ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG - NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG.
Đồng chí Lê Hồng Phong sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân pháp xâm lược, dưới chế độ áp bức bóc lột nặng nề của thực dân, phong kiến. Đời sống của người dân lao động vô cùng cực khổ. Sớm thấy được nỗi khổ cùng cực của người dân mất nước, Lê Hồng Phong sớm hình thành khát vọng đi tìm con đường cứu nước.
Sau khi học xong sơ yếu lược thì cha mất Lê Hồng Phong đã rời làng xuống thị xã vinh làm nhiều nghề như thư ký ,đi buôn, rồi vào làm công nhân ở nhà máy Diêm – Bến Thủy ở thành phố Vinh. Trong thời gian này, đồng chí được tiếp xúc với những sách báo, thấy được nỗi khổ cùng cực của người dân mất nước. Vì vậy, Lê Hồng Phong đã sớm hòa nhập vào phong trào công nhân Vinh –Bến Thủy.
Đầu năm 1924 Lê Hồng Phong tìm đường xuất dương sang Thái Lan,Trung Quốc và gia nhập vào tổ chức “Tâm tâm xã”. Lê Hồng Phong đã theo học tại trường quân sự Hoàng Phố và trường Hàng không Quảng Châu. Ngày 10/2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc; Trường Lý luận quân sự Leningrat; Trường đào tạo phi công quân sự số 2 ở Goolepxkiơ;Trường đại học Phương Đông. Tại đây, ngày 25-5-1929 Lê Hồng Phong đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô.
Cuối năm 1929 đầu năm 1930, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam và Đông Dương Phát triển mạnh. Ở Việt Nam, từ tháng 6 – 1929 đến tháng 9 – 1929, ba tổ chức cộng sản lần lượt thành lập: Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản liên đoàn. Tuy nhiên trong một nước mà cùng tồn tại ba tổ chức cộng sản thì sẽ không có lợi cho việc tập hợp, tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng. vì vậy, từ ngày 06 - 01 đến 07 - 2 -1930 tại Hồng Công ( TQ) đã diễn ra hội nghị đại diện các tổ chức Cộng sản, hợp nhất thành một tổ chức thống nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Là một đảng viên Đảng Cộng Sản Liên Xô đang được học tại trường đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong đã có điều kiện nắm bắt đường lối của Quốc Tế Cộng Sản, đồng chí sớm nhận thấy vấn đề cần khẩn trương tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Quốc Tế Cộng Sản đối với phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương.
Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, mà đỉnh cao là xô viết nghệ tĩnh, cùng với cách mạng Việt Nam bị địch khủng bố cực kỳ ác liệt, phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn. Hầu hết các uỷ viên trung ương và các xứ uỷ viên Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ lần lượt bị địch bắt, bị thực dân Pháp và tay sai nhấn chìm trong biển máu, các cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ, hàng trăm, hàng ngàn cán bộ cách mạng đã bị bắt bớ tù đày.
Cuối 1931, Quốc tế cộng sản thông qua Ban Phương Đông bộ và phòng Đông Dương đã giao nhiệm vụ cho Lê Hồng Phong về nước “với tư cách là cán bộ của ban Trung ương chấp uỷ của Đảng”, tổ chức lại cơ sở Đảng từ trung ương tới địa phương đang bị khủng hoảng. Trong bức thư gửi Lê Hồng Phong ngày 7-2-1932, nữ đồng chí Vera Vaxilieva, trưởng phòng Đông Dương đã nêu rõ vai trò của Lê Hồng Phong là người tổ chức chính trong việc khôi phục cơ sở Đảng ở Đông Dương: “ Nhiệm vụ quan trọng nhất đặt lên vai các đồng chí là: tập hợp lực lượng của Đảng, củng cố hàng ngủ Đảng bằng công việc tỉ mỉ, hằng ngày không mệt mỏi, nhằm giành lấy quần chúng về phía mình, chuẩn bị toàn Đảng thực hiện lãnh đạo đấu tranh cách mạng thực sự”; “ chúng tôi giao đồng chí nhiệm vụ tổ chức một địa chỉ tuyệt đối tin cẩn để sau này chúng tôi có thể gửi cho các đồng chí tiền bạc và những chỉ thị của chúng tôi’’.
Lê Hồng Phong đã chắp nối liên lạc với các đồng chí kiên trung, thành lập ban chỉ huy ở ngoài của Đảng (tháng 3- 1934), đã từng bước khôi phục tổ chức Đảng và khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình hành động của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Chương trình hành động của Đảng là một văn kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự đúng đắn và nhất quán với đường lối cách mạng được Đảng ta vạch ra năm 1930. Chương trình hành động của Đảng đã mang lại cho cán bộ, đảng viên và quần chúng niềm tin vững chắc vào tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng cầu an, hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng quần chúng. Dựa vào nội dung của chương trình hành động, Lê Hồng Phong đã cùng một số đồng chí mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cho phong trào trong nước, giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ lúc bấy giờ, nhờ đó năm 1933, Xứ Uỷ Nam Kỳ được tổ chức lại. Năm 1934 Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ được thành lập, tiếp đó là Xứ Uỷ Trung Kỳ, một số Tỉnh uỷ, thành uỷ cũng đã được xây dựng lại.
Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng gồm có 3 đồng chí; Lê Hồng Phong làm thư ký, Hà Huy Tập làm tuyên truyền cổ động và tổng biên tập Tạp chí Bônsovich, Nguyễn Văn Dựt phụ trách kiểm tra. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng dẫn đến thành công đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng Sản Đông Dương vào tháng 3 năm 1935. Tại đại hội này Lê Hồng Phong được bầu làm tổng bí thư của Đảng, điều đó khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí đối với việc tái lập cơ quan lãnh đạo và xây dựng đường lối của Đảng. Qua đó khẳng định dấu ấn sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta trong những năm tháng khó khăn của phong trào cách mạng.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng Sản Đông Dương khẳng định sự khôi phục, phát triển và lớn mạnh của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở sau một thời gian dài do Địch khủng bố. đại hội đã bầu vắng mặt đồng chí Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng bí thư đã một lần nữa khẳng định công lao và uy tín của đồng chí đối với việc khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Đặc biệt là đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị đại hội lần thứ I của Đảng.
Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản diễn ra ở Matxcova vào tháng 7 năm 1935. Đoàn gồm có 3 đồng chí: đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hoàng Văn Nọn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Tại đại hội này Lê Hồng Phong đã có bài phát biểu tham luận đặc biệt quan trọng chỉ ra phong trào chung của đảng cộng sản Đông Dương, nhất là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những đóng góp của đồng chí Lê Hồng Phong thể hiện trong luận điểm của bản tham luận trình bày tại đại hội. Đại hội đánh giá cao và ghi nhận sự trưởng thành của Đảng Cộng Sản Đông Dương .Và cũng chính tại đại hội này Đảng ta đã trở thành phân bộ chính thức của Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong vinh dự được bầu làm ủy viên ban chấp hành Quốc tế cộng sản với bí danh là Hải An.
Cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong thời gian này đồng chí Lê hồng Phong tiếp tục cùng trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, Lê Hồng Phong có công lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng. Lê Hồng Phong đã tích cực tham gia khôi phục tổ chức của Đảng và lãnh đạo Phong trào mặt trận dân chủ 1936- 1939, tích cực đấu tranh trên mặt trận báo chí cách mạng của Đảng, góp phần đưa cách mạng tiến lên. Giai đoạn này Lê Hồng Phong, đã lăn lộn trong phong trào ở các khu lao động nội, ngoại thành, bí mật đến nói chuyện với nhiều cuộc họp, mở lớp huấn luyện cho cán bộ và cũng cố các tổ chức Đảng ở các tỉnh Nam Kỳ. Với cương vị là uỷ viên Ban chấp hành quốc tế Cộng Sản. Đồng chí chỉ đạo hội nghị Ban chấp hành Trung ương (3-1938) bàn việc mở rộng hơn nữa chính sách mặt trận của Đảng, đấu tranh chống lại các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, bám sát với tình hình thực tế, Lê Hồng Phong cùng với trung ương Đảng quyết định chuyển hướng nhằm tập hợp rộng rãi đông đảo quần chúng. Nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng cùng với sự chỉ đạo chặt chẽ của đồng chí Lê Hồng Phong và ban chấp hành trung ương, cao trào đấu tranh năm 1936- 1939 phát triển mạnh mẽ và đã thu đc thắng lợi quan trọng, đây là lần đầu tiên từ khi ra đời, Đảng ta đã xây dựng được trên thực tế một đạo quân chính trị đông đảo và phát động cao trào đấu tranh công khai hợp pháp kết hợp với bán công khai chống đế quốc , thực dân phản động rộng khắp trong cả nước. Có thể nói, trong những thắng lợi của cao trào đấu tranh dân chủ đều in đậm công lao và cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong. Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao thì ngày 22/6/1939 đồng chí đã bị bắt tại Sài Gòn, thực dân pháp đã tìm mọi hình thức tra tấn, hành hạ nhưng không có kết quả, cuối cùng chúng đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội mang thẻ căn cước giả.
Vào tháng 1-1940 Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ 2 và đưa vào giam giữ tại Khám Lớn, toà thượng thẩm Sài Gòn kết án đồng chí 5 năm tù, mất quền công dân và chính trị, và 10 năm cấm cư trú vì “ hoạt động lật đổ”. Cuối năm 1940, sau một thời gian đồng chí bị giam giữ ở Sài Gòn, Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo với những trận đòn thù, tàn ác, ghê rợn, trên một cơ thể đã héo hon vì chứng kiết lị, bởi những bữa cơm hẩm, canh thiu, đã làm cho đồng chí dần dần kiệt sức. Vào trưa ngày 06/9/1942 tại xà lim số 5 banh II, Lê Hồng Phong đã vĩnh viễn từ biệt anh em. Trước khi trút hơi thở cuối cùng Lê Hồng Phong đã nhắn lại với các bạn tù của mình rằng: “nhờ các đồng chí nói với đảng rằng tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Hiện nay mộ của đồng chí nằm tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với 40 năm tuổi đời, 20 năm hoạt động, tích cực, sôi nổi đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng Đảng cả về tư tưởng , chính trị và tổ chức, nhất là công lao khôi phục, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã trở thành bản hùng ca về một Đảng viên Đảng cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo cao cấp của đảng, một tấm gương sáng ngời cho các thế hệ tiếp bước noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi sáng chói trong sự nghiệp cách mạng anh hùng của nhân dân ta, trong ký ức và niềm kính trọng vô bờ của mỗi người dân Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Hồng Phong người cộng sản kiên cường (hồi ký) – Nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2002.
- Lê Hồng Phong chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2012.
- Lê Hồng Phong tiểu sử,nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2007
- Lê Hồng Phong một số tác phẩm, nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2007.
Lê Vinh
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội