BIA TƯỞNG NIỆM ASABA SAKITARO - KIM TỰ THÁP SOI SÁNG TÌNH HỮU NGHỊ NHẬT VIỆT

17:41 17/09/2019

Vốn sinh ra khi đất nước đã rơi vào tay giặc Pháp, hàng ngày chứng kiến nỗi cùng cực của nhân dân dưới cảnh một cổ hai tròng, Phan Bội Châu luôn luôn nung nấu lớn lên cầm gươm giết giặc giải phóng dân tộc. Trải qua bao gian khổ khó khăn, tìm được cái “hư danh để che mắt đời”, năm 1904, Phan Bội Châu cùng với một số đồng chí đã thành lập ra Duy Tân hội. Mục tiêu, tôn chỉ của Hội là tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Mà con đường trước mắt là cầu viện. Giữa đêm đen, mây mù của đất nước, Phan Bội Châu và các cộng sự của mình đã xác định chỉ có cầu viện Nhật Bản mới có thể đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục lại đất nước Việt Nam. Bởi theo  Cụ, đất nước Nhật Bản là nước “đồng châu, đồng chủng, đồng văn”, lại vừa mới đánh thắng Nga, trở thành một cường quốc hùng mạnh ở Châu Á.

Vì thế năm 1905, cụ Phan đã từ giã quê hương, gia đình, bạn bè xuất dương sang Nhật Bản tìm đường cứu nước. Trải qua bao khó khăn vất vả trên đất Nhật cụ cùng các đồng chí của mình đã xây dựng được phong trào Đông Du lớn mạnh. Từ năm 1905-1909 phong trào đã thu hút được hai trăm thanh niên ưu tú sang Nhật du học. Công cuộc Đông Du đang trên đà phát triển thuận lợi, phong trào gây tiếng vang lớn và có sức cổ vũ mạnh mẽ đến tư tưởng yêu nước, tinh thần đấu tranh của bao tầng lớp nhân dân trong nước. Đột nhiên, phong trào bị chính phủ Nhật yêu cầu giải tán. Điều khó khăn cho Phan Bội Châu lúc này là giải tán phí và lữ phí. Cụ phải chạy vạy khắp nơi nhờ cậy để lo cho các học sinh về nước.

Tình hình ngày thêm khó khăn hơn khi chính phủ Nhật ráo riết yêu cầu du học sinh và Phan Bội Châu phải rời khỏi Nhật Bản. Khó khăn dồn nén khó khăn, Phan Bội Châu lòng như lửa đốt. Trong Phan Bội Châu niên biểu, Cụ viết: “ Lúc bấy giờ nội khoản bất lai, tí không như xối, mà trong khoảng vài mươi ngày, kêu khóc được bấy nhiêu, thảy cung cấp cho học sinh về nước hết; phí lữ cư, phí ngoại giao, phí in sách, nhất thiết chỉ giơ tay không. ” Trong hoàn cảnh rối bời như thế, Phan Bội Châu lại một lần nữa may mắn được một người Nhật Bản có lòng nghĩa hiệp giúp đỡ. Đó là bác sĩ Asaba. Đây là một con người có tấm lòng nghĩa hiệp cao cả đã từng giúp một du học sinh lúc đó là Nguyễn Thái Bạt bị đói mệt trên đường có nơi ăn, chốn ở, được học hành. Phan Bội Châu đang lúc quần cũng chợt nhớ đến Asaba, liền bàn với Nguyễn Thái Bạt đến nhờ bác sĩ giúp đỡ. Nhận được thư của Phan Bội Châu, Asaba không ngần ngại liền đem số tiền là 1.700 đồng bạc Nhật và một bức thư gửi ngay: “ Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn có bấy nhiêu, chờ sau tôi kiếm được số bạc nữa, nếu như các ngài còn cần dùng nữa, thì đánh giấy lại mau” (số tiền 1700 yên, tiền lương một tháng của Hiệu trưởng trường tiểu học Higashiasapa lúc bấy giờ là 18 yên).  Thật là đang lúc trời hạn lại gặp mưa rào. Cụ Phan vui mừng khôn tả, không biết lấy gì để cảm ơn tấm chân tình của vị bác sĩ kia. Cụ mang ơn bao nhiêu con người nghĩa hiệp của xứ sở Phù Tang này. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào ở đâu đó trên đất nước này vẫn còn bao nhiêu tấm lòng cao cả ấy. Họ xúc động, họ yêu mến Phan Bội Châu bởi ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm và ý thức dân tộc quật cường của cụ. Đó chính là cội rễ đầu tiên để mở ra một mối quan hệ mới giữa con người của 2 đất nước ở hai đầu chiến tuyến.

Cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba

Người dân Nhật Bản trượng nghĩa, hào hiệp, người dân Việt Nam trọng đạo lý, ân tình. Mối ân tình của bác sĩ Asaba cụ Phan luôn khắc nhớ trong lòng. Tháng 5 năm 1917, Phan Bội Châu bí mật trở về Nhật Bản để thăm bác sĩ nhưng ông đã qua đời ngay sau một năm cụ bị trục xuất về nước. Đại ân nhân đã mất đi, ơn nghĩa chưa báo đáp, cũng không nói được lời cảm ơn, Phan Bội Châu vô cùng thương tiếc. Cụ trăn trở chưa có dịp để trả ơn ân nhân. Phan Bội Châu liền nghĩ ra cách dựng một tấm bia ca ngợi công ơn của Asapa trước mộ bác sĩ để tỏ chút lòng thành biết ơn tiên sinh. Năm 1918, cụ quay lại Nhật Bản dựng bia tưởng niệm trước mộ bác sĩ Asaba. Khi dựng bia lại gặp khó khăn nhưng Phan Bội Châu đã được dân làng Asaba tạo mọi điều kiện giúp đỡ để hoàn thành tâm nguyện. Bia được đặt trong khuôn viên chùa Jorin ở Umeyama, nơi có mộ ông ASABA. Tấm bia có chiều cao 2,7m, chiều rộng 0,87m, được đặt trên một bệ đá cao hơn 1m.

Cụ Phan bội Châu bên bia tưởng niệm bác sĩ Asaba
Bia tưởng niệm bác sĩ Asaba

Nội dung bia được dịch như sau:

“Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi!Nay chúng tôi sang mà đâu thấy ngài, trời xanh biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối cảm xúc này nơi bia đá. Lời minh rằng:

Hào hiêp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy.

Chí tôi chưa thành mà ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này ngàn thu ghi tạc.

Ngày xuân năm Mậu Ngọ (Đại Chính năm thứ 7, tức năm 1918)

Việt Nam Quang Phục hội đồng nhân cẩn chí”.

Sự tiếp xúc giữa Phan Bội Châu với người dân Nhật Bản không thông qua những đối sách ngoại giao hay công vụ giữa quốc gia này với quốc gia khác mà sự gặp gỡ giữa con người với con người ở xứ Á Đông hiền hòa thân thiện. Sự gặp gỡ ấy là sự tiếp xúc giữa con người với con người vì nhân ái và tôn trọng đại nghĩa. Sự biết ơn của Phan Bội Châu đối với một số cá nhân người Nhật Bản thật sâu nặng, tình nghĩa đó đã đi theo cụ suốt cuộc đời. Chính mối tình giữa Phan Bội Châu với người dân Nhật Bản trong những năm đầu thế kỷ XX đã đặt nền móng trong quan hệ của hai dân tộc Việt Nhật sau này và mối quan hệ ấy ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị.

Tuy nhiên, câu chuyện giữa cụ Phan Bội Châu và  bác sĩ Asaba cùng tấm bia tưởng niệm này đã trở thành một “ Lịch sử đã bị che dấu ”, đã không được người đời nói và biết đến trong một thời gian khá dài. Gia đình Asaba đã che dấu suốt mấy mơi năm vì câu chuyện phản lại chính sách của quốc gia ”, “ Câu chuyện nhất quyết không tiết lộ ra ngoài”. Và theo lời ông Asaba Kazuko - cháu nội bác sĩ nói: “ Kể cả trong gia đình, việc nói về câu chuyện này là một điều cấm kỵ. Ông tôi đã giúp đỡ những thanh niên Việt Nam, nhưng điều đó là trái với chính sách của chính quyền Nhật Bản. Vì vậy, từ lúc nhỏ tôi đã được dạy là không được nói về câu chuyện này cho bất kỳ ai. Cho dù có bị người khác hỏi cũng xem như không biết gì.”

Sau khoảng 50 năm kể từ khi xây dựng, vào năm 1973, chương trình radio phát sóng quốc tế NHK “Bản tin từ Tokyo hai tấm bia mộ” đã phát sóng ra Đông Nam Á bằng tiếng Việt. Sỡ dĩ lúc này câu chuyện về tấm bia mới được tiết lộ và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là do lúc này Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/09/1973. Từ đó câu chuyện về mối quan hệ giữa cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba và tấm bia tưởng niệm mới dần được mọi người biết đến.  Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã tìm đến bia tưởng niệm và có những tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc về mối quan hệ giữa hai người để bây giờ chúng ta có một nền tảng chắc chắn khi nhận định “Mối quan hệ Việt Nhật đã được khai sinh từ mối quan hệ giữa hai người bạn lớn này.” Và người Nhật họ xem Bia kỷ niệm Asaba Sakitaro là “Kim tự tháp soi sáng tình hữu nghị Nhật Việt”.

Hội thảo khoa học quốc tế về cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro

Đến bây giờ mối quan hệ Việt Nhật đã trải qua 46 năm, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014); quan hệ hợp tác có những bước phát triển mạnh mẽ và vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM…, đóng góp ngày càng tích cực vào hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về chính trị, sự tin cậy về chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao diễn ra thường xuyên trong hơn 45 năm qua. Về phía Việt Nam, tất cả các Lãnh đạo cấp cao đều đã nhiều lần thăm Nhật Bản. Về phía Nhật Bản, thành viên Hoàng gia và Lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm lịch sử của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên tới Việt Nam năm 2017. Các cơ chế đối thoại, trao đổi ý kiến cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng được tiến hành thường xuyên, góp phần hiệu quả vào thúc đẩy triển khai các thỏa thuận cấp cao, trong đó phải kể đến cơ chế Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về công nghiệp, thương mại và năng lượng, Đối thoại Đối tác chiến lược [1]

Nhật hoàng Akiho thăm Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở Huế năm 2017

Về kinh tế, hiện nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế. Kể từ khi mở lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam năm 1992, cho tới nay, Nhật Bản trở thành nhà tài trợ lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng viện trợ ODA cho Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 30,5 tỷ USD, được sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo… đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước như Nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Cầu Cần Thơ, Hầm đường bộ Hải Vân, Cảng Hải Phòng, Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy, các tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các nhà máy điện ở khắp ba miền… Về đầu tư trực tiếp, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2, với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 4/2018, đạt 50,508 tỷ USD cho 3.725 dự án, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo… Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam và 70% trong số đó tiếp tục có ý định mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Về hợp tác thương mại, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại đạt 33,4 tỷ USD trong năm 2017, tăng gấp gần 2 lần so với 10 năm trước [2] .

Tổng số người Việt Nam sang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản đạt hơn 260.000 người, tăng gần 4 lần trong 5 năm gần đây, trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản. Nhật Bản trở thành đối tác hợp tác du lịch thứ 3 của Việt Nam với gần 800.000 khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam trong năm 2017. Số lượng khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam và Việt Nam thăm Nhật Bản trong một năm đã vượt mức 1 triệu lượt khách, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm năm 2013.

Hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo không ngừng phát triển. Giao lưu nhân dân, hợp tác lao động và du học tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường giao lưu hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Tổng số người Việt Nam sang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản đạt hơn 260.000 người, tăng gần 4 lần trong 5 năm gần đây, trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ 5 tại Nhật Bản. Nhật Bản trở thành đối tác hợp tác du lịch thứ 3 của Việt Nam với gần 800.000 khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam trong năm 2017. Số lượng khách du lịch Nhật Bản thăm Việt Nam và Việt Nam thăm Nhật Bản trong một năm đã vượt mức 1 triệu lượt khách, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm năm 2013. Các lễ hội thường niên như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… là những sự kiện được đông đảo nhân dân hai nước mong chờ. Năm 2018, nhiều sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã  được tổ chức  góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước [3] .

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ MỐI  QUAN HỆ HỢP TÁC VIỆT NHẬT

Hợp tác trên các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường… cũng phát triển mạnh mẽ. Hợp tác giữa các địa phương ngày càng sôi động với 37 cặp địa phương hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác, là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa hai nước [4] .

Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của hai nước trong suốt những năm qua trên cơ sở sự tin cậy về chính trị và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nướ

Đồng thời, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn bởi hai nước có sự tin cậy lẫn nhau và những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Với đà phát triển quan hệ hết sức tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Hai nước sẽ cùng “nắm tay nhau” mở ra một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai dân tộc như “mối tình bền chặt” giữa cụ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro

Nguyễn Thị Lệ Thu


[1] [2], [3], [4] Số liệu lấy từ Internet



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN