VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ QUA THƠ VĂN CỦA PHAN BỘI CHÂU

14:31 22/10/2021

Vốn xuất thân từ Cửa Khổng sân Trình, nhưng Phan Bội Châu lại thuộc những nhà Nho đầu tiên đọc Tân thư, mở rộng tầm mắt nhìn ra khắp năm châu bốn biển với khát vọng đưa dân tộc ta tiếp cận với thế giới văn minh, thoát khỏi vòng u tối, trì trệ. Muốn  giải phóng dân tộc thì phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong đó có tầng lớp phụ nữ. Cụ Phan Bội Châu là nhà nho đầu tiên có cái nhìn mới mẻ, tiến bộ về vai trò của phụ nữ đối với vận mệnh quốc gia dân tộc.

Trong văn thơ Phan Bội Châu, sau đề tài anh hùng, đề tài phụ nữ có lẽ cũng là một trong những đề tài được Phan tâm đắc nhất. Ngay từ thưở còn là một chàng thanh niên say mê lý tưởng cứu nước, cậu nho San đã từng gửi gắm ý tưởng lướn lao của mình trong những câu hát phường vải đối đáp với các cô gái làng:

Chị em cất gánh sơn hà

Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.

Cho nên sau này, trong các tác phẩm văn học của Cụ ta thấy hình ảnh phụ nữ xuất hiện rất nhiều. Phan Bội Châu không chỉ thể hiện tấm lòng nhân đạo, ưu ái xót thương cho thân phận những người phụ nữ mà còn đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho một hệ thống quan điểm tiến bộ về vấn đề phụ nữ. Với Cụ, phụ nữ có vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp cứu nước của dân tộc ta: “trong một nước, nếu không có phụ nữ yêu nước thì nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho người ta mà thôi” (Tân Việt Nam). Hay ở Bài ca kêu gọi phụ nữ, Cụ tin tưởng chắc rằng:

Thập phần phải có đàn bà

Nước nhà ta cũng nước nhà ta chung.

Cụ Phan có nói đến công, dung, ngôn, hạnh, có nói đến nghĩa vụ của người phụ nữ trong gia đình, nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ, làm con… nhưng bao giờ Cụ cũng gắn liền với tư đức với công đức, coi tư đức là phương tiện để đạt tới công đức lớn lao:

Đức riêng có giỏi

Thời thân mới tu

Phải có đức công

Nước nhà mới tốt

Trong thơ văn Phan Bội Châu, hình tượng nữ anh hùng là môt hình tượng khá đậm nét. Nguồn cảm hứng của Phan Bội Châu bắt nguồn trước hết từ truyền thống lịch sử anh hùng của Phụ nữ Việt Nam như Trưng Vương, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân… Thứ đến là niềm cảm phục và kính trọng của Cụ đối với những hành động dũng cảm và sự hy sinh của bao người phụ nữ đương thời, từ những liệt nữ ai ai cũng biết đến như Đinh phu nhân, đến “một người đàn bà góa đã bán cả gia tài cho đứa con trai duy nhất xuất dương”. Sau nữa phải kể đến những ảnh hưởng của phong trào phụ nữ thế giới đối với Phan Bội Châu, đặc biệt là phong trào phụ nữ Trung Hoa trong công cuộc vận động Duy Tân và Cách mạng Tân Hợi.

Hình ảnh người phụ nữ hiện lên rạng rỡ trên những trang thơ văn Phan Bội Châu và góp thêm vào Văn học Việt Nam những gương mặt phụ nữ mới mẻ sinh động. Giữa cuộc sống đời thường, họ không chỉ là những người con có hiếu, mẹ hiền, vợ thảo mà còn là những anh hùng góp công không nhỏ trong sự ngiệp giải phóng dân tộc. Hơn bất cứ ngòi bút nào đương thời, Phan Bội Châu chăm chú và trân trọng thể hiện họ trong các tác phẩm của mình, khi thì qua hình ảnh những nhân vật lịch sử quen thuộc như Bà Trưng, Bà Triệu, khi tái hiện những nguyên mẫu ngoài đời như Ấu Triệu, Bạch Liên nữ sĩ… khi thì hư cấu những nhân vật tiểu thuyết như cô Chí, cô Triệu, cô Liên.

Họ là những con người sống có lý tưởng, có ý chí đấu tranh và một tấm lòng nhiệt thành vô bờ bến, không nhẫn nhục cúi đầu cam chịu mọi bất công, áp chế.

Nhân vật phụ nữ của Phan Bội Châu còn là những con người ý thức rất rõ về địa vị và vai trò của mình trong xã hội, trong sự nghiệp cứu nước. Họ là những người đúng như Phan Bội Châu mong muốn “đã biết mình là một hạng người không phải trâu ngựa”, “đã biết mình là một phần quốc dân mà không phải con hầu đứa ở”, “đã biết bọn đàn bà con gái cũng là một bộ phận lớn ở trong xã hội mà không có thể làm ký sinh trùng”.

Những nhân vật phụ nữ của Phan Bội Châu tự khẳng định vai trò của mình không chỉ bằng lời nói  mà còn bằng chính tài năng, ý chí chiến đấu và lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp chung. Trưng Vương - một người đàn bà nghiễm nhiên đối địch với một danh tướng Trung Quốc, được Phan Bội Châu xem là “một vị Phật nhà, là tổ nước Nam ta”. Bạch Liên nữ sĩ (đây chính là Bà Nguyễn Thị Thanh chị gái Bác Hồ. Bà hoạt động tích cực trong Hội Duy Tân do cụ Phan Bội Châu sáng lập), người nữ đảng viên hoạt động (đảng viên trong Đảng Duy Tân hội) tích cực, không quản ngại khó khăn, hy sinh  đã hoàn thành xuất sắc những công việc khó khăn mà mọi người tin rằng chỉ có cô mới làm được như đưa thoát một đảng viên quan trọng vừa trốn tù ra trở lại con đường hoạt động. Người con gái yếu đuối mà bọn giặc cho rằng chỉ “xéo một cái là nát nhừ” sau vài tháng ở tù vẫn không hề đổi chí: “Biển có thể cạn, đá có thể mòn, đầu tôi có thể đứt, xương tôi có thể tan, nhưng thân tôi quyết không thể sa vào vòng của giặc, chí tôi dã quyết như vậy”… Hay ba nhân vật nữ trong tác phẩm Trùng Quang tâm sử đều giữ vai trò quan trọng trong đảng. Cô Chí là một tuyên truyền viên và trinh sát viên năng nổ. Cô Triệu giữ việc kinh tế. Cô Liên giữ việc văn thư. Cả ba đều lập được nhiều chiến công và được xem là “ba bộ mặt đẹp hết sức”.

Như vậy, ta thấy Phan Bội Chau là người mở đầu cho những tư tưởng, cho cách đánh giá, nhìn nhận mới mẻ vể vai trò của người phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đối với Phan Bội Châu, đoàn kết dân tộc để đấu tranh vũ trang chống Pháp là chủ trương lớn xuyên suốt đường lối chính trị của Cụ. Mặc dù hạn chế của Phan Bội Châu là không thấy được sức mạnh của công nhân và nông dân- lực lượng cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam nhưng điểm tiến bộ trong tư tưởng của Cụ là đánh giá cao khả năng cách mạng của phụ nữ, điều mà nhiều nhà yêu nước cùng thời không thấy được.

Nguyễn Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN