PHAN BỘI CHÂU VỚI HÁT VÍ PHƯỜNG VẢI

15:59 15/02/2023

Có thể nói lịch sử chính trị nước Việt Nam trong trong 25 năm đầu thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi của Phan Bội Châu. Cụ là lãnh tụ của Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội đặc biệt là phong trào Đông Du nức tiếng một thời. Không chỉ là nhà chí sĩ yêu nước, Phan Bội Châu còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của dân tộc đầu thế kỷ 20.

Khi còn hoạt động ở quê, Phan Bội Châu nổi tiếng là một tay hát Ví lừng danh khắp vùng. Vốn bản tính thông minh, uyên bác, nhanh trí, trong cuộc đời mình, Phan Bội Châu đã đi hát Ví ở nhiều nơi và để lại nhiều giai thoại “làng Ví” nổi tiếng. Những câu hát Ví của Phan không chỉ thể hiện tình cảm thông thường mà nó còn phán ánh tâm tư của một người ưu thời mẫn thế, luôn đau đáu trong tim một nỗi niềm yêu nước chứa chan.

Phan Bội Châu (tên khai sinh là Phan Văn San) sinh ra trên mảnh đất Nam Đàn, là chiếc nôi của các làn điệu hát Ví, hát Giặm mộc mạc mà chứa chan tình người. Đó chính là dòng sữa thơm ngọt của quê hương nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của Phan Bội Châu. Đồng thời, ngay từ khi mới lọt lòng, Phan Bội Châu đã được tắm trong bầu văn học dân gian qua những lời ru ngọt ngào của mẹ cùng với tố chất thông minh sẵn có mà người xưa gọi là thần đồng và sớm có ý thức dân tộc. Tất cả những điều đó đã hình thành nên cốt cách của nhà văn hóa Phan Bội Châu.

Thời thanh niên, Phan Bội Châu rất say mê hát phường vải. Trong những đêm trăng thanh gió mát, lúc nhàn rỗi, Phan lại cùng các bạn đi đến các phường vải trong vùng để hát. Vừa hát hay vừa đặt câu hát tài lại vừa đưa tinh thần dân tộc vào một cách khéo léo tài tình để khêu gợi lòng yêu nước trong Nhân dân. Phan Bội Châu xứng đáng là một nghệ nhân dân gian ưu tú trong đám sĩ phu đi hát phường vải. Phường nào có Phan đến là rộn rã, nổi tiếng hẳn lên. Hiện nay, Nhân dân xứ Nghệ còn lưu truyền khá nhiều bài hát và giai thoại mang nội dung yêu nước và sự thông minh uyên bác của Phan Văn San.

Chẳng hạn, lần nọ Phan đến hát tại phường vải Kim Liên, các o phường vải hỏi:

Nhất vui thơ túi rượu bầu

Biết ai khanh tướng công hầu là ai

Phan bèn đáp: Mặc ai khanh tướng công hầu

Dưới thành luống những muốn câu cá kình

Vốn sinh ra khi đất nước đã rơi vào tay giặc Pháp, hàng ngày chứng kiến nỗi cùng cực của Nhân dân dưới cảnh một cổ hai tròng, Phan Văn San luôn nung nấu một khát vọng giải phóng dân tộc để làm cho “Tổ quốc chúng ta có ngày tái tạo, cho nòi giống chúng ta muôn thưở yên vui” chứ không nghĩ đến chuyện công danh để vinh thân phì gia như một số nhà nho khác.

Hay khi Phan đến Nam Kim, bạn nữ hát rằng;

Xáp nhau một gánh nặng nề

Giang sơn bịn rịn, tình quê nghẹn ngào

Đối với con người luôn đặt vận mệnh nước nhà lên trên hết ấy thì tình cảm riêng tư trong lúc này Phan không thể nghĩ đến, Phan đáp:

Đêm xuân gặp gỡ giữa đường

Non sông một đội, cương thường hai vai.

Biết là không thể lấp lửng với anh Đầu xứ San này mãi được, thời gian gặp gỡ có hạn, bạn nữ đã bộc lộ một cách thành thật tấm chân tình của mình:

Chung vai chung cả đò đầy

Cho em chung mẹ chung thầy với anh

Âu đó cũng là nhi nữ thường tình. Nào ngờ Phan đã mở rộng tình cảm lứa đôi ấy thành tình nước non, thành nghĩa hợp quần để kêu gọi tinh thần dân tộc:

Chung binh chung tướng chung vương

Cùng anh chung cả tứ phương sơn hà

Quả là một chàng trai có chí lớn, có trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc. Và chính trong các cuộc hát phường vải như thế, Phan đã góp phần tác động, thức tỉnh và kêu gọi Nhân dân phải có ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Vì thế, sau này đã có bao người trở thành bạn đồng tâm, đồng chí cùng Phan gánh vác việc giang sơn, bao thanh niên đã đi theo Phan, hăm hở nhiệt tình như Phan trong đó có cả đám quần thoa cũng nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Phan:

Ầm ầm nghe tiếng ông San

Rủ nhau cất gánh lên ngàn tìm hoa

Tức thì nhân đây ông San cũng niềm nở mời chị em tham gia việc nước:

Chị em cất gánh sơn hà

Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.

Người ta thường nghĩ hát ví phường vải là một sinh hoạt văn hóa để giải trí, làm vơi bớt nỗi nhọc nhằn của người lao động trên những cánh đồng quê, trong những đêm trăng thanh gió mát nhưng với Phan Văn San, tham gia hát phường vải không những là để tham gia sinh hoạt văn hóa dân gian mà mượn hình thức này để bày tỏ tâm sự, kêu gọi mọi người cùng thể hiện ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Quả là Phan Văn San đã thổi một luồng sinh khí mới vào hát phương vải, đánh một cái mốc lớn là đưa nội dung yêu nước vào hát phường vải, dùng phường vải làm phương tiện để tuyên truyền, động viên lòng yêu nước trong Nhân dân. Phan Bội Châu thật đã không bỏ phí một khoảnh khắc thời gian nào để sống một cách có ích nhất. Cả cuộc đời cụ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả ấy. Cụ là vì sao sáng trên bầu trời cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, trong mỗi câu hát phường vải của Phan Văn San ta còn nhận thấy tài ứng đối nhanh nhạy, thông minh và uyên bác của chàng.

Một lần nọ có ông Cửu Thiện bên Hà Tĩnh sang Nam Đàn chơi hát phường vải, vừa vào, phường hát hát câu hỏi chào tên tuổi quê quán, ông ta liền cao giọng trả lời:

Đào Nguyên một giải thanh thanh

Tiền Triều đã định, liên thành còn in

Cả phường vải ngơ ngác không hiểu ông ta nói gì, đang thế bí ấy thì Phan Văn San xuất hiện và giải đáp được ngay:

Hương Sơn là chốn quê nhà

Phải rằng danh Bích có là đúng chăng?

Câu đối lại của chàng San khiến Cửu Thiện phải bái phục. Bởi ông ta đã dụng ý đặt một cách uyên bác, dùng điển cố sâu xa, lấy tài liệu ở địa phương mình thế mà đầu xứ San vẫn luận ra. Đào Nguyên là 1 tên gọi khác của sông Ngàn Phố thuộc huyện Hương Sơn Hà Tĩnh, Tiền Triều cũng là tên chỉ làng Tuần lễ. Không có vốn hiểu biết sâu rộng thì không thể trả lời được. Lại còn chữ liên thành, Cửu Thiện đã mượn trong sách cổ “liên thành vi bích”(ngọc bích là ngọc liên thành). Mà Bích là tên trong sổ bộ của Cửu Thiện. Phan Văn San đã chỉ rõ họ tên quê quán của Cửu Thiện. Câu đối lại của chàng San khiến cả phường vải ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Hay một lần nọ, Phan cùng các bạn lên hát ở phường vải Thanh Chương. Các o liền hỏi:

Bốn chàng quê quán ở đâu?

Xin tường danh tính để sau khuyên chào

Tức thì Phan đáp:

Nam Đàn tứ hổ là đây

San, Sắc, Lương, Quý một bầy bốn anh.

Chỉ một câu mà đủ cả bốn tên cùng quê quán, lời văn ngắn gọn, hóm hỉnh, sâu sắc, gọi  ‘tứ hổ’  là bầy hổ. Bốn anh này là Phan Văn San (người làng Đan Nhiệm, có tài mẫn tiệp); Nguyễn Đình Song (người làng Xuân Hồ, học hành thâm thúy); Trần Văn Lương (người làng Kim Liên, trí nhớ tuyệt vời); Vương Thúc Quý (người làng Kim Liên, sắc sảo thông minh). Tất cả đều hoạt động trong phong trào Duy Tân.

Khi nôm na dân giã như vậy trong từng lời hát đối đáp nhưng cũng có khi Phan cũng chơi chữ rất uyên bác. Chẳng hạn một lần nọ Phan đến hát ở một phường vải làng bên, các bạn nữ hỏi rằng :

Vấn quân hà quận hà châu

Hà danh hà tính xuân thâu kỷ hà

Trong câu hát có chữ châu là tên nhà chí sỹ, chữ sao , là chi, nào , là bao nhiêu . Nhưng chữ t iếng Việt lại là một thứ côn trùng hay ăn mọt ruỗng các loại củ như củ khoai lang.. Phan đã rất tài tình trả lời :

Anh đây sùng quận sùng châu

Sùng danh sùng tính, xuân thâu cũng sùng

Đem chữ « sùng » đối với chữ « hà » thì thật là sâu sắc, về tiếng Việt lẫn Hán đều có ý nghĩa.

Thật là một con người có tài ứng đối mẫn tiệp ! Như vậy, chúng ta đừng có nghĩ rằng dân ca Ví, Giặm là sản phẩm mộc mạc, giản dị của những người lao động chân lấm tay bùn một thời mà nó còn là sự kết tinh tinh hoa trí tuệ của dân gian trong đó có trí tuệ của những nhà nho. Và đến với hát phường vải không chỉ là để giải trí mà đến với phường vải là để khám phá đời sống tinh thần phong phú của người dân, hiểu được những tâm sự, ước mơ, khát vọng của họ.

Và tìm hiểu về Phan trong các cuộc đi hát phường vải, chúng ta còn nhận thấy một Đầu xứ San hào hoa, lãng tử, đa tình. Cái hào hoa, lãng tử của một nhà nho uyên bác, nặng nghĩa tình với nước non đã làm say mê bao tâm hồn các cô gái làng lúc bấy giờ. Nhiều giai thoại về các mối tình của Phan còn được nhân dân lưu truyền tới ngay ngay. Đó là cái tình thanh khí giữa chàng Phan với o Diên, với o Dũng Thơn (em ruột bà Hoàng Thị Loan)…

Ra về có nhớ em không

Hay là vui thú vườn hồng quên đi

Cụ Phan trả lời :

Ra về nhớ lắm em ơi

Nhớ duyên em nói, nhớ lời em thưa

Hay :

Ra về bớt dặn tương tư

Bớt thương bớt nhớ kẻo hư thân mình

Cụ Phan tiếp lời :

Ra về dặn ngọc thề vàng

Duyên càng thắm mãi, dạ càng nhớ lâu.

Và nói như cụ :

Xưa nay những kẻ ngang tàng

Tài bao nhiêu ấy tình càng bấy nhiêu

Nhưng chúng ta biết với cụ , những tình cảm ấy chỉ là thoảng qua, là tình lứa đôi nhất thời còn cái sâu nặng nhất vẫn là tình non nước nên khi o Diên hát :

Ra về để áo lại đây

Để đêm thiếp đắp, để ngày xông hương

Cụ Phan dứt khoát :

Ra về gửi bức chinh bào

Xin đem máu đỏ nhuộm đào non sông.

Thế nên o Diên ôm mãi mối tình tơ vương :

Nước chảy cho đá trôi nghiêng

Chàng lo chung thiên hạ, thiếp sầu riêng một mình.

Với bài viết nhỏ này, xin giới thiệu thêm một vài nét trong quan hệ giữa Phan Bội Châu và quần chúng nhân dân, giữa Phan với nền văn hoá dân gian để chúng ta hiểu thêm tính cách của Phan, văn thơ của Phan; đồng thời cũng hiểu được thêm tính cách của người xứ Nghệ, nét đẹp văn hoá của xứ Nghệ.

Như vậy, đối với Phan Bội Châu, yêu nước không chỉ là đi tìm đường giải phóng dân tộc mà Cụ còn góp phần gìn giữ nuôi dưỡng và phát triển những giá trị di sản văn hóa dân gian của dân tộc. Hiểu được Phan Bội Châu như thế chúng ta càng biết ơn, trân trọng, và ngưỡng mộ cụ hơn. Và ở Nam Đàn, bà con đã đồng nhất giữa hát phường vải và Phan Bội Châu, hay nói một cách khác hễ nói đến hát phường vải là nói đến Phan Bội Châu. Nghệ An chúng ta tự hào dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó không chỉ là niềm tự hào của chúng ta mà còn đặt ra trách nhiệm phải biết bảo vệ gìn giữ, phát huy có hiệu quả di sản ấy.

Nguyễn Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN