THÂN MẪU VUA MAI-NGƯỜI CÓ CÔNG SINH THÀNH, DƯỠNG DỤC NÊN VỊ VUA , NGƯỜI ANH HÙNG KIỆT XUẤT CHO DÂN TỘC.

09:42 03/02/2023
Lăng mộ và đền thờ thân mẫu vua Mai là nơi yên nghỉ, thờ tự mẹ của Vua Mai, người đã sinh thành, dưỡng dục nên vị vua, người anh hùng kiệt xuất cho đất nước
* Lăng mộ thân mẫu vua Mai
Lăng mộ thân mẫu vua Mai được xây dựng trên đỉnh núi Dẻ, nhìn về hướng Đông Nam. Phía Tây, Nam, Tây Bắc giáp bàu Ngan, nối liền với sông Gang, phía Đông và Đông Bắc nối liền với hệ thống núi đồi thuộc dãy Ngũ Liên Châu.
Núi Dẻ có diện tích 31.874m2, độ cao khoảng 30-40m, đứng từ xa “giống như một con rùa đang nằm” . Núi Dẻ cách Động Cồn Chèn khoảng 1,3 km về phía Đông và cách đường quốc lộ 46 khoảng 1km
Cồn Dẻ - Nơi an táng thi hài mẹ Vua MaiNhãn

Sỡ dĩ có tên núi Dẻ, bởi toàn bộ khu vực này là cả một cánh rừng dẻ, có những cây dẻ gốc to tới hai ba người ôm mới xuể. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân có khai thác một số cây dẻ ở đây để xây dựng hầm trú ẩn, làm trường học và bắc cầu cho xe qua. Hiện nay rừng dẻ đã hồi sinh, vẫn còn đó không ít cây dẻ cổ thụ, mùa hoa dẻ hương thơm dịu dàng của nó, hòa trong gió cách xa vài km người ta vẫn cảm nhận được vị ngọt ngào của hoa dẻ. Trên các cành cây là ngôi nhà của nhiều loài chim, mùa nào chim nấy. Dường như chỉ có ở đây chúng mới tìm thấy sự bình yên cho mình, chúng thoải mái chuyền cành gọi bầy... Tất cả tạo nên một bản nhạc đầy màu sắc thú vị. Từ ngoài nhìn vào sự thâm u, tĩnh mịch của núi dẻ cộng với hương thơm của hoa dẻ và âm thanh của các loài chim càng làm tăng nét huyền bí, sự linh thiêng cho di tích, gợi nên sự tò mò và phát huy trí tưởng tưởng của du khách tham quan, thưởng ngoạn di tích.

Mộ mẹ Vua Mai

* Đền thờ thân mẫu vua Mai
Đền thờ thân mẫu được xây dựng ở trên động Cồn Chèn, quay mặt theo hướng Nam. Đền nằm vị trí địa lý rất đẹp với thế “tọa sơn vọng thủy”, lấy Rú Trừng làm hậu chẫm vững chắc, phía trước đền là sông Gang và đồng lúa bao la làm minh đường rộng rãi thoáng đãng. Du khách có thể đứng ở đền phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của một vùng quê yên ả, thanh bình.

Lăng mộ và Đền thờ thân mẫu vua Mai tọa lạc ở khu vực có khá nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu như: cụm di tích Đền và Lăng mộ vua Mai (xã Vân Diên, thị trấn Nam Đàn – huyện Nam Đàn), khu lưu niệm nhà cụ Phan Bội Châu (Thị trấn Nam Đàn), đền Hữu (xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương), đền Hồ Sơn, đền Thánh Mẫu, chùa Đức Sơn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn)…

Ngôi nhà tranh và cây mơ tương truyền nơi vua Mai cất tiếng khóc chào đời
* Tương truyền trước đây tại mảnh đất này là nơi sinh sống của thân mẫu vua Mai và vua Mai. Sau khi thân mẫu vua Mai và vua Mai mất, nhân dân trong vùng đã xây một cái miếu nhỏ để thờ thân mẫu vua Mai. Song trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi miếu không còn nên sau này nhân dân ghép một số hòn đá lại với nhau và đặt ở phía trước một lư hương để nhân dân có nơi dâng hương vào những ngày lễ, tiết.
Năm 2012, chính quyền địa phương và nhân dân đã phục dựng lại đền thờ thân mẫu vua Mai ngay trên mảnh đất năm xưa bà sinh sống thuộc động Cồn Chèn, xã Nam Thái.
* Căn cứ vào bài trí thờ phụng và các tài liệu còn lưu giữ tại di tích (bài vị, văn cúng, văn bia, truyền thuyết …), Lăng mộ và đền thờ thân mẫu vua Mai là nơi yên nghỉ và thờ phụng mẹ của vua Mai.
Thân mẫu vua Mai quê ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Về tên tuổi và thân thế của bà hiện có nhiều truyền thuyết:
- Theo truyện “Hương Lãm Mai Đế ký” trong “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh” thì Mai Thúc Loan có cha tên là Mai Sinh và mẹ là Vương Thị.
- Theo truyền thuyết dân gian ở huyện Lộc Hà cho rằng: ở Làng Mai Phụ có người con gái họ Mai đã dẫm chân mình lên một vết chân lạ, tự nhiên mang thai sinh hạ được người con trai. Mai Mẫu sinh con tại làng Mai Phụ, sau đó do không chịu nổi ách áp bức bóc lột, tàn bạo của bọn Diêm quan nên hai mẹ con đã bỏ làng ra đi.
- Theo sách “Thiên Nam ngữ lục” chép: “...Người đàn bà nghèo khó đến xem nấu muối, bị một làn khói ngũ sắc bao lấy mình rồi mang thai...Tự nhiên phải khí dương âm. Nước trăng từ ấy ai cầm chẳng ra…”. Bị dân làng cười chê, bà xấu hổ nuốt nước mắt bỏ làng trốn đi và phiêu dạt tới thôn Ngọc Trừng.
- Theo truyền thuyết ở thôn Ngọc Trừng và vùng Nam Đàn thì mẹ vua Mai là con một chủ làm muối ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Do không có chồng mà có mang, bà phải bỏ xứ ra đi, rồi lưu lạc đến thôn Ngọc Trừng (nay thuộc xã Nam Thái, Nam Đàn) sinh ra vua Mai.
* Các tài liệu trên đều thống nhất về quê quán và nơi lưu lạc của mẹ Mai Thúc Loan. Tuy nhiên về tên tuổi và người chồng của bà thì còn nhiều ý kiến. Hiện nay, trong các tài liệu (văn cúng, vị hiệu, truyền thuyết, bài trí…) lưu tại khu di tích vua Mai và khu di tích thân mẫu vua Mai đều không thấy nhắc đến thân phụ vua Mai (tức chồng của bà). Và trong tâm thức của người dân, bà được gọi là Mai Mẫu, Mai Thánh Mẫu, Mai Thánh Thái Hậu… Chúng ta tạm chấp nhận như vậy, còn những vấn đề khác được coi là tồn nghi của lịch sử.
*Trong bài viết này, chúng tôi căn cứ theo nghiên cứu thực tế và truyền thuyết ở thôn Ngọc Trừng, đồng thời đối chiếu với các tài liệu chữ viết như thần tích, thần phả, ngữ lục, ký lục … như đã nêu ở trên thì thần tích thân mẫu vua Mai như sau:
Mẹ vua Mai là con một chủ làm muối ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cuộc sống của bà trôi qua êm đềm theo ngày tháng như bao thiếu nữ trong vùng. Vào một ngày, bà biết mình mang thai , vì sợ điều tiếng và những tập tục khắt khe nên bà đành phải bỏ làng ra đi. Bà lên thuyền ngược dòng sông Cả lênh đênh theo con nước, cuối cùng thuyền dạt vào bến đò của sông Cương Giang hay còn gọi là sông Gang (một nhánh nhỏ của sông Cả) và tìm chổ trú ngụ tại một ngôi đền. Ngày ngày, bà vào rừng đốn củi, xuống sông mò cua bắt ốc kiếm kế sinh nhai. Gần kỳ sinh nở, bà lên núi tìm một nơi để yên cư, đó chính là mảnh đất trên động Cồn Chèn thuộc núi Trừng. Tại đây, bà được nhân dân trong vùng giúp đỡ, dựng cho một ngôi nhà tranh để có nơi sớm tối đi về. Thân gái tha hương một mình, không nơi nương tựa, bà phải lao động vất vả, lần hồi kiếm sống qua ngày. Rồi cũng đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, vào một buổi sáng tinh mơ, bà chuyển dạ, hạ sinh một bé trai khôi ngô, tuấn tú. Bà đặt tên con là Mai Thúc Loan. Từ đây, cuộc sống của hai mẹ con càng trở nên vất vả hơn, bà không những chỉ lo cho mình mà còn phải nuôi nấng đứa con thơ dại. Hàng ngày, bà lại địu con trên lưng vào rừng đốn củi, hái măng, xuống sông mò cua bắt ốc để có cái ăn cái mặc.
* Lúc bấy giờ, nước ta đang bị nhà Đường đô hộ. Chúng thi hành nhiều chính sách cai trị hà khắc: “Mỗi suất đinh … hàng năm phải nộp tô hai hộc thóc. Thuế điệu mỗi năm phải nộp hai tấm lụa, hai trượng lĩnh the (nếu không nộp lụa mà nộp vải thì phải tăng thêm một phần năm), ba lạng bông (hoặc ba cân đay), hoặc nộp bạc thì phải 14 lạng” . Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, không người thân, không họ hàng, cuộc sống của mẹ con Mai Thúc Loan trải qua không biết bao đắng cay, tủi nhục vì những áp bức của bọn quan lại đô hộ và cường hào địa chủ. Nhưng nhờ sự đùm bọc, cưu mang của bà con trong vùng và sự chịu thương, chịu khó của Mai mẫu, Mai Thúc Loan lớn dần lên trong sự yêu thương chở che và những lời hát ru của mẹ:
Ru con, con ngủ à ơi
Trông cho con lớn nên người khôn ngoan
Làm trai gánh vác giang sơn
Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào
Ru con con ngủ đi nào
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng
Làm trai quyết chí anh hùng
Ra tay đánh dẹp vẫy vùng nước non.
Trong tiềm thức sâu xa của người mẹ trẻ ấy luôn hi vọng sau này con mình lớn khôn sẽ trở thành một người có ích cho đất nước, làm một bậc đại trượng phu gánh vác giang sơn. Bà thường dạy Mai Thúc Loan biết yêu thương, đùm bọc chia sẻ với những người nghèo khổ, biết nâng niu trân trọng từng tấc đất, ngọn cỏ của quê hương, biết căm ghét những cái ác, cái xấu xa. Mặc dù còn nhỏ nhưng Mai Thúc Loan hiểu được tấm lòng của mẹ mình, thân mẫu vừa là một người mẹ tốt, yêu thương, tận tụy với con vừa là một người phụ nữ nhân hậu, độ lượng. Dù cuộc sống vất vả, cực khổ nhưng không bao giờ thân mẫu Mai Thúc Loan kêu ca, phàn nàn, gặp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình bà sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ. Vì thế dân làng ai cũng yêu quý và ca ngợi tấm lòng nhân đức của thân mẫu Mai Thúc Loan. Hằng ngày, sau những buổi làm việc vất vả, mệt nhọc, hai mẹ con lại trở về dưới mái nhà tranh đơn sơ giản dị nhưng lúc nào cũng vang tiếng nói cười. Mai Thúc Loan cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của mẹ giành cho mình. Những lời dạy bảo, những câu hát ru, những việc làm nhân nghĩa của mẹ thấm dần vào trong trí óc, trái tim của Mai Thúc Loan. Và chính những câu hát ru ngọt ngào ấy, với trái tim nhân ái, những bài học đầu đời thân mẫu dạy Mai Thúc Loan đã gieo vào trái tim thơ ấu của Mai Thúc Loan tình yêu quê hương xứ sở và trách nhiệm của đấng làm trai trong thời loạn lạc.
Tưởng rằng cuộc sống của hai mẹ con Mai Thúc Loan sẽ êm đềm và hạnh phúc, nhưng một bất hạnh không ngờ đã giáng xuống. Trong một lần, bà vào Cồn Mang Hổ (nay thuộc, xóm 4 , xã nam Thái) kiếm củi không may bị hổ vồ. Mai Thúc Loan không thấy mẹ về đã đi tìm khắp nơi. Tiếng gọi mẹ não lòng vang cả rừng xanh nhưng chẳng thấy mẹ đáp lời. Mai Thúc Loan cùng dân làng đi tìm mẹ. Tìm mãi, tìm mãi cuối cùng Mai Thúc Loan cũng tìm thấy được mẹ của mình nhưng trước mặt Mai Thúc Loan là một cảnh tượng hãi hùng, đau đớn. Thân thể của thân mẫu đã bị xé nát. Nhìn thi thể của mẹ như thế Mai Thúc Loan đã hiểu cơ sự chắc chắn khi vào rừng đốn củi, mẹ đã bị hổ vồ. Đau đớn vật vã trước cái chết thương tâm của mẹ, Mai Thúc Loan cùng dân làng vội đi tìm hổ dữ để trả thù cho mẹ Khi tìm được ,con hổ sợ quá bỏ chạy từ động Cồn Mang Hổ sang động Cồn Sui rồi đến núi Dẻ. Mai Thúc Loan cùng phường thợ săn truy đuổi ráo riết và cuối cùng cũng diệt được con hổ dữ. Cậu cùng mọi người thu nhặt thi hài của mẹ đem an táng trên núi Dẻ ( nay thuộc núi Dẻ, xóm 3, xã Nam Thái). Tương truyền ngày bà bị hổ vồ là ngày mồng 4 tháng 7 âm lịch (không rõ năm).
Cuộc đời của thân mẫu vua Mai tuy ngắn ngủi nhưng bà là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó và có nghị lực sống phi thường, đã có công sinh thành và nuôi dưỡng một bậc anh hùng dân tộc - Mai Thúc Loan. Mai Thúc Loan được thừa hưởng từ thân mẫu tình yêu thương, đức hi sinh và những bài học đầu đời về lòng yêu nước thương nòi từ những câu hát ru ầu ơ, từ trong những việc làm giản dị đời thường của thân mẫu. Đó chính là “động lực thúc đẩy ông sớm hướng vào mục tiêu yêu nước, căm thù giặc, mơ ước đuổi hết bọn ngoại bang thống trị, giành lấy cuộc sống ấm no cho nhân dân” . Như vậy, lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ dân tộc của Mai Thúc Loan đã được sớm hun đúc ngay từ những ngày ấu thơ qua những lời ru, lời dạy của mẹ. Thân mẫu Mai Thúc Loan đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển tư tưởng, nhân cách của vua Mai.
Thân mẫu vua Mai không được chứng kiến ngày Mai Thúc Loan làm nên nghiệp lớn, gánh vác giang sơn nhưng anh linh của bà luôn dõi theo mỗi bước đi của người con hiếu thảo, và hình ảnh của bà luôn là động lực để Mai Thúc Loan vững bước trên con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than của nhà Đường. Tương truyền, sau khi Vua Mai mất, để tưởng nhớ công ơn của người đã sinh ra cho dân tộc một người anh hùng kiệt xuất, một vị vua tài năng, nhân đức, nhân dân đã lập một cái miếu nhỏ ngay trên mảnh đất thân mẫu vua Mai sinh sống. Cứ mỗi lần vào các ngày sóc vọng, hay lễ tiết nhân dân trong vùng đều đến dâng hương và cầu mong anh linh thân mẫu vua Mai linh thiêng về phù hộ độ trì cho nhân dân được bình an, mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Vì thế, thân mẫu vua Mai được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu. Bà xứng đáng được đời đời ghi nhớ, sử sách lưu danh.
* Lăng mộ và đền thờ là nơi yên nghỉ và thờ phụng thân mẫu vua Mai, người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng một vị vua tài năng, yêu nước. Đây là công trình văn hóa tâm linh thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
Xưa, tại lăng mộ và miếu thờ thân mẫu vua Mai, nhân dân trong vùng đều tổ chức dâng hương vào các ngày lễ: lễ hội vua Mai (15/1 âm lịch), lễ húy nhật thân mẫu vua Mai (4/7 âm lịch) và các ngày lễ, tiết khác trong năm như tiết thanh minh (3/3), rằm tháng 7, lễ bái tạ cuối năm (23/11).
Hiện nay, các kỳ lễ vẫn được duy trì, trọng thể nhất là lễ húy nhật thân mẫu vua Mai và lễ hội vua Mai.
*Lễ húy nhật (giỗ)thân mẫu vua Mai: được tiến hành trong 2 ngày, từ ngày mùng 3 – 4/7 âm lịch
Lễ giổ được tổ chức long trọng thu hút rất đông đảo nhân dân trong xã và các vùng lân cận, nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ban liên lạc họ Mai toàn quốc cùng về tham dự.
Trước đây, khi chưa khôi phục được đền thờ thân mẫu vua Mai thì lễ giỗ được tổ chức tại lăng mộ thân mẫu vua Mai. Nhưng từ năm 2012, đền thờ được khôi phục thì lễ giỗ được tổ chức rất trang nghiêm, trọng đại và ấm cúng ở tại đền.
- Lễ Tảo mộ và Mộc dục: được tiến hành vào sáng ngày 3/7 âm lịch.
- Lễ Yết cáo diễn ra vào chiều ngày 3/7 âm lịch.
- Lễ Chính tế (chính giỗ) diễn ra vào 7 giờ đến 8 giờ sáng ngày 4/7 âm lịch
- Lễ chính tế được tiến hành trang trọng theo nghi thức cổ truyền , có đầy đủ các thành phần: chủ tế, bồi tế, đông xướng, tây xướng, chấp sự, phường bát âm, vật phẩm dâng cúng chủ yếu là sản phẩm do người dân địa phương tự tay làm ra. Trong các lễ vật dâng cúng đặc sắc nhất là món khoai xéo (nguyên liệu gồm khoai lang khô, gạo nếp, đường). Lễ vật tuy không phải là cao lương mỹ vị mà chỉ là món ăn dân dã của những người nông dân nghèo khổ trong những ngày giáp hạt nhưng ẩn chứa trong đó một ý nghĩa sâu sắc, nhằm gợi nhớ lại những ngày Mai Thánh Mẫu phải lặn lội thân cò một mình kiếm củ sắn củ khoai nuôi con trưởng thành. Nhắc nhở trong trái tim mỗi người đến dự lễ về lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ. Vì thế, ai đến tham dự lễ giỗ Mai Thánh Mẫu cũng mong xin cho được ít khoai xéo, lộc của Mẫu.
Khác với lễ tế thông thường ở các đền, miếu trong địa bàn Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung, toàn bộ đội nghi lễ của lễ chính tế giỗ thân mẫu vua Mai đều do các nữ quan thực hiện. Ngoài các phần dâng hương, dâng rượu, đọc chúc, dâng trà, còn có dâng hoa, dâng quả. Mỗi lần dâng đều có một bài văn chúc thần (một dạng giống như chầu văn). Mỗi lần người hát chúc thần hát một câu thì chấp sự mới bước lên một bước, cứ như vậy cho đến khi dâng xong lễ thì lui xuống. Sau khi tế xong, các đàn sinh còn đọc văn chầu Mai Thánh Mẫu .
* Lễ tạ: diễn ra vào chiều 4/7 âm lịch, nhằm cung tiễn các chư vị thánh thần xa giá hồi loan.
* Lễ hội Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch):
Lễ rằm tháng giêng tại đền thân mẫu vua Mai gắn liền với lễ hội đền vua Mai ở Thị trấn Nam Đàn. Đây là một lễ hội lớn không chỉ của Nam Đàn mà còn là lễ hội trọng điểm của tỉnh Nghệ An.
* Lăng mộ và đền thờ thân mẫu vua Mai là một công trình kiến trúc tín ngưỡng được nhân dân xây dựng lên để thờ thân mẫu vua Mai, một nhân vật có công sinh thành và nuôi dưỡng vua Mai – vị vua có công với dân với nước.
Nghiên cứu về nhân vật này, chúng ta phần nào hiểu được ảnh hưởng của bà đối với sự hình thành, phát triển nhân cách và trí tuệ của Mai Hắc Đế. Tình yêu thương con của Mai Mẫu là biểu tượng đẹp của tình mẫu tử, tiêu biểu cho nhân cách vẻ đẹp của người Mẹ Việt Nam, và đó là hạt nhân hun đúc nên cốt cách, trí tuệ của người anh hùng dân tộc. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề như vậy nhưng bà đã vượt lên tất cả để nuôi nấng, dưỡng dục và gieo vào lòng Mai Thúc Loan tình yêu quê hương, đất nước ngay từ khi còn nhỏ để rồi sau này dân tộc ta có một vị vua tài năng, anh dũng đã chiến đấu hết mình để giành độc lập cho dân tộc. Và trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, Mai Thúc Loan được coi là hình ảnh tiêu biểu về ý chí, bản lĩnh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, nghiên cứu về mẹ vua Mai, mảnh đất bà sinh sống và yên nghỉ giúp chúng ta cũng hiểu được một phần nào về một vùng đất địa linh, nơi khí thiêng sông núi hội tụ. Vùng đất này từng là một trong những nơi Mai Thúc Loan xây dựng căn cứ địa hiểm trở, vững chắc của nghĩa quân trong cuộc chiến chống quan quân nhà Đường.Và thông qua đây, chúng ta hiểu được một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc ở thế kỷ VIII.
Tại vùng đất núi Dẻ - nơi thân mẫu vua Mai yên nghỉ còn ghi dấu sự kiện lịch sử của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Điều đó giúp chúng ta hiểu hơn về tinh thần đấu tranh cách mạng quật cường của nhân dân Nam Thái.
Nguyễn Lệ Thu
Tất cả cảm xúc


    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN