Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm “Người đem truyền thống dân tộc vào hội họa hiện đại”

08:36 27/12/2024

Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20 tháng 10 năm 1922 ( [1] ) tại làng Trung Cần, xã Trung Cần, tổng Nam Kim (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn). Cha là Nguyễn Tư Tái, đậu Phó Bảng làm đến chức Tham tri rồi từ quan về vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa khai cơ lập làng.

Chân dung họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, nên từ nhỏ ông được cha dạy dỗ và cho theo Hán học, lớn lên ông theo cả Tây học. Ông đặc biệt thích vẽ tranh nên theo anh trai ra Hà Nội học vẽ với họa sĩ Lê Phổ ( [2] ) . Năm 1941 ông thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ( [3] ) , khi còn là sinh viên năm thứ 3, ông đã vẽ bức tranh sơn dầu “Người gác văn miếu” với phong cách mới lạ và táo bạo. Bức tranh đã được giải nhất tại triển lãm Salon Unique năm 1944. Trong năm, đó bức tranh “Cổng làng Mông Phụ”, “Đánh cờ dưới bóng tre” của ông cũng được đánh giá cao. Giữa lúc đó, Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3 năm 1945, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giải tán, Nguyễn Tư Nghiêm trở về quê và tham gia phong trào cách mạng tại địa phương.

Nguyễn Tư Nghiêm đã có nhiều công lao đóng góp trong phong trào cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Nam Đàn. Chuẩn bị cướp chính quyền, Nguyễn Tư Nghiêm được điều động về chỉ đạo phong trào cách mạng làng Trung Cần ( [4] ) . Để triển khai và lên kế hoạch hoạt động cho tổ chức Việt Minh làng Trung Cần, vào tối ngày 19 tháng 7 năm 1945, đồng chí Nguyễn Tư Nghiêm triệu tập cuộc họp tại nhà thờ cụ Bang Khuyến (tức nhà thờ họ Nguyễn Hữu) để phổ biến 10 chính sách của Việt Minh và nêu một số nhiệm vụ cần làm ngay như: Tổ chức và vận động quần chúng tham gia các cuộc biểu tình thị uy; Phân công người mang cờ, viết khẩu hiệu, rải truyền đơn và quyết định tổ chức biểu tình trên địa bàn làng Trung Cần. Theo kế hoạch, tối ngày 20 tháng 7 năm 1945, Ban vận động tổ chức biểu tình thị uy và đông đảo quần chúng Nhân dân tập trung tại nhà thờ cụ Thừa Tái (tức nhà thờ chi Nguyễn Tư) đứng đầu là ông Nguyễn Tư Nghiêm và các ông Nguyễn Hữu Liễu, Nguyễn Bá Đào…mang theo trống, mõ, tù và, đuốc, gậy, gộc…xuất phát từ nhà thờ cụ Thừa Tái qua nhà thờ họ Nguyễn, xuống trang Nghinh thần, qua xóm Bàu, xuống chùa Giai, rồi qua các xóm Vũng, Bãi, Hác, Gát, cuối cùng về đình Trung Cần. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập! Đảo đảo phát xít nhật, Ủng hộ Việt Minh. Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, dưới sự chỉ huy của tổ chức Việt Minh trong đó có đồng chí Nguyễn Tư Nghiêm, Nhân dân các làng, xã nhất tề đứng dậy giương cao cờ đỏ sao vàng kéo về thị trấn Nam Đàn giành chính quyền ở huyện. Sau khi giành được chính quyền Ủy ban khởi nghĩa đã giới thiệu danh sách và chức vụ của các đồng chí trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời huyện Nam Đàn gồm 11 đồng chí, trong đó đồng chí Nguyễn Tư Nghiêm là ủy viên phụ trách công tác giáo dục ( [5] ) .

Sau hai năm hoạt động tại địa phương, năm 1947, Nguyễn Tư Nghiêm ra chiến khu Việt Bắc làm giảng viên khoa mỹ thuật của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. ( [6] )

Sau năm 1954, Nguyễn Tư Nghiêm phụ trách Xưởng tranh của Hội Văn Nghệ Việt Nam, đồng thời tiếp tục giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

Từ năm 1959, ông là giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Đồng thời ông còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957 - 1983)

Trong khoảng 70 năm hoạt động nghệ thuật của mình, Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác rất nhiều tác phẩm mỹ thuật với các chủ đề như: những điệu múa cổ, Thánh gióng, Kiều, và những con giáp. Ông vẽ rất nhiều tranh về Thánh gióng với tạo hình mạnh mẽ, cùng một ông Gióng, một con ngựa những chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau và tạo nên những tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Mặc dù cùng một đề tài những ông luôn có cái nhìn mới và cách vẽ mới tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn. Những tác phẩm “Trạm gác” (1948), “Nghé con” (1957), “Giao thừa bên hồ gương” (1957), “Nông dân đấu tranh chống thuế” (1960)…đều có sự kết hợp sâu sắc giữa tình cảm và lý trí, truyền thống và hiện đại, thấm đậm triết lý phương Đông. Ông cũng rất thành công trong việc khai thác hoa văn, chạm khắc đình làng các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn vào tranh của mình.

Ông đã tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu và làm việc trên nhiều chất liệu chẳng hạn như: sơn mài, sơn, bột màu và than chì. Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo ra một phong cách nghệ thuật đặc biệt bằng cách nghiên cứu nghệ thuật dân tộc kết hợp với hiện đại. Những tác phẩm hội họa của ông được các họa sỹ trong nước và nước ngoài yêu thích và sưu tầm. Nguyễn Tư Nghiêm là một trong ít hoạ sĩ có bảo tàng riêng, tọa lạc tại số 90B2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giới phê bình nghệ thuật thời bấy giờ từng nhìn nhận, tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phối hợp bút pháp hiện đại với tư duy cổ truyền, tạo nên bản sắc riêng. Ông từng nói: “ Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có cả nhân loại và hiện đại ”.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm luôn được các đồng nghiệp và các thế hệ hậu sinh khâm phục và kính trọng về tri thức và đam mê nghệ thuật của ông. Nguyên Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam Họa sỹ Trần Khánh Chương từng nhận xét “ Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là thế hệ vàng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là danh họa được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là niềm tự hào của giới mỹ thuật Việt Nam, là những báu vật của văn hóa Việt Nam…Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm là người có ảnh hưởng rất lớn đến mỹ thuật Việt Nam. Ông là tấm gương lao động nghệ thuật cực kỳ đáng khâm phục. Suốt cuộc đời ông không màng đến danh lợi, chỉ dành hết tâm sức cho việc sáng tạo nghệ thuật ”.

Nhận xét của Họa sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của Bộ VHTT&DL cho biết: “ Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và họa sĩ Nguyễn Sáng là hai họa sĩ mà cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, tư duy tạo hình rất đặc biệt, rất độc đáo, có thể nói là hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Với Nguyễn Tư Nghiêm, ông là người luôn có tư duy độc đáo về ngôn ngữ tạo hình, hệ thống nét, cấu trúc tác phẩm. Nó thể hiện quan điểm mà ông đã từng đưa ra “Khi đến tận cùng văn hóa truyền thống thì chúng ta sẽ đến được với hiện đại”. Đó là quan điểm của một người đi trước thời đại, nhìn trước được vấn đề. Quan điểm đó vẫn là một chân lý của nghệ thuật đương đại ngày nay ”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một lần đến thăm họa sĩ tại nhà riêng đã nói: “ Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao những cống hiến của họa sĩ đối với nền văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà thông qua công tác giảng dạy, lao động sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm góp phần tích cực cổ vũ quân và dân ta chiến đấu giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước ”.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bao gồm các danh họa “Nghiêm - Liên ( [7] ) - Sáng ( [8] ) - Phái ( [9] ) ”. Cùng với nhóm “tứ trụ” thứ nhất (Trí ( [10] ) - Vân ( [11] ) - Lân ( [12] ) - Cẩn ( [13] ) ), họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 tới nay.

Viện tiểu sử Hoa Kỳ chứng nhận họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm là một trong năm trăm người có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho công dân thế kỷ 20.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải nhất tại triển lãm Salon Unique năm 1944; Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1948 và 1990; Giải thưởng hội họa quốc tế Sophia (Bulgaria) năm 1983; Giải thưởng Triển lãm Hội họa và Đồ họa quốc tế lần thứ nhất năm 1987 tại Hà Nội; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật năm 1996 và nhiều giải thường khác;

Bên cạnh đó ông còn được tặng thưởng nhiều huân, huy chương khác: Huân chương độc lập hạng nhì; Huân chương kháng chiến hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 70 tuổi, ông lập gia đình với họa sĩ Nguyễn Thu Giang – con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân. Nguyễn Tư Nghiêm là một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài. Ông sống và cống hiến hết mình cho hội họa, sức sáng tạo bền bỉ và ảnh hưởng của ông đã vượt thời đại. Nguyễn Tư Nghiêm ít nói, ít tuyên ngôn nhưng trong một lần phát biểu tại hội nghị về quan điểm nghệ thuật của mình ông nói “ Khai thác, đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại”. Ông được đánh giá là người đem truyền thống dân tộc vào hội họa hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời ngày 15/06/2016 (tức ngày 11/5 âm lịch) tại Hà Nội.

Nguyễn Thị Hưng


[1] Có tài liệu ghi ông sinh năm 1918

[2] Lê Phổ (sinh ngày 2 tháng 8 năm 1907, mất ngày 12 tháng 12 năm 2001) là họa sĩ bậc thầy Việt Nam theo trường phái lãng mạn với nhiều tác phẩm đắt giá. Ông còn được nhiều người gọi là "Danh họa Việt Nam trên đất Pháp". Nhiều người khác còn coi ông là "cây đại thụ" trong làng nghệ thuật vẽ tranh Việt Nam.

[3] Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập vào năm 1925 bởi họa sĩ người Pháp Victor Tardieu. Trường đã đào tạo những họa sĩ Việt xuất chúng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Quang Phòng, Mai Văn Hiến, Phan Kế An, tạo điều kiện cho các họa sĩ Việt Nam được hoạt động chuyên nghiệp, góp một phần quan trọng cho nền nghệ thuật nước nhà.

[4] Đảng ủy, HĐND,UBND, UBMTTQ xã Nam Trung, Lịch sử Đảng bộ Nhân dân xã Nam Trung (1930-2010), NXB Từ điển Bách khoa, tr51

[5] Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Nam Đàn, Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đàn (1930-2020) , NXB Nghệ An, tr113

[6] Họa sĩ Tô Ngọc Vân là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

[7] Dương Bích Liên (1924 – 1988) là một họa sĩ Việt Nam. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm về chân dung thiếu nữ (Phố Phái, gái Liên). Dương Bích Liên là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.

[8] Nguyễn Sáng (1923-1988) người làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là một họa sĩ của Việt Nam, có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa hiện đại Việt Nam.

[9] Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) là một họa sĩ Việt Nam, nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội. Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Dáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.

[10] Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) sinh ra ở huyện Chương Mỹ, Hà Tây và tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1936. Nguyễn Gia Trí là họa sĩ luôn đi đầu trong nghệ thuật tranh sơn dầu từ trang trí tới các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Ông là người sáng tạo ra một xu hướng nghệ thuật mới tại Việt Nam với nét vẽ thể hiện sự thanh lịch và tạo nên một tư tưởng mới trong nghệ thuật tranh sơn dầu.

[11] Tô Ngọc Vân (1906-1954) là một họa sĩ Việt Nam nổi tiếng. Là tác giả của một số bức tranh tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

[12] Nguyễn Tường Lân (1906 - 1946) là họa sĩ Việt Nam, một trong bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn".

[13] Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, được mệnh danh là một trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông cũng là người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy Việt Nam theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt thành dạng hoàn chỉnh như ngày nay.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN