Phát huy tiềm năng du lịch gắn với di tích danh thắng trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An

17:08 05/12/2018

Nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, Nghệ An có địa hình đa dạng, phức tạp và bị chia cắt thành những tiểu vùng, đồi núi chiếm mất 2/3 diện tích, còn 1/3 là đồng bằng. Khu vực miền Tây Nghệ An  giàu về tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế văn hóa du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái kết hợp với khám phá các kỳ quan danh thắng trên địa bàn. Theo Quyết định 201/QĐ.UBND ngày 17 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết số lượng di tích được kiểm kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 2.602 di tích, di tích đã được xếp hạng các cấp là 413 di tích, di tích đã được kiểm kê phân loại (chưa được xếp hạng) là 2.189 di tích. Trong đó các huyện miền Tây Nghệ An có 326 di tích danh thắng chiếm 15,8% trên toàn tỉnh nhưng ở khu vực này lại có rất nhiều tiềm năng thế mạnh về các loại hình di tích khảo cổ học, loại hình di tích danh lam thắng cảnh. Đây là những tiềm năng để các huyện đầu tư phát triển du lịch gắn với di tích danh lam thắng cảnh. Các huyện miền Tây xứ Nghệ là một trong những vùng có giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Nghệ An với hệ thống di tích – danh thắng đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, có niên đại trải dài từ thời nguyên thủy khi con người có mặt trên trái đất cho đến ngày nay với các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích danh thắng gắn với  quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Về mật độ phân bố dân cư: dân cư Nghệ An tập trung ở vùng đồng bằng, thưa thớt ở miền núi. Phần lớn dân tộc Kinh sống ở đồng bằng, các dân tộc khác phân bố rải rác ở các vùng núi như người Khơ - mú cư trú chủ yếu của họ hiện nay là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Bộ phận dân cư lớn nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay là hơn 21 vạn cư dân Thái. Ngoài ra còn có những nhóm tộc người cư trú thành từng làng nhỏ trên ven dãy Trường Sơn như Đan Lai, Thổ, Hơ mông, Chứt... Vì vậy, các di tích thường tập trung ở các vùng đồng bằng, nơi có đông người Kinh sinh sống. Vì đặc điểm này mà các công trình tâm linh ở miền núi rất ít, đặc biệt là các dân tộc sống theo lối du canh du cư thì hầu như không có di tích. Các di tích ở đây thường được xây dựng theo kiểu đơn giản có tính cơ động cao, đồ thờ giản tiện để thuận lợi cho việc di dời theo phong tục của địa phương.

Trong những năm qua, thực trạng việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng trên địa bàn các huyện miền Tây xứ Nghệ còn nhiều bất cập, chưa được quan tâm đúng mức và chưa khởi dậy được tiềm năng giá trị di tích danh thắng nhằm biến những tiềm năng này thành lợi thế để phát triển kinh tế địa phương.

- Đối với loại hình di tích lịch sử: Theo tài liệu kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết: Số lượng di tích thuộc loại hình di tích lịch sử ở các huyện miền Tây Nghệ An chỉ có 270/2486 chiếm 10,86% toàn tỉnh. Các huyện miền Tây xứ Nghệ là nơi quần cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: người Mường, người Hmông, người Khơ mú, người Ơ đu và tập trung đông đảo nhất nhà người Thái,...Với nền kinh tế tự cung tự cấp, lối sống du canh du cư cùng với tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã tạo nên nét văn hóa tâm linh đặc sắc, tuy nhiên đây cũng là một hạn chế ảnh hưởng đến số lượng các di tích lịch sử. Loại hình di tích này thường ít về số lượng, nhỏ bé về quy mô, đơn giản thô sơ về kiến trúc. Với những đặc điểm như vậy nên các di tích ở miền núi thường không tồi tại bền vững như các di tích ở vùng miền xuôi. Trong thời gian qua, cùng với chính sách của đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân các huyện miền Tây xứ Nghệ đã nỗ lực phục hồi một số di tích có quy mô tương đối lớn, đã trở thành các trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của các huyện miền Tây xứ Nghệ như đền Chín gian huyện Quế Phong, đền Choong huyện Quỳ Hợp, đền Chiêng Ngam huyện Quỳ Châu, đền Cửa Rào huyện Tương Dương, đền Phu Nhạ Thầu huyện Kỳ Sơn, đền Trương Hán huyện Anh Sơn… Theo kết quả lập hồ sơ xếp hạng di tích lưu tại Ban quản lý Di tích Nghệ An, tính đến tháng 01 năm 2018 các huyện miền Tây đã có 21/413 di tích xếp hạng các cấp chiếm 5,1% trên toàn tỉnh…Mặc dù số lượng di tích thuộc loại hình lịch sử còn khiêm tốn nhưng lại có giá trị rất đặc sắc gắn với nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh dân tộc như: di tích bia Ma Nhai, nơi ghi dấu sự kiện vua Trần Minh Tông đi chinh phạt Ai Lao năm Ất Hợi (1335) dẹp yên bờ cõi đồng thời khẳng định thanh thế của nhà Trần. Sau khi thắng trận trở về đi qua vùng đất Mật Châu (tức Thành Nam) nay là xã Chi Khê, huyện Con Cuông nhà vua cho ghi lại công trạng lên vách núi đá gọi là “ Ma nhai kỷ công bi ký ”, “ Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn đục núi ghi công rồi đem quân trở về. Chỗ đục núi ghi công bây giờ ở quả núi thôn Trần Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, chữ viết to bằng bàn tay, nét tạc vào đá sâu đến hơn một tấc ; Di tích đền Cửa Rào thờ nhân vật Đoàn Nhữ Hài đã phò Thượng hoàng Trần Minh Tông đi dẹp giặc Ai Lao, hy sinh trước trận tiền. Để tri ân công lao của vị tướng tài nhân dân nơi đây đã lập đền thờ tri ân tưởng nhớ. Thời kỳ chống quân Minh xâm lược có di tích thành Trà Lân gắn với công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn với những chiến công vang dội của “Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay”…

Trong thời gian qua hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa có chính sách, cơ chế đầu tư phát triển nhằm phát huy những tiềm năng của hệ thống di tích lịch sử thành những lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của vùng.

- Đối với loại hình di tích khảo cổ học

Tỉnh Nghệ An với 2/3 diện tích đồi núi với hệ thống núi non, trùng điệp nhất là các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Qua nghiên cứu khảo cổ học cho biết trong một số hang động thuộc dãng núi cao ở các huyện miền Tây Nghệ An đã thám sát và phát hiện ra những hang động là nơi cư trú của người Việt Cổ như: Thẩm Ồm – Tôn Thạt, hang Cỏ Ngụm, hang Voi, hang Bông, huyện Quỳ Châu hay hang Bản Khằm, Thẩm Hoi.. huyện Con Cuông, hang Đồng Trương, hang Bò, hang Khe Dầu, huyện Anh Sơn, … Đặt biệt là những dấu vết văn hoá đáng tin cậy về người vượn trên đất Nghệ An, đó là di chỉ khảo cổ học Thẩm Ồm, bên suối Bản Thắm, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Việc khám phá những bí ẩn của di chỉ Thẩm Ồm cùng nhiều di chỉ khác trong vùng Phủ Quỳ cho phép người ta đoán định rằng những dấu vết văn hoá của con người ở Thẩm Ồm đã ở vào giai đoạn tiến hoá cuối cùng của Người Vượn đang chuyển biến thành dạng người hiện đại (Homosapiens). Bên cạnh nhưng hòn cuội được ghè đẽo thô sơ, cùng với nhiều răng xương của nhiều loại động vật lớn (vượn khổng lồ, đười ươi lùn, gấu tre, voi răng kiếm), các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 5 chiếc răng hoá thạch của người vượn. Theo ý kiến của các nhà Cổ nhân học, Khảo cổ học thì những chiếc răng của người - vượn ở Thẩm Ồm có những đặc điểm đặc trưng của người Homo sapiens, có niên đại vào khoảng 20 vạn năm về trước. Đây là một trong những nơi phát hiện ra dấu vết “Sapiens” sớm trên thế giới.

Di tích khảo cổ học Hang Thẩm ồm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

Bước sang giai đoạn văn hoá Hoà Bình, các chủ nhân của nền văn hóa Hòa Bình chủ yếu sinh sống trong các hang động đá vôi thuộc phần lớn các huyện miền núi Nghệ An: Con Cuông, Tân Kỳ, Tương Dương và Quỳ Châu là những cư dân sống chủ yếu nhờ săn bắt hái lượm và bước đầu biết trồng trọt. Những tiến bộ kỹ thuật vào cuối thời đại đá mới ở vùng này được ghi nhận rằng: cư dân Hoà Bình đã có biểu hiện tăng vọt về dân số và định cư khá ổn định trên địa bàn rộng.

Theo kết quả khảo sát năm 2015 của đoàn nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam đã đi khảo sát nghiên cứu hệ thống các di tích khảo cổ học hang động miền núi tỉnh Nghệ An đã phát hiện 20 hạng động tại địa bàn các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Quỳ Châu như: Tại huyện Tương Dương phát hiện 1 di tích hang động, 4 di tích ngoài trời: Di chỉ đền Vạn - Cửa Rào; Đồi Đền; Khe Ngậu; hang Thẳm Cũng (hang Tôm). Đặc biệt, tại di tích bản Cửa Rào còn phát hiện nhiều công cụ đá, đồng, gốm thô; Tại huyện Con Cuông phát hiện 9 di tích hang động và 2 di tích ngoài trời tiêu biểu như: hang Con Noong; hang Nọong Mu; hang ông Trạng, hang Hóng Nàng,… Tại hang Con Noong các nhà khảo cổ đã thu được nhiều mảnh tước, xương và vỏ nhuyễn thể có niên đại cách ngày nay khoảng 1 vạn năm; Tại huyện Anh Sơn, đoàn phát hiện 7 di tích khảo cổ hang động, trong đó đặc biệt phát hiện bản khắc trên phiến đá với nhiều hình lõm tròn và hình người có niên đại thuộc văn hóa Hòa Bình muộn tại bản Yên Hòa, xã Hoa Sơn; Tại huyện Quỳ Châu phát hiện 4 di tích hang động như: Thẳm Chàng; Cỏ Ngụn, Thẳm Bua, Thẳm Bông, Tôn Thạt, Thẩm Ồm.

Bước sang thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt dấu vết con người trên địa bàn này được thu thập với một khối lượng lớn các hiện vật, phân bố ở diện rộng hơn trước. Khó có thể đoán định được sự di cư của các nhóm cộng đồng người trong thời đại này. thời đại chuyển biến từ sự hoà nhập của các bộ lạc để hình thành các khối cộng đồng người lớn hơn trước. Nhưng điều có thể khẳng định được là sự thống nhất, đa dạng và liên tục của các nền văn hoá trên phạm vi phân bố rộng ở vùng này từ Tương Dương, Con Cuông qua Tân Kỳ, Anh Sơn ….

Qua kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu cho thấy các di tích khảo cổ học ở các huyện miền Tây Nghệ An rất có giá trị để nghiên cứu về thời kỳ sơ sử ở nước ta, tiềm năng khảo cổ học ở Nghệ An là rất lớn đặc biệt là các huyện miền Tây Nghệ An, với mật độ di tích khác dày đặc, mức độ tập trung cao chiếm 59,3% di tích khảo cổ học trên địa bàn toàn tỉnh.

Những kết quả khảo sát bước đầu cho thấy hệ thống các di tích khảo cổ ở Nghệ An có vị trí nhất định trong diễn trình phát triển lịch sử dân tộc và có giá trị rất lớn về mặt phát triển du lịch địa phương nhưng nó hầu như đang là những di tích bị lãng quên, chưa có cơ chế nào để những di tích khảo cổ học trở thành những công trình phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục các giá trị đặc biệt này tới quần chúng  nhân dân và du khách.

- Đối với loại hình danh lam thắng cảnh

Các huyện miền Tây xứ Nghệ chủ yếu là vùng đồi núi, địa hình chia cắt, khó khăn hiểm trở không mấy thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của vùng nhưng đối với hệ thống di tích thuộc loại hình danh thắng thì đây lại là khu vực rất có tiềm năng với nhiều di tích danh thắng có giá trị. Hệ thống di tích danh lam thắng cảnh rất nên thơ và hùng vĩ tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ thu hút khách du lịch đến khám phá, chiêm ngưỡng tạo nên nhóm di sản thiên nhiên cảnh quan. Tiêu biểu cho loại hình di tích này là: lèn Kim Nhan và di tích hang lèn Voi tại huyện Anh Sơn với nhiều nhũ đá, cột đá hình thù rất đẹp có giá trị về mặt danh thắng; một số danh thắng hoang sơ, hùng vĩ tạo nên những cảnh quan đẹp thu hút đông đảo du khách đến tham quan thưởng ngoạn hàng năm như thác Ke Kèm, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, thác Cây Đơn, xã Tam Hợp, huyện Con Cuông, thác Sao Va với ngọn thác thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh; Thác 7 tầng (bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch, Quế Phong) được xem như một “nàng tiên” mới được đánh thức sau giấc ngủ ngàn năm. Hệ thống thác 7 tầng đang là điểm đến vô vùng hấp dẫn cho những người thích tìm hiểu và du lịch mạo hiểm. Đến thác 7 tầng còn được hòa mình vào một thế giới nguyên sinh ở rừng quốc gia Pù Hoạt; thác Quả Xẳng xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Con thác này quyến rũ du khách với vẻ hoang sơ giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp.

Danh thắng rừng quốc gia Phù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

Đặc biệt là Vườn quốc gia Phù Mát với khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam. Pù Mát không chỉ được biết đến là khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ. Với diện tích khoảng 70 nghìn hécta, thuộc các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, Rừng nguyên sinh Pù Mát có hệ thực vật và động vật phong phú với 896 loài thực vật bậc cao; 220 loài cây thuốc quý; hàng trăm loại rau, cây ăn quả; 241 loài thú, 137   loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng thể... Ngoài ra, rừng Pù Mát còn là nơi sinh sống của đàn voi lớn nhất Việt Nam cùng các loài chim quý như trĩ sao, gà lôi, gà tiêu...Trong vườn quốc gia Pù Mát có quần thể danh thắng như : thác Khe Kèm hùng vĩ cùng nhiều hang động với các cảnh quan lý thú, du thuyền ngắm cảnh trên sông Giăng, hai bên bờ sông Giăng là những dãy núi đá vôi hùng vĩ với các loại thực vật đặc hữu như: Tuế, phong lan...

thác sao va
Thác Sao Va, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong

Trong thời gian gần đây cùng với những chuyển biến về nhận thức, tầm quan trọng của khu vực miền Tây Nghệ An một số địa phương đã có nhiều chủ trương xây dựng các khu du lịch trọng điểm gắn với hệ thống di tích danh thắng trên địa bàn như điểm sáng huyện Con Cuông, huyện Quỳ Châu đã gắn kết các danh thắng vào tua du lịch công đồng, hay du lịch sinh thái nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích kết hợp giữa giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể như những điệu múa, tiếng khèn cùng nhiều sinh hoạt văn hoá độc đáo của cộng đồng dân cư thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú...

Như vậy, từ thực trạng, tiềm năng  giá trị di tích danh thắng ở vùng miều Tây xứ Nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích danh thắng trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An cần có một số giải pháp để  bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng.

Nguyễn Hưng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN