ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI _ NỮ BÍ THƯ DUY NHẤT CỦA THÀNH ỦY SÀI GÒN - CHỢ LỚN

15:46 29/06/2024

Một thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tháng 2/1930, Xứ ủy Nam Kỳ phải trực tiếp lãnh đạo các tỉnh miền Nam do phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nhiều lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ bị bắt dẫn đến nhiều Đảng bộ phải giải tán.

Tháng 4/1931, chính quyền Pháp hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến tháng 4/1932, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được tái lập và được duy trì cho đến năm 1954. Trong 22 năm này, rất nhiều đảng viên kiên trung lần lượt bị chính quyền thực dân bắt bớ, chém giết, tù đày nên đã có 13 lãnh tụ cách mạng lần luợt đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Thành uỷ. Riêng trong 13 năm, từ 1932 đến 1945, đã có tới 10 đảng viên lần lượt là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó Nguyễn Thị Minh Khai đã giữ chức vụ này từ năm 1937 đến năm 1940. Cho tới nay, trong lịch sử 90 năm của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có Nguyễn Thị Minh Khai là nữ Bí thư Thành uỷ đầu tiên và duy nhất.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Nguyễn Thị Minh Khai nhận nhiệm vụ về hoạt động tại Sài Gòn (1937). Về nước, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ và được chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Lúc này căn cứ hoạt động của Trung Ương Đảng chính là địa danh 18 thôn vườn trầu. Đường vào thôn là những con đường đất đỏ chói chang chang nắng. Nhà nào cũng hai ba giàn trầu xanh rờn quấn quýt, rậm rạp và kín đáo. Trung tâm của căn cứ đó chính là làng Tân Thới Nhứt, nơi mở 5 cuộc hội nghị quan trọng của TW Đảng. Lúc này Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những người chỉ đạo trực tiếp phong trào đấu tranh của công nhân tại Nhà máy đóng tàu Ba Son và công ty hỏa xa sài gòn, là diễn giả xuất sắc của nhiều cuộc mít tinh biểu tình tại các rạp hát lớn và là cây bút sắc sảo của tờ báo Dân Chúng (đây là cơ quan ngôn luận của ĐCS Đông Dương có trụ sở tại số 43 đường Hamelin nay là đg Lê Thị Hồng Gấm do đồng chí Hà huy tập và Nguyễn Văn cừ làm chủ biên.)

Kỷ vật thời kỳ hoạt động tại Miền Nam của cô Năm Bắc

Ngày ấy, người dân Nam Kỳ quen thuộc với hình ảnh chị trong bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn Nam bộ nhưng lại nói giọng Bắc ấm áp, họ thân thương gọi chị với cái tên Cô Năm Bắc Kỳ. Dù phải hoạt động trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng cô Năm Bắc luôn nhận được sự thương yêu giúp đỡ của bà con cô bác nơi đây. Nhà bà Nguyễn Thị Sóc, nhà ông Năm Rồi, nhà bà Trương Thị Quế…là những gia đình đã che dấu, đùm bọc và là cơ sở hoạt động của chị Minh Khai thời kỳ ấy.

Tháng 9/1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Xứ ủy Nam Kỳ nhận định tình hình và chủ trương khởi nghĩa. Tuy nhiên chủ trương này bị mật thám Pháp phát hiện được, Chúng ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hầu hết các cán bộ chủ chốt của Đảng tại Nam Kỳ đều sa vào tay giặc. Ngày 30/7/1940, sau khi dự họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt đưa về Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Trong tù, bà tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh và với cương vị là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn đồng thời là Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ nên bà vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ngày 23/11/1940 cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Chính quyền địch ở nhiều nơi hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập đã tiến hành tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, do kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp kịp thời huy động lực lượng đối phó, điên cuồng khủng bố cực kỳ tàn khốc, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt, bị xử tử, lưu đày. Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi và để trả thù, toà án thực dân Pháp đã kết án tử hình Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng 26/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí bị giặc đem xử bắn ở Nhà thương Giếng nước, Hóc Môn.

Nguyễn Thị Minh Khai đã ngã xuống khi mới chỉ 31 tuổi. Song cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tấm gương hy sinh anh dũng của bà và các chiến sỹ cách mạng vẫn mãi mãi sáng ngời. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau học tập và sống mãi cùng dân tộc Việt Nam.

Trần Thị Thu Hằng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN