Lễ giỗ lần thứ 79 của Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (29/9/ năm Canh Thìn – 29/9/ năm Kỷ Hợi)

10:01 28/10/2019

Sáng ngày 27/10/2019 ( tức ngày 29/9 năm Kỷ Hợi), Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp cùng Ban quản lý Di tích tỉnh đã long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 79 của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phan Bội Châu, Thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn.

Đại biểu tham dự lễ giỗ lần thứ 79 của cụ Phan Bội Châu

Tham dự lễ giỗ có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh  – Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao; các đồng chí lãnh đạo các phòng ban thuộc Sở; Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Nghệ An; Đại diện lãnh đạo Khu di tích Kim Liên; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh; Ban quản lý quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ; Đại diện lãnh đạo Huyện ủy – HĐND - UBND – UBMTTQ huyện Nam Đàn; Đại diện giáo viên và học sinh trường THPT Phan Bội Châu và trường THPT Sào Nam cùng con cháu dòng họ và đông đảo bà con nhân dân.

Đồng chí Cao Văn Xích - Trưởng ban, Ban quản lý Di tích đọc bài tưởng niệm

Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 (tức 01/12 năm Đinh Mão) tại làng Sa Nam (nay thuộc Thị trấn Nam Đàn), trong một gia đình hàn nho. Với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng bạo động, Phan Bội Châu đã thành lập Duy Tân hội (1904), Việt Nam Quang Phục hội (1912), … Đặc biệt, Phan Bội Châu là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đông Du (1905 – 1909). Phong trào này đã thức tỉnh thế hệ thanh niên đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp cận con đường cách mạng vô sản. Đồng thời, đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ bang giao Việt Nam – Nhật Bản thời cận đại.

Đại biểu và nhân dân tưởng niệm ghi nhớ công lao của cụ Phan Bội Châu

Không chỉ là một nhà yêu nước, nhà cách mạng, Phan Bội Châu còn là một nhà văn hoá lớn để lại hàng nghìn trước tác, bao gồm nhiều thể loại làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam và khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh trong các tầng lớp nhân dân. Ông mất vào ngày 29/09/1940 (tức ngày 29 tháng 9 năm Canh Thìn) tại Huế.

Nghi lễ cổ truyền

Cả cuộc đời Cụ Phan đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc và là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập, noi theo. Đúng như lời nhận xét của Nguyễn Ái Quốc, Cụ là “ vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Thúy Liên



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN