BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG MIỀN TÂY NGHỆ AN
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Phía Đông giáp biển; Phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam giáp Lào; Phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh; Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Nghệ An là 16.490,25 km², với 21 đơn vị cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện, 460 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 411 xã, 32 phường và 17 thị trấn, với đầy đủ địa hình miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Tỉnh Nghệ An có 11 huyện miền núi, trong số đó 5 huyện miền núi cao ( [1] ) . Các huyện miền núi này tạo thành khu vực miền Tây Nghệ An.
Dân số Nghệ An (theo điều tra dân số năm 2019) có 3.327.791 người, là tỉnh có dân số đông thứ 4 cả nước. Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Kinh, Thái, Thổ, Khơ mú, Mông và Ơ đu. Dân cư ở Nghệ An phân bố không đồng đều, tại khu vực các huyện đồng bằng, thành phố, thị xã có mật độ cao, hơn 500 người/km². Đối với các huyện trung du miền núi thì mật độ dân số trung bình, khoảng 30 - 250 người/km² [ [2] ], nhưng ở những huyện này mật độ cao chỉ tập trung ở các khu vực thung lũng, các nơi ở sâu trong núi thì rất thưa thớt. Các huyện miền núi phía Tây Nghệ An chủ yếu là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số như dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Mông, dân tộc Thổ và dân tộc Ơ đu.
Khu vực miền Tây Nghệ An giàu về tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và phong phú, đa dạng về văn hóa bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là những tiềm năng để phát triển kinh tế văn hóa du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp khám phá các kỳ quan thiên nhiên với các văn hóa đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Theo Quyết định 201/QĐ.UBND ngày 17 tháng 01 năm 2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết số lượng di tích được kiểm kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 2.602 di tích, danh thắng, đã được xếp hạng 485 di tích, danh thắng, trong đó có 06 di tích Quốc gia đặc biệt, 145 di tích Quốc gia và 334 di tích cấp tỉnh. Các huyện miền Tây Nghệ An có 326 di tích danh thắng chiếm 15,8% trên toàn tỉnh [ [3] ]. Đây là một trong những vùng có giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Nghệ An với hệ thống di tích - danh thắng đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, có niên đại trải dài từ thời nguyên thủy cho đến ngày nay với các di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử, danh thắng thắng cảnh gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cũng theo Quyết định số: 3765/QĐ-SVHTT ngày 01/12/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An về việc công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Nghệ An đến ngày 30/11/2022 cho biết toàn tỉnh Nghệ An có 463 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó khu vực miền Tây Nghệ An có 236 di sản chiếm 50,97% [ [4] ], những con số đó cho thấy hệ thống di sản văn hóa ở khu vực này nhiều về số lượng, phong phú và đa dạng về loại hình.
Nội dung
1. Giá trị của hệ thống di sản văn hóa tại khu vực miền Tây Nghệ An
1.1. H ệ thống di sản văn hóa vật thể
Qua danh mục kiểm kê di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết khu vực miền Tây Nghệ An có 326 di tích đã được kiểm kê chỉ chiếm 15,8% di tích kiểm kê toàn tỉnh, nhưng hệ thống di tích ở khu vực này khá đa dạng và có những giá trị tiêu biểu đặc trưng mà các khu vực khác không thể có được đó là:
Một là , hệ thống di tích liên quan đến khảo cổ học và danh thắng với những hang động là nơi cư trú của người Việt Cổ như: Thẩm Ồm - Tôn Thạt, hang Cỏ Ngụm, hang Voi, hang Bông, hang Bua thuộc huyện Quỳ Châu; Hang Bản Khằm, Thẩm Hoi, thuộc huyện Con Cuông; Hang Đồng Trương, hang Bò, hang Khe Dầu, huyện huyện Anh Sơn, … Tại di chỉ khảo cổ học Thẩm Ồm đã phát hiện các hòn cuội được ghè đẽo thô sơ, cùng với nhiều răng xương của nhiều loại động vật lớn (vượn khổng lồ, đười ươi lùn, gấu tre, voi răng kiếm) và 5 chiếc răng hoá thạch của người vượn. Theo ý kiến của các nhà Cổ nhân học, Khảo cổ học thì những chiếc răng của người - vượn ở Thẩm Ồm có những đặc điểm đặc trưng của người Homo sapiens, có niên đại vào khoảng 20 vạn năm về trước. Đây là một trong những nơi phát hiện ra dấu vết “Sapiens” sớm trên thế giới. Bên cạnh đó các đoàn khảo sát nghiên cứu của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, mới đây đã phát hiện 20 hang động trên địa bàn các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Quỳ Châu… [ [5] ]. Qua kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu cho thấy các di tích khảo cổ học ở các huyện miền Tây Nghệ An rất có giá trị để nghiên cứu về thời kỳ sơ sử ở nước ta, tiềm năng khảo cổ học ở Nghệ An là rất lớn đặc biệt là các huyện miền Tây Nghệ An. Những kết quả khảo sát bước đầu cho thấy hệ thống các di tích khảo cổ ở Nghệ An có vị trí nhất định trong diễn trình phát triển lịch sử dân tộc và có giá trị rất lớn về mặt phát triển du lịch thám hiểm tại địa phương.
Hai là , các danh lam thắng cảnh khu vực miền Tây Nghệ An cũng rất phong phú và đa dạng. Khu vực này có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch đến khám phá, chiêm ngưỡng tạo nên nhóm di sản thiên nhiên rất có giá trị. Tiêu biểu là danh thắng thác Ke Kèm, Khe nước mọc, đập Phà Lài (huyện Con Cuông); thác Sao Va (Quỳ Châu); Thác 7 tầng (Quế Phong); Rừng Săng Lẻ, hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương); đỉnh Puxailaileng, thung lũng Long Hẻo, thác Rồng, (Kỳ sơn). Hệ thống danh lam thắng cảnh là điểm đến vô vùng hấp dẫn cho những người thích tìm hiểu, khám phá và thám hiểm. Đặc biệt là Vườn quốc gia Phù Huống, Phù Hoạt và Phù Mát với khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam. Pù Mát không chỉ được biết đến là khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ. Với diện tích khoảng 70 nghìn hécta, thuộc các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, Rừng nguyên sinh Pù Mát có hệ thực vật và động vật phong phú với 896 loài thực vật bậc cao; 220 loài cây thuốc quý; hàng trăm loại rau, cây ăn quả; 241 loài thú, 137 loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng thể… Mặc dù, tiềm năng đối với hệ thống danh lam thắng cảnh vùng miền Tây Nghệ An là rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác để phát triển kinh tế du lịch.
Ba là , khu vực miền Tây Nghệ An cũng là nơi lưu giữ được một số di tích lịch sử và văn hóa có giá trị đặc sắc gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Đền Chín gian (Quế Phong), Đền Choong (Quỳ Hợp), Đền Chiềng Ngam (Quỳ Châu), Đền Cửa Rào (Tương Dương), Đền Phu Nhã Thầu, Tháp Xốp Lợt (Kỳ Sơn), Đền Trương Hán (Anh Sơn), Đền Vua Lê (Tân Kỳ)… Mặc dù số lượng di tích thuộc loại hình này còn khá khiêm tốn nhưng lại có giá trị rất đặc sắc gắn với nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh dân tộc như: di tích bia Ma Nhai, nơi ghi dấu sự kiện vua Trần Minh Tông đi chinh phạt Ai Lao năm Ất Hợi (1335). Sau khi thắng trận trở về đi qua vùng đất Mật Châu (tức Thành Nam) nay là xã Chi Khê, huyện Con Cuông nhà vua cho ghi lại công trạng lên vách núi đá gọi là “ Ma nhai kỷ công bi ký ”; Di tích Đền Cửa Rào thờ nhân vật Đoàn Nhữ Hài đã phò thượng hoàng Trần Minh Tông đi dẹp giặc Ai Lao, hy sinh trước trận tiền. Để tri ân công lao của vị tướng tài nhân dân nơi đây đã lập đền thờ tri ân tưởng nhớ. Thời kỳ chống quân Minh xâm lược có di tích thành Trà Lân gắn với công cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhân dân ta, với những chiến công vang dội của “Miền Trà Lân trúc chẻ, tro bay”… Trong thời gian qua hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa có chính sách, cơ chế đầu tư phát triển nhằm phát huy những tiềm năng của hệ thống di tích lịch sử thành những lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của vùng.
1.2. Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể
Khu vực miền Tây Nghệ An là nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng và rất độc đáo với đầy đủ các loại hình thể hiện đặc trưng văn hóa của 5 dân tộc thiểu số cùng chung sống trên một không gian địa lý. Từ phong tục tập quán, cách ứng xử của con người đối với tự nhiên,…đã hình thành nên những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của vùng này.
- Đối với loại hình tiếng nói chữ viết, ngoài tiếng phổ thông là tiếng Kinh thì tiếng Thái cũng được sử dụng khá rộng rãi, thậm chí người Khơ mú, Mông và Ơ đu, Thổ khi giao tiếp với người Thái đều sử dụng tiếng Thái. Bên cạnh đó các dân tộc thiểu số đều lưu giữ được tiếng nói của riêng mình, đó chính là tiêu chí để nhận diện tộc người. Đối với chữ Thái, hiện này đang còn lưu giữ được một hệ thống văn bản khá đồ sộ thể hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân tộc Thái. Thông qua loại hình di sản tiếng nói chữ viết, các dân tộc thiểu số vùng miền Tây Nghệ An đã để lại kho tàng di sản văn hóa khổng lồ góp phần làm nên sự đa dạng, nhiều màu sắc trong vườn hoa văn hóa của dân tộc.
- Đối với loại hình ngữ văn dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An nhiều về số lượng, phong phú và đa dạng về chủng loại. Mỗi dân tộc lại có những loại hình đặc trưng riêng biệt như: Sự tích Eo vực Bồng, sự tích thần Áo Đỏ, sự tích Mường Ham, sự tích Khe nước mọc; truyện thơ: Lai Nộc Yểng - Chim Yểng; Lai Xẳng Chụ - Tiễn dặn người yêu…của dân tộc Thái; sự tích thác Nha Vang, truyện kể về nguồn gốc người Khơ mú dân tộc Khơ mú; truyền thuyết kể về các dòng họ của người dân tộc Thổ; Sự tích dân tộc Mông, sự tích chiếc khèn môi, ... Loại hình ngữ văn dân gian của các dân tộc thiểu số vùng miền Tây Nghệ An chủ yếu đang được trao truyền bằng hình thức truyền miệng nên nguy cơ thất truyền cũng rất lớn, nhất là trong xu thế hiện nay. Cần phải có những đề án để khai thác, số hóa, tư liệu hóa, dịch thuật để phổ biến rộng rãi hệ thống di sản này.
- Đối với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số vùng miền Tây Nghệ An, bên cạnh những đặc điểm chung mang tính vùng miền, các dân tộc thiểu số ở vùng này đều có những bản sắc riêng, mang đậm đặc trưng truyền thống của mình như: điệu nhuôn, lăm, xuối, khắp, òn,… múa xòe, nhảy sạp… của người Thái; Cừ xia, Xí Xá, múa khèn của người Mông; Dạ ời của dân tộc Thổ; điệu Tơm, phí tơm, múa đao đao của người Khơ Mú. Bên cạnh những làn điệu dân ca thì nhạc cụ của các dân tộc thiểu số ở đây cũng rất phong phú được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: đồng, sừng trâu, gỗ, nứa, tre, mét, thậm chí là lá cây đó là những nhạc cụ tạo nên âm thanh núi rừng như pí, tính tùng, khèn bè, khèn lá, khắc luống của người Thái; chiêng nứa, đao đao, pí tơm người dân tộc Khơ mú; Kèn sona, đàn tính tung, múa cồng chiêng của dân tộc Thổ; Khèn môi, khèn bè, khèn lá của người Mông. Đặc biệt, cồng chiêng là nhạc cụ được tất cả các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An sử dụng, nó được phố biến trong đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số, khi tiếng cồng chiêng vang lên là lúc mọi người tập trung để trẩy hội, vui chơi, giao lưu đoàn kết thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng làng bản.
- Đối với loại hình tập quán xã hội được thể hiện khá phong phú và đa dạng, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán xã hội khác nhau, thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt của từng tộc người. Đây chính là điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng các dân tộc khác cũng như các vùng miền khác như các: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Thái, Thổ, Khư mú, Mông… lễ xuống đồng, lễ tạ ơn, lễ tơ hồng, tục trộm dâu, tục làm vía, tục làm ma khô, tục chia trâu cho người mất, tục ăn kem, tục cúng thần thuốc, tục gội đầu đầu năm, tục xem áo để gọi vía, lễ cúng rẫy, hay tập tục ở nhà sàn.. của người Thái, lễ mừng nhà mới, tục làm vía, tục cúng bếp mới, lễ cúng bản, cúng mường, của người Khơ mú, hay lễ cúng họ, tục cướp vợ, lễ cúng rẫy, lễ Tu Su (chặt ma), lễ tại ơn cha mẹ, Lễ Nhu Đăng (giỗ cha mẹ) của người Mông; Tục cắt tóc chịu tang, lễ bốc mó, Lễ Tơm chờ (Cúng Mụ Bà) của người Thổ; Lễ đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ đu… [ [6] )
- Với loại hình lễ hội truyền thống đây là những sinh hoạt hội hè, giao lưu văn hóa giữa các các nhân trong cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng thụ. Có thể nói, lễ hội không chỉ thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh các hình tượng thiêng liêng được định danh là các vị thần, những anh hùng lịch sử hay những người có công đức với dân tộc; mà còn thể hiện sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người giãi bày những khó khăn, mong được thần linh giúp đỡ, chở che để vượt qua thử thách. Lễ hội còn thể hiện sự sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa, mang tinh thần dân chủ, có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống và giá trị giáo dục cao như người Thái có lễ hội Đền Chín Gian, Hang Bua, Đền Choọng, Đền Vạn, Đền Phu Nhạ Thầu, Đền Le, lễ hội xuống đồng, Lễ hội Bươn Xao, Lễ hội Xăng Khan, Lễ hội đón tiếng sấm của người Ơ đu, Lễ hội Bốc Mó, lễ hội xuống đồng đầu năm, lễ hội mừng lúa mới của người Thổ; Lễ hội cầu Mùa, lễ hội cúng cơm mới, tết truyền thống của người Khơ mú; Lễ hội cúng họ, hội chọi bò, tết truyền thống của người Mông [ [7] ].
- Đối với loại hình nghề thủ công truyền thống gắn liền với các hoạt động kinh tế và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của từng dân tộc. Từ trong lao động sản xuất, ông cha ta đã sáng tạo ra các sản phẩm thủ công với những nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Nghề thủ công truyền thống không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán, những nét đẹp văn hoá truyền thống của mỗi bản, làng vùng miền Tây Nghệ An như: Nghề đan lưới, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nghề mộc, nghề chạm bạc, nghề ủ rượu cần, rượu nếp cẩm của đồng bào Thái; Nghề đan lát, nghề ủ rượu Cần… Khơ mú; Nghề rèn, nghề thêu trang phục, nghề làm giấy bản, nghề làm hương đen, nghề làm khèn bè… của người Mông; Nghề đan võng gai, nghề đan lát,… của người dân tộc Thổ,….
- Đối với loại hình tri thức dân gian, đây là tri thức dân gian của từng cộng đồng dân tộc được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của cộng đồng dân tộc đó, gắn với môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa của họ. Đó là kết quả lao động sáng tạo mang tính cộng đồng hoặc cá nhân những tất cả đều mang lại những đóng góp tích cực cho công đồng, xã hội. Loại hình này là những tri thức, những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, ẩm thực, trang phục thuốc chữa bệnh…nhiều bài thuốc chữ bệnh dân gian đã được nghiên cứu và áp dụng các quy trình khoa học công nghệ để cho ra đời những sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như: Tri thức dân gian chữa bệnh Zona thần kinh, tri thức dân gian chữa bệnh cảm hàn, chữa bệnh đau dạ dày, tri thức dân gian chữa bệnh sỏi mật, sỏi thận, Tri thức dân gian chữa xương khớp, tri thức dân gian chữa bệnh tiêu chảy …của dân tộc Thái, Thổ, Khơ mú. Ẩm thực của các dân tộc thiếu số rất đặc sắc, thể hiện giá trị dinh dưỡng, giá trị thẩm mỹ rất cao, như: Dân tộc Thái phải có món cá nướng, mọc, xôi cẩm, cơm lam, canh ột; Đối với dân tộc Thổ không thể thiếu bánh ú, bánh sừng trâu, sừng bò, bánh trốc chó, trứng kiến; Đối với dân tộc Khơ mú không thể hiếu món U ru, món chuột rừng, món chẻo … Đối với người Mông thì có món thịt lợn nướng, gà đen, bò gác bếp, Món rau Dún, Bánh Dày (Pé Plẩu)… Một số món ăn của đồng bào đã trở thành những sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường mang lại thu nhập cho người dân như rượu cần, rượu men lá, rượu nếp cẩm, bò giàng, cá mát, thịt chua,… [ [8] ].
Với tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nguyên sơ và hùng vĩ cùng với đời sống văn hóa đặc sắc của từng tộc người như Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ đu. Đây chính là nền tảng, là cơ hội để các huyện miền Tây Nghệ An phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa nhằm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Trong những năm gần đây một số địa phương đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng, đầu tiên là điểm du lịch cộng đồng tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông được hình thành từ năm 2015 với sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ, sau đó lan toả ra nhiều xã ở Con Cuông như xã Môn Sơn, Bồng Khê, và Yên Khê… Tiếp đến là một số huyện như: Tương Dương với 2 điểm tại xã Yên Hoà, Tam Đình; Kỳ Sơn với 2 điểm ở xã Mỹ Lý; Mường Lống; huyện Tân Kỳ có xã Tiên Kỳ; huyện Quỳ Hợp có xã Châu Lý; huyện Quỳ Châu có xã Châu Tiến; huyện Quế Phong có xã Châu Kim, xã Hạnh Dịch… [ [9] ].
Việc hình thành các điểm du lịch cộng đồng đã và đang giúp cho một bộ phận người dân chuyển đổi sinh kế thành công, tăng thu nhập, giữ chân người trẻ ở lại địa phương và tạo ra không gian sống gần gũi với thiên nhiên. Bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị văn hoá của địa phương, lưu giữ các truyền thống, phong tục tốt đẹp của các dân tộc thiểu số như nhà sàn truyền thống của người Thái, Khơ mú, nhà trệt lợp gỗ Pơmu của người Mông; Trang phục truyền thống của người Thái, người Mông, Thổ..đang được bảo tồn và phát triển; Ẩm thực với những món ăn đặc sắc và độc đáo của từng tộc như Cơm lam, xôi cẩm, lam nhọc, bà giàng, cá nướng, canh ột.. của người Thái; Bánh dày, thịt sấy xào rau cải, gà đen, bò giàng của người Mông; Cá nướng, chẻo, U ru, măng chua, thịt chuột rừng của người Khư mú.., Đây là những món ăn đặc sản thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, các điểm du lịch cộng đồng được hình thành trong những năm gần đây chủ yếu đang mang tính tự phát, phong trào, chưa có nghiên cứu sâu về các đặc trưng văn hoá của từng vùng miền, địa phương, chủ yếu mang dáng dấp văn hoá của đồng bào dân tộc Thái; việc học tập kinh nghiệm chủ yếu theo hướng người làm trước chỉ dẫn cho người làm sau mà thiếu đi sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Các điểm du lịch cộng đồng có mô típ khá giống nhau từ kiến trúc nhà ở, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, sản phẩm và các hoạt động trải nghiệm. Điều này chỉ phù hợp đối với những đoàn khách lựa chọn duy nhất 1 điểm. Nếu đi theo tuor, tuyến để trải nghiệm cùng lúc nhiều điểm du lịch cộng đồng thì sẽ gây ra nhàm. Các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm từ các làng nghề ít và không có tính đại diện của từng địa phương. Một số sản phẩm được tạo ra nhưng chưa đa dạng hình thức, mẫu mã, đầu ra cho các sản phẩm gặp nhiều khó khăn, nguồn khách chưa ổn định…Qua thực tế hoạt động của mô hình du lịch cộng đồng thời gian qua cho thấy còn có nhiều bật cập trong vấn đề phát triển du lịch ở vùng miền Tây Nghệ An.
2. Các giải pháp để khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An
2.1. Giải pháp về chính sách
Cần phải nghiên cứu để có chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương và phải được thể chế hóa, cơ chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Cần phải có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Tây Nghệ An.
Để có thể tạo được sự đột phá trong phát triển du lịch cần ban hành đồng bộ nhiều chính sách. Trong thời gian từ năm 2011 đến nay, tỉnh Nghệ An đã ban hành các chính sách như: Nghị quyết số 05/NQ-TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động số 55 - CTr/TU ngày 08/1/2018 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 62/KH - UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 55 – CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định 32/2020/QĐ- UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025.
Cần có các cơ chế chính sách ưu tiên cho miền núi, nhất là trong lĩnh vực di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Phát triển du lịch phải đi đôi với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phải khơi dậy cảm hứng của cộng đồng, thu hút các nguồn lực xã hội cùng gắn kết, tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản chung của cả vùng;
Để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa trước tiên phải bắt đầu từ chính sách, ngành văn hóa và ngành du lịch cần tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách dành riêng cho phát triển du lịch khu vực miền Tây - Nghệ An. Trước mắt tập trung tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng như:
Cơ chế cho thuê và khai thác sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đất rừng cho mục đích làm du lịch.
Cơ chế đối với khách du lịch nước ngoài về đi lại, lưu trú tại các địa bàn giáp ranh biên giới.
Cơ chế hỗ trợ người dân (những người không trực tiếp làm homestay).
Chuyển hướng chính sách từ việc hỗ trợ sang hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn.
2.2. Xây dựng quy hoạch hệ thống và quy hoạch tổng thể các điểm du lịch dựa trên các tiềm năng, lợi thế của từng vùng
Xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mảo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh cho các huyện miền Tây Nghệ An. Công tác Quy hoạch phải dựa trên những ý đồ chiến lược rõ ràng, sự tính toán khoa học, hợp lý, có lộ trình triển khai thực hiện cho từng giai đoạn nhằm khai thác các tiềm năng di sản văn hóa của các vùng, các dân tộc, tránh việc phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc và biến dạng bản sắc văn hóa.
Để xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể, ngành du lịch cùng với ngành văn hóa phải đóng vai trò nòng cốt trong việc định hướng phát triển từng loại hình du lịch gắn với từng cộng đồng dân tộc, địa phương. Quy hoạch chi tiết những điểm đến phù hợp, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch để kết nối các điểm đến với nhau một cách hài hoà nhất giúp du khách có thể trải nghiệm được đầy đủ các giá trị văn hoá của từng dân tộc, từng địa phương.
Có quy hoạch về việc bảo tồn và phát triển hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn để trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, gắn hệ thống di sản văn hóa với phát triển du lịch. Quy hoạch phải tích hợp được các giá trị phát triển bền vững, gắn kết hệ thống di sản với quy hoạch vùng, lấy yếu tố bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa làm tiền đề, động lực phát triển kinh tế văn hóa của địa phương.
Bước tiếp theo đó là, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, UBND các huyện ban hành các đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa riêng của từng huyện. Từ các đề án đó tập trung cho công tác thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào phát triển ngành du lịch. Tiến hành đầu tư xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch như nơi ăn, chốn nghỉ, đi lại, vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm… và sớm công nhận các điểm du lịch của tỉnh khi đủ điều kiện.
Kết nối với các công ty lữ hành mở các tuor, tuyến nhằm tạo ra nguồn khách chủ động. Công ty lữ hành là một trong những kênh đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ du lịch tới du khách trong và ngoài tỉnh và hướng dẫn du khách đến với các điểm du lịch. Do vậy, các địa phương cần phải chủ động tiếp cận, kết nối và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin về điểm đến, chất lượng dịch vụ, hướng đến xây dựng tour, tuyến phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
2.3. Phát triển du lịch dựa trên các giá trị di sản văn hoá đặc trưng của từng dân tộc, vùng miền và lợi thế về di tích, danh thắng
Phát triển du lịch phải gắn với những nét đặc sắc của địa phương, tránh trùng lặp, tràn lan. Tình trạng chung hiện nay đó là một số nơi phát triển loại hình du lịch cộng đồng một cách ồ ạt, sản phẩm du lịch giống nhau dẫn đến tour tẻ nhạt, mất dần bản sắc.
Văn hóa bản địa được xem là giá trị cốt lõi khi phát triển du lịch cộng đồng. Là tỉnh có đến 5 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hoá riêng. Để hiện thực hoá mục tiêu khai thác các giá trị văn hoá vào phát triển du lịch. Cần định hướng khai thác các giá trị văn hoá theo từng dân tộc như: Dân tộc Thái tập trung cho các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu; dân tộc Thổ ở huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp; Tân Kỳ; dân tộc Ơ Đu huyện Tương Dương; dân tộc Khơ Mú ở huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Trên cơ sở đó, đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu các đặc trưng văn hoá của từng dân tộc, hướng dẫn người dân bản địa xây dựng sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, không trùng lặp, bảo đảm vấn đề giữ gìn cảnh quan thiên nhiên từ đó phát triển đúng hướng, tiến tới đa dạng hóa các loại hình để phân khúc thị trường.
Để xây dựng thương hiệu du lịch vùng miền Tây Nghệ An, phải đặt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa làm yếu tố cốt lõi, xây dựng các sản phẩm du lịch thám hiểm gắn với hệ thống hang động, du lịch sinh thái gắn với các danh lam thắng cảnh, du lịch văn hóa tâm linh gắn với các di tích, các lễ hội…tạo tiền đề để thiết lập hệ thống các sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tạo ra nguồn thu lớn và thường xuyên, trút bỏ gánh nặng của ngân sách, đồng thời, làm thay đổi vị thế, hình thành động lực phát triển mới cho khu vực miền Tây xứ Nghệ.
Xây dựng các tua tuyến du lịch theo trục giao thông như: Khu vực Anh Sơn - Tân Kỳ - Nghĩa Đàn; Con Cuông – Tương Dương – Kỳ Sơn; Quế Phong - Quỳ Châu - Quỳ Hợp. Gắn di tích tâm linh với danh lam thắng cảnh, hang động hợp lý. Bên cạnh đó phân theo vùng di sản như: vùng Di sản Mới và đường đại; vùng Di sản Văn hóa bản địa; vùng Di sản cảnh quan thiên nhiên. Hình thành chu trình khép kín trong các tuyến tham quan; Đảm bảo phân bố thời lượng trong mỗi chu trình tham quan tương ứng với từng sản phẩm và đối tượng du lịch; Kết hợp hệ thống hạ tầng du lịch trong một chu trình tham quan có cấu trúc mở, vừa có khả năng độc lập cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong dài hạn vừa có khả năng kết hợp các tuyến, điểm đảm bảo khả năng liên kết trong ngắn hạn; Nghiên cứu định hướng, thiết kế giải pháp phối hợp liên kết với các vùng, khu vực trong tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Áp dụng các giải pháp liên kết không gian di sản, gắn kết nhiều loại hình di sản (theo chiều ngang) tại một địa điểm, trở thành di sản hỗn hợp; hoặc gắn kết theo một loại hình di sản (theo chiều dọc) theo phân vùng và toàn tỉnh như: khảo cổ, danh lam thắng cảnh, lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc thiểu số… Thực hành triệt để nguyên lý: “mỗi di sản một quần cư”; “mỗi quần cư một sản phẩm”; “mỗi sản phẩm một cảnh quan”; và “mỗi di sản một phong cách”; “mỗi sản phẩm một chuyên gia” nhằm tạo nên sự khác biệt, sức hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh;
Kết hợp tham quan di tích danh thắng với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mảo hiểm, kết hợp sản phẩm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để tạo ra sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền, tạo động lực để nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm tiết kiệm thời gian, ngân sách, đồng thời nâng cao năng lực đa dạng hóa sản phẩm, với sự tham gia năng động của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, tạo nên sức hấp dẫn cộng sinh bền vững, giúp cho các khu vực phát triển kinh tế di sản và du lịch hoạt động tức thời và hữu hiệu. Xây dựng các gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở các lớp truyền dạy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, hoặc các câu lạc bộ về dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác tuyên truyên quảng bá bằng nhiều hình thức trên các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt là, truyền thông, quảng bá chéo lẫn nhau giữa các điểm đến mang đến hiểu quả rất thiết thực. Tổ chức xúc tiến nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng những sản phẩm du lịch, phối kết hợp chặt chẽ giữa xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong tuyên truyền quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương.
Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, Giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cùng với đội ngũ làm công tác du lịch để từ đó nâng cao về nhận thức, ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Kết luận
Có thể nhận thấy, trong hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng của tỉnh Nghệ An có vùng văn hóa đặc trưng tiêu biểu của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An. Khu vực miền Tây Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của tỉnh cũng như của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Khu vực này hiện còn lưu giữ một hệ thống di sản văn hóa có giá trị đặc sắc, là tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Những kết quả ban đầu từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An là rất đáng ghi nhận. Trong thời gian tới cùng với sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương và các cấp, các ngành nhằm tìm ra các giải pháp, cách thức thực hiện để những tiềm năng di sản văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững khu vực miền Tây Nghệ An.
Trần Thị Kim Phượng
Tài liệu tham khảo
- Nghệ An – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
- Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát các di chỉ khỏ cổ học của Viện Khảo cổ Việt Nam năm 2017.
- Theo Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh.
- Theo Quyết định 3765/QĐ – SVHTT ngày 10/12/2022 về việc công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Nghệ An đến ngày 30/11/2022.
- Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy giá các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoan 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy giá các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoan 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Đề án "Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030"
- Đề án Phát triển du lịch Con Cuông giai đoạn 2013 – 2020.
[1] Nghệ An –Bách khoa tòa thư mở Vikipedia, phần địa lý
[2] Nghệ An –Bách khoa tòa thư mở Vikipedia, phần dân cư
[3] Theo Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh.
[4] Theo danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đã được Sở VHTT Nghệ An phê duyệt.
[5] Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát các di chỉ khỏ cổ học của Viện Khảo cổ Việt Nam năm 2017
[6] Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Nghệ An
[7] Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Nghệ An
[8] Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Nghệ An
[9] Đê án phát triển du lịch cộng đồng các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội