Đồng chí Nguyễn Duy Trinh – Nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc

09:36 12/07/2020

Nguyễn Duy Trinh tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền. Ông sinh ngày 15/7/1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá ( nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ) trong một gia đình thuần nông. Sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên Nguyễn Duy Trinh sớm giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng. Năm 1927 khi mới 17 tuổi, đồng chí tham gia vào phong trào học sinh yêu nước tại thị xã Vinh chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Năm 1928, ông gia nhập Đảng Tân Việt – một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 11/1928, đồng chí bị thực dân Pháp bắt khi đang hoạt động cho Đảng Tân Việt tại Đakao Sài Gòn ( nay thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ). Vì chưa đủ 18 tuổi nên bị địch nhốt vào khám vị thành niên, bị kết án 18 tháng tù. Sau 8 tháng ở tù, ông bị trục xuất về nguyên quán.

Năm 1930 đồng chí tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí  được bầu làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại đây. Đến cuối năm này ông bị bắt rồi bị kết án 13 năm tù khổ sai, bị đày đi Nhà đày Buôn Ma Thuột, Ngục Kon Tum, Nhà tù Côn Đảo. Thời kì ở trong tù, đồng chí đã kêu gọi tập hợp bạn tù đấu tranh yêu cầu giảm bớt chế độ hà khắc nhà ngục. Vì vậy, năm 1941 dù đã mãn hạn tù nhưng bị xác định là thành phần nguy hiểm nên chính quyền thực dân tiếp tục đày đồng chí đi ngục Kon Tum. Tháng 5/1945 đồng chí được ra tù, ngay lập tức tham gia vận động khởi nghĩa ở Vinh và Huế. Thời kỳ này đồng chí đã chỉ đạo xây dựng các cơ sở cách mạng, giữ vai trò là hạt nhân đứng đầu phong trào, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân chuẩn bị các điều kiện chờ khi thời cơ đến để dành lại chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được cử làm Ủy viên ban Thường vụ xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch UB hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Khu V kiêm Chủ tịch UB kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ. Với cương vị là Bí thư Liên khu V, đồng chí luôn bám sát cơ sở, tích cực chỉ đạo việc xây dựng căn cứ địa, vùng tự do cách mạng. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Đảng nói chung, Đảng bộ Liên khu V nói riêng, đặc biệt đã trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Liên khu V phát triển mạnh mẽ.

Tại Đại hội Đảng lần thứ II ( 1951 ), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1956 đến năm 1982 , là uỷ viên Bộ chính trị Trung ương Đảng. Năm 1958 được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Với cương vị này đồng chí đã có những nghiên cứu kĩ lưỡng để vạch ra kế hoạch cải tạo và phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội; động viên toàn Đảng, toàn dân ra sức cải tạo và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Đến tháng 4/1965 đồng chí được phân công giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là thời kỳ cam go, khó khăn khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đồng thời lúc này đây chúng ta đang chủ trương thực hiện đường lối đấu tranh cách mạng miền Nam trên cả mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao để đưa đến việc kí kết Hiệp định Pari, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời lúc này đây sự bất đồng trong phe xã hội chủ nghĩa diễn ra sâu sắc, đặt ra nhiệm vụ giữ vừng sự đoàn kết đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam hết sức khó khăn. Trong tình hình đó, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao, bao gồm đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Đồng chí đã tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Hòa bình lập lại, đất nước ta bước vào giai đoạn xây dựng kiến thiết sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá với biết bao khó khăn, thử thách. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và cộng đồng quốc tế. Đánh dấu cho việc cộng đồng quốc tế công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta là việc nước ta trở thành thành viên của Liên Hợp quốc. Và ngày 21/7/1977, chính đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại trụ sở Liên hợp quốc và cũng chính đồng chí đã kiến tạo các chuyến thăm của lãnh đạo nước ta với các nước trong khu vực dẫn tới việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN.

Ngoài ra, đồng chí còn từng giữ chức Thường trực Ban nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ; là Đại biểu Quốc hội suốt từ khóa I đến khóa VII. Đồng chí mất ngày 20/4/1985 tại Hà Nội.

Với 75 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, ở bất kì cương vị nào đồng chí cũng chứng tỏ được vai trò, phẩm chất cũng như bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng. Đặc biệt, đồng chí là một nhà cách mạng, nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng ta. Đồng chí đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong hoàn cảnh có sự bất đồng sâu sắc trong phe XHCN.

Nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh, một lần nữa chúng ta cùng ôn lại sự nghiệp cách mạng của người con kiên trung và những đóng góp lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, ngành ngoại giao nói riêng. Tự hào về một người con của quê hương xứ Nghệ, đồng thời cũng là tấm gương để các thế hệ sau học tập, noi theo, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển. Hiện nay trên chính quê hương của đồng chí Đảng bộ và chính quyền huyện Nghi Lộc đã xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh để tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí và là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Hoàng Thị Khánh



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN