Một số giải pháp phát huy giá trị Đình làng Nghệ An trong đời sống văn hóa hiện đại
Đình làng là một thiết chế văn hóa vô cùng quan trọng thời phong kiến. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với sự phát triển của thời đại, các ngôi đình đang ngày càng bị lãng quên, đặc biệt là khi xuất hiện thêm nhiều thiết chế văn hóa mới như nhà truyền thống, nhà văn hóa...Hiện nay, phong trào phục hồi các công trình văn hóa tâm linh ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với đó, một số ngôi đình cũng được phục dựng lại nhưng vì nhiều lý do như kinh phí, sự hiểu biết của người dân, sự thờ ơ của chính quyền địa phương...dẫn đến việc phục hồi không theo nguyên trạng, tạm bợ, chất liệu không phù hợp, thậm chí hiện đại hóa đình làng như dựng khung nhà bằng bê tông cốt thép, lát gạch men.... Có nhiều nơi đình còn bị sử dụng sai công năng như biến đình thành đền, thành nơi sinh hoạt của Phật giáo...Và dần dần tên gọi “đình” cũng biến mất, thay vào đó người ta gọi chệch đi theo công năng hiện tại mà quên mất giá trị vô giá của đình, đó là “hồn cốt”, là tinh túy của làng, của xã thời xưa. Và khi đến cả cái tên “đình”, “đình làng” cũng có nguy cơ bị mất, thì liệu giá trị truyền thống của nó có thể tồn tại và phát huy?
Trong xã hội ngày nay, khi mà “hội chứng đám đông” lên ngôi, nghe người ta kháo nhau đền này thiêng, đền kia thiêng, chẳng cần phải kiểm chứng, người ta cứ kéo nhau đi. Còn các ngôi đình làng, do thiếu yếu tố “thiêng” nên mặc dù vẫn có thờ Thành hoàng đấy nhưng hầu như rất ít người đến thăm viếng. Một số ngôi đình chỉ tổ chức hoạt động vào các ngày lễ lớn của dân tộc như ngày 2/9, 30/4, 27/7...còn lại hầu như để không, dẫn đến tình trạng đình bị rêu mốc, cây cỏ mọc um tùm, trở thành địa điểm lý tưởng cho các tệ nạn xã hội.
Ở một số địa phương, chính quyền đã biết tận dụng công năng vốn có của đình để làm nơi sinh hoạt chi bộ, nơi hội họp, nơi kết nạp đoàn viên, đảng viên và thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu vực đình như đình Cháy (Diễn Châu), đình Sàng (Yên Thành)... Tiếc là con số này không nhiều.
Hiện nay, đình làng là một trong những di tích cộng đồng thuộc diện ưu tiên quan tâm, tu bổ thường xuyên của UBND tỉnh và các cấp, các ngành. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, chỉ mang tính tu bổ cấp thiết, dẫn đến tình trạng không đồng bộ, chắp vá như đình Hoành Sơn (Nam Đàn), đình Tám Mái (Diễn Châu), đình Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).... Nhiều địa phương tu bổ một cách tự phát, thuê nhà thầu thi công không có chuyên môn, không có giấy phép hành nghề tu bổ và không theo quy định Nhà nước, dẫn đến tình trạng làm biến dạng di tích, thậm chí mất luôn các yếu tố gốc. Thực trạng này ngày càng phổ biến.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ con người. Trong sự mất đi ấy, sự quên lãng của con người là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Ở Nghệ An, nhiều di tích, đặc biệt là các công trình kiến trúc truyền thống đang bị xuống cấp, mai một bởi sự thờ ơ, quên lãng của con người, đặc biệt là của chính quyền các cấp. Nhiều ngôi đình rất có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật bị bỏ quên như đình Đức Nậm (huyện Nam Đàn), đình Đạo Ngạn (huyện Thanh Chương)...Khi con người nhận ra thì nó đã trở nên hoang phế. Thêm nữa là sự thiếu hụt về mặt nhận thức đối với các công trình văn hóa tâm linh của một bộ phận không nhỏ cán bộ chuyên trách của các địa phương. Dẫn đến tình trạng biết mà không xử lý, hoặc có xử lý lại bị sai lệch.
Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban quản lý Di tích đã có nhiều cố gắng trong việc “cứu” đình làng thoát khỏi nguy cơ bị mai một, bị quên lãng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà việc làm đó vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vẫn là đình Võ Liệt với những kim tiêm nằm la liệt trong khuôn viên, vẫn là đình Đức Nậm với sự hoang tàn đến xót xa, vẫn là sự lạnh lẽo của một di tích quốc gia đặc biệt bậc nhất miền Trung – đình Hoành Sơn. Vậy, giải pháp nào cho đình làng Nghệ An hiện nay?
Trước hết, về quan điểm cần coi việc bảo tồn, phát triển các giá trị của đình làng là một trong những nội dung quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các gía trị của văn hóa làng. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được tiến hành rầm rộ hiện nay, cần phải chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các không gian văn hóa làng, như cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng, điếm canh…Dù có một số không gian văn hóa làng không còn được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống mới, nhưng chúng cũng cần được bảo tồn như những biểu tượng, mang giá trị văn hóa làng, đặc biệt là giá trị cố kết cộng đồng. Đình làng cũng như vậy, cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị, mà trước hết là giá trị biểu tượng, sau đó là giá trị hữu dụng trong sinh hoạt văn hóa, giáo dục của làng.
Theo tôi, phải tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
1. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho nhân dân về việc bảo tồn, phát huy giá trị của đình làng
Truyền thống về lịch sử, văn hóa làng, trong đó có đình làng trước hết phải hướng đến cộng động dân cư trong làng, trong xã đó, kể cả những người đang ở làng và những người xa quê. Đó là những người thực sự có nhu cầu hiểu về lịch sử làng mình, hiểu về các di tích của quê hương mình. Và cũng chính họ đã, đang và sẽ trực tiếp tham gia vào việc duy trì sinh hoạt, bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng, cũng như các di sản văn hóa khác. Cần phải đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Phát huy hình thức giới thiệu về di tích gắn với sự kiện lịch sử, bằng việc lồng ghép các sự kiện lịch sử vào bài học ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Mặt khác, cần tăng cường hình thức giáo dục trong nhà trường bằng những chương trình dạy và học của học sinh, sinh viên bởi hệ thống di sản luôn gắn chặt chẽ với các giai đoạn lịch sử. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang thực hiện chương trình “ Trường học thân thiện với di tích ”. Chương trình này cần được tiếp tục nhân rộng và có nhiều hình thức gắn kết sinh động và bổ ích hơn giữa nhà trường và di tích.
Mặt khác, trong các hình thức phát huy giá trị di sản thì thu hút khách tham quan là hình thức cực kỳ quan trọng, vì vậy, cần phối hợp với các trung tâm lữ hành, công ty du lịch để đưa đình làng vào các tour du lịch.
Đặc biệt, gần đây khi mạng xã hội phát triển, nhiều làng đã lập trang riêng cho làng mình, kết nối dân làng khắp nơi trên thế giới. Đây là kênh thông tin vô cùng đắc dụng, đặc biệt rất hiệu quả trong việc truyền thông và kết nối đối với lớp trẻ.
2. Đưa đình làng hòa nhập vào đời sống văn hóa thời hiện đại
Một công trình kiến trúc truyền thống không thể chỉ tồn tại trong sự bảo lưu thụ động. Nếu di sản văn hóa nào đó không được người đương thời quan tâm đến, mặc dù là sự quan tâm dưới góc độ bảo lưu thuần túy “ như một di sản văn hóa của quá khứ ”, nếu không có một sự liên hệ với đời sống thực tại, thì di sản đó thực sự đã bị “ đóng băng ”.
Trong thời đại ngày nay, khả năng đình làng bị “đóng băng” là rất lớn. Bởi nhiều hình thức sinh hoạt cũ không còn như thu sưu, thuế, phạt vạ... và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa mới xuất hiện, cộng thêm việc xuất hiện nhiều công trình mới như nhà văn hóa, nhà truyền thống... làm cho vai trò của đình làng ngày càng mờ nhạt. Bởi công năng của các công trình ấy vốn là một trong những công năng của đình làng xưa.
Vì vậy, để đình làng “sống” được và hòa nhập vào thời đại mới là cả một bài toán khó, cần có thời gian và kế hoạch lâu dài.
- Trước hết, phải lấy lại những công năng vốn thuộc về đình. Tức là đưa các sinh hoạt văn hóa của làng, xóm về tổ chức tại đình. Cái khó ở đây là hiện nay, hầu như xóm nào, làng nào cũng có nhà văn hóa. Do đó, cần phải rà soát lại tất cả các đình làng còn lại trên địa bàn tỉnh và số lượng các nhà văn hóa. Trên cơ sở này, xây dựng kế hoạch hoạt động cho các làng, xóm còn đình làng và chưa có nhà văn hóa, những xóm, làng có nhà văn hóa mà vẫn tồn tại đình làng.
- Hai là bổ sung những chức năng mới cho đình làng để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, để đình không chỉ tồn tại, hòa nhập với thời cuộc mà còn trở thành cầu nối, sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại.
Với những xóm, làng chưa có nhà văn hóa thì nên xem đình làng như một nhà văn hóa thực sự. Cần đưa các sinh hoạt của xóm, sinh hoạt đảng, các tổ chức đoàn thể vào tổ chức tại đình. Đồng thời, tổ chức các hoạt động như lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên, lễ xuất quân...vừa nâng cao giá trị đình làng, vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Với những xóm, làng có cả nhà văn hóa và đình làng thì nên có những giải pháp linh động để phát huy được giá trị của cả hai, trong đó, đình làng nên ưu tiên tổ chức các hoạt động mang tính cố kết cộng đồng, các hoạt động tâm linh, tri ân...
Ngoài ra, có thể xem xét, sử dụng đình làng như một nhà truyền thống, một thư viện mi ni của làng, của xã. Đình làng thường có không gian rộng và thoáng, rất dễ để trưng bày các hiện vật. Ngoài các hiện vật, hình ảnh gắn với lịch sử làng xã, cần và nên sưu tầm và trưng bày những nông cụ, hay các vật dụng hàng ngày gắn bó với đời sống làng xã mà nay đang có nguy cơ không còn nữa, như cày, bừa, trục lúa, cối xay, cối giã, áo tơi…Những hiện vật này nếu được trưng bày chắc chắn sẽ tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ với nhiều tầng lớp nhân dân. Đối với các cụ cao niên, đó là khoảnh khắc họ sống lại với những kỷ niệm đã qua; đối với các thế hệ trẻ thì đó là sự tò mò, là sự kích thích mong muốn được tìm hiểu, khám phá. Còn thư viện với đủ loại sách sẽ kéo theo đủ mọi lứa tuổi đến với đình. Vô hình chung, đình trở thành nơi cố kết cộng đồng cư dân làng, xã. Đấy cũng chính là ý nghĩa nguyên bản của đình làng trong suốt một thời gian dài.
Với những làng xóm không có đình và cũng chưa có nhà văn hóa, nên nghiên cứu “tích hợp” cả hai chức năng vào trong một ngôi nhà. Ngôi nhà này nên thiết kế theo kiểu đình làng xưa, tuy nhiên rộng rãi và thông thoáng hơn. Nội thất nên có không gian thiêng để thờ thành loàng, hoặc những vị có công với nước, với dân. Cảnh quan bên ngoài cũng nên tạo không gian gần gũi, truyền thống.
Điều quan trọng là không được để đình làng không có hoạt động, không có người trông nom, chăm sóc, dẫn đến tình trạng hoang vu, lạnh lẽo, rêu mốc. Phải thường xuyên kết nối, gắn trách nhiệm với các trường học, các tổ chức đoàn thể như thanh niên, hội người cao tuổi, hội phụ nữ trên địa bàn nơi có đình làng để có người chăm sóc và bảo vệ.
3. Gắn hệ thống các đình làng với việc phát triển kinh tế du lịch.
Hiện nay, những làng quê yên ả, những nếp nhà xưa với mái đình truyền thống đang trở thành điểm đến hấp dẫn của giới trẻ và nhiều người yêu thích khám phá. Nắm bắt được xu thế ấy, nhiều công ty du lịch đã biến nhiều ngôi làng cổ thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, ở Nghệ An, đây vẫn còn là điều mới mẻ. Với lợi thế nằm trên trục đường Bắc – Nam, cách Thủ đô Hà Nội 300km, có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, quê hương của Hồ Chủ tịch vĩ đại cùng với nhiều ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm như làng Dinh Chu với nghề làm bánh truyền thống, làng Hoành Sơn với ngôi đình Hoành Sơn nổi tiếng, làng Trung Cần với đình Trung Cần... là điều kiện rất thuận lợi để khách du lịch khám phá và tìm hiểu.
4. Tu bổ, tôn tạo di tích đình làng
Hiện nay, đình làng là di tích cộng đồng đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, thường xuyên đầu tư tu bổ. Để tránh việc sau khi tu bổ, di tích bị biến dạng, các hạng mục tu bổ không hài hòa, không ăn nhập với các yếu tố gốc, cần lưu ý một số điểm sau:
- Tôn trọng tuyệt đối tính nguyên gốc của di tích .
Tính nguyên gốc là tiêu chí cơ bản để đánh giá giá trị của di tích nói chung và đình làng nói riêng. Tính nguyên gốc của di tích biểu hiện ở các mặt: Nguyên gốc về kiểu dáng, phong cách, nguyên gốc về vật liệu xây dựng, về kỹ thuật, độ tinh xảo trong chế tác hoặc thi công,... Tính nguyên gốc còn liên quan đến tính liên tục trong lịch sử hình thành và phát triển của di tích.
- Nhận biết sự khác biệt giữa xây dựng mới với công tác tu bổ và bảo quản di tích.
Về bản chất, công tác tu bổ di tích là một quá trình sản xuất sáng tạo, tuykhông phải là một bộ môn khoa học độc lập, nhưng trong qúa trình sản xuất nó vẫn cần có những tiền đề và cơ sở khoa học, mục tiêu bao trùm là phải xác định chính xác giá trị của di tích về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học...tìm biện pháp bảo tồn nguyên trạng di tích.
Trong xây dựng mới người ta chỉ tập trung mọi nỗ lực để vận dụng các thành tựu về kỹ thuật và vật liệu hiện đại nhằm sáng tạo ra một công trình vừa đẹp, vừa bền vững và tiện ích nhất cho người sử dụng, tức là thỏa mãn các công năng kiến trúc.
- Tuân thủ các nguyên tắc khoa học về tu bổ, tôn tạo
Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về tu bổ, tôn tạo di tích được quy định chi tiết trong: Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Lịch sử Văn hoá – Danh lam Thắng cảnh; Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hội di tích. Ở Nghệ An còn có thêm Quyết định 27/2014/QĐ-UBND ngày 3/4/2014 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài ra cần phải nghiên cứu thêm về Luật Xây dựng và một số văn bản mang tính quy phạm có liên quan.
- Xã hội hóa tu bổ di tích đình làng
Hiện nay, nguồn đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích rất hạn hẹp lại đầu tư lại dàn trải dẫn đến hiệu quả tu bổ không cao. Nhiều di tích vừa tu bổ năm trước, năm sau đã xuống cấp như đình Hoành Sơn, đình Võ Liệt... Vì vậy, việc kêu gọi xã hội hóa trong công tác tu bổ di tích được xem là giải pháp hữu hiệu, vừa góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa kêu gọi được sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Thực tế hiện nay, đã có nhiều ngôi đình được phục dựng, tu bổ nhờ nguồn xã hội hóa như đình làng Dinh Chu (Thanh Chương), đình Đông, đình Bích Thị (Yên Thành), đình Dương Liễu (Nam Đàn)...Thực hiện tốt nguồn xã hội hóa sẽ là minh chứng cụ thể, thuyết phục tác động trở lại đến việc huy động nguồn xã hội hóa.
5. Phân cấp quản lý di tích danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh một cách khoa học
Để tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích, trước hết, cần phải có một cơ cấu phân cấp hợp lý, được tiến hành đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, có sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành và chức năng toàn xã hội. Quyết định 1017 ngày 3 tháng 4 năm 2011 của UBND tỉnh về việc “ Phân cấp quản lý di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An ” đã đưa ra 3 cấp quản lý đối với hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn: Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Đặc biệt, cần quan tâm đến lực lượng cán bộ chuyên trách cấp xã và Ban quản lý các ngôi đình làng. Đây là bộ phận gần nhất, trực tiếp gắn liền với di tích nhất. Vì vậy, phải thường xuyên mở các lớp tập huấn, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản và cách thức xử lý những tình huống có khả năng xảy ra đối với đình làng nói riêng và hệ thống di tích nói chung. Thực tế, trong những năm qua, Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên thành phần tập huấn cũng rất hạn chế. Do đó, điều quan trọng nhất là địa phương phải tạo điều kiện cho họ tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức, đặc biệt là những kiến thức mang tính chuyên môn về bảo tồn và phát huy di sản. Riêng với Ban quản lý đình làng, ngoài việc tạo điều kiện cho họ đi tập huấn, học tập kinh nghiệm thì cần phải có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích họ chuyên tâm công tác./.
Ngô Thị Lâm
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội