VÀI NÉT VỀ ĐÌNH LÀNG Ở NGHỆ AN

14:34 23/08/2018

Đình làng là một dạng kiến trúc khá đặc biệt, chúng như là một đặc trưng riêng của người Việt. Khởi nguyên của nó là nơi ban bố chính lệnh của triều đình, đồng thời cũng có thể là trụ sở của chính quyền địa phương.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên thì vào thời Lê Thánh Tông (1470 -1497), nhà vua muốn có nơi để ban bố chính lệnh của triều đình nên đã lệnh dùng tài “ông Thùy, ông Thâu” (hai người thợ mộc nổi tiếng có tính tượng trưng) dựng lên ngôi đình có tên Quảng Văn ở đất đế đô. Như vậy, đình khởi đầu là một sản phẩm của chính quyền, nó mang tư cách như một trụ sở trong mối quan hệ của triều đình -  đại diện là vua với thần dân của ngài. Nó được coi như một kiến trúc nảy sinh bởi sự áp đặt từ triều đình xuống xã thôn, phần nào đã phản ánh về một bước phát triển mới trong sự chuyển đổi chế độ chính trị xã hội từ tư tưởng Phật giáo sang tư tưởng Nho giáo. Từ đó có thể coi hiện tượng ra đời của đình làng đã đánh dấu “ bàn tay chính trị ” của tầng lớp thống trị muốn vươn xuống xã thôn một cách mạnh mẽ và chặt chẽ hơn.

BẢNG THỐNG KÊ ĐÌNH LÀNG Ở NGHỆ AN

TT TÊN HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ SỐ LƯỢNG ĐÌNH LÀNG
Tổng số Đã xếp hạng Chưa xếp hạng
1 Huyện Thanh Chương 36 4 32
2 Thành phố Vinh 03 1 2
3 Huyện Yên Thành 61 12 49
4 Huyện Hưng Nguyên 8 0 8
5 Huyện Diễn Châu 10 6 4
6 Thị xã Thái Hòa 1 0 1
7 Huyện Nghĩa Đàn 3 0 3
8 Huyện Kỳ Sơn 0 0 0
9 Huyện Tương Dương 0 0 0
10 Thị xã Hoàng Mai 6 0 6
11 Huyện Quỳnh Lưu 16 4 12
12 Huyện Nam Đàn 18 8 10
13 Huyện Quế Phong 0 0 0
14 Huyện Quỳ Châu 0 0 0
15 Thị xã  Cửa Lò 1 0 1
16 Huyện Nghi Lộc 14 2 12
17 Huyện Tân Kỳ 5 2 3
18 Huyện Anh Sơn 16 1 15
19 Huyện Đô Lương 16 5 11
20 Huyện Con Cuông 1 0 1
21 Huyện Quỳ Hợp 1 0 1
Tổng 216 45 171

Ghi chú: phần “Hiện trạng” không đánh giá các phế tích và địa điểm đình làng

Nguyên xưa, ở Nghệ An, hầu như làng nào cũng có đình làng, nhưng sau nhiều thiên tai và biến cố lịch sử  thì cùng với các công trình tâm linh khác như đền, chùa, miếu mạo, đình đã bị đập phá. Một số khác bị dỡ bỏ để phục vụ cho công cuộc kháng chiến, hoặc dựng trường học, làm kho Hợp tác xã.... Hiện nay, theo thống kê của Ban quản lý Di tích Nghệ An đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh còn 216 ngôi đình (kể cả địa điểm và phế tích). Phần lớn các đình làng đều khởi dựng tập trung vào thời kỳ nhà Nguyễn. Quy mô các đình làng Nghệ An thường có không gian rộng rãi và phát triển về chiều ngang. Một điều dễ nhận ra nét đặc trưng của đình làng xứ Nghệ là không gian kiến trúc khá rộng lớn, thể hiện ưu thế của vùng đất chưa bị sức ép về mật độ dân số như phía Bắc ở thế kỷ XVII – XIX.

Các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương là những địa phương có số đình nhiều hơn cả. Một số ngôi đình còn được đánh giá là có giá trị văn hóa, lịch sử và giá trị kiến trúc bậc nhất miền Trung như đình Hoành Sơn, đình Võ Liệt.

Chạm khắc trên kết cấu vì kèo đình Hoành Sơn

Trong xã hội phong kiến, đình làng được xem là một công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng, một trong những thiết chế quan trọng và là ngôi nhà cộng đồng gắn với nông thôn Việt Nam, nơi thờ các vị thần bảo vệ làng (thành hoàng làng). Những vấn đề liên quan đến việc làng như hội họp, thông báo, thu thuế, lễ hội, lễ tế đều diễn ra ở đình làng.

Giai đoạn sau, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, đình là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, nơi tập trung lực lượng đấu tranh, nơi tập trung nghe diễn thuyết tuyên truyền lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, nơi gieo những con chữ, nâng cao dân trí cho những người dân lam lũ mà giàu lòng yêu nước... Chưa kể, cách thức xây dựng đình, kết cấu kiến trúc, nguyên vật liệu ... cũng là những ngôn ngữ thể hiện những câu chuyện về lịch sử, văn hóa của thời đại. Bởi mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử thì cách thức xây dựng, kết cấu bộ khung, hệ mái, kể cả những nguyên vật liệu cũng có những biến đổi nhất định phù hợp với hệ thống chính trị, quan niệm của người dân tại thời điểm đó. Đến những mảng chạm khắc, những điển tích được khắc họa trên các cấu kiện gỗ hay trên các bức y môn cũng mang trong mình những thông điệp lịch sử. Ngoài việc vẫn phải chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì nó cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Nó vừa phản ánh hiện thực cuộc sống nơi thôn dã như đi cày, đi cấy, mục đồng thổi sáo...vừa thể hiện ước mơ, khát vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp như hình ảnh “hổ phù ọe mặt trăng”, “nhạc sỹ thiên thần”, “Đại Thánh phá trời”... Đồng thời, thấy được cả sự phát triển, hòa quyện của tam giáo có mặt ở Việt Nam, đó là Phật giáo với hình ảnh lá sen, rùa..., Nho giáo với hình ảnh vinh quy bái tổ, xem điểm thi..., Lão giáo với hình ảnh tiên ông ...Mặt khác, thông qua các hoạt động văn hóa diễn ra tại đình, ta dễ dàng nhận thấy nó góp phần lan tỏa, định hình nên cốt cách, chuẩn mực, tâm hồn của người dân nơi có ngôi đình hiện hữu.

Các mảng chạm ở đình Hoành Sơn

Về kiến trúc, các đình làng ở Nghệ An thường có bộ khung không to lớn, có lối kết cấu vì kèo theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, một lối kết cấu khá phổ biến ở Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII. Kết cấu này kế thừa và phát triển kết cấu “chồng rường” ở các thế kỷ trước, vừa đảm bảo sự chắc chắn, giải quyết hài hòa giữa chiều cao và độ dốc của mái, các bộ vì chịu lực bên trong, đến việc gắn kết các đơn nguyên lại với nhau trong một tổng thể đi liền. Hệ thống chồng rường, ván mê được sử dụng nhiều trong công trình từ vì nóc, cốn, bẩy hiên... vừa giúp cho kiến trúc có thể chịu đựng lâu dài với nắng, mưa, gió bão lại là “đất” để các nghệ nhân dân gian thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Các mảng chạm ở đình Hoành Sơn

Phong cách kiến trúc của đình mang đậm tính dân tộc, giản dị, khiêm tốn, nhẹ nhàng, gắn liền với thiên nhiên, ruộng đồng, cây tre, vườn quả, dòng sông và con người xứ Nghệ. Kiến trúc hòa lẫn trong làng xóm phản ánh đời sống xã hội, phong tục tập quán, hội hè, rước lễ, tôn giáo tín ngưỡng... của dân làng. Bố cục tạo hình tương xứng, hài hòa, không nặng nề, bưng bít mà nhẹ nhàng, khoáng đạt.

Điều đặc biệt ở nhiều đình làng Nghệ An như đình Hoành Sơn, đình Đông Viên... là mặc dầu thuộc niên đại thế  kỷ XVIII, nhưng ở đây vẫn còn đầy các hình ảnh chạm trổ về con người (đánh cờ, chăn trâu, đi cấy...), về hoạt cảnh (vinh quy bái tổ, xem điểm thi...) và sự tự do của các linh vật cũng như các con vật bình thường. Hiện tượng ấy đã xảy ra ở vùng châu thổ sông Hồng vào thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật đình làng mà như Nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ Thái Bá Vân đã nói rõ ràng là nghệ thuật chạm khắc này chỉ đến khoảng những năm 80,90 của thế kỷ XVII, sau đó, trên đất Bắc gần như các đề tài này không xuất hiện. Tính chất của các mảng chạm như một kế thừa trực tiếp từ nghệ thuật dân dã đỉnh cao ở cuối XVII. Song tới đây, hình tượng con người đã khá thực, nhiều khi chú ý tới từng chi tiết, chỉ có động tác, dáng dấp là được chọn lọc khá kỹ để cho mảng chạm trở nên tươi vui, sống động.

Hiện nay, một thực tế đáng buồn là trong khi các loại hình khác như đền, chùa ngày càng được quan tâm, chú ý thì cùng với sự ra đời của một số thiết chế mới (nhà văn hóa, nhà truyền thống…) đình làng đang ngày càng bị rơi vào quên lãng. Nhiều ngôi đình bị hoang phế,trở thành địa điểm diễn ra các tệ nạn xã hội (tiêm, chích ma túy) như đình Đức Nậm, đình Võ Liệt...Nhiều mảng chạm đẹp mắt, có giá trị về mặt lịch sử bị hư hỏng hoàn toàn hoặc đứng trước nguy cơ bị hư hỏng như đình Hoành Sơn, đình Đông Viên, đình Cháy...khiến nhiều người không khỏi xót xa trước những di sản vô giá mà cha ông đã để lại.

Ngô Thị Lâm



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN