểu số đi theo cụ làm cách mạng. Chính sau này, phong trào cách mạng cũng được “nuôi dưỡng” từ vùng rừng núi, trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, “thủ đô kháng chiến” của ta cũng đóng ở vùng rừng núi và nhờ sự che chở của đồng bào thiểu số. Phan Bội Châu quả thật là người có tầm nhìn chiến lược.

Lòng yêu nước nồng nàn của Phan Bội Châu bao giờ cũng rộng mở đón gió muôn phương, cụ tin rằng ai cũng “một bụng phục thù ái quốc” bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào nếu biết tổ chức họ lại trong một tổ chức quy củ đều phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc để làm cách mạng. Như vậy chúng ta thấy, đoàn kết dân tộc là một tư tưởng nổi bật trong hệ thống chính trị của Phan Bội Châu. Đó là những điều rất đáng trân quý ở một con người, một vị lãnh tụ yêu nước, suốt đời thổn thức với vận mệnh non sông. Tuy nhiên bên cạnh đó, trong tư tưởng đoàn kết dân tộc của cụ còn một số hạn chế. Điều nãy do nhãn quan của một nhà nho chưa thoát ra được khỏi phạm trù tầng lớp của mình. Đấy cũng là điều tất yếu trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Đó là Phan Bội Châu chưa nhìn thấy được lực lượng hùng hậu nhất và có khả năng cách mạng lớn là giai cấp nông dân. Sau tầng lớp nông dân là lực lượng thương nhân ở thành thị. Tất cả điều này là một hạn chế trong tầm nhìn của cụ về khả năng cách mạng của hai lực lượng này.

Mặc dù có những điểm hạn chế trong cơ sở lý luận, nhưng tư tưởng đoàn kết dân tộc của Phan Bội Châu là một bước phát triển cao so với tư tưởng truyền thống. Phan Bội Châu đã làm cho tư tưởng đoàn kết dân tộc có tính chất rộng rãi và dân chủ. Đó là một cống hiến lớn của cụ đối với dân tộc. Phan Bội Châu là nhà chính trị đầu tiên quan tâm đến việc xem xét và đánh giá từng hạng người trong xã hội để đi đến những kết luận về thái độ chính trị của họ. Đó là một việc làm mới mẻ mà trước đó chưa từng có. Những hạn chế của Phan Bội Châu, sau này được Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, khắc phục, hoàn thiện và cung cấp cho nó một cơ sở lý luận khoa học và thu được kết quả thắng lợi.

Nguyễn Thị Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN