Đồng chí Lê Hồng Phong người cộng sản kiên cường, gương hi sinh bất khuất !

08:58 20/08/2021
LÊ HỒNG PHONG (1902 - 1942)

Lê Hồng Phong – Người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chiến sỹ cộng sản tiêu biểu, cuộc đời hoạt động cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân của đồng chí tuy không dài nhưng đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, tinh thần bất khuất không lùi bước trước kẻ thù. Sự hy sinh của đồng chí mặc dù là tổn thất lớn cho cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào thôi thúc các chiến sỹ cộng sản và nhân dân sẵn sàng đứng lên đấu tranh chống lại cường quyền áp bức.

Lê Hồng Phong, tên thật Lê Huy Doãn, sinh ngày 06 tháng 09 năm 1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Lê Hồng Phong là ông Lê Huy Quán từng giữ chức Chánh tổng tổng Thông Lạng. Thân mẫu là bà Phạm Thị Sáu, một người phụ nữ hết mực yêu thương chồng con.

Sau khi học xong sơ yếu lược thì cha mất Lê Hồng Phong đã rời làng xuống thị xã Vinh làm nhiều nghề như thư ký, đi buôn, rồi vào làm công nhân ở nhà máy Diêm – Bến Thủy. Trong thời gian này, Lê Hồng Phong được tiếp xúc với những sách báo tiến bộ, thấy được nỗi cơ cực của người dân mất nước. Vì vậy, Lê Hồng Phong đã sớm hòa nhập vào phong trào công  nhân Vinh – Bến Thủy.

Đầu năm 1924, Lê Hồng Phong đã cùng với một số người bạn của mình tìm đường xuất dương sang Thái Lan, đến Trại Cày của Đặng Thúc Hứa. Tại đây được sự giúp đỡ của cụ Đặng, Lê Hồng Phong và sáu người bạn nữa đã tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc và gia nhập vào tổ chức “Tâm tâm xã”.

Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu hoạt động, người đã chọn ngôi nhà số 13 đường Nguyễn Văn Minh làm nơi ở, hoạt động và mở lớp đào tạo cho những thanh niên việt Nam yêu nước trong đó có Lê Hồng Phong.

Thời gian này, Lê Hồng Phong đang theo học tại trường quân sự Hoàng Phố và trường Hàng không Quảng Châu. Vào Ngày 10/2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Với kết quả học tập xuất sắc của mình Lê Hồng Phong tiếp tục được cử sang học ở trường Lý luận quân sự Leningrat và trường đào tạo phi công quân sự số 2 ở Goolepxkiơ. Sau khi đào tạo phi công đồng chí Lê Hồng Phong lại được cử sang học tại trường đại học Phương Đông trong 3 năm (1928-1931). Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong được Quốc Tế cộng sản bí mật cử về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

Tháng 3/1934, Hội nghị Ban Chấp Hành ở ngoài của Đảng được thành lập, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Bí thư .

Tháng 3/1935, đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại Ma Cao, Trung Quốc và đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng .

Tháng 7/1935, đại hội VII, Quốc Tế Cộng sản diễn ra ở Matxcova. Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu.

Trước yêu cầu của phong trào cách mạng trong nước, vào cuối  năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn lãnh đạo phong trào cách mạng.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao thì ngày 22/6/1939 đồng chí đã bị bắt tại Sài Gòn, thực dân pháp đã tìm mọi hình thức tra tấn, hành hạ nhưng không có kết quả, cuối cùng chúng đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội mang thẻ căn cước giả. Mãn hạn tù, Lê Hồng Phong đã trở về với quê nhà Thông Lãng.

Hình ảnh Lê Hồng Phong bị bắt vào năm 1939

Tại quê nhà, vượt qua mọi sự kiểm soát, cấm đoán, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Trước chính sách đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng Đông Dương, nhằm thủ tiêu mọi quyền lợi và thành quả mà nhân dân Đông Dương đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, Ngày 29/9/1939 Trung Ương Đảng gửi thông cáo cho các cấp bộ Đảng, kêu gọi cán bộ Đảng Viên nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật. Lo sợ đồng chí Lê Hồng Phong trốn thoát, tiếp tục hoạt động lãnh đạo Cách mạng, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục bắt giam đồng chí lần 2 vào ngày 20/1/1940.

Không có chứng cứ để buộc tội Lê Hồng Phong, tòa án thực dân vẫn kết án đồng chí 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc và đày đồng chí ra Côn Đảo vào cuối năm 1940.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đày ra Côn Đảo số tù nhân nhiều chưa từng thấy, năm 1940 là 2452 người, năm 1941 là 4860 người. Mỗi khám nhốt từ 250 đến 300 người.Đây là thời kỳ dã man, tàn bạo nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo, lớp tù nhân lúc bấy giờ hầu hết bị cấm cố ở Banh II và Banh III, Lê Hồng Phong bị giam tại xà lim số 5 banh II mục đích cô lập đồng chí với tổ chức tù chính trị ở Côn Đảo.

Tuy nhiên, dù bị giam ở khu vực nào, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo vẫn liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong. Thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho bọn chúa đảo phải hãm hại đồng chí, do vậy, bọn cai ngục đã áp dụng một chế độ lao tù hà khắc bất chấp cả luật pháp với tù nhân, hàng ngày Lê Hồng Phong bị đánh đập hết sức dã man bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, đánh trong lúc lao công, lúc tắm giặt, lúc điểm danh và cả trong bữa ăn hàng ngày.

Hình ảnh nơi giam giữ và các hình thức tra tấn tù nhân tại nhà tù Côn Đảo

Cai ngục của nhà tù đã dùng rất nhiều những ngón đòn mà chỉ cần nhắc đến cũng khiến nhiều người phải rùng mình khiếp đảm: dùng chày đập nát vụn mắt cá chân, đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ và đinh vít ép vỡ lồng ngực,... Với đồng chí Lê Hồng Phong với chế độ cầm cố khắc nghiệt tại Xà lim số 5 Banh II là một hầm tối có chiều dài 2 m, chiều rộng 1m, được xây kiên cố chỉ một lỗ nhỏ thông hơi, sàn hầm làm bằng xi măng lạnh ngắt, loang lỗ, chỗ nằm có 2 vòng sắt để cùm chân tù nhân suốt ngày đêm, chúng “nuôi dưỡng” đồng chí với 1 tháng 10 ngày cơm nhạt bằng một thứ gạo hẩm mốc và thức ăn là cá nục khô, chính vì những thức ăn đó đã làm cho đồng chí bị kiết lị nặng kèm theo những trận đòn thù tàn ác của kẻ thù, sau 1 ngày lao động khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm, chỗ sưng húp lên, có chỗ còn loét ra ri rỉ máu.

Có những lần Lê Hồng Phong vừa bưng bát cơm lên ăn thì bọn cai ngục nhảy vào xông vào, đấm ,đá, quất  túi bụi,làm máu chảy từ đầu, cằm chảy đỏ cả bát cơm. Thế nhưng Lê Hồng Phong vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm chan máu, với quyết tâm phải sống, để còn sống còn chiến đấu, “Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang, nhưng nó phải oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản”.  Với thái độ vô cùng bình tĩnh ấy của Lê Hồng Phong, kẻ thù đã phải hoảng sợ chùn tay, một tên cầm đầu bọn cai ngục đã rón rén lại gần và hất hàm hỏi: Ê! Tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn ngồi ăn? mày không biết đau à? Lê Hồng Phong thong thả đặt bát cơm xuống quắc mắt lại nhìn thẳng vào kẻ thù và dằn từng tiếng một: “ Chúng mày nói một ngày chúng mày không đánh cho chúng tao chảy máu thì chúng mày ăn không ngon, vậy nên chúng tao phải ăn để có máu đối phó với chúng mày ”, nói xong Lê Hồng Phong lại tiếp tục bưng bát cơm chan máu lên ăn như chưa có việc gì ghê gớm xảy ra. Nhiều đồng chí, anh em tù thấy chúng đánh đồng chí Lê Hồng Phong nhiều quá, họ không chịu nổi muốn xông ra liều chết với chúng, biết được ý nghĩ ấy, đồng chí Lê Hồng Phong đã khuyên can anh em chớ có hành động mạo hiểm, có lẽ chính bài học về phương pháp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền thụ ở Quảng Châu và kinh nghiệm hoạt động ở thực tiễn đã trở nên sâu sắc, sau đó Lê Hồng phon đã căn dặn các bạn tù: chúng ta không được ám sát cá nhân, chúng ta giết một thằng gian ác này, chúng sẽ đưa đến những thằng gian ác khác, và có khi có khi còn gian ác hơn những thằng trước, nếu chúng ta giết được một thằng cai ngục của chúng trong điều kiện chúng ta bị tước hết vũ khí chúng sẽ buộc tội ta nổi loạn cướp nhà tù để xả súng bắn chết hàng loạt anh em tù của chúng ta, các đồng chí phải bảo toàn cán bộ cho Đảng, tất cả chúng ta bị bắt vào đây chưa phải đã đến chỗ tuyệt vọng cùng đường, Đảng và phong trào quần chúng đang rất cần chúng ta, chúng ta không được hy sinh vô ích, vào tù tuyệt đối không được tự vẫn, vì tự vẫn là đầu hàng.

Thông qua các đầu mối liên lạc, đồng chí Lê Hồng Phong đã truyền đạt lại tinh thần của cách văn kiện về Đại hội VII của Quốc Tế Cộng Sản (7/1935) cho các đồng chí trong đảng ủy chi bộ nhà tù Côn đảo, trên cơ sở đó Đảng ủy Côn Đảo đã phân tích rõ thế yếu của chủ nghĩa Thực dân, giáo dục rộng rãi cho tù nhân chính trị ở đây, niềm tin son sắt cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên xô và các lực lượng tiến bộ chống Chủ nghĩa phát xít. Với âm mưu thủ đoạn tàn độc hòng giết dần, giết mòn tù nhân bằng chế độ lao tù khắc nghiệt của thực dân Pháp, sức khỏe tù nhân ngày càng suy kiệt, bệnh tật hoành hành, Banh II lúc ấy chật ních tù nhân, do chế độ ăn uống kham khổ, chân tay Lê Hồng Phong dần bị teo lại, cùng với bệnh kiết lị, hàng ngày thầy thuốc vào thăm bệnh phát thuốc, dù bị bệnh gì cũng chỉ có hai thứ thuốc là nước vôi và bột than, chỉ trường hợp cấp cứu mới đc đưa ra khỏi nhà thương và tiêm 1,2 ống hồi sức, tất cả bệnh nhân được tập trung về một chỗ lần lượt ra đi.Dù bị bệnh nhưng các đồng chí vẫn bị xiềng chân, ăn uống mất vệ sinh và các yêu sách đc trả lời bằng roi vọi.Nhưng trong lao tù khắc nghiệt, Lê Hồng Phong  và các anh em tù luôn dõi theo lạc quan vào cách mạng của Đảng.

Cũng trong thời gian ở Côn Đảo, sau khi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh được hơn 1 năm, Lê Hồng Phong mới hay tin về người vợ, người đồng chí của mình, vào một buổi trưa hè năm 1942, dưới gốc bàng xà lim số 2, đồng chí Lê Hồng Phong nói chuyện với người lính Gardrien Ấn Độ vừa ở đất liền ra: “ Chúng tôi có 1 nữ đồng chí là Minh Khai bị xét xử thế nào, ông có biết không”, vừa nghe đến cái tên Minh Khai, người lính Ấn với vẻ mặt trang nghiêm, đôi mắt buồn đứng lên cất mũ cúi chào rồi kể trong niềm xúc động: Bà lớn Minh Khai bị bắn chết rồi, tôi nói bà lớn là bà lớn thật, núi cũng phải nghiêng mình, cây cối cũng phải cúi chào bà !

Đồng chí Lê Hồng Phong lặng im như bức tượng đá, tim như ngừng đập, anh không muốn tin về điều khủng khiếp ấy, thế là người đồng chí trung kiên, người vợ yêu dấu của anh đã mãi mãi ra đi, Hồng Minh bé nhỏ đã mất mẹ, rồi sẽ mất cha...Côn Đảo lặng gió, những kỷ niệm hiếm hoi bên nhau chợt ùa về !

Ngày 6/9/1942 đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh tại khu cấm cố biệt lập Banh II, đồng chí đã sống, chiến đấu, yêu thương cho đến hơi thở cuối cùng với khí phách của người cộng sản : “ Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thằng lợi vẻ vang của Cách mạng “.

Tại Côn đảo, những tù nhân mỗi lần đi làm khổ sai lại đắp lên mộ của Lê Hồng Phong từng viên gạch đá, bất chấp sự đánh đập của bọn gác ngục, trong kháng chiến chống pháp, chống Mỹ bọn gác ngục nhiều lần đập phá ngôi mộ đồng chí Lê Hồng Phong để thị uy tù chính trị nhưng sau mỗi lần đập phá bia mộ mới lại được tù nhân chính trị dựng lên. Đã hơn 79 năm kể từ khi đồng chí Lê Hồng Phong ngã xuống, mỗi lần đến thăm nghĩa trang  Hàng Dương, đến thăm Côn Đảo, chúng ta lại bồi hồi xúc động trước những tượng đài bất khuất của Cách mạng Việt Nam. Các anh, các chị đã chiến đấu, đã yên giấc ngàn thu nhưng những câu chuyện về sự anh dũng, kiên trung của những người con yêu nước vẫn được kể mãi in đậm trong trang sử, trong tâm trí của mỗi chúng ta. Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí vì độc lập dân tộc và lý tưởng Cộng sản sẽ sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Ngày nay chúng ta học tập ở những bậc tiền bối như đồng chí đó là những phẩm chất, ý chí, tinh thần và niềm tin vững chắc vào Đảng, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Mộ đồng chí Lê Hồng Phong tại nghĩa trang Hàng Dương, Huyện Côn Đảo

Công Nam



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN