Chuyện về “ông già Tần” và người cháu gái “Bảy Khai”

20:42 09/08/2021

Ngày 26/8/1941, loạt súng hung tợn của thực dân Pháp đã cướp đi sinh mạng của những nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng ta trong đó có đồng chí Võ Văn Tần – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong cuộc chiến đấu với quân thù, giữa họ không chỉ có tình đồng chí, đồng đội mà còn gắn bó gần gũi với nhau như tình thân ruột thịt trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đầy gian lao, vất vả.

Tháng 8/1937, sau nhiều năm xuất dương hoạt động, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về đến Nam Kỳ và gặp đồng chí Hà Huy Tập để truyền đạt những chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản. Ngay khi cập bến cảng Nhà Rồng, người đi đón đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là đồng chí Võ Văn Ngân, em trai đồng chí Võ Văn Tần. Nguyễn Thị Minh Khai được đưa về cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ tại địa điểm Mười tám thôn vườn trầu Bà Điểm – Hóc Môn. Đây là nơi Trung ương Đảng và Xứ ủy chọn làm căn cứ hoạt động. Cơ quan Xứ ủy đóng ở nhà chị Hai Sóc, một đồng chí hoạt động từ năm 1930, chồng là một người Tây làm thợ máy đèn đã mất sớm. Vì vậy mà mật thám Pháp không chú ý đến nhà chị. Chị Hai Sóc đã đón các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai về ở nhà mình. Đó là ngôi nhà được làm bằng ván, xung quanh vườn cây bao bọc kín đáo. Từ những ngôi nhà đơn sơ bình dị của nhân dân che chở, những người con yêu nước kiên cường, bền bỉ tiếp tục gây dựng cơ sở, vận động nhân dân cùng nhau thực hiện khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc.

Người trực tiếp làm việc với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891, quê ở Long An, người có vóc dáng cao, gầy, xương xương. Trước khi tham gia cách mạng, Đồng chí Võ Văn Tần từng có thời gian bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, sau này, để che mắt địch nên đồng chí vẫn luôn đóng vai là một thầy lang, đầu quấn khăn đỏ, treo túi thuốc trước xe đạp. Đồng chí Tần thường cho thuốc người già, trẻ nhỏ nên được bà con xung quanh vùng quý mến, từ thói quen hay ăn trầu, và có đặc điểm con mắt phải hơi lé, nên thường quen gọi là “ông Già Trầu” hay “ông Già Lé”. Từ năm 1926, Võ Văn Tần bắt đầu hoạt động cách mạng. Ông là người giỏi vận động và có tài tổ chức. Tháng 6/1930 đồng chí Võ Văn Tần cùng đồng chí Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định – Chợ Lớn) lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam Kỳ tại quận lị Đức Hòa. Cuộc biểu tình bị đàn áp, đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh, đồng chí Võ Văn Tần bị địch truy nã và kết án tử hình vắng mặt.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai khi về hoạt động ở Nam Kỳ đã lấy bí danh là Năm Bắc, Bảy Khai, mỗi lần xuống cơ sở, gặp gỡ với bà con nhân dân chị thường được giới thiệu thân mật: “Đây là cô Bảy Khai, cháu gái ông già Tần!”. Là một cán bộ trẻ tuổi, bước đầu bắt nhịp với tình hình thực tiễn nên Nguyễn Thị Minh Khai học hỏi được nhiều điều từ người đồng chí lớn tuổi dạn dày, có nhiều kinh nghiệm và luôn nhận được sự kính trọng, tin tưởng của những liên lạc viên. Một lần, nữ liên lạc tên là Chín Miếng khi đi tuyên truyền, vận động cách mạng bị hiểu nhầm, bị chửi mắng oan ức bèn đến than vãn với đồng chí Võ Văn Tần, đồng chí Tần ân cần khuyên bảo: “Muốn trở thành người cộng sản, người cách mạng phải chịu mắng, chịu chửi, chịu đòn, chịu tù đày. Có chịu nổi mới trở thành người cộng sản, người cách mạng được”.

Còn với Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Võ Văn Tần luôn xem như cháu gái. Ông lo lắng khi thấy chị mạo hiểm trong công tác. Chuyện kể rằng, có thời gian Nguyễn Thị Minh Khai ở trong gia đình của một người dân tên là Kỳ Đà. Một hôm ngồi nhặt rau móp nơi hè nhà, bà Kỳ Đà mách với Minh Khai:

  • Ông già Tần chiều nay vừa rầy la cô đó!

Minh Khai vội hỏi:

  • Chớ rầy la chuyện chi?

Bà Kỳ Đà vừa cười, vừa trả lời:

  • Chuyện cô hay mang sách báo trong mình hoài. Ông già Tần càu nhàu với ông nhà tôi và biểu ông nhà tôi sao không mang dùm cô. Nhưng cô đâu có bảo.

Minh Khai cười chống chế:

  • Mang kiểu này không sao, dì ạ. Để tài liệu trước bụng, trông thấy người ta tưởng mình có chửa, đâu có nghi ngờ!

Nghĩ đến sự quan tâm, lo lắng của gia đình cơ sở, của đồng chí Võ Văn Tần đối với tính mệnh của mình, Minh Khai cảm động ứa nước mắt. Minh Khai nghĩ rằng người đáng được quan tâm nhất lúc này chính là đồng chí Võ Văn Tần. Địch kết án xử tử vắng mặt và đang truy nã đồng chí khắp nơi, nhưng đồng chí Tần vẫn tiếp tục hăng say hoạt động. Mặc dù hoạt động trong điều kiện bí mật hết sức khó khăn, nhưng đồng chí Võ Văn Tần luôn len lỏi khắp vùng Gia Định gần gũi bà con, giữ vững và phát triển không ngừng cơ sở Đảng. Có thêm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Lê Hồng Phong về Nam Kỳ hoạt động, công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng ở Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.  Đồng chí Võ Văn Tần, ngoài tình đồng chí còn coi Minh Khai như một người cháu gái. Đồng chí rất thương tình cảnh hai vợ chồng Minh Khai và Lê Hồng Phong, họ hoạt động ở những nơi không cách xa nhau là bao, nhưng không mấy khi được gặp nhau.

Đồng chí Võ Văn Tần cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã lãnh đạo quần chúng nhân dân trong phong trào đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ (thời kỳ 1936 – 1939). Khi chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng lan rộng, thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy cai trị. Đồng chí Võ Văn Tần cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nhận được chỉ thị chuyển hệ thống hoạt động công khai vào bí mật. Cả hai đồng chí càng phải đi nhiều để củng cố cơ sở đảng, giữ vững tinh thần đảng viên, quần chúng ở Sài Gòn – Chợ Lớn cũng như các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Nhờ nhanh chóng nắm bắt tình hình và sự chuẩn bị chu đáo nên mặc dù kẻ địch khủng bố gắt gao, Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn giữ được cơ sở, bảo toàn lực lượng, thiết lập được một “vành đai đỏ”, một “an toàn khu” vững chắc để bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Sang năm 1940, khi nhận thấy Đảng cộng sản Đông Dương đang chuẩn bị lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang thì thực dân Pháp tăng cường lùng sục, bắt bớ những đảng viên và quần chúng tích cực, lần lượt những cán bộ cốt cán của Đảng rơi vào tay giặc. Ngày 21/4/1940, cảnh sát, mật thám Pháp khám xét một nhà ở vườn cao su thuộc làng Tân Xuân (nơi họp hội nghị Xứ ủy tháng 9/1940) thuộc Hóc Môn, Gia Định bắt được Võ Văn Tần và 4 đồng chí nữa [1] . Tại nơi ở của Võ Văn Tần, địch tìm thấy một bó truyền đơn về ngày 1/5, một bản vẽ tờ báo bí mật và báo cáo viết tay về tình hình Đảng ở Trung Kỳ. Tiếp đó, sau một thời gian dài ráo riết truy lùng, vào ngày 30/7/1940 Thực dân Pháp bắt được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Khám xét tài liệu địch phát hiện 74 thư mục tài liệu liên quan đến kế hoạch khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là những vụ lùng bắt gây cho ta nhiều thiệt hại giữa lúc tình hình cách mạng đang diễn ra vô cùng nóng bỏng.

Trong lao tù đế quốc, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai đều bị trùm mật thám Badanh [2] trực tiếp tra tấn. Với đồng chí Võ Văn Tần, chúng dùng đủ mọi cách mà vẫn không hiệu quả. Chúng đánh vào gan bàn chân, đổ cả nước mắm vào mũi, nhưng đồng chí Tần “trơ như đá, vững như đồng”. Tinh thần quật cường đó khiến Minh Khai càng thêm cảm phục, có được chút quà gì từ ngoài gửi vào, Minh Khai đều chắt chiu dành dụm gửi đồng chí Tần. Noi gương người đồng chí đàn anh, dù bị tra tấn đến chết đi sống lại, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn giữ vững tinh thần kiên trung bất khuất cho đến những giây phút cuối cùng.

Tháng 8/1940, Sở Mật thám miền Đông lập cáo trạng, buộc tội Nguyễn Thị Minh Khai và các thành viên khác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần với tội danh “là kẻ chủ mưu trong các hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có việc tổ chức chiến dịch chống quân phiệt, chuẩn bị phong trào khởi nghĩa có vũ trang và phá hoại” [3] . Chúng đã kết án tử hình những người cộng sản.

Trong các tài liệu trước đây đều ghi ngày đồng chí Võ Văn Tần bị xử bắn là 28/8/1941. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ của Pháp, tại Phụ lục I, Thông tư SSC0 số 6617 – S ngày 30/8/1941 về hoạt động các âm mưu chính trị có xu hướng lật đổ trong các giới bản xứ ở Nam Kỳ, trong thời kỳ từ 21 đến 27/8/1941 có ghi “Ngày 26/8/1941, vào khoảng 6 giờ, tại gần Hóc Môn (Gia Định) trước từ hai đến 3 trăm người, đã hành quyết gọn: Võ Văn Tần tức Bien Tan (Biện Tần)...”, cùng danh sách các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến… Những đồng chí này bị Tòa án quân sự đặc biệt kết án vào các ngày 25 và 29 tháng 3 và 17/5/1941, 4 người đầu vì tội khiêu khích phá hoại”.

Ngày 26/8/1941 (nhằm ngày 4/7 âm lịch) là ngày giỗ chung của đồng chí Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai. Kỷ niệm 80 năm ngày mất của hai đồng chí, bài viết này thay cho nén hương thơm tưởng nhớ đến sự hy sinh của hai bậc tiên liệt cách mạng. Sự hy sinh của họ là lời nhắc nhở những thế hệ mai sau về một thời kỳ đấu tranh gian khổ đầy máu và nước mắt nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào.

Tranh sơn dầu phác họa cảnh đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Tiến khi ra pháp trường năm 1941.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, 2020, Nguyễn Thị Minh Khai tiểu sử , NXB Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  2. Nguyệt Tú, 2020, Chị Minh Khai , NXB Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.
  3. Bích Thuận, 2007, Hai chị em liệt sĩ Minh Khai – Quang Thái , NXB Thanh Niên, Hà Nội.
  4. Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, 2005, Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ , NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.
  5. Phụ lục I Thông tư số 6617-S ngày 30/8/1941 về hoạt động các âm mưu chính trị có xu hướng lật đổ trong các giới bản xứ ở Nam Kỳ, trong thời gian từ 21 đến 27/8/1941, tài liệu lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

[1] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Nhà xuất banrn Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 93.

[2] Marshel Bazin – Chánh Sở Mật thám Nam Kỳ, là tên trùm mật thám nổi tiếng tàn ác của Thực dân Pháp hoạt động lâu năm ở Sài Gòn và mang nhiều nợ máu với nhân dân. Sau này Bazin bị Biệt động Sài Gòn ám sát ngày 28/4/1950.

[3] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nguyễn Thị Minh Khai tiểu sử, tr.195.

Nguyễn Thị Thu Hằng.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN