Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Người nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên

08:44 02/06/2020

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Anh hùng Võ Thị Sáu,...

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường bất khuất, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng. Những nữ chiến sỹ đó phải kể đến nữ chiến sỹ cách mạng tiền bối của Đảng, người nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ngày 1/11/1910 tại xã Vĩnh Yên (nay là thành phố Vinh). Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ “Sống có chí hướng dù phải hi sinh hạnh phúc riêng”, năm 1926, khi mới tròn 16 tuổi, đồng chí đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và lần lượt được kết nạp vào các tổ chức cộng sản như Đảng Tân Việt, Đông Dương Cộng sản đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1930, đồng chí  được cử sang hoạt động tại Văn phòng chi nhánh Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản tại Hương Cảng ( Trung Quốc). Năm 1935, đồng chí tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Mat- xcơ –va và có bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1936, đồng chí về nước, hoạt động tại Xứ ủy Nam Kỳ, tham gia lãnh đạo phong trào dân chủ giai đoạn 1936 – 1939 với bí danh Năm Bắc và Xứ ủy Nam Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên giữ chức Bí thư thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đầu năm 1939, lúc đó đồng chí mới 29 tuổi, và kiêm chỉ đạo trực tiếp Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Công ty Hỏa xa Sài Gòn. Nhiệm vụ đặt ra nặng nề hơn khi giữa năm này, nguy cơ phát xít Nhật đang lăm le chiếm Đông Dương, Đảng ta chủ trương mở rộng Mặt trận Nhân dân Đông Dương. Với đường lối vừa chống phản động thuộc địa, vừa chống phong kiến Bảo Đại, lại vừa chống bọn Trốtkít chui vào Đảng. Tại Sài Gòn, nữ Bí thư Thành ủy Minh Khai, càng dồn bao tâm lực, vừa viết bài đấu tranh trên báo chí, vừa cùng các tổ chức Đảng tranh luận thẳng thắn với chúng, vạch trần âm mưu của bọn Trốtkít, đội lốt đảng chui vào phá hoại Đảng bộ Sài Gòn.

Một điều không may cho Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Xứ ủy Nam Kỳ là bọn mật thám Pháp đã theo dõi từng bước đi của các cán bộ chủ chốt Thành ủy và các cán bộ của Xứ ủy. Mờ sáng ngày 30/7/1940, trong vai một nữ nông dân tay xách làn trái cây, chân đi đôi guốc gỗ, mặc áo dài đen, đồng chí đi thong thả đến địa điểm mới của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn ở bến Bình Đông. Không ngờ, từ tín hiệu nhà có cửa phố vẫn khép hờ một bên, còn một bên đóng rất chặt: Dấu hiệu an toàn, nhưng khi bước qua ngưỡng cửa, đồng chí mới biết cơ sở đã bị lộ và bị mật thám Pháp bắt giữ. Trong tù, biết đồng chí là nhân vật quan trọng, chúng giam đồng chí vào căn phòng có chiếc sọ người giữa nhà, dùng đủ cực hình để tra tấn nhưng đồng chí quyết không khai. Tra tấn bằng mọi cách vẫn không khai thác được gì, thực dân Pháp cho giam đồng chí vào nhà giam Phú Mỹ, Sài Gòn. Đồng chí lại tiếp tục cùng chị em phụ nữ trong khám đấu tranh.

Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Hồng Phong cũng như các lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần... đã sa vào tay thực dân Pháp. Mật thám Pháp tổ chức một cuộc đối chất cuối năm 1940, cho đồng chí gặp đồng chí Lê Hồng Phong để tìm ra mối quan hệ giữa hai người, nhằm kết án tử hình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Một cuộc gặp gỡ không ai lại không muốn gặp để được ngồi gần nhìn người mình thương yêu. Song để giữ bí mật, hai người vẫn tỏ ra bình thản như chưa quen bao giờ. Thất bại, chúng tiếp tục đày Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ra nhà tù Côn Đảo.

Sự tra tấn hết sức dã man, tàn bạo của kẻ thù không  khuất phục được ý chí của người cộng sản bất khuất, kiên trung, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng:

“Dù đánh dù treo càng kiên quyết

Dù kìm dù kẹp chẳng sai lời

Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi...”

Vì vậy, thực dân Pháp đã kết án tử hình và đưa đồng chí cùng các lãnh tụ trung kiên của Đảng ta: Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến... ra xử bắn tại ngã tư Giếng Nước trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn -  Gia Định) vào sáng ngày 28/8/1941 . Trước khi bọn thi hành án cởi trói, cởi khăn bịt mắt, đồng chí vẫn bình thản diễn thuyết cả 5 phút cho đồng bào và nói cả tiếng Pháp cho những người lính Pháp biết việc chính nghĩa của những người Cộng sản Việt Nam đang làm. Đồng chí đã bí mật viết vào mảnh giấy cuốn tròn trong điếu thuốc lá gửi cho chồng, khi Tổng Bí thư còn đang ở nhà tù Côn Đảo : “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy". Và đồng chí Nguyễn Thị  Minh Khai đã mãi đi xa trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Bà Điểm, của bà con Hóc Môn, Sài Gòn - Gia Định.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang Nguyễn Thị Minh Khai sẽ mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

Lê Ngọc Thịnh



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN