TƯỢNG CỤ PHAN Ở HUẾ

16:21 14/12/2022
Năm 1973, khi phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị miền nam bị đàn áp mạnh, một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế đã tìm cách cổ vũ tinh thần yêu nước, phong trào tranh đấu chống chính quyền Sài Gòn bằng cách dựng tượng các nhà chí sĩ yêu nước.
Họ lập ra một Ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam. Pho tượng đầu tiên là chân dung Phan Bội Châu, với mục đích dùng hình tượng nhà yêu nước, bất khuất trước kẻ thù xâm lược để tỏ rõ thái độ trước thời cuộc. Pho tượng đồ sộ: cao 4,5m, rộng 3,5m, dày 2,5m.
Tác giả tượng Phan Bội Châu là nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, được mời thỉnh giảng tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông muốn thể hiện tác phẩm bằng chất liệu đồng, chất liệu quý và vĩnh cửu, thích hợp với không gian hoành tráng ngoài trời. Trong không khí rực lửa tranh đấu của phong trào đô thị, trước đó ông đã thổ lộ tâm huyết với bạn bè và học trò của mình là "sống chết cũng làm cho được mười tượng danh nhân tầm cỡ của Việt Nam"; "mỗi bức tượng phải là một khuôn mặt rất đặc trưng của danh nhân"; tượng chỉ là một khuôn mặt, phải cảm nhận danh nhân từ khuôn mặt riêng.
Đích thân tác giả và nhóm sinh viên khoa Điêu khắc thực hiện ngay tại trường Cao đẳng Mỹ thuật. Họ đã dùng 20 tấn đất sét, đắp thành 12 mảng ghép lại làm mô hình. Công đoạn đúc đồng được một kíp thợ kỹ thuật cao ở Phường Đúc thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống. Các nghệ nhân đúc đồng cũng phải dùng đất sét và sắt để làm 12 mảng khuôn theo mô hình đã tạc. Phải tuần tự nấu đồng 12 lượt rót vào 12 khuôn. 10 tấn đồng thô được nấu chảy để lấy 7 tấn đồng ròng đúc tượng.
Pho tượng miêu tả được chiều sâu thần thái của nhà chí sĩ. Vầng trán cao rộng, chòm râu dài lột tả được nét thông thái, thâm nho. Đôi lông mày nhíu lại và đôi mắt dữ dằn quắc lên sáng ngời khí tiết của một sĩ phu trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước nhưng hoài bão không thành, bị quản thúc, con chim bằng một thời vẫy vùng Đông hải trở thành ông già Bến Ngự. Hai bên là hai mảng phù điêu phản ánh hiện thực và ước mơ. Mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức và tù đày của chế độ thực dân xâm lược. Mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình và độc lập, ấm no và hạnh phúc.
Công trình tượng Phan Bội Châu mãi mãi là kỷ niệm đẹp của một thời. Nói theo thuật ngữ ngày nay là một công trình tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào. Họa sĩ, nhà giáo Ưu tú Vĩnh Phối, lúc đó là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật, một trong những người đứng mũi chịu sào, kể lại: Công việc tạc tượng được thực hiện dưới một lán trại cao rộng như một công trường thủ công thời cổ đại Ai Cập với đông đảo thợ thầy và những lớp sinh viên giúp việc. Có cả nhiều người đứng xem, chiêm ngưỡng.
Như một hiệp sĩ với cây trường kiếm thay thế bay, dao, Lê Thành Nhơn miệt mài cắt gọt, nhấn nhá sâu nông tạo bóng của một tác phẩm ngoài trời cần khối âm - dương. Thỉnh thoảng tác giả lùi xa nhìn tổng quan sâu lắng suy tư những ý đồ biểu đạt độc đáo chiều sâu tư tưởng của tác phẩm...
Thỉnh thoảng các thành viên Ủy ban dựng tượng và bạn bè tập hợp chung quanh công trường tổ chức vui chơi, văn nghệ, đọc thơ, đốt lửa trại, lai rai thâu đêm cổ vũ tác giả và các học trò của ông làm việc: Đó là nhà giáo Bửu Ý, các họa sĩ Phạm Đông Trì, Đỗ Kỳ Hoàng, Đinh Cường..., nhà mạnh thường quân, kỹ sư Hồ Đăng Lễ. Có cả nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đệm ghi-ta cho giọng hát Khánh Ly. Nhà sử học Trần Viết Ngạc thì đưa ra ý đồ tư tưởng đề nghị tác giả diễn đạt. Chính anh đề xuất khắc ở mặt sau pho tượng câu huyết lệ của cụ Phan: "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ"...
Công trình tượng Phan Bội Châu thực hiện trong bầu không khí hết sức cam go. Có những lúc đầy căng thẳng, cảnh sát sao vây vòng ngoài công trường. Vòng trong cũng có những lúc thanh niên, sinh viên quá hăng hái bởi tràn đầy nhiệt huyết, người ngoài cuộc gọi là "quá khích". Có những chi tiết của bức tượng không thực hiện được để tránh căng thẳng với chính quyền.
Nhà điêu khắc Phan Thế Bính, lúc đó là sinh viên, người trực tiếp làm tượng, cho biết: Tượng làm gần xong thì bị trục trặc vì có nhiều lý do. Câu "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" do chính anh đắp nhưng rồi người khác xóa là do sự can thiệp của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Hồi đó, chính quyền đã phá họ bằng nhiều cách. Giữa lúc đang kẹt tiền để đúc đồng thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thanh niên chính quyền Sài Gòn Hoàng Đức Nhã xuất hiện, gây sức ép với nhóm dựng tượng. Hoàng Đức Nhã yêu cầu: Một là tượng không được đúc; hai là Bộ Văn hóa và Thanh niên sẽ cấp kinh phí đúc tượng nhưng phải bỏ câu "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ". Để tượng được đúc và được dựng, nhóm dựng tượng đã phải chấp nhận đục bỏ câu thơ huyết lệ của cụ Phan.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tượng đúc xong sẽ đặt ở đâu? Ban đầu những người đề xướng công trình có dự kiến dựng tượng ở góc công viên bờ nam sông Hương, hướng về cầu Phú Xuân; hoặc lý tưởng hơn là ở công viên trước trường ĐH Sư phạm Huế, nơi trước đây là Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Họ còn có kỳ vọng nhân lễ dựng tượng sẽ công khai tổ chức đòi thi hành hiệp định Paris về lập lại hòa bình, đòi thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc. Tiếc thay, ý định của họ không thực hiện được. Tượng đang đúc dở thì Huế giải phóng. Thế là pho tượng nằm yên ở Phường Đúc từ năm 1975 đến hơn 10 năm sau đó mới được hoàn thiện.
Sau ngày miền nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất việc dựng tượng cụ Phan Bội Châu cũng có những khó khăn. Có người đề nghị dựng tượng ở bùng binh hình tam giác giữa ngã tư đường Phan Bội Châu - Nguyễn Huệ; gần chợ Bến Ngự, nhưng khuôn viên này quá nhỏ mà tượng thì quá lớn, không thích hợp. Có ý kiến đặt ở trong sân trường ĐHKH Huế (27 Nguyễn Huệ), cũng chưa ổn và không được xem xét. Cuối cùng cơ quan VH-TT thành phố Huế đã tạm dựng tượng trong khuôn viên nhà thờ cụ Phan ở dốc Bến Ngự vào năm 1988.
Sáng ngày 25/3/2012, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế đã rước tượng chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu từ nhà lưu niệm của cụ, số 119 Phan Bội Châu về công viên 19 Lê Lợi bên sông Hương.
Tại vị trí mới, tượng cụ Phan được đặt tựa lưng vào phía tòa nhà Trung tâm Festival, gần công viên Tứ Tượng, mặt tượng hướng ra phía cầu Trường Tiền. Hệ thống phù điêu quanh chân tượng thực hiện theo mẫu thiết kế của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn phác thảo lúc sinh thời, với chiều cao 2,3m và phía sau tượng ghi câu thơ của chí sĩ Phan Bội Châu: “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.

Nguyễn Thị Lệ Thu - Tổng hợp


    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN