THIỆN ĐÀN VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG ĐẦU THẾ KỶ XX Ở NGHỆ AN

10:36 12/07/2018

Thiện đàn là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng có từ lâu trong xã hội phong kiến nước ta. Nó thường gắn với các cung, quán, đền miếu của Đạo giáo dân gian nên có mối quan hệ chặt chẽ với việc thờ cúng, cầu phúc, cầu tiên. Chức năng chính của Thiện đàn là thông qua các hình thức hoạt động mang tính tín ngưỡng để khuyên con người ta bỏ những thói hư tật xấu, hướng đến điều chân thiện mỹ. Đặc biệt từ khi nước ta bị Thực dân Pháp xâm lược, các nhà Nho bất hợp tác với giặc và triều đình, hoặc tham gia khởi nghĩa, hoặc về quê mở trường dạy học, hoặc lậpThiện đàn để bảo vệ cương thường, đạo lý.

Mộc bản kinh thiện đàn
Mộc bản kinh thiện đàn

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nước ta đang bị khủng hoảng về đường lối cứu nước. Khuynh hướng cứu nước theo con đường quân chủ lập hiến và dân chủ tư sản đều đi đến kết cục thất bại. Xã hội như một màn đêm tăm tối. Đứng trước tình cảnh nước mất nhà tan, xã hội loạn lạc, phong hóa bị suy đồi, con đường cứu nước còn mù mịt, các sĩ phu yêu nước đã cầu viện đến “hồn thiêng sông núi, tinh anh dân tộc”. Họ thành lập các hội thiện tổ chức các đàn cầu tiên mượn lời thánh huấn, thánh giáo của các bậc tiên thánh để dạy đời, cứu dân, trước là để giữ gìn thuần phong mỹ tục, sau là để thức tỉnh nhân tâm ái quốc, ái quần.

Từ năm 1908 trở đi, sau khi phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục thất bại, trước cuộc đàn áp của chính quyền thực dân, các nhà Nho ái quốc nhiều người đã rút lui sau hình thức Thiện đàn để tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng ái quốc, do đó phong trào Thiện đàn phát triển mạnh mẽ hơn trước nhiều. Hiện nay, chúng ta chưa có cuộc điều tra để nắm vững tình hình cụ thể của phong trào . Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng phong trào Thiện đàn có mặt ở hầu khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Đặc biệt là miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Như đền Ngọc Sơn, quán Trấn Vũ ở Hà Nội; thiện đàn Đồng Lạc, cung Thiên Trường, thiện đàn xã Hạc Châu, thiện đàn xã Hành Thiện (huyện Xuân Trường), thiện đàn xã Phương Để (huyện Trực Ninh) ở Nam Định đều là các trung tâm thiện đàn có tiếng ở miền Bắc. Ngoài ra ở các nơi khác như Hà Đông, Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ… đều có Thiện đàn.

Ở Nghệ An, phong trào Thiện đàn phát triển rất sôi nổi. Bởi xứ Nghệ là nơi sản sinh ra hàng ngàn sĩ phu yêu nước, cái nôi của các phong trào chống Pháp như Cần Vương, Đông Du, lại có các tư tưởng mới như Tân Thư, Tân Văn truyền vào nên tinh thần của các nhà Nho xứ Nghệ càng hăng hái hơn. Thiện đàn là nơi truyền dạy những lời vàng ý ngọc khuyên đời cứu dân của các bậc tiên thánh. Đến nay, chưa có thống kê chính thức về số lượng Thiện đàn ở Nghệ An nhưng chắc chắn con số đó phải lên đến trên dưới một trăm đàn. Hầu như khắp các huyện đồng bằng, trung du đâu đâu cũng có Thiện đàn, như ở Nam Đàn có Hiếu Thiện Đàn (Vân Diên), Cư Thiện đàn (Sa Nam), Vi Thiện đàn, Thiên Tiên Thánh Mẫu tự (xã Xuân Hồ), Tác Thiện đàn (thôn Hà Nam, xã Đông Liệt), Chỉ Thiện đàn (Tràng Cát, Nam Cát); Yên Thành có Khuyến Thiện đàn (Hoa Thành), Tập Thiện đàn, Mộ Thiện đàn (Phì Cam – Vĩnh Thành), Đàn Thiện (Hồng Thành); Hưng Nguyên có Lạc Thiện đàn (Hưng Thông); Diễn Châu có Giác Thiện đàn (Diễn Nguyên), Chân Thiện đàn (Diễn Ngọc), Tuần Thiện đàn (Diễn Thái); Thanh Chương có Tín Thiện đàn (thôn Trung Hòa – xã La Mạc), thành phố Vinh có Cổ Thiện đàn, Đô Lương có Hội Thiện đàn (Trù Sơn) .v.v… Trong số đó, thì tiêu biểu như Hiếu Thiện đàn (Vân Diên), Chỉ Thiện đàn (Nam Cát), Hội Thiện đàn (Trù Sơn), Lạc Thiện Đàn (Hưng Thông) là những trung tâm Thiện đàn lớn, có tầm ảnh hưởng rộng khắp không chỉ trong huyện mà còn lan ra các huyện lân cận.

Hoạt động đáng chú ý nhất của Thiện đàn là cầu tiên giáng bút truyền kinh. Đàn cầu tiên thường được thiết lập khá phức tạp, có đầy đủ các ban thờ chư vị thánh thần từ cao xuống thấp: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tam cung thánh đế, Diêu Trì Vương Mẫu, Quan Thánh đế quân, Văn Xương đế quân, Lã Động Tân, Hưng Đạo Đại Vương, Vân Hương Thánh Mẫu, Chư vị Khâm sai công chúa, tả hữu giám đàn, có đàn nội, đàn ngoại, tả hữu lưỡng ban... Thông qua kê bút (còn gọi là con lung, bút tiên) do đồng tử chấp bút, các vị tiên thánh giáng vào và viết lên mâm đựng gạo (hoặc cát), có một người đọc, một người chép, một người viết lại chính tả và đưa cho thợ khắc lên bản gỗ. Sau đó các bản gỗ được in ra thành sách và phân phát cho thiện nam, tín nữ. Các thiện nam, tín nữ đến thỉnh kinh thường không mất tiền, chỉ cần nộp giấy, mực, hương, sáp hoặc công đức bằng lao động. Nhiều thiện tín giác ngộ được những lời thánh truyền đã bỏ tiền ra công đức khắc in, hoặc sao chép kinh giáng bút để ấn tống cho đàn sinh. Tuy nhiên không phải Thiện đàn nào cũng có hoạt động cầu tiên giáng bút. Có những đàn chỉ thỉnh kinh ở các đàn khác về đọc tụng và truyền giảng cho thiện tín.

Kinh giáng bút ở Thiện đàn xứ Nghệ vừa có cả chữ Hán, vừa có cả chữ Nôm. Nội dung của các bản kinh thường khuyên bỏ rượu chè, bỏ cờ bạc, bỏ các hủ tục lạc hậu như tin quàng xiên vào quỷ thần, đồng bóng, đốt vàng mã, khuyên mọi người chăm chỉ làm ăn, trai giữ tam cương ngũ thường, gái giữ tam tòng tứ đức, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, kính trọng trời đất, thần linh, khuyên đoàn kết, yêu nước thương nòi… Các vị thánh thường giáng kinh như Đệ Nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đệ Nhị Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Đệ Tam Thánh Mẫu Thoải Phủ, Hưng Đạo Đại Vương, Linh Từ Quốc Mẫu, Nguyên Từ Quốc Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Văn Xương Đế Quân, Quỳnh Hoa Công Chúa, Quế Hoa Công Chúa. Ngoài ra còn có các vị thánh thần là danh nhân người Nghệ An hoặc được thờ ở Nghệ An như Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế, An Dương Vương, Tống Tất Thắng, Nguyễn Cảnh Hoan, Tứ Vị Thánh Nương, Độc Lôi Sơn Thánh, Phùng Hưng… Đó đều là những bậc anh hùng dân tộc có công đánh giặc giữ nước, bảo vệ quê hương.

Thông qua các hoạt động của Thiện đàn như cầu tiên giáng bút truyền kinh, giảng kinh, bốc thuốc, bốc quẻ… các nhà Nho đã “thổi” vào đó những tư tưởng đấu tranh, ái quốc, tự cường dân tộc, chống lại các áp bức bóc lột của cường hào phong kiến và thực dân. Như trong bài tựa “Cứu tệ chân kinh” do đức vua Mai (Mai Hắc Đế) giáng bút có đoạn: “.. . Đội ơn các thánh thương thế đạo tàn nát, nghĩ lòng người chìm đắm, lần lượt giáng chân kinh, mượn đồng khẩu làm chuông vàng, lời quý báu thường răn dạy; lấy cành đào làm mõ gỗ, chỉ muốn lấy đạo này để giáo hóa dân này. Cái ý ấy ngày nay thật là sông núi vốn chẳng khác, phong tục thay đổi trong ngày một. Kẻ sĩ, nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nảy mầm dối trá, quan chức, dân binh lửa lòng phừng phực.... Than ôi! Sự đời đến vậy. Thật đáng than thay! Huống chi nay lửa Tần thê lương, gió Âu kịch liệt, ......lấy ai làm trụ cột, lấy ai kéo vãn con sóng cuồng. Ta đây vâng mệnh thiên đình, đánh bại Quang Sở Khách trước trận, đẩy lùi Dương Tư ở Tắc Thượng, chí lấn át nhà Đường, tâm bảo hộ dân nước Nam. Chẳng nề việc thắng bại của nhà binh, lý số đã vậy. Nhưng chính khí còn mãi, tiếng thiêng không mất, nhãn quan tương lai của mạt kiếp, mắt thấu cơn đại biến của dân tình. Há có thể điềm nhiên ngồi nhìn chăng. Nay hội đồng phủ tía vâng phụng chỉ chuẩn Ngọc Hoàng ... đặc mệnh bách thần giáng hạ Cứu Tệ Chân Kinh, khiến dân đọc tụng để trừ tai ách ...... mọi người nghe thấy lời này tự có thể quay đầu về bến giác; côn trùng, cầm thú nghe thấy lời này cũng có thể rung động. Các ngươi gia tâm in khắc, để ý thi hành, khiến cho nhà nhà đều hiểu, người người đều hay. Ngày qua tháng lại, trước sự đau khổ của đời mạt kiếp, cũng có chút lợi ích vậy…

Hay một bài giáng bút của Phùng đại vương (Phùng Hưng) khuyên răn các bậc hương hào trong làng đừng cậy quyền cậy thế mà ức hiếp dân lành:

“Đàn anh cho đúng bực đàn anh

Chớ có quen nghề bắt nạt quanh...

Phú hào kia cũng nức gia thanh. Cho nên ta dạy đàn anh tu cùng. Trong một ấp tín trung hẳn có, chẳng ba đời giàu khó chắc ai. Khuyên ai chớ cậy rằng tài, mà lên nước mặt dị tài kiêu nhân. Của phú túc đã phần thứ nhất, lòng bao dung chẩn tuất cũng giàu, mới hay hưởng thụ về sau... Nhờ gia ấm ở dân là kẻ cả, nghĩ đến điều phong hóa làm nên. Không nên tát cạn ao bèo, mà đem dốc đó kẻ nghèo lấy tôm. Không nên thói đầy mồm chưa chán. Không nên câu tính toán trong ngoài. Con em thở ngắn than dài, thương thân ngắn mỏng kêu ai được nào. Thôi ta dặn ông hào mỗi lẽ, giữ sao cho là kẻ đàn anh. Phen này gặp hội văn minh, thử xem ngụ nội canh hành ra sao…. Đường ăn ở tụng tranh đã bỏ, lúc ra vào thuận cảnh cùng nhau. Ai ơi chớ vội làm giàu, tế nhân mau hỡi bắc cầu mau đi. Mình chẳng chọi những khi đạo tặc, buổi cơ hàn ai mặc cho dân. Hào kia cũng chẳng kém thân, phong lưu tổng lý dự phần thanh danh. Áng ca xướng phong tình trai gái, liệu đem lời phải trái khuyên răn. Dự câu bất loạn trong dân, hào kia như thể siêu phàm biết bao. Lũ cờ bạc mãi ngao du quá, đánh một roi răn cả trăm người. Trong dân trách phạt kẻ lười, hào kia như thế cho đời soi gương. Lúc giỗ tết nhà thường không có, bảo vợ con cho nó ít nhiều. Dạy dân lễ nghĩa từng câu mỗi điều, quan trên nghe tiếng cũng yêu lấy hào. Trông thấy đứa hỏi chào thô tục, nghĩ ngày đêm lập học tiên sư. Trăm năm công đức còn ghi, làng thôn danh giá nước vì văn minh. Khuyên nhau ăn ở đúng đàn anh".

Không chỉ giáng bút truyền kinh giảng đạo lý, các Thiện đàn còn góp phần cổ vũ phong trào yêu nước, phong trào cách mạng đang phát triển sôi nổi theo chiều hướng mới. Từ những năm 20 đến những năm 40 của thế kỷ XX là thời kỳ thịnh vượng nhất của phong trào Thiện đàn, nhiều người tham gia Thiện đàn sau này trở thành những đảng viên đầu tiên của chi bộ Đảng như ở Diễn Nguyên, Diễn Châu có các ông Đào Chẩm, Đào Đôn, Đào Mai, Đào Mỹ, Đào Xuân Long là những người sáng lập Giác Thiện đàn sau này đều trở thành đảng viên của Chi bộ BắcThái (một trong hai chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Diễn Châu). Thiện đàn còn là cơ sở hoạt động bí mật của Đảng. Thông qua các buổi giảng kinh, các chủ trương chỉ đạo của cấp trên đã được khéo léo lồng ghép để tuyên truyền cho quần chúng nhân dân một cách hợp pháp mà chính quyền thực dân phong kiến không hề hay biết. Như Giác Thiện Đàn ở Diễn Nguyên (Diễn Châu) đã được chi bộ Bắc Thái sử dụng làm nơi hoạt động bí mật, hàng trăm tài liệu của Đảng sau khi in ấn xong ở nhà ông Lê Phước đã được đưa qua Giác Thiện Đàn để vận chuyển đến các cơ sở khác trong Phủ ủy. Hay Hội Thiện đàn ở Trù Sơn (Đô Lương) cũng là một địa điểm hoạt động bí mật của các đảng viên chi bộ Trù Sơn trong suốt một thời gian dài mà địch không phát hiện được. Đặc biệt, Lạc Thiện đàn (hiện nay thuộc khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở Hưng Thông, Hưng Nguyên) là nơi đã gắn bó và góp phần hình thành nên nhân cách và tư tưởng yêu nước của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ngay từ khi còn thơ ấu.

Có thể nói Thiện Đàn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong một giai đoạn lịch sử nhạy cảm và đầy biến động của dân tộc, góp phần cho những thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị, tuyên truyền của Đảng ta. Các Thiện đàn vừa có ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo, vừa có ý nghĩa chính trị. Các nhà yêu nước đã mượn tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền chính trị nhưng sau lại “bị tôn giáo hấp dẫn mà tác động trở lại khiến ý thức lợi dụng lúc đầu đã bị chìm ngập vào không khí tôn giáo thực, kèm theo ý nghĩa chính trị”. Đây là một phong trào mang tính lịch sử, góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước thương nòi của nhân dân ta hồi đầu thế kỷ XX.

Trần Văn Hữu – Ban quản lý Di tích & Danh thắng Nghệ An



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN