DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỆ AN TỪ KIỂM KÊ, NGHIÊN CỨU ĐẾN BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY

09:08 27/12/2024

Thuật ngữ “di sản văn hóa phi vật thể” lần đầu được sử dụng trong Luật Di sản văn hóa năm (2001). Đến năm 2009, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đã đưa ra khái niệm mới: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 cũng đề cấp đến hoạt động kiểm kê “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”. Mục tiêu tổng quát của kiểm kê là để bảo vệ di sản. Hoạt động cụ thể của công tác kiểm kê là nhận diện; xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ. Kiểm kê không phải là đếm và lập danh sách mà là hoạt động nhận diện để xác định các yếu tố, các vấn đề liên quan nhằm bảo vệ di sản. Đó là các yếu tố phản ánh hình thức, đặc điểm và giá trị di sản; các vấn đề về khả năng tồn tại, sức sống hoặc nguy cơ mai một. Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được truyền tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian, bao gồm: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Vấn đề then chốt của việc kiểm kê là phải xác định được các biện pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lâu dài.

  1. Kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An .

Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình đa dạng với vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Đây là khu vực sinh sống của 6 dân tộc anh em gồm: dân tộc Kinh, dân tộc Thái, dân tộc Thổ, dân tộc Khơ mú, dân tộc HMông, dân tộc Ơ đu. Từ đặc trưng môi trường địa lý, tộc người cùng với lịch sử, sinh thái, sinh hoạt, sản xuất…đã hình thành nên hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo hiện diện ở khắp nơi trên địa bàn toàn tỉnh …Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 20220 có 463 di sản với 4.075 phiếu đã được kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Nghệ An.

Di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An được phân bố rộng khắp trên 21 huyện, thành, thị. Tuy nhiên, mức độ tập trung, giá trị đặc sắc, sức sống và không gian văn hóa của di sản không phải nơi nào cũng giống nhau. Thường các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ…là khu vực bảo lưu được rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực này nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình. Đặc biệt, là những di sản liên quan đến các dân tộc thiểu số như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống gắn với môi trường sống ở vùng miền núi, trong đó tiêu biểu là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian với các di sản, có tính phổ biến và đậm đặc trong nền văn hóa nơi đây như: nghệ thuật trình diễn của người Thái có: Cồng chiêng, nhảy sạp, khắc luống, múa xòe, pí, khắp, lăm, nhuôn….; Người Khơ mú có cồng chiêng, Tơm, phí tơm, đao đao, khèn lá, khen môi bằng nứa, cồng chiêng nứa…; người H’Mông có khèn bè, sáo Mông, khèn môi, hát cứ xia…; Thổ có cồng chiêng,  khèn so ma, các điệu múa của người Thổ, các làn điệu dân ca dân tộc Thổ (Tập tình tập tang, Đu đu điềng điềng, Hát dạ ời…Ngoài ra, các phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số vừa có tính tiêu biểu đặc trưng tộc người lại vừa nằm trong tổng thể chung của khu vực miền Tây xứ Nghệ như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nghi thức cưới hỏi, tục làm vía và buộc chỉ cổ tay, tục uống rượu cần, tục làm ông mối,…. Ngoài ra, kho tri thức dân gian cũng được lưu giữ và thực hành rất tốt với nhiều bài thuốc nam chữa bệnh như bệnh xương khớp, các bài thuốc cho phụ nữ sau sinh, bài thuốc chữa rắn cắn, bài thuốc chữa sốt sốt huyết…rồi kinh nghiệm thực hành nghề mo, bí quyết thực hành nghề rèn, bí quyết tạo ra lửa, giữ lửa, cách làm mem lá, cách ủ rượu cần, rượu nếp cẩm. Món ăn có nhiều cách chế biến độc đáo như cơm lam, hỏ mọc, lam nhọoc, canh ột, bánh trốc chó, bánh sừng trâu, sừng bò,…Bên cạnh đó một số nghề thủ công truyền thống cũng đang được bảo lưu và phát triển rất tốt như nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, đặc biệt là nghề đan lát của đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Một số huyện như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳnh Hợp…đã sớm biến những lợi thế tiềm năng di sản văn hóa phi vật thể của mình để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó huyện Con Cuông được xem là huyện đi đầu trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái nơi đây.

Bên cạnh các huyện miền núi thì các huyện vùng ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Nghi Lộc, Cửa Lò cũng có một số phong tục tập quán đặc sắc liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân vùng biển và đang được nhân dân nơi đây bảo lưu và thực hành như: Tục thờ cúng cá ông, nghi lễ nghinh ông, lễ cầu ngư, lễ xuất bến, hạ thủy…Đặc biệt, là tục mai táng cá ông, người đầu tiên nhìn thấy cá ông lụy phải có trách nhiệm mai táng và thờ phụng, chịu tang như đối với cha mẹ của mình. Hiện nay, tại đền Làng Hiếu có 88 ngôi mộ cá ông, đền Mai Bảng, đền Yên Lương, đền Vạn Lộc đều có miều mộ cá ông. Tục lệ này thể hiện đậm nét tín ngưỡng của cư dân vùng biển nhằm cầu mong được cá ông che chở trước sóng gió biển khơi. Cư dân vùng ven biển còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc gắn với quá trình lao động khai thác hải sản trên biển. Tiêu biểu có lễ hội đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, lễ hội Phúc lục ngoạt, lễ hội đền Mai Bảng phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, lễ hội cầu ngư tại đền Làng Hiếu, phường Nghi Hải, hay hội đua thuyền truyền thống, hội đua thuyền mủng, hội bơi …Các lễ hội này thể hiện niềm tin, hy vọng cầu mong các thần linh che chở cho các ngư dân luôn được bình an những khi ra khơi vào lộng. Thông qua các hoạt động lễ hội nhằm thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động cũng như trong lúc khó khăn thử thách. Đối với nghề thủ công truyền thống gắn với văn hóa biển có nghề đi biển, nghề đóng tàu thuyền, nghề đan thuyền nan, thuyền mủng, nghề nướng cá, hay nghề muối nước mắm, muối ruốc, làm muối… Tri thức dân gian gắn với vùng biển còn có kinh nghiệm về dự báo thời tiết trên biển, kinh nghiệm làm nước mắm, làm ruốc các loại…Các món ăn liên quan đến biển như: mực một nắng, rum xào chuối, gỏi sứa, món dưa non om cá biển…  Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với những tập tục và nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân vùng biển được xem là đặc sắc và đang được bảo lưu rất tốt.

Vùng đồng bằng và trung du như huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, thành phố Vinh bảo lưu được nhiều di sản liên quan đến tín ngưỡng tâm linh như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẫu, tin ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng thờ nhân thần…Đây là khu vực bảo lưu được tín ngưỡng tâm linh rất đậm nét hầu như xã nào cũng có đình hoặc đền hoặc chùa thập chí có nhiều xã có cả đình, đền, chùa nên di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến các hoạt động văn hóa tâm linh đang được bảo vệ và trao truyền rất tốt. Ngoài ra, các tập tục như tục cúng rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, lễ tế họ, tục cúng tết đoan ngọ, tục uống nước chè xanh…cũng đang được bảo lưu. Đối với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có một số di sản văn hóa đặc sắc như: Nghệ thuật trình diễn trống tế, nghệ thuật trình diễn tuổng, nghệ thuật trình diễn chèo… Đặc biệt, là nghệ thuật trình diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Di sản này đang được bảo vệ và phát huy rất tốt. Bên cạnh đó các lễ hội truyền thống gắn với cư dân nông nghiệp có sức sống mạnh mẽ và ngày càng lan tỏa được giá trị tích cực đến với mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó có nhiều lễ hội đã được lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như lễ hội đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, lễ hội đền Bạch Mã, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, lễ hội đền Thanh Liệt, xã Hưng Lam và đền Ông Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên…Tri thức dân gian của cư dân nông nghiệp gắn với các đặc sản được chế biến thành các vật phẩm dâng cúng thần linh, tiên tổ trong các dịp lễ tết như: bánh chưng, bánh tét, xôi gà, hoặc các món ăn phục vụ trong đời sống hàng ngày như giò chả, dò me, thịt dê, thịt lợn, thịt bò …tạo nên nét tinh hoa văn hóa ẩm thực của cư dân vùng đồng bằng.

Với kết quả kiểm kê ban đầu cho thấy Nghệ An là tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, đặc sắc về giá trị đang được bảo lưu và trao truyền.

2. Những bất cập và khó khăn trong c ông tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Đầu tiên là việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể còn nhiều bất cập. Hiện nay, không phải ai cũng hiểu và nhận thức đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể Thậm chí cộng đồng và cá nhân đang nắm giữ và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể nhưng chưa nhận diện đúng và đầy đủ về di sản của mình. Còn có sự nhầm lẫn giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như bia đá, sắc phong. Một số nghề đã không còn được thực hành hoặc bị cấm nhưng vẫn được đưa vào danh mục như nghề sơn tràng (nghề khai thác gỗ), nghề săn bắn, nghề nung gạch thủ công…, hoặc một số cộng đồng đang nắm giữ và thực hành di sản nhưng không biết đó là di sản như: tục cúng họ của người HMông, tục chôn cất cá ông của cư dân vùng biển hay lễ bốc mó của người dân tộc Thổ, tục làm vía buộc chỉ cổ tay người Thái, lễ tạ ơn cha mẹ của người Thái, tục trộm dâu của người Thái, tục cướp vợ của người HMông, kinh nghiệm dự báo thời tiết nghề đi biển. Nhiều di sản chưa được nhận diện một cách đầy đủ, hoàn chỉnh tổng thể mà bị xé lẻ, manh mún, thiếu hệ thống ví dụ cùng một nghề thủ công truyền thống là dệt thổ cẩm của dân tộc Thái nhưng ở mỗi nơi lại gọi thành một di sản khác nhau như nghề dệt vải thổ cẩm, nghề dệt khăn phiêu, dệt túi, dệt chân váy… hay như món mọc lại được chia thành mọc gà, mọc cá, mọc rêu, …như tục làm vía được chia thành tục làm vía cho trẻ sơ sinh, tục làm vía cho người già, tục làm vía cho người ốm…Rồi có những di sản mỗi vùng lại gọi bằng một tên gọi khác nhau gây nhầm lẫn thành nhiều di sản như lễ bươn xao 20/8 âm lịch của người Thái có nơi gọi là lễ “(ky mọc cắm phạ)” có nơi gọi là lễ “ăn mọc”, …….tình trạng đó dẫn đến để sót di sản hoặc nhầm lẫn về di sản văn hóa phi vật thể. Từ việc chưa nhận diện đúng về di sản cũng như chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật nên một số địa phương chưa có các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của mình.

Tiếp theo là việc tư liệu hóa, sưu tầm, nghiên cứu phục hồi di sản văn hóa phi vật thể là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ di sản. Như chúng ta biết di sản văn hóa phi vật thể được trao truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, truyền từ người này sang người khác, không được lập thành văn bản viết nên nguy cơ thất truyền rất cao. Thời gian qua công tác tư liệu hóa, sưu tầm, nghiên cứu phục hồi di sản văn hóa phi vật thể đã được quan tâm thực hiện như việc kiểm kê nhằm ghi chép, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, lập hồ sơ, sưu tầm in thành sách. Bên cạnh đó còn có nhiều đề án, đề tài của các tổ chức, cá nhân sưu tầm xuất bản thành sách, dựng phim, quay vi deo, clip để bảo tồn và quảng bá di sản…Tuy nhiên, việc tư liệu hóa thời gian qua mới được dừng lại ở một số loại hình di sản, thực hiện ở quy mô nhỏ, manh mún, thiếu tính tổng thể. Trong thời gian tới cần thực hiện một cách đồng bộ, trên địa bàn toàn tỉnh.

Cuối cùng là công tác tuyên truyền, chuyển giao, truyền dạy nhằm bảo lưu và trao truyền di sản cho các thế hệ sau. Hiện nay, với việc ứng dụng khoa học công nghệ trên nền tảng số đã có rất nhiều hình thức truyên truyền quảng bá di sản như dựng phim, clip, video, zalo, facebook….Bên cạnh đó có một số chương trình truyền dạy và chuyển giao di sản về với cộng đồng như đưa di sản văn hóa phi vật thể vào dạy trong các cấp học, thành lập các câu lạc bộ, mở các lớp truyền dạy... Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều đang đối diện với nguy cơ mai một do giới trẻ không còn thấy say mê, hào hứng với các loại hình di sản truyền thống. Trong khi đó, các nghệ nhân, đội ngũ những người đam mê, am hiểu ngày càng lớn tuổi, già yếu, nhiều người đã mất, chưa kịp truyền thụ lại cho thế hệ sau. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục giới trẻ để ngày càng nhiều người trẻ yêu thích và trân trọng các di sản văn hóa dân tộc. Một số địa phương chưa ý thức đầy đủ về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nên chưa có kế hoạch cụ thể trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm thực hiện một cách chủ động, thường xuyên và chưa có chiều sâu. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chậm, hiệu quả thấp; nhiều loại hình đã và đang bị mai một, thất truyền như tiếng nói, chữ viết của một số dân tộc thiểu số; tri thức dân gian; một số hình thức diễn xướng dân gian; trò chơi truyền thống dân gian ít được tổ chức trong lễ hội; không ít lễ hội truyền thống đang bị mất đi yếu tố gốc bởi sân khấu hóa và hiện đại hóa; việc truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục...Mặc dù văn hóa được Đảng ta xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, song nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, có lúc có nơi còn hạn chế. Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Trong khi đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa nói chung, công tác tuyên truyền và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nói riêng còn nhiều bất cập…Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, tham mưu về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cán bộ văn hóa cơ sở. Nhiều năm qua, nguồn lực dành cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được tỉnh ta quan tâm, song vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo về và phát huy di sản, chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để truyền dạy nghề.

Di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, là động lực, nguồn lực thúc đẩy và phát triển ngành du lịch đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển.

3. Một số giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và công ước quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể. Có cơ chế, chính sách đầu tư thích đáng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, giữ gìn và lan tỏa những giá trị nhân văn đến đông đảo công chúng nhất là đối với lớp trẻ. Tăng cường việc bảo vệ không gian văn hóa phi vật thể.

Cần có chủ trương nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng.

Cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn sâu về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Có chính sách đãi ngộ đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ làm công tác bảo vệ di sản như nghệ nhân. Khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch, dịch vụ, không ngừng quảng bá hình ảnh, con người Nghệ An đến với bạn bè và du khách gần xa. Xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể với phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với địa phương có di sản văn hóa phi vật thể cần phải có chuyến lược, kế hoạch trong khai thác, bảo tồn, phát huy thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng. Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy di sản. Xây dựng cảnh quan, không gian di sản văn hóa phi vật thể thân thiên, lành mạnh, nhân văn.

Trải qua hàng nghìn năm vùng đất xứ Nghệ đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc và giàu giá trị. Di sản văn hóa phi vật thể không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Chính vì vậy, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; đồng thời không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng của địa phương, đơn vị nào mà là sự vào cuộc và chung tay của toàn xã hội để bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nguyễn Thị Hưng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN