Bảo vật quốc gia Mukhalinga tại Khu đền tháp Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Duyên, Quảng Nam) gồm một chuỗi những công trình thể hiện đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc Chămpa, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Trong rất nhiều hiện vật tại đây, có tượng Mukhalinga rất độc đáo, giá trị đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Ngày 15 tháng 11 năm 2012, sau trận mưa lớn, cán bộ Khu Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã phát hiện ở cách ngôi đền E4 khoảng 10 mét, về phía Đông, một Mukhalinga bằng đá cát, màu xám, cao 126,5cm và gần như nguyên vẹn. Mukhalinga được thể hiện như một Linga gồm ba đoạn có chiều cao bằng nhau (mỗi đoạn cao 42cm) và có chiều rộng cũng bằng nhau (41,5cm): đoạn dưới có đế vuông (Brahmabhaga), mỗi cạnh dài 41,5cm; đoạn giữa có đế hình bát giác (Visnubhaga) với các mặt đối xứng rộng 18cm và 16,5cm; và đoạn trên hình trụ hơi vồng lên ở chóp (Rudrabhaga) có đường kính 41,5 cm (bằng chiều dài chiều rộng của mỗi phần). Điều đặc biệt khiến hiện vật này được gọi là Mukhalinga chứ không phải là Linga vì trên phần trụ tròn, tại vị trí bên trên lớp da mỏng của đầu sinh thực khí (dương vật), nhô ra chiếc cổ và đầu tượng thần Siva. Chiếc đầu tượng được tạc liền khối với Linga có chiều cao 23cm, chiều rộng 13,5cm và có búi tóc cao 5,5cm. Đây là một Mukhalinga điển hình, được thể hiện với đầy đủ những chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng. Khuôn mặt vị thần của Mukhalinga được tạo khối xung quanh đôi mắt và ở bên cạnh mũi nên có tính hiện thực cao, rất tự nhiên và sống động.
Theo quan niệm truyền thống của Hindu giáo, Linga là một biểu tượng phi nhân dạng, đánh dấu sự hiện diện của thực thể trìu tượng, linh thiêng và không thấy được của thần Siva, thông qua hình dạng và ý nghĩa của biểu tượng sinh thực khí. Và, hình sinh thực khí của Linga thường được thể hiện gồm ba phần tượng trưng cho nguyên lý Samsara (luân hồi) về chu trình sinh - trụ - diệt bất tận của vũ trụ: phần vuông bên dưới là thần sáng tạo Brahma tượng trưng cho sự sinh thành, phần bát giác ở giữa là thần bảo tồn Visnu tượng trưng cho sự tồn tại và phần trụ tròn trên cùng là thần phá hủy Siva tượng trưng cho sự hủy diệt. Và, cái ý nghĩa về sức mạnh tối thượng mang tính vũ trụ quan rất đặc trưng này của thần Siva đã thường xuyên được lý giải trong những truyện thần thoại của Ấn Độ cổ đại.
Mukhalinga là hiện vật gốc, độc bản duy nhất được phát hiện tính tới nay trên cả nước, còn khá nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu sau khi so sánh niên đại (đầu thế kỷ thứ VIII) và vị trí phát hiện của Mukhalinga này (tại góc Đông Bắc tháp Mỹ Sơn E1), đã kết luận: Nhiều khả năng đây chính là Linga được thờ trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 (được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012) và được nhắc đến trong các văn bia Chăm tìm thấy tại di tích Mỹ Sơn. Vì vậy, hiện vật này được đánh giá là một kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa, dựa trên phong cách nghệ thuật, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa rất đặc biệt; là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất, không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ.
Việc phát hiện bảo vật Mukhalinga không những làm phong phú hơn giá trị của Khu di tích Mỹ Sơn, mà còn là nhân tố thu hút du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để Khu đền tháp Mỹ Sơn xây dựng hình ảnh giá trị nhiều mặt trong vấn đề phát triển du lịch bền vững./.
Nguồn Cục Di Sản
TIN LIÊN QUAN
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội