QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TU BỔ, TÔN TẠO TẠI ĐỀN KHAI LONG XÃ TRUNG SƠN, HUYỆN ĐÔ LƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN

15:20 28/11/2024

Đền Khai Long, xã Trung Sơn huyện Đô Lương là công trình tâm linh gắn với vùng đất xưa và nay là huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Theo các tài liệu cho biết Đền Khai Long thờ thần Khai Long Sứ Quân. Tuy nhiên thần tích, công trạng của vị thần này đang có một số ý kiến khác nhau. Nhưng cho dù thần Khai Long Sứ Quân là ai, thì với sự tồn tại của Đền Khai Long, xã Trung Sơn cùng hệ thống sắc phong của ngài là minh chứng cho sự linh thiêng của nhân vật thờ tại di tích.

- Công tác xây dựng, bảo tồn và tôn tạo di tích Đền Khai Long

Biển ký khắc niên đại trùng tu đền Khai Long, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương

Đền Khai Long tọa lạc dưới chân Rú Đền (tên chữ Hán là “支龍山 Chi Long sơn ), làng Đông Bích, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xóm 1, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) là một ngôi đền linh thiêng.

Hiện nay chưa có tài liệu nào có thể xác định được chính xác niên đại xây dựng của đền. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm như các sắc phong, biển ký… thì có thể thấy đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Trong suốt quá trình tồn tại đền đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo. Hiện nay đang có một số tài liệu Hán Nôm như biển ký, “Thượng miếu sắc sao”, hồ sơ kiểm kê di tích năm 1964 ghi chép về việc trùng tu di tích, cụ thể như sau:

- Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872) cho biết đền có hai lần trùng tu lớn vào cuối thời Nguyễn vào năm 1872 và năm 1901:

+ Biển ký ghi rõ Đền Khai Long được gọi là 上等開隆靈祠 Thượng Đẳng Khai Long Linh Từ ”. Đền có kiến trúc gồm 3 tòa: Thượng đường, Trung đường, Hạ đường và Nghi môn. Mỗi hạng mục công trình giao cho mỗi xã có trách nhiệm trùng tu: “Thượng đường, Hạ đường do xã Thuần Trung; Trung đường do xã Phật Kệ, Trường Mỹ; Hạ đường do xã Phượng Nghi; Nghi môn do xã Sơn La” [1] . Trong biển ký cũng viết: “đền bị hư hỏng lâu ngày, tổng ta đã nhiều phen hội họp bàn bạc việc tu sửa, mọi người cũng đã nói nhiều nhưng đều chưa thỏa mãn. Nay nhân vâng theo ngài (họ) Tôn Thất là Tri phủ của phủ ta quyên tiền để cúng vào đền và sức trát việc trùng tu đền” . Sau khi trùng tu xong, tổng Thuần Trung đã làm 5 bản “giao từ” [2] trình lên phủ đường xem xét và phê bút ký vào văn bản rồi giao lại cho mỗi xã giữ một bản để lưu làm bằng cứ [3] . Như vậy có thể thấy đây là một ngôi đền có tầm ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn, không chỉ cả tổng cùng phụng sự mà ngôi đền này còn được phủ đường Anh Sơn rất quan tâm.

+ Năm 1901, trong nội dung Biển ký khắc: Đền tiếp tục được trùng tu, ghi lại việc sơn thếp lại “linh từ chính vị” và đồ tế khí tổng cộng hết 300 quan tiền. Đồng thời ghi rõ số tiền đóng góp cả các làng, xã, phường, hội và các cá nhân.

- Theo tài liệu “Thượng miếu sắc sao”上廟勑抄 do chức sắc xã Thuần Trung lập vào ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901), đang được lưu giữ tại đền Linh Kiếm, gồm có 74 trang, viết tay bằng chữ Hán. Cuối tài liệu này còn có đóng dấu và ký tên của Lý trưởng 9 làng thuộc xã Thuần Trung (Đông Bích, Thuần Hậu, Trung Thượng, Mỹ Trung, Tiên Cung, Thuận Lý, Dinh Chu, Phú Văn, Hiếu Thiện).

Trang thứ 3, 4,5 viết “ngày tốt tháng Dậu (tháng 8) năm Bính Tuất Thiên tử vạn niên năm thứ 2 (1886), dân xã kính sao sắc phong các triều đại ban cho 02 tòa đền thiêng, gồm 32 tờ, giao cho làng Đông Bích gìn giữ. Nay ghi lại.

Ngày 20/4 năm Thành Thái 13 (1901), toàn xã Thuần Trung kính biên chép. Nay nhân bản tổng sơn thếp tòa chính vị, bèn kiểm tra lại sắc phong của các triều đại ban tặng cho. Bắt đầu từ đời Lê Thần Tông niên hiệu Đức Long ban một đạo, đến triều Nguyễn niên hiệu Thành Thái năm thứ 6 (1894) ban một đạo, tổng cộng là 21 đạo. Phần phụng sao này có 28 tờ, niên hiệu, thứ tư tra cứu rõ ràng, có đánh dấu ở mép giấy, từ nay về sau tiếp tục chép vào không sai.

Ngày 26/4 năm nay (tức năm Thành Thái 13), xã Thuần Trung mời ông Nguyễn Tài Đôn làm chức Tri phủ phủ Thuận Thành, người làng Thượng Thọ, xã Đại Đồng (nay là xã Đại Đồng, Thanh Chương) viết bài vị cho thần là “Thánh Thượng Khai Long Sứ Quân, tiền triều sắc phong Hiển ứng Chiêu linh, Hoằng phúc Quảng nhân, Bác trí Trợ thuận, Phù vận Bảo nghiệp, Huy vũ Hậu đức, Chí nhân Tuy phúc, Bảo hựu Hùng lược, Hoằng nghị Trạch vật, Hiển hựu Phổ hóa, Phù tộ Đôn thông, Dũng trí Triệu mưu, Diên huống Thùy hưu, Hộ quốc Dực vận, Tán trị Đôn nhân, Phấn vũ Bố uy, Dũng đạt Minh quang, Linh trí Cương nghị, Phong niên Nhân dân, Uy dũng Anh công, Vĩ lược Thạc đức, Phù vận Khuông tích, Hưng bình Thuần nghĩa, Hoành mô Đạt lược, Vĩ tích Tứ hi, Tập khánh Đốc hỗ, Lệnh văn Linh dự, Chương khánh Đốc hưu, Đôn hoành Tuy thổ, Diên huống Anh nghị, Quả quyết Phổ bác, Khoan du Đoan túc, Thân hưu Dực chính, Diên hi Thượng đẳng Tôn thần; Hoàng triều sắc phong Huyền hỗ Thuần hi, Diệu cảm Thuần chính, Trác vĩ, Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng Tôn thần, Chính thần vị” [4] .

Một trang trong " Thượng miếu sắc sao" ghi vị hiệu của Khai Long sứ quân được lập vào năm Thành Thái thứ 13 (1901)

- Ngoài ra, tại kho tài liệu của Ban Quản lý Di tích Nghệ An còn lưu giữ hồ sơ kiểm kê di tích năm 1964 do Ty Văn hóa Nghệ An thực hiện. Phiếu kiểm kê di sản Đền Khai Long đề ngày 8/5/1964, do ông Phan Văn Tú và Nguyễn Cao Xuân lập, có xác nhận của Ủy ban Hành chính xã Trung Sơn. Theo tài liệu này cho biết: Đền Khai Long còn có tên gọi là đền Cả, địa chỉ tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương (xưa là xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn). Đền thờ thần “Khai Long Sứ Quân”.

Đền đã trải qua nhiều lần tu sửa như năm 1891, 1892 sửa chữa tại đền và sơn lại một số đồ tế khí; năm 1936 sửa chữa và xây thêm cửa tam quan. Trong kháng chiến do bom đạn nên đền bị hư hỏng ngói và Nghi Môn. Tại thời điểm năm 1964, nhà Hạ điện đã bị phá dỡ, chỉ còn lại nền móng, nhà Trung điện được làm văn phòng của trường cấp 2 xã Trung Sơn, cũng bị hư hỏng nhiều. Nhà Thượng điện đã bị mối mọt, ngói vỡ, khung nhà hư hỏng rất nhiều. Đồ tế khí của đền lúc này chỉ còn: 1 bộ kiệu thời Lê, một chiếc áo rồng có mũ và đai, bốn bộ áo của ông từ, 16 đồng tiền đồng đề hiệu “Khai Long thông bảo”, một hộp sắc phong còn nguyên vẹn.

Đền Khai Long được chụp năm 2010 (ảnh lưu tại Kho Ban quản lý Di tích Nghệ An)

Năm 1976 theo chủ trương của chính quyền địa phương các đình đền, chùa được di chuyển lên vùng đồi, núi để lấy đất sản xuất, Đền đã bị phá dỡ, tất cả các đồ thờ tự của các đình, đền, chùa trong làng được tập trung về nhà kho của xã, một thời gian sau đã bị hư hỏng, mất mát hiện nay không còn. Tuy nhiên, với sự linh thiêng của di tích, nhân dân địa phương đã lập 01 miếu nhỏ trên nền đất của đền để tiếp tục thờ phụng. Vào năm 2022, chính quyền và nhân dân xã Trung Sơn đã phát tâm công đức để phục hồi lại tòa Thượng điện. Từ đó đến nay di tích là địa điểm văn hóa tâm linh của bà con nhân dân trong vùng.

Hiện nay, Đền Khai Long có tổng diện tích là 1.179,7m², tại đây vẫn còn lưu giữ được 02 cây cột quyết, 03 chân tảng bằng đá xanh, 01 biển ký bằng chữ Hán khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872), 02 mâm gỗ (01 cái bị mất nắp).

- Giải pháp đ ể góp phần bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian tới

- Lập quy hoạch tổng thể Đền Khai Long, xã Trung Sơn, xác định mục tiêu và hướng phát triển cho di tích, bao gồm việc phục hồi, tu bổ tôn tạo và phát triển bền vững cho di tích gắn với phát triển du lịch cũng như kinh tế xã hội tại địa phương.

-  Triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích di tích, thực hiện cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ, tạo cơ sở pháp lý nhăm ngăn chặn sự xâm lấn di tích.

- Nghiên cứu, xác minh hệ thống tài liệu sắc phong, tài liệu hán nôm… để đưa về bảo quản tại di tích Đền Khai Long.

- Công tác bảo tồn và tôn tạo di tích cần có sự tham gia tích cực của toàn thể xã hội. Thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc bảo tồn tôn tạo di tích từ các nguồn ngân sách nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa, các tổ chức quốc tế và trong nước cũng như các nhà hảo tâm.

- Đầu tư và phát triển hạ tầng: Cần đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch tại di tích Đền Khai Long nhằm thu hút du khách và tạo ra nguồn thu nhập cho địa phương.

- Phục dựng thêm các công trình như: Hạ điện, Trung điện và các công trình phụ trợ như nhà khách, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, sân, cổng... cũng như tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho di tích.

- Khi tu sửa, tôn tạo di tích phải thực hiện theo Nghị định 70/2012/NĐ - CP của Chính Phủ, Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 18/2012/TT - BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chỉ tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và Quyết định số: 27/2014/QĐ-UBNDngày 3 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An và được cơ quan chuyên môn phê duyệt, hướng dẫn nghiệp vụ để đảm bảo tính khoa học chuyên ngành nhằm bảo tồn được các giá trị của di tích.

- Việc bài trí sắp xếp tại di tích, cần có phương án nghiên cứu và lập danh mục các hiện vật cần bổ sung để kêu gọi công đức. Nghiêm cấm việc công đức và tiếp nhận các linh vật lạ, các hiện vật không phù hợp với việc thờ phụng tại di tích/ân thủ nghiêm túc nội dung công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/ 08/2014 của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch.

- Hiện nay di tích đã có tổ quản lý di tích do UBND xã trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, đề nghị chính quyền địa phương sớm kiện toàn lại tổ quản lý, đảm bảo công tác quản lý di tích ngày càng tốt hơn. Các thành viên trong tổ quản lý di tích phải có trình độ nhận thức, hiểu biết nhất định về di tích và được hướng dẫn về công tác bảo vệ, công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích.

- Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về nội dung giá trị của di tích cũng như Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ di tích.

Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tín ngưỡng thờ thần Khai Long Sứ Quân là một hiện tượng rất độc đáo trong hệ thống thần linh tại Nghệ An. Trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, đây là vị thần linh thiêng, phù hộ độ trì cho người dân được ấm no, hạnh phúc, bình an trong cuộc sống. Quá trình tồn tại của đền Khai Long từ khi khởi dựng đến nay là minh chứng cho sự linh ứng của thần Khai Long Sứ Quân trong đời sống tâm linh của người dân xã Trung Sơn nói riêng, huyện Đô Lương nói chung.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đền Khai Long, xã Trung Sơn, trong thời gian tới các cấp, các ngành, cùng Nhân dân địa phương cần làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo di tích, góp phần phục dựng lại kiến trúc của di tích, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị tâm linh đã tồn tại hàng trăm năm qua. Làm tốt công tác tu bổ tôn tạo di tích Đền Khai Long sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển toàn diện về văn hóa - xã hội của huyện Đô Lương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thúy Liên


[1] Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872), người dịch Trần Văn Hữu

[2] Giao từ: kiểu tương tự như biển bản giao kết giữa các bên.

[3] Biển ký khắc ngày 19 tháng 8 năm năm Tự Đức thứ 25 (1872)

[4] Người dịch Trần Văn Hữu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN