Cuộc đời Lê Nguyễn Hồng Minh- người con gái duy nhất của hai bậc tiền bối cách mạng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai

10:18 15/03/2024

Sau khi rời khỏi hơi ấm của mẹ, Hồng Minh được gửi cho gia đình người đồng chí thân thiết của má Minh Khai, đó là vợ chồng ông bà Dương Bạch Mai - Đặng Thị Du. Cũng là những chiến sỹ cách mạng hoạt động bí mật. Ba má nuôi đã đưa Hồng Minh đi che giấu khắp nơi để tránh sự truy sát của kẻ thù, lúc thì ở huyện Sông Cầu - Phú Yên, lúc lên Đà Lạt, khi xuống Phụng Hiệp - Hậu Giang, lúc lại lên Sài Gòn.

Nhãn

Nhưng tới 8 tuổi thì Hồng Minh được gửi cho cô Ba Đào - em ruột ông Mai, do lúc đó, ông là ủy viên của Ban Thường trực Quốc hội, thành viên của Phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, dự Hội nghị Fontainebleau 1946 đã bị thực dân Pháp bắt giữ, má nuôi phải bận bịu việc liên lạc các đồng chí để cứu chồng ra. Cô Ba Đào là chủ một trong hai vựa cá nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong thời gian đầu, Hồng Minh đã được đăng ký đi học tại Trường Huỳnh Khương Ninh (nay vẫn còn, tại quận 1). Nhưng mới vô học lớp 3 mấy ngày, Hồng Minh bị đuổi học do bị phát hiện là con Việt Minh. Bị thất học, mới hơn 10 tuổi, Hồng Minh phải đi làm công, đi ở đợ cho hàng chục chủ nhà. Đó là những chuỗi ngày cơ cực, long đong nối dài. Có lần Hồng Minh ở đợ cho một gia đình nhà trong khu lao động gần phía sau chợ Thái Bình (quận 1 bây giờ) bị sốt cao, người mệt mỏi và hay rơi vào cảm giác mơ mơ màng màng, mắt nhướng không lên. Chủ nhà cho rằng Hồng Minh làm biếng, đuổi ra khỏi nhà. Một lần khác, chỉ vì làm trứng ốp la không đúng ý con bà chủ nên Hồng Minh bị buộc phải lội bộ nhiều cây số đi tìm mua trứng khác về làm lại. Lần ở nhà một chủ khá giàu có, nhà có nhiều bàn, ghế chạm trổ cầu kỳ, Hồng Minh phải lau, quét bụi bặm suốt ngày nhưng vẫn bị mắng xối xả sau mỗi cái vuốt ngón tay kiểm tra trên mặt bàn của bà chủ. Mười đầu ngón tay Hồng Minh luôn bị móp do thường xuyên ngâm tay trong nước, rửa ly tách bằng nước tro bếp. Nhiều lần bị đòn, hoặc bị bắt làm nhiều việc quá nặng, hoặc do chủ nhà quá khó, vô cớ la mắng, hà hiếp... Hồng Minh không chịu nổi, xếp bộ quần áo duy nhất rồi tìm cách an toàn nhất rời khỏi nhà. Lủi thủi ra đường, không một đồng dính túi nên nhiều lúc không biết đi đâu, về đâu. Nhiều lần, Hồng Minh ngồi vỉa hè, dựa vào bờ tường rồi thiếp đi trong cơn đói, lạnh và mặc cho muỗi đốt.

Hoàn cảnh khó khăn vất vả đã tiếp thêm cho Hồng Minh nghị lực sống và càng quyết tâm đi tìm Việt Minh. "Mình là con của Việt Minh. Vậy khi gặp được Việt Minh thì cũng có nghĩa là gặp được cha mẹ mình rồi", Hồng Minh suy nghĩ trong những ngày cùng cực. Và sau bao lần thất bại, khát khao đi tìm "Việt Minh" của em cũng được toại nguyện. "Khi còn ở vựa cá, tôi có quen thân với một chị tên Hậu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Lần lén nghe chị Hậu nói chuyện với một vài người khác, tôi mới biết chị là Việt Minh. Khi đọc báo biết từ ngày 20 đến 28-8-1954, tất cả Việt Minh phải tập kết ra Bắc, thực hiện tinh thần của Hiệp định Genève, tôi chạy gặp chị Hậu bày tỏ nguyện vọng và chị nhận lời. Vậy là hai ba ngày đường di chuyển, chị Hậu dẫn tôi vào chiến khu để được tập kết. Thế nhưng tới nơi thì chị Hậu được tin "muộn quá", tôi buồn lắm. Khi đó, có mấy cán bộ về nói chuyện với chị Hậu, chị kể lại câu chuyện của tôi và biết chuyện tôi rất muốn được đi, thế là có một bác bảo chị Hậu cứ sắp xếp để sáng hôm sau cho tôi đi, kịp thì tốt, còn không thì dẫn tôi trở lại... " .

Sáng 19/8/1954, cô bé gần 16 tuổi Lê Nguyễn Hồng Minh được cán bộ dẫn đến khu vực nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thêm 2 ngày nữa thì đến chiến khu Hàm Tân - Xuyên Mộc. "Đến nơi, các bác hỏi thăm thì biết tôi là con nuôi của ông bà Dương Bạch Mai, con ruột của ba Lê Hồng Phong, mẹ Nguyễn Thị Minh Khai thì thương lắm". "Từ nhỏ tới lớn, tôi quen đi chân không, chân bị nứt nẻ. Ra vùng đất đỏ, bị cát sỏi làm đau chân, nên được các bác tặng cho đôi dép cao su. Xỏ dép vào chân mang đi mà mừng lắm. Trên đường di chuyển bằng tàu biển ra Bắc, cập bến Sầm Sơn, tôi được các cô các chú kể rất nhiều chuyện về ba má tôi…" . Khi ra Hà Nội, Hồng Minh được gặp Bác Hồ, Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho bé Hồng Minh. Sau đó, bà được cử sang Trung Quốc học tập, tiếp đó được sang Liên Xô học đại học ngành cơ khí chế tạo máy. Sau khi ra trường về nước, bà làm công tác nghiên cứu về Đảng. Trước ngày nghỉ hưu, bà công tác ở Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh - nơi có con đường và nhiều trường học mang tên ba, má của bà. Hôm nay, dù đã là ngoài 80 tuổi những kí ức về tuổi thơ dữ dội vẫn sống trong trái tim của bà, bà luôn tự hào về ba má, về đại gia đình cách mạng của mình.

Trần Thị Thu Hằng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN