“Nguyễn Thị Minh Khai – Gương liệt nữ hy sinh vì đất nước”.

15:50 09/08/2021

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (ngày 04 tháng 7 năm Tân Tỵ - ngày 04 tháng 7 năm Tân Sửu) - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Ban Quản lý Di tích Nghệ An xin được trân trọng giới thiệu tới quý vị chuyên đề: “Nguyễn Thị Minh Khai – Gương liệt nữ hy sinh vì đất nước”.

Nguyễn Thị Minh Khai, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 trên quê hương xứ Nghệ có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Thân phụ là ông Nguyễn Huy Bình, thân mẫu là bà Đậu Thị Thư. Ông bà có 8 người con, trong đó nổi bật là Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái gắn bó với hai người bạn đời kiệt xuất là Lê Hồng Phong và Võ Nguyên Giáp. Họ đều đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng Việt Nam.

Năm 1926, được các thầy giáo trong Hội Phục Việt như: Trần Phú, Hà Huy Tập… giác ngộ, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia các phong trào yêu nước: dự lễ mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tham gia đấu tranh đòi trả tự do cho nhà chí sỹ ái quốc Phan Bội Châu. Mùa hè năm 1927, chị được kết nạp vào tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, để dễ bề hoạt động, chị đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai. Từ đây, nhiều chị em phụ nữ ở Nghệ An được Minh Khai giác ngộ, đi theo cách mạng, đã trở thành những hạt giống đỏ, những cán bộ quan trọng của Đảng như: Nguyễn Thị Nhuận, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Thiu…

Tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Minh Khai được kết nạp vào Đảng, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên. Đầu năm 1930, Minh Khai được Phân cục Trung ương Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc Kỳ rồi sang Trung Quốc, làm thư ký cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản ở Hương Cảng. Ngày 29/4/1931, Minh Khai bị bắt, bị kết án. Năm 1933, nhờ sự can thiệp của Quốc tế Cộng sản, chị được trả tự do. Ra tù, Minh Khai đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Năm 1935, Minh Khai được cử vào đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại Hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Matxcơva. Trong phiên họp lần thứ 40, chiều ngày 16/8/1935, với bí danh là Phan Lan, Minh Khai đã vinh dự trình bày tham luận: “ Vai trò của phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng ”.

Năm 1937, vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc, Minh Khai về đến Sài Gòn, làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 9/1937, chị được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn. Thời gian này, Lê Hồng Phong cũng về Sài Gòn hoạt động, hai người đã có một khoảng thời gian sát cánh bên nhau gây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào.

Mùa xuân năm 1940 Minh Khai sinh con gái đầu lòng: Lê Nguyễn Hồng Minh, và khi con chưa đầy tháng tuổi chị đã nuốt nước mắt vào trong gửi con lại cho các ba các má ở cơ sở nuôi giúp, bởi cách mạng đang rất cần chị.

Ngày 30/7/1940 khi đang cùng Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, Minh Khai sa vào tay giặc. Trải qua những trận đòn tra tấn đến chết đi sống lại tại Khám Lớn Sài Gòn, Minh Khai đã lấy máu mình viết lên phía sau cánh cửa xà lim những dòng thơ bất khuất:

Qua hai phiên tòa xét xử, tòa án binh Sài Gòn xử Nguyễn Thị Minh Khai mức án cao nhất – tử hình cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần... Trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, Minh Khai tranh thủ từng giây, từng phút truyền đạt những lý luận, kinh nghiệm đấu tranh, động viên bạn tù bằng những vần thơ tràn đầy nhiệt huyết:

Rạng sáng ngày 26/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi xử bắn tại Nhà thương Giếng Nước, nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Trước mũi súng quân thù, chị đã không cho chúng bịt mắt và hiên ngang hô vang khẩu hiệu: Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm ! Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm !”

80 năm sau ngày đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc đời hoạt động, sự nghiệp vẻ vang và sự hy sinh anh dũng của đồng chí là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là khúc tráng ca muôn đời của người phụ nữ Việt Nam.

Thúy Liên



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN