Kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 – 10/7/2020) , Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

08:16 01/07/2020

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn ( nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An ).

Mới 11 tuổi, người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ đã xa gia đình một mình sang Pháp du học. Nhờ thành tích học tập xuất sắc nên năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được nhận vào học tại khoa Luật của trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen-Provence. Tháng 9/1932 đồng chí tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc.

Trở về nước năm 1933, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ vào làm việc tại văn phòng của một Luật sư người Pháp. Sau 5 năm tập sự, đồng chí vượt qua kì thi sát hạch của Luật sư Đoàn, trở thành luật sư thực sự, mở văn phòng riêng tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn – Chợ Lớn.

Hành nghề luật sư trong những ngày cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng đã thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của trí thức trẻ yêu nước Nguyễn Hữu Thọ. Với kiến thức uyên bác về luật pháp và tấm lòng yêu thương những người dân vô tội, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm mọi cách để bênh vực quyền lợi cho những người dân bị chính quyền thực dân và tay sai đàn áp, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì mục đích yêu nước. Ông nổi tiếng là vị luật sư tài năng, luôn bênh vực lẽ phải khắp các tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ.

Mặc dù tiếp xúc sớm và trong thời gian dài với văn minh phương Tây, nhưng người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ được cốt cách con người Việt Nam, một dân tộc đang gồng mình chống lại ách thực dân. Từ năm 1941 – 1945, Nguyễn Hữu Thọ tham gia các hoạt động yêu nước của Tổ chức Thanh niên tiền phong lấy danh nghĩa là tổ chức Hướng đạo sinh. Khi cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ, ông là một trong số những tri thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1946 ông được chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Làm việc cho chính quyền thực dân nhưng ông vẫn giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước trong giới trí thức.

Năm 1947, ông xin từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long rồi mở văn phòng luật sư riêng tại Sài Gòn, được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận thuộc Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn do Luật sư Hoàng Quốc Tấn phụ trách. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ.

Ngày 16/10/1949 đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, càng hăng hái hoạt động trong phong trào trí thức. Tháng 6/1950 đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Lai Châu và Sơn Tây. Sau khi được thả tự do, đồng chí tiếp tục tham gia các hoạt động: đấu tranh hợp pháp đòi hòa bình ở Sài Gòn – Chợ Lớn, là Phó chủ tịch phong trào bảo vệ hòa bình.

Năm 1954 đồng chí bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam tại Phú Yên. Cuối tháng 11/1961 đồng chí được giải thoát, nên về bắc Tây Ninh. Tháng 2/ 1962 Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức, đồng chí được bầu làm Chủ tịch.

Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thành lập vào tháng 6 năm 1969 , ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn.

Đến tháng 3/1964 đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai.

Tháng 6/1969 đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa Vi, VII, VIII. Đến tháng 6/1976 ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tháng 4/1980 ông làm Quyền Chủ tịch nước đến tháng 7/1981 sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng qua đời. Được bầu làm Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận ( họp từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977 ).

Tháng 11/1988, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tháng 8/1994, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV đồng chí được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 24/12/1996, Ông qua đời lúc 20h40 tại Thành phố Hồ Chí Minh , an táng ở Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng, 47 tuổi Đảng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt, sau hơn 10 năm sống trên đất Pháp, tiếp xúc với văn minh tiến bộ của nước Pháp và các nước phương Tây, trở về nước tập sự trong văn phòng luật sư người Pháp cũng là lúc phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bị khủng bố trắng, nhiều chiến sĩ yêu nước bị bắt bớ, tù đày, tra tấn, giết hại. Chứng kiến khung cảnh đó cùng các phiên tòa đại hình với các bản tuyên án vô cùng tàn bạo đã khiến ông nhận thức rằng sách vở và luật pháp của chính quyền thực dân thực chất chỉ là trò mị dân. Và sau đó là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có những tác động mạnh mẽ đến tình cảm cũng như lí trí của người trí thức trẻ. Ông nhận thấy được tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng cách mạng của những người dân vô tội, những thanh niên, phụ nữ trẻ em… tuy bần hàn nhưng rất kiên cường, dũng cảm. Đồng thời, ông cũng nhận thấy bản chất đen tối, tàn bạo, âm mưu nô dịch để bóc lột, khai thác thuộc địa làm giàu chính quốc của chính quyền thực dân ở các nước thuộc địa.

Từ một trí thức có địa vị xã hội dưới chế độ thực dân, luật sư đã từ bỏ mọi lợi quyền và bổng lộc, chấp nhận gian khổ, hy sinh để dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng rồi trở thành một người cộng sản, một nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào quần chúng. Trở thành một trí thức cách mạng, ông tham gia tích cực các hoạt động kháng chiên sở Sài Gòn, cùng các đồng chí, đồng đội của mình đấu tranh với kẻ thù trên nhiều trận địa. Cuộc chiến đấu không có tiếng súng, âm thầm nhưng lại vô cùng nguy hiểm.

Là một luật sư, khi bào chữa cho các chiến sĩ yêu nước, cách mạng hay những đồng bào bị rơi vào tay địch, khi bào chữa, đồng chí không chỉ thể hiện tấm lòng kính yêu, nể phục mà còn biểu lộ tinh thần yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù. Ông đã dựa vào chính luật pháp của địch để chống lại, tố cáo tội ác của chúng.

Ở mọi cương vị công tác, luật sư đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, bạn bè quốc tế nể trọng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà lãnh đạo có uy tín, một chính khách giản dị, chính trực, khiêm tốn, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, quan tâm gần gũi mọi người; sống trong sạch, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không bị cám dỗ trước tiền tài, danh lợi. Dù bất cứ trong hoàn cảnh gian khổ, nguy hiểm cỡ nào, vào tù ra khám, bị lưu đày tới đâu, đồng chí vẫn ngoan cường, kiên trung cùng với dân, với Đảng quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đóng góp công lao to lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị, hợp tác, bảo vệ hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Đồng chí tâm niệm: " Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác ".

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; được Hội đồng Hòa bình Thế giới tặng thưởng Huân chương Joliot Curie.

Hoàng Thị Khánh

Tham khảo: Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo trung ương nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 – 10/7/2020) , Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN