Chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý Di tích Nghệ An

14:15 18/12/2017

A. Chức năng:

1. Ban quản lý Di tích Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An có chức năng nghiên cứu, kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ xếp hạng và quản lý di tích trên địa bàn; tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tu bổ, tôn tạo di tích.

2. Ban quản lý Di tích có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý, toàn diện, trực tiếp của Sở Văn hóa và Thể thao ; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa và Thể thao;

B. Nhiệm vụ:

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học.

a, Hoạt động nghiên cứu khoa học của Ban quản lý Di tích được thực hiện thường xuyên thông qua việc triển khai đề tài khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án khác theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn kết và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban quản lý Di tích để phục vụ nhân dân.

b, Ban quản lý Di tích liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động của Ban quản lý Di tích theo quy định của pháp luật.

2. Hoạt động điều tra, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại và lập danh mục phân cấp quản lý di tích danh thắng trên địa bàn.

a, Điều tra, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di tích là hoạt động thường xuyên của Ban quản lý Di tích nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phân cấp quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh.

b, Tổ chức điều tra, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di tích phải liên kết, phối hợp với các địa phương có di tích để tránh bị bỏ sót và thu thập thông tin về di tích  được cụ thể, chính xác thông qua các phương thức sau đây:

- UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp, báo cáo số lượng di tích trên địa bàn bằng văn bản gửi về Ban để tổng hợp bước đầu và xây dựng kế hoạch kiểm kê di tích.

- Khảo sát điền dã tại các địa phương có di tích.

- Thống kê, tổng hợp, phân loại di tích.

3. Lập hồ sơ xếp hạng di tích.

a, Lập hồ sơ xếp hạng di tích là hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để đưa vào quản lý những di tích có giá trị tiêu biểu. Các cấp xếp hạng di tích bao gồm:

- Di tích cấp quốc gia đặc biệt;

- Di tích cấp quốc gia;

- Di tích cấp tỉnh.

b, Trình tự lập hồ sơ xếp hạng di tích như sau:

- Đơn, tờ trình của UBND cấp xã (phường, thị trấn), huyện (thành phố, thị xã) nơi có di tích theo quy định của Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 và Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011.

- Ban quản lý Di tích lập danh mục xếp hạng gửi Sở Văn hóa và Thể thao thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Lập dự thảo trình duyệt HĐKH các cấp;

- Hoàn thiện hồ sơ và gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định nội dung.

- Trình UBND tỉnh (đối với di tích cấp tỉnh), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với di tích cấp quốc gia), Thủ tướng Chính phủ (đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt) ra quyết định công nhận xếp hạng di tích.

4. Số hóa và quản lý di tích danh thắng bằng công nghệ thông tin.

a, Ban quản lý Di tích phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước triển khai chương trình Số hóa tài liệu Hán Nôm, số hóa di tích trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ban.

b, Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý góp phần lưu trữ thông tin, tài liệu, quảng bá hình ảnh, các hoạt động di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của các tổ quản lý di tích và công chúng.

5. Thực hiện công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích.

a, Công tác phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích là hoạt động thường niên của Ban quản lý Di tích, bao gồm:

- Phục hồi di tích;

- Tu bổ, tôn tạo di tích;

- Cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích;

- Xây dựng các công trình phụ trợ;

- Thực hiện phòng, chống mối cho các di tích;

- Điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ các di tích;

- Thực hiện kế hoạch cấp phát phương tiện phòng cháy chữa cháy cho các di tích…

b, Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao hàng năm và các nhiệm vụ phát sinh do Sở Văn hóa và Thể thao giao.

6. Thực hiện công tác phát huy giá trị di tích

a, Hoạt động phát huy giá trị di tích được thực hiện thường xuyên thông qua việc triển khai các nội dung công việc, bao gồm:

- Hướng dẫn, tổ chức phần lễ trong các lễ đón nhận bằng, lễ hội ở các di tích trọng điểm;

- Quảng bá hình ảnh của di tích gắn với phát triển du lịch danh thắng, tâm linh của tỉnh nhà;

- Bảo vệ và phát huy giá trị tại các di tích trực thuộc;

- Tập huấn tế lế cho đội ngũ thầy cúng ở các di tích;

- Thực hiện trưng bày tại các di tích lưu niệm;

- Làm bia, bảng dẫn tích, biển chỉ dẫn di tích;

- Thực hiện thám sát, thăm dò, nghiên cứu khảo cổ học;

- Sắp xếp đồ thờ tự , bài trí tượng pháp;

b, Công tác phát huy giá trị di tích được thực hiện theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao hàng năm và các nhiệm vụ phát sinh được UBND tỉnh thống nhất, quyết định.

7. Xây dựng kế hoạch, quy hoạch và lập dự án tu bổ tôn tạo di tích.

a, Lập kế hoạch, quy hoạch di tích là việc làm cần thiết, tạo cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di tích lâu dài và phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

b, Trình tự lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và các Thông tư, Nghị định hiện hành.

8. Lập quy hoạch khảo cổ, thực hiện việc thám sát, thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ.

a, Hoạt động quy hoạch khảo cổ góp phần xây dựng bản đồ khảo cổ học, phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu, quản lý và phát huy di sản khảo cổ của tỉnh nhà.

b, Thám sát, thăm dò khảo cổ là hoạt động cần thiết nhằm điều tra, thẩm định những phát hiện cũ và tìm hiểu, xác minh những phát hiện mới, từ đó xây dựng phương án khai quật hợp lý, hiệu quả.

c, Ban quản lý Di tích phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ điều kiện hành nghề tiến hành khai quật, nghiên cứu di chỉ khảo cổ.

Kết quả nghiên cứu là cơ sở để lập hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ, phục vụ trưng bày, góp thêm tư liệu để nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương, dân tộc.

9. Từng bước phục chế các hoa văn họa tiết, đồ tế khí truyền thống, cung cấp dịch vụ.

a, Hoạt động phục chế các hoa văn, họa tiết, đồ tế khí trên các vật liệu truyền thống để từng bước chủ động phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích.

b, Hoạt động dịch vụ của Ban quản lý Di tích bao gồm:

- Phục chế các hoa văn, họa tiết, đồ tế khí, con giống theo mẫu, hình ảnh được cung cấp;

- Tổ chức phát triển sản phẩm đồ thờ, con giống;

- Xuất bản ấn phẩm về di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh;

- Tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục, du lịch;

- Cung cấp các thông tin, tư liệu liên quan đến di tích, danh thắng;

- Tư vấn tu bổ tôn tạo di tích, bài trí, sắp xếp thờ tự.

10. Trực tiếp quản lý một số di tích trọng điểm của tỉnh.

- Tổ chức quản lý và điều hành các hoạt động dâng hương, dâng hoa tại di tích;

- Thuyết minh phục vụ du khách tại các di tích;

- Quản lý nguồn thu, tài sản, hiện vật tại di tích;

- Tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản Văn hóa cho cán bộ, nhân viên trong thi hành nhiệm vụ và du khách, nhân dân đến tham quan di tích;

11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giao.



    TIN LIÊN QUAN

    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN