THÁP XỐP LỢT – CÔNG TRÌNH VĂN HÓA PHẬT GIÁO ĐẶC BIỆT Ở MIỀN TÂY NGHỆ AN

13:37 13/12/2023

Cùng với quá trình đạo Phật du nhập vào Việt Nam , bên cạnh các ngôi chùa thì Tháp cũng là một công trình khá đặc biệt. Trong khoảng hai nghìn năm, từ thời kì Phật giáo bắt đầu vào Việt Nam cho đến thời hiện đại, hình thức và ý nghĩa tôn giáo của ngôi tháp đã thay đổi và trở nên vô cùng đa dạng, phong phú. Nhiều ngôi tháp đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị, di tích lịch sử quan trọng và biểu tượng văn hóa nổi bật của Việt Nam. Tháp đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam .

Tổng quan về các tháp cổ ở Việt Nam có 2 dạng chính: Dạng thứ nhất tập trung ở khu vực trung tâm, vùng đồng bằng phần lớn là tháp có hình dáng thấp nhỏ hoặc nhiều tầng như tháp Phổ Minh (Nam Định). Dạng thứ hai tập trung ở một số huyện miền núi có sự giao thoa văn hóa Phật giáo với quốc gia khác, tháp thường có hình dáng thon gọn và cao vút như Tháp Mường Luân,  tháp Chiềng Sơ (Điện Biên), Tháp Mường Bám (Sơn La) và trong đó có tháp Xốp Lợt thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Theo kết quả điền dã và một số tài liệu cho thấy hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về niên đại xây dựng tháp Xốt Lợt. Sách Địa chí huyện Kỳ Sơn chép: “Có người cho rằng tháp được xây dựng vào năm 1008, có ý kiến cho rằng Tháp ra đời vào thế kỷ VII. Có ý kiến khẳng định ngọn Xốp Lợt có từ thời nhà Trần … Tháp Phật ở Mỹ Lý có thể được xây dựng trong khoảng từ đời vua Phạ Ngừm (vua của nước Lào) vào năm 1349 đến đầu thế kỷ XV” [1] . Theo ý kiến của Hội kiến trúc Nghệ An, Tháp Xốp Lợt được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Theo ý kiến của các cụ cao niên tại địa phương thì Tháp Xốp Lợt có thể được xây dựng vào cuối thời Lê…. Mặc dù có nhiều ý kiến về niên đại xây dựng của Tháp những đến hiện nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào để xác định thời gian xây dựng Tháp.

Tháp Xốp Lợt là một khối lớn uy nghi, vươn cao như một mũi tên. Toàn bộ kiến trúc tháp được tạo bởi gạch thẻ xếp chồng lên nhau, ở giữa các viên gạch sử dụng một lớp vữa để kết dính. Gạch cao 0,07m; dài 0,2m; rộng 0,1m. Bao bọc phía ngoài của Tháp là lớp vữa bằng vôi, cát và nhiều vật liệu khác. Đế và thân tháp gồm 04 mặt quay về 4 hướng đông nam - tây nam - tây bắc - đông bắc. Chiều cao của Tháp (tính từ chân tháp đến đỉnh) là 21,91m. Điểm rộng nhất của tháp là 5,2m; Điểm nhỏ nhất của Tháp rộng 0,06m. Theo kiến trúc hiện nay, có thể tạm chia Tháp thành 3 bộ phận: Đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.

* Đế tháp có kích thước cao 2,1m, rộng 5,2m x 5,2m được xây bằng gạch và vôi vữa. Đế tháp là một khối hộp xây gạch, với những ô hộc chìm phân bố đăng đối. Hiện nay đế tháp đã bị sụt lún về phía tây.

* Thân tháp được cấu tạo nhỏ dần lên trên, cao 11,875m; Thân tháp có cấu trúc khá phức tạp, có thể chia thành 03 tầng, mỗi tầng lại được trang trí các hoa văn, họa tiết đan xen. Nhưng chủ đạo vẫn là các họa tiết hoa sen, hoa cúc, vân mây sóng nước. Các mặt cơ bản được trang trí khá giống nhau.

- Tầng 1 (tính từ dưới lên): có kích thước: cao 3,56m. Tầng 01 hiện đã bị sập ở mặt phía Tây do tác động của con người, các lớp áo vữa phía ngoài gần như bị mất, chỉ còn lại một số dấu tích nhỏ.

Kết cấu tầng 1 gồm 04 mặt, trang trí giống nhau. Mỗi mặt được tạo bởi 04 gờ đắp nổi tạo sự vững chắc.Trên mỗi gờ lại tạo thành nhiều lớp trang trí. Lớp dưới cùng là những bông hoa cúc; lớp thứ hai là các xoắn ốc, tiếp đến là lớp cánh cúc. Giữa 02 gờ nổi được trang trí hoa dây. Điểm đáng chú ý là những cành dây leo ôm lấy những đóa hoa Cúc tròn to. Lá và thân dây được cách điệu một cách mềm mại, đối xứng, các cánh hoa chụm lại với nhau ở nhụy, giống như hoa đang ở độ búp mới xoè nở. Phía trên là những bông sen mãn khai. Trên cùng là hoa dây với những cành lá cuốn, nâng đỡ những bông hoa. Điểm nhấn giữa bức tranh sen, cúc là một đường diềm vòng cung xoắn ốc. Sự kết hợp giữa hoa cúc, hoa sen và xoắn ốc là biểu tượng cho sự cát tường, thanh cao, gần gũi. Nếu nói tới hoa sen là nghĩ về Phật pháp, thì khi nhắc về hoa cúc như một biểu tượng của nguồn sáng, nhiều khi được ví với mặt trời đó là một biểu hiện về tín ngưỡng quen thuộc của cư dân nông nghiệp Việt [2] . Pha lẫn vào đó là các núm tròn xoắn ốc như các “pháp loa” truyền âm thanh của Phật giáo đi muôn nơi.

Đặc biệt ở mặt phía Tây Nam vẫn còn hình ảnh ngựa bay được đắp nổi rõ phần đuôi, chân có móng, đôi cánh sắp bay lên phía trước. Hình cảnh đôi cánh ở đây khá mờ nhưng vẫn thấy rõ đường viền của đôi cánh. Theo sách “Tháp cổ Việt Nam” cho biết: “Ngựa bay là biểu tượng Đại Xuất Giá” [3] . Phía trên ngựa là hình ảnh Bồ Tát. Tuy nhiên tại đây chỉ còn lại một phần mũ ở phía trên. Bao quanh Bồ Tát là các hoa văn, dây leo. Trên cùng là những chiếc lá Sen ngược được tạo vòm như một vương miệng.

- Tầng 2: cao 3,958m. Trên mặt đông nam và tây nam được đắp nổi tượng Phật ngồi xếp bằng, hai tay thể hiện ấn hiệp chưởng, chắp trước ngực. Đầu đội mũ nhọn cách điệu. Trên mũ trang trí hoa văn. Mặt tượng hình tròn, phúc hậu, mắt nhắm, tai to. Trên dái tai đeo đôi hoa lớn bằng nụ hình tròn. Trên thân tượng mang trang phục và trang sức rất tinh tế. Ở  phần cổ, cổ tay và bắp tay đeo vòng.

Tầng 3: cao 4,357m. Đầu hình vuông, dạng bông sen đang nở, chủ yếu là những cánh sen được tạo tác mềm mại, nhỏ dần lên đỉnh, tỏa ra đều đặn với chóp cánh vuốt cong nhẹ nhàng. Tiếp đến là vân mây được tạo tác thành hai lớp đan xen vào nhau. Tiếp nữa là những bông hoa Cúc ba lớp cánh xếp chồng lên bao quanh thân tháp.

Tiếp nối với tầng 3 được tạo kiểu thắt eo rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn; từ đây, nở ra một khối hình quả bầu như bình cam lộ, gồm bốn mặt phẳng lớn, thon dài và thắt dần lại thành miệng quả bầu ở phía trên. Miệng quả bầu đỡ một hình tháp nhỏ, có đỉnh cao nhọn. Trong Phật giáo, bình nước cam lộ của Phật Bà Quan Âm để cứu các chúng sinh trong bể khổ trầm luân. Đặc biệt, hình tượng quả bầu ở trung tâm tháp khiến nhìn từ xa Xốp Lợt như một đài sen đang nâng bảo vật.

* Tiếp nối phần Thân tháp là Đỉnh Tháp. Đỉnh được thu nhỏ dần để tạo vẻ thanh thoát, mềm mại cho toàn bộ bố cục của tháp. Đỉnh tháp cao 7,935m. Bao quanh đỉnh được tạo nổi bởi 05 lớp cánh sen xếp chồng lên nhau như một bông sen năm lớp cánh. Đan xen giữa các lớp cánh sen là những bông hoa 04 cánh hình thoi. Đỉnh Tháp khi xưa có một quả cầu đêm đêm lại phát ra ánh sáng, nhưng về sau đã bị mất [4] .

Theo Kết quả kiểm kê năm 1964, 1972, 1996, 2015 lưu tại Ban quản lý Di tích Nghệ An và truyền ngôn của nhân dân trong vùng cho biết: Khi xưa tại di tích còn lưu giữ nhiều tượng phật. Tuy nhiên hiện nay, chỉ còn 01 bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mang phong cách Lào, đang lưu giữ tại nhà văn hóa bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý. Tượng cao 0,41m; rộng vai 0,12m; rộng chân 0,22m. Tượng được làm bằng đồng, trong tư thế “kiết già” (ngồi thiền) trên bệ hình ô vạn có trang trí hoa văn cách điệu. Đầu đội mũ hình ốc. Tay phải thể hiện giáo hóa thủ ấn. Tay trái để ngửa ở trước bụng. Trên vai trái có dải khăn. Ở bụng có đai, giữa đai đúc nổi hình hoa cúc. Bệ đúc nổi hoa văn lá đề, các lớp lá đan xen nhau, tạo nên sự mềm mại. Mặt trước có khắc nổi chữ Lào [5] .

Sự tồn tại của Tháp Xốp Lợt là minh chứng quan trọng khẳng định Kỳ Sơn nói riêng, Nghệ An nói chung đã từng là một trung tâm Phật giáo trong lịch sử. Tháp là công trình cộng đồng, kết nối cư dân bản địa, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Hiện nay, di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy cần xây dựng các giải pháp để tu tổ, tôn tạo, đồng thời tổ chức Hội thảo khoa học, đánh giá khảo cổ để nghiên cứu sâu hơn các giá trị và niên đại của tháp Xốp Lợt.


  1. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, (2020), Địa chí huyện Kỳ Sơn, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr286

[2] Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, tr.187.

[3] Nguyễn Duy Hinh, Tháp cổ Việt Nam, tr.185.

[4] Theo lời kể của ông Kha Văn Thảo, sinh năm 1930, bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn.

[5] Chưa rõ nội dung.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN