ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN – NGƯỜI CỘNG SẢN MẪU MỰC, KIÊN TRUNG, NHÀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ SONG TOÀN

14:11 07/05/2021

ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN – NGƯỜI CỘNG SẢN MẪU MỰC, KIÊN TRUNG, NHÀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ SONG TOÀN

Đồng chí Phùng Chí Kiên (tên thật là Nguyễn Vĩ), sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ngoài tên Phùng Chí Kiên là do Nguyễn Ái Quốc đặt với ý nghĩa “sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung”, trong quá trình hoạt động cách mạng, còn mang nhiều bí danh như: Mạnh Văn Liễu, Phùng Tự Do, Phùng Nguôn Bình, Mã Hữu Giác, Nguyễn Hào, Như Bách, Phùng, Lý, …

Phùng Chí Kiên được sinh ra trong một gia đình nông dân, gồm có 4 người con: Nguyễn Dốc, Nguyễn Nhị, Nguyễn Thị Lan và Nguyễn Vĩ. Cha là Nguyễn Văn Khoản, mẹ là Trần Thị Cúc. Mặc dù nghèo khó nhưng vốn là người biết nhìn xa trông rộng, ông bà đã tần tảo nuôi các con ăn học và luôn hướng các con đến những việc làm nhân nghĩa.

Từ nhỏ, Phùng Chí Kiên theo học trường Sơ học yếu lược. Năm 14 tuổi, gia đình gặp nhiều khó khăn nên ông phải ở nhà làm ruộng phụ giúp cha mẹ để kiếm sống. Vốn có chí lớn, không cam chịu, nên ngoài thời gian giúp bố mẹ làm nông, Phùng Chí kiên vẫn tiếp tục tự học chữ Nho, chữ Quốc ngữ. Từ năm 1924-1925, Phùng Chí Kiên được giác ngộ cách mạng và cùng các bạn bè chung chí hướng tiếp cận, tìm hiểu sách báo tiến bộ để tuyên truyền cổ động tinh thần yêu nước của nhân dân, vận động quyên góp tiền bạc ủng hộ những người xuất dương. Cũng trong thời gian này gia đình ông đã trở thành nơi lưu trú của những người yêu nước trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Tháng 10 năm 1926, Phùng Chí Kiên cùng một số thanh niên ưu tú khác được bí mật đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Tại đây, đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo về lý luận cách mạng. Sau khi học xong khóa huấn luyện chính trị, Phùng Chí Kiên được Nguyễn Ái Quốc gửi sang học ở Trường Quân sự Hoàng Phố với tên gọi Mạnh Văn Liễu. Đồng chí đã tham gia chỉ huy, chiến đấu trong lực lượng Hồng quân Trung Quốc chống quân đội Tưởng Giới Thạch. Tháng 12-1930, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu cử đi đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) khóa 1932-1934.

Cuối năm 1939, Phùng Chí Kiên trở về Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động cách mạng dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với việc phát hiện, bồi dưỡng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên đã thực sự trở thành một cán bộ lãnh đạo chính trị - quân sự vững vàng và đầy triển vọng của cách mạng Việt Nam.

Ngày 28-1-1941, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác tháp tùng Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108, đặt chân về đất mẹ. Những ngày đầu về nước, khi Nguyễn Ái Quốc ở nhà của ông Lý Quốc Súng - một cơ sở cách mạng ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) và sau đó chuyển lên hang Cốc Bó sống và làm việc là quãng thời gian vô cùng căng thẳng đối với Phùng Chí Kiên. Là trợ thủ số một về quân sự của Nguyễn Ái Quốc, hơn ai hết, Phùng Chí Kiên luôn đau đáu với các phương án bảo vệ an toàn cho Người. Đồng chí biết rằng vùng Lục Khu này tuy có hàng rào quần chúng tốt, nhưng có rất nhiều toán phỉ hoạt động và nhan nhản bọn mật thám Nhật - Pháp.

Những ngày ở Pác Bó, cùng với việc lo bảo đảm bí mật, an toàn cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề vũ trang cho du kích để tự vệ. Đồng chí đã tích cực vận động nhân dân, mà trước hết là cán bộ nòng cốt ở địa phương tham gia phong trào bán trâu, bò, ruộng nương lấy tiền mua vũ khí. Nhờ có sáng kiến này mà các đội tự vệ chiến đấu ở vùng Lục Khu đã được trang bị một số vũ khí của Nhật, Pháp. Phùng Chí Kiên cho rằng cần phải nhanh chóng xây dựng cho bằng được lực lượng vũ trang (LLVT); ở đâu có cách mạng, ở đó phải có đội tự vệ chiến đấu. Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân công mở và phụ trách lớp huấn luyện chính trị (lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh đầu tiên của cả nước) cho các cán bộ nòng cốt ở vùng Lục Khu. Để có giáo trình giảng dạy và giúp học viên nắm bài giảng tốt, Phùng Chí Kiên tự mày mò nghiên cứu và biên soạn thành cuốn Con đường cách mạng dân tộc giải phóng.

Từ ngày l0 đến ngày l9-5-1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì được khai mạc. Tại Hội nghị này đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn- Võ Nhai và trung đội Việt Nam Cứu quốc quân thứ nhất. Tại căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, Phùng Chí Kiên đã tích cực chỉ đạo xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, phát triển các tổ chức cứu quốc, thành lập các tổ, đội tuyên truyền đi vận động và giác ngộ quần chúng; tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cấp tốc về Chương trình Việt Minh cho các tổ chức cách mạng ở châu Bắc Sơn. Đồng chí trực tiếp truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là về chiến thuật du kích cho Đội Cứu quốc quân 1 (trước đó là Đội Du kích Bắc Sơn) và các cán bộ nòng cốt ở địa phương. Dưới sự chỉ huy của Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc quân 1 đã kiên cường trụ bám trong dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, nhanh chóng phát triển cả về tổ chức lực lượng, trang bị và trình độ chiến đấu, làm chỗ dựa tin cậy cho phong trào cách mạng ở Bắc Sơn-Võ Nhai.

Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, tháng 7-1941, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy Đội Cứu quốc quân l và các tổ du kích, tự vệ chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt địch, đẩy lùi một số cuộc càn quét của địch. Để bảo toàn đội vũ trang non trẻ, Ban Chỉ huy Đội Cứu quốc quân l đã quyết định rút các tiểu đội Cứu quốc quân về căn cứ mới. Một cánh quân do Hoàng Văn Thái chỉ huy đã rút sang biên giới Việt-Trung an toàn. Cánh thứ hai do Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri chỉ huy, ngày 22-8-1941, khi về đến Khau Pàn (Ngân Sơn - Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, chặn đánh quyết liệt. Phùng Chí Kiên đã tình nguyện trụ lại bắn chặn địch, tạo điều kiện cho các đội viên Cứu quốc quân chạy thoát và đã anh dũng hy sinh.

Đồng chí ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, một trí tuệ lãnh đạo của Đảng, tài năng quân sự kiệt xuất của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Sự hy sinh của đồng chí là một mất mát lớn cho cách mạng, một thiệt thòi lớn cho Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam. Ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89-SL truy phong cấp tướng cho Phùng Chí Kiên, người chiến sỹ cộng sản tiền bối của Đảng, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự song toàn. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.

Để tri ân những cống hiến và công lao to lớn của đồng chí, Đảng và Nhà nước ta đã cho chủ trương bảo tồn và phát huy khu di tích của đồng chí Phùng Chí Kiên trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ./.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN