Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế - địa chỉ linh thiêng trên mảnh đất địa linh nhân kiệt

08:53 01/02/2023

Đền thờ Mai Hắc Đế gồm 2 địa điểm: Lăng mộ vua Mai (thuộc khối Hà Long) và đền thờ (thuộc khối Mai Hắc Đế), thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Hai địa điểm này đều nằm ở trung tâm căn cứ địa xưa của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, mà linh hồn của cuộc khởi nghĩa ấy là vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế.

Lăng mộ vua Mai

Đây là nơi duy nhất trên địa bàn cả nước tôn thờ, tưởng niệm Mai Hắc Đế - vị hoàng đế thứ 2 (sau Lý Nam Đế) trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc dám xưng “đế” - ngang hàng với các vị vua ở phương Bắc. Mai Hắc Đế cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý tưởng và đã thực hiện thành công chủ trương liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo nên bước ngoặt to lớn trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc. Sau khi xưng đế, Ngài lấy Quốc hiệu là Vạn An, xây dựng một vương triều độc lập tự chủ đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường của dân tộc, đồng thời khẳng định khát vọng thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc đối với nhà Đường. Năm 722, nhà Đường quay lại xâm lược nước ta, Mai Hắc Đế cùng ba quân tướng sĩ và cả dân tộc ngoan cường chống địch. Trong cuộc chiến đấu đầy quả cảm và cam go đó, hai vị hoàng tử Mai Bảo Sơn, Kỳ Sơn và Hoàng hậu Phạm Thị Uyển cùng nhiều tướng sĩ bị tử trận. Mai Hắc Đế cũng bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16 tháng 9 năm Quý Hợi (723). Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng danh tiếng của vị thủ lĩnh và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vẫn làm chấn động cả khu vực tại thời điểm ấy và vang mãi về sau.

Đền thờ Mai Hắc Đế

Ghi nhớ công lao của Ngài, Nhân dân nhiều nơi, đặc biệt là vùng Sa Nam đã Ngài làm Phúc thần, lập đền thờ, lớn nhất là ngôi đền mang tên Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn ngày nay. Trải qua các triều đại phong kiến, thần được ban tặng 22 đạo sắc phong. Tuy nhiên, hiện nay, tại đền chỉ còn lưu giữ 13 sắc phong thời Nguyễn. Tên của Ngài (Mai Hắc Đế) còn được đặt cho nhiều con đường lớn và nhiều công trình ý nghĩa như trường học tại nhiều địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá và một số thành phố khác trong cả nước.

Tại đền thờ, hàng năm diễn ra nhiều kì lễ, nhưng quy mô và long trọng nhất là Lễ hội đền Vua Mai, diễn ra trong 3 ngày: 13-14-15 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ rước nước, Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ đại tế, Lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm Vua Mai, Lễ thả đèn hoa đăng và Lễ tạ, cùng nhiều trò chơi dân gian sôi nổi được tổ chức xuyên suốt lễ hội như đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, kéo co ...

Trải qua hàng nghìn năm tồn tại với bao biến thiên của lịch sử nhưng di tích vẫn luôn tồn tại với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, việc hương khói chưa bao giờ bị ngưng trễ. Điều này cho thấy truyền thống tôn thờ người có công, các vị anh hùng dân tộc hết sức tốt đẹp của dân tôc ta từ bao đời nay. Và cũng chính truyền thống đó đã giúp sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, tạo nên những trang sử vàng chói lọi. Những sự kiện diễn ra trên mảnh đất này, những con người đã ngã xuống, từng thớ đất thấm đẫm mồ hôi và máu, đã trở thành những di sản văn hóa quý giá, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Những di sản ấy đã và đang được chính quyền và Nhân dân Nam Đàn gìn giữ, phát huy tốt, góp phần lan tỏa hình ảnh con người và mảnh đất Nam Đàn đến với du khách thập phương, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

Với những giá trị to lớn đó, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã kí Quyết định số 1649/QĐ-Ttg công nhận Đền thờ vua Mai Hắc Đế là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Sự kiện này một lần nữa khẳng định đối với công lao to lớn của Vua Mai, là sự tri ân sâu sắc của Đảng và Nhà nước, của các thế hệ con Lạc cháu Hồng đối với người anh hùng thắp sáng cho dân tộc trong đêm trường nghìn năm Bắc thuộc./.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN