Truyền thống gia tộc Trần Đình Phong và những thông tin quý về lịch sử qua cuốn “Mã Trang Trần thị gia phả”

09:52 12/09/2019

Mỗi con người sinh ra đều có quê hương, dòng họ và chịu sự ảnh hưởng từ truyền thống quê hương, truyền thống gia tộc. Nghệ An nói chung và Yên Thành nói riêng là vùng đất địa linh, đây là quê hương của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng như Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Thám hoa Phan Thúc Trực, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạo… Đồng thời đây cũng là vùng đất có nhiều dòng họ nổi tiếng về khoa bảng như họ Hồ ở Tam Công; dòng họ công thần như họ Phan ở Tràng Thành, họ Trần ở Giai Lạc... Dòng họ của Tiến sĩ Trần Đình Phong cũng là một trong những dòng họ như vậy.

Trần Đình Phong thuộc đời thứ 6 của họ Trần ở trang Yên Mã. Ông sinh năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) tại xóm Lũy, xã Thanh Khê nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành. Các thế hệ trước ông có nhiều người làm quan trong triều đình nhà Lê Trung hưng và nhà Tây Sơn, được ban tới tước Hầu, tước Bá. Kế thừa những truyền thống tốt đẹp đó, ông đã phấn đấu dùi mài kinh sử để không hổ thẹn với các bậc tiền nhân và làm rạng danh dòng tộc. Trong kỳ thi ân khoa năm Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879), ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, trở thành người đậu đạt cao nhất của dòng họ và của cả xã Thanh Khê.

Trần Đình Phong là người rất quan tâm đến truyền thống gia tộc. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) tức là sau khi vừa đậu Tiến sĩ một năm, ông đã tổ chức biên soạn gia phả dòng họ, đặt tên là “Mã Trang Trần thị gia phả” . Để thêm phần trang trọng, ông mời Tiến sĩ Đặng Văn Kiều [1] viết lời tựa gia phả. Đây là quyển gia phả được biên soạn rất công phu và khoa học, gồm có ba phần: phần một là lời tựa, phàm lệ và chính phả; phần hai ghi ghép phần mộ của các bậc tiền nhân; phần ba chép lại toàn bộ các sắc phong, bằng cấp của tiền nhân và thể thức các bài văn tế. Ở mỗi phần đều ghi rõ tên người biên soạn ở phía dưới là Tiến sĩ Trần Đình Phong.

Qua cuốn gia phả cho chúng ta biết được họ Trần là một trong những dòng họ đến định cư sớm ở trang Yên Mã. Khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh, Bảo Thái thời Lê Dụ Tông (1706 – 1729) cụ tổ Trần Thiện Đạo đã đến sinh cơ lập nghiệp tại mảnh đất này. Các thế hệ nối tiếp có nhiều người làm quan cho các triều đại Lê Trung hưng, Tây Sơn, nhà Nguyễn tiêu biểu như sau:

Đời thứ hai: ông Trần Đình Thai, tên tự là Phúc Huân, đầu niên hiệu Cảnh Hưng ông đi lính được tuyển vào đội Thị hầu ở Tả cơ Thị nội. Đến năm Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), ông Trần Đình Thai được sắc phong Phấn lực Tướng quân Hiệu lệnh ty Tráng sĩ, Bách hộ, hàm chánh lục phẩm. Đến năm Ất Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745), ông theo Thống lĩnh quan Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đi đánh Quận He Nguyễn Hữu Cầu ở Xương Giang dành thắng lợi và được sắc phong Tráng tiết Tướng quân, Hiệu lệnh ty Tráng sĩ, Phó Thiên hộ, Thiết kỵ úy, trật chánh ngũ phẩm.

Đời thứ 3: ông Trần Đình Đãng, thời Cảnh Hưng làm lính Ưu binh, lập được quân công, được sắc phong lên chức Chỉ huy sứ, trật tòng tam phẩm. Năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1783), ông cùng với ba quân tôn phù Trịnh Khải lên ngôi chúa. Ông mất trong quân khi đang làm nhiệm vụ ở Phú Xuân (Huế).

Đời thứ 4: Trần Đình Thực, tên tự là Khắc Cần, thời Cảnh Hưng, ông đi lính được sung vào Ưu binh ở Tiền khuông cơ. Ông theo Đốc lĩnh quan Phan Phái hầu Nguyễn Phan đi đánh các xứ Thái Nguyên, Hưng Hóa lập được chiến công, ngày 05 tháng 05 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774), ông được chúa Tĩnh vương sắc phong làm Đội trưởng. Sau đó, ông theo Tả chi Thiều Quận công hộ giá đi đánh phương Nam lập được nhiều công lao. Ngày 12 tháng tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778), được phong Phấn lực Tướng quân, Bách hộ, truật Chánh lục phẩm.

Đời thứ 4: Trần Đình Chu, thời Cảnh Hưng, ông đi lính cho triều đình. Ngày 12 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 42, ông được chúa Tĩnh vương ban chỉ làm chức Đội trưởng. Năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), ông cùng với ba quân tôn phù Trịnh Khải lên ngôi chúa, trong một ngày ông được ban hai đạo sắc, đạo thứ nhất phong chức Phấn lực Tướng quân, Hiệu lệnh ty Tráng sĩ, Bách hộ, đạo thứ hai phong chức Tráng tiết Tướng quân, Hiệu lệnh ty Xuy kim tráng sĩ, Thiết kỵ úy, Phó thiên hộ. Sau khi nhà Lê sụp đổ, ông ra làm quan cho nhà Tây Sơn, lập được nhiều chiến công. Ngày 29 tháng giêng năm Quang Trung thứ hai (1789), ông được sắc  phong chức Trung úy, tước Tiệp Mẫn hầu. Sau đó, ông tiếp tục lập được nhiều công lao, đến ngày 25 tháng 10 năm Quang Trung thứ 5 (1792), ông được phong chức Chỉ huy Đồng tri.

Đời thứ 5: Trần Đình Kiều, tên húy là Thiền (là thân phụ của Trần Đình Phong) là người nhân đức, hiền từ, giàu có trong làng. Ông đã có nhiều công lao với dân làng và họ tộc như xây dựng nhà thờ, mua sắm đồ tế khí, xuất tiền kêu gọi dân chúng phiêu tán về an cư lạc nghiệp, làm lại đinh điền địa bạ của làng, mời thầy về dạy học cho con em, trọng đãi các bậc sĩ nhân, văn thân trong huyện nên ai cũng yêu mến. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ngự giá nhà vua ra Bắc Thành, quan tỉnh Nghệ An sức trát cho các nhà giàu trong tỉnh cung cấp tiền bạc để phục vụ cho vua sử dụng ở hành cung. Ông đã xuất của cải cung phụng việc ngự dụng của vua. Sau khi xa giá hồi cung, ông được ban chỉ danh hiệu Phú hộ và một đồng “long văn tiền”.

Đời thứ 5: Trần Đình Giác sinh năm Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Lớn lên ông đi lính cho nhà Tây Sơn được phiên chế vào vệ Anh minh, đồn Trung quân, đạo Tả bật, lập được nhiều công lao trong chiến trận. Ngày 28 tháng 8 năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795), ông được ban chức Trung úy, tước Sung Tài tử.

“Mã Trang Trần thị gia phả” là một trong số những sách do Tiến sĩ Trần Đình Phong biên soạn may mắn còn sót lại. Bởi trong cải cách ruộng đất, hầu hết các sách vở, thư tịch liên quan đến ông đều bị đốt sạch, một phần do đội cải cách tịch thu để thiêu hủy, một phần do con cháu sợ liên lụy nên tự thiêu hủy. Hiện nay, chỉ còn lại ba tác phẩm là Mã Trang Trần thị gia phả, Thanh Khê xã chí, Quỳ Trạch tổng đăng khoa lục . Cuốn sách này không chỉ thuần túy là gia phả của một dòng họ mà nó còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý báu mà chính sử còn thiếu sót hoặc không đề cập đến. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy được cách nhìn nhận các vấn đề lịch sử của một vị đại trí thức đương thời.

- Thông tin về binh chế cuối thời Lê trung hưng:

Trong gia phả, khi viết về những bậc tiền nhân được phong phẩm hàm, chức tước, ông đều ghi chú rất rõ, theo quan chế thì thuộc cấp bậc nào, cách thức tuyển dụng, phong cấp. Như phần viết về ông Trần Đình Thai làm Thị hầu trong phủ chúa có dòng cước chú “Theo binh chế thời Lê, Thị hầu bộ binh có bốn cơ Thị nội vâng hầu trong phủ chúa. Cứ ba năm mỗi kỳ đăng tuyển lính ở các doanh và các hiệu ở thuộc đồn. Người nào có chiều cao từ 4 thước 2 tấc (khoảng 1,62m) trở lên thì được tuyển vào Thị hầu. Khẩu phần tiền lương của lính Thị hầu so với lính bộ binh ở ngoài nhiều gấp bội.” Qua đoạn cước chú trên chúng ta biết được rằng, trong phủ chúa có bốn cơ lính bộ binh Thị hầu bảo vệ vương phủ, cứ ba năm một lần tuyển lính Thị hầu, muốn được vào đội Thị hầu phải đạt tiêu chuẩn về chiều cao trên 1,62m, chứng tỏ rằng đội quân Thị hầu là những người to cao, khỏe mạnh, được tuyển chọn kỹ càng. Vì thế lương của lính Thị hầu cũng cao hơn lương lính ở ngoài nhiều lần.

Hay phần viết về ông Trần Đình Thực có đoạn “Theo binh chế thời nhà Lê, trong binh có các cơ Tả, Hữu, Tiền, Hậu, mỗi cơ có 500 ưu binh, mỗi Binh có 100 người, lính tuyển ở Thanh Nghệ là Ưu binh, lính tuyển ở bốn trấn là Nhất binh.” Qua đoạn ghi chú này chúng ta biết được, dưới thời Cảnh Hưng, số lượng ưu binh trong các cơ là 500 người, chưa kể các hạng nhất binh và binh lính khác. Đồng thời có sự phân biệt lính tuyển giữa các vùng miền: lính tuyển ở Thanh Nghệ gọi là Ưu binh, lính tuyển ở bốn trấn Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây và Kinh Bắc gọi là Nhất binh. Lính ưu binh có nhiều ưu đãi hơn những hạng lính khác.

- Những thông tin liên quan đến vương triều Tây Sơn và cách nhìn nhận của Trần Đình Phong về triều đại này.

Do chịu sự trả thù của nhà Nguyễn nên những gì liên quan đến vương triều Tây Sơn đều bị xóa sổ, nhất là các tư liệu thư tịch. Những người từng đi theo hoặc ủng hộ nhà Tây Sơn hầu hết đều phải thay tên đổi họ hoặc che dấu thân phận. Vì vậy, khi tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này các nhà nghiên cứu đã gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua cuốn gia phả này chúng ta được biết gia tộc họ Trần ở xóm Lũy có ít nhất hai người theo nhà Tây Sơn và được ban quan tước, phẩm hàm cao trong quân đội. Cả hai người ngày đều là những thế hệ kế cận với Trần Đình Phong (ngang hàng với đời ông, đời cha). Khi viết cuốn gia phả này, Trần Đình Phong đã đậu Tiến sĩ và được bổ thụ chức Hàn lâm viện Toản tu. Theo lẽ thường tình, người đang làm quan cho nhà Nguyễn thì sẽ đứng trên lập trường quan điểm của nhà Nguyễn đến phán xét các vấn đề lịch sử, đặc biệt lại đối với một vương triều có mối thâm thù “không đội trời chung” với vương triều hiện tại. Nhưng trong gia phả, ông không gọi vương triều Tây Sơn là Ngụy Tây như quan điểm của triều đình mà ông gọi là Nhuận Tây. Điều đó cho thấy, ông đã có cách nhìn khác về nhà Tây Sơn, mặc dầu “nhuận” vẫn chưa phải là chính thống theo quan niệm Nho gia nhưng không phải là kẻ loạn thần lên cướp ngôi như từ “ngụy”. Đồng thời các sắc phong của vương triều Tây Sơn ban cho các bậc tiền nhân ông vẫn sao chép lại đầy đủ trong gia phả, các niên hiệu Quang Trung, Cảnh Thịnh vẫn giữ nguyên mà không bị tẩy xóa, che dấu, cho thấy ông rất tôn trọng lịch sử và cũng không sợ bị liên lụy hay truy tố. Sau này, quan lộ của ông vẫn thăng tiến suôn sẽ, các con của ông vẫn thi cử đậu đạt. Đây là việc làm hiếm thấy, chứng tỏ ông là con người rất bản lĩnh, lập trường vững vàng, trung thành với vương triều hiện tại những không có nghĩa là phủ nhận triều đại Tây Sơn như các sử quan triều Nguyễn.

- Thông tin về đợt ngự giá Bắc Thành của vua Thiệu Trị

Trong lần vua Thiệu Trị ngự giá ra Bắc Thành để nhận sắc phong của nhà Thanh, khi đi qua tỉnh Nghệ An, quan trấn sở đã sức cho các địa phương cung ứng thêm tiền bạc để phục vụ ngự dụng của nhà vua ở hành cung. Thân phụ của Trần Đình Phong là một trong những nhà hào phú đã hưởng ứng việc đó. Chứng tỏ thời xưa, việc cung ứng ở các dịch trạm hành cung được huy động cả trong nhân dân.

Việc ghi chép một cách tỉ mỹ, rõ ràng, “Mã trang Trần thị gia phả” không chỉ có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử dòng họ mà nó còn cung cấp nhiều thông tin giá trị về lịch sử đất nước, truyền thống địa phương. Đây là tài liệu quý và đáng tin cậy cho các nhà nghiên cứu lịch sử, địa phương học, phong tục học. Đồng thời còn giúp hậu thế hiểu thêm về truyền thống gia tộc, tính cách, sự uyên bác và cách nhìn nhận lịch sử khách quan của cụ nghè Yên Mã Trần Đình Phong./.

Trần Văn Hữu - Phó phòng PHGTDT


[1] Đặng Văn Kiều người xã Phất Náo, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, đạo Hà Tĩnh (nay thuộc xã Thạch Bình, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đậu Nhã sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Ất Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 18, làm Hàn lâm viện Thị giảng, sung Quốc sử quán Toản tu.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN