ĐÌNH VÕ LIỆT VỚI NHỮNG DẤU ẤN ĐẶC BIỆT

08:38 27/12/2024

Nghệ An được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, những truyền thống đó được kết tinh, trao truyền, lưu giữ qua nhiều thế hệ. Quá trình đó đã để lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An một hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình: đã kiểm kê được 2606 [1] di tích và 463 [2] di sản văn hóa phi vật thể. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có vai trò quan trọng trong việc hình thành diện mạo, bản sắc riêng của vùng đất xứ Nghệ, cũng là nguồn tài nguyên quan trọng góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An. Đóng góp vào kho tàng di sản đồ sộ đó của tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương [3] cũng là một trong số ít các địa phương có hệ thống di sản phong phú, đa dạng. Đặc biệt huyện nhà tự hào là vùng đất hiện còn lưu giữ nhiều di tích đặc sắc như đền Bạch Mã - một trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ, phủ Đăng Cao - một công trình kiến trúc tâm linh kỹ vĩ với lối kết hợp khéo léo giữa kiến trúc gỗ cổ truyền của dân tộc với kiến trúc bê tông, vôi vữa của phương Tây. Và không thể không kể đến đình Võ Liệt - một công trình gắn với truyền thống Nho học cũng là điểm ghi dấu tinh thần đấu tranh quật cường của ông cha.

1. Hoàn cảnh ra đời đình Võ Liệt

Đình Võ Liệt tọa lạc trên cánh đồng Rè thuộc thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những ngôi đình làng lớn còn lại đến nay của huyện Thanh Chương nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung. Đình Võ Liệt được khởi công xây dựng vào năm 1859, hoàn thành vào năm 1860. Người chủ trì thiết kế là nhà nho Hoàng Chính Trực. Gia phả họ Hoàng có chép: “Ông Hoàng Chính Trực, hiệu là Cổ Duy, sinh năm Canh Dần, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830), đậu Cử nhân khoa Tân Dậu, năm Tự Đức 14 (1861). Cha ông làm quan ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ và lúc đi học ông được cha dẫn ra Thăng Long tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám…

Từ đó, ông có ý tưởng xây một công trình theo kiểu như Văn Miếu tại quê hương để đề cao Nho học. Hội Văn tổng Võ Liệt chấp thuận ý định của ông và giao ông thiết kế, đốc công…Văn Miếu ở Võ Liệt theo quy thức kiến trúc thời Lý Thánh Tông ở Thăng Long. Từ đây, ông tổ đạo Nho được đưa vào thờ cùng với các vị tiên hiền khác của làng. Đây là nơi tế lễ và hội họp của Hội Văn tổng Võ Liệt vào tháng 8 âm lịch. Xuất phát từ đó, đình còn có tên gọi Văn quán, quán Hàng Tổng. Cùng với việc thay đổi về địa giới, huyện lỵ Thanh Chương cũng đã trải qua nhiều lần di dời. Lúc đầu ở sách Thổ Du thuộc tổng Thổ Hào, đời Lê chuyển sang xã Lương Trường tổng Bích Triều. Cuối đời vua Thành Thái (1889-1907), sau khi có thêm hai tổng phía tả ngạn của huyện Nam Đàn là Đại Đồng và Xuân Lâm - vùng đất từ xã Thanh Khai đến xã Thanh Hưng hiện nay, và cắt tổng Nam Kim ở phía cuối hữu ngạn của Thanh Chương sáp nhập vào huyện Nam Đàn thì huyện lỵ Thanh Chương dời lên ở vùng chợ Rộ thuộc xã Võ Liệt, tổng Võ Liệt và đóng ở đó cho  đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Từ đó, đình Võ Liệt trở thành Văn Miếu của huyện.

2. Đình Võ Liệt nơi lưu giữ những giá trị đặc sắc

Đình Võ Liệt do Hội Văn của tổng Võ Liệt lập ra nên kết cấu có phần độc đáo, riêng biệt. Đình có kiến trúc hình vuông hay còn gọi là kết cấu chữ “khẩu”, đó là những ngôi nhà khép kín thông nhau, ở giữa có khoảng sân trời, dãy nhà phía trước gồm 5 gian, 2 hồi. Nối tiếp theo là hai dãy nhà tả hữu vu được xây đăng đối tạo thành con đường có mái che. Nối tiếp tòa nhà chồng diêm tám mái, trên đỉnh nóc có hình nậm rượu…tất cả đã tạo nên nét độc đáo của ngôi đình này. Kiểu kiến trúc này không tuân theo mô típ truyền thống mà ở đây diện mạo kiến trúc đã được phá cách để phù hợp với phong cách kiến trúc của Văn thánh, Văn chỉ.

Ngoài sự độc đáo về kiến trúc và ý nghĩa về những sự kiện lịch sử quan trọng, đình Võ Liệt còn được xem là “Văn thánh” của huyện Thanh Chương bởi đây là nơi thờ Khổng Tử và là nơi lưu giữ những tấm bia đá ghi danh những người đậu đạt của tổng Võ Liệt thời phong kiến.

* Đôi nét về Nho giáo Việt Nam

Nho giáo là một trong những hệ tư tưởng lớn của nhân loại. Học thuyết này được hình thành từ thời cổ đại Trung Quốc. Khổng Tử không phải là người sáng tạo ra Nho giáo nhưng ông lại được suy tôn là ông tổ của đạo Nho. Bởi ông là người đã có công hệ thống hóa các tư tưởng của Nho giáo và nâng tầm nó lên một mức cao hơn để trở thành một học thuyết trị nước yên dân. Các kinh sách của nho giáo chú trọng đến mối quan hệ xã hội (tam cương, ngũ thường), đạo đức xã hội (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) điều tiết các mối quan hệ trong gia đình, xã hội để đi đến sự trật tự, ổn định.

Nho giáo xâm nhập vào nước ta bằng hai con đường tự nguyện và ép buộc, lịch sử còn ghi nhận những người có công truyền bá nho học vào nước ta như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp...

Từ thế kỷ XI trở đi, xuất phát từ nhu cầu củng cố nhà nước quân chủ tập quyền và trật tự của xã hội phong kiến, nhà Lý đã từng bước tạo điều kiện cho Nho giáo phát triển. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu tại kinh thành Thăng Long, đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 vị tiên hiền; năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên là khoa Minh kinh bác học và Nho học tam trường để chọn người dạy Nho học, tuyển chọn quan lại; năm 1076, cho xây dựng Quốc Tử Giám, lúc đầu là trường dành cho con em quí tộc nhà Lý học tập; năm 1095, Lý Cao Tông mở kỳ thi Tam giáo…

Đến thời Trần (1226 - 1400), do yêu cầu củng cố chế độ phong kiến, giáo dục - khoa cử được tổ chức thường xuyên hơn. Do vậy, Nho giáo cóảnh hưởng rộng rãi hơn, mạnh mẽ hơn đối với con người và xã hội phong kiến Việt Nam so với trước đây. Tầng lớp Nho sĩ ngày càng đông đảo, quan lại trong nhà nước có nhiều người xuất thân từ Nho sĩ . Năm 1232, nhà Trần đặt học vị cho chế độ thi cử Nho học là Thái học sinh, năm 1247, đặt lệ Tam khôi (ba người đỗ cao nhất của khoa thi Thái học sinh) : Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Trong tiến trình phát triển của Nho giáo, nhà Lê được đánh giá là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, gắn với tên tuổi các vị minh quân như Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông. Để phát triển mọi mặt của đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập quốc gia, Lê Thánh Tông đã tạo điều kiện thuận lợi để Nho giáo ảnh hưởng và chi phối đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó việc quan trọng hàng đầu là tăng cường giáo dục Nho học và hoàn thiện chế độ khoa cử. Những người đỗ đạt được Nhà nước đề cao bằng rất nhiều nghi thức mang tính quốc gia, với những qui định chặt chẽ như: lệ xướng danh, treo bảng, ban áo mão, đãi yến tiệc, lễ vinh quy bái tổ, khắc tên vào bia đá [4] để lưu danh muôn đời [5] .

Đến thời Nguyễn các vị minh quân vẫn kế thừa những chuẩn mực đạo đức và các mối quan hệ trong Nho giáo để làm khuôn vàng thước ngọc trong cách dạy đời, dạy người. Mục đích giáo dục Nho giáo triều Nguyễn là đào tạo ra những người quân tử, đức tài toàn diện, phò nước, giúp đời”.Triều Nguyễn coi giáo dục là công cụ để đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đồng thời dùng “tam cương, ngũ thường” làm công cụ để truyền bá “đạo làm người trong nhân dân...

Nho học có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Tư tưởng Nho học đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của con người xứ Nghệ. Từ quan niệm đến ứng xử, người Nghệ đều lấy những lời dạy của Thánh hiền làm khuôn vàng thước ngọc. Truyền thống Nho học ấy như một dòng chảy bất tận xuyên suốt cả ngàn năm lịch sử. Qúa trình đó đã để lại trên đất Nghệ An một khối lượng lớn các Di sản Nho học, đó chính là nền văn hóa tư tưởng, tỉnh cảm, phong tục tập quán, trước tác và các công trình, hiện vật, kiến trúc thấm đẫm nhân sinh quan Nho giáo. Để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo và cổ vũ tinh thần học tập của con em trong làng, trong tổng, Nhân dân tổng Võ Liệt đã lập Văn miếu để thờ Khổng Tử và các vị Tiên Hiền, Tiên Nho trong làng, trong tổng.

* Bia đá ghi danh những vị đậu đạt tổng Võ Liệt

Từ xa xưa, vùng đất Thanh Chương đã nổi tiếng là đất học. Được biết, trong chế độ khoa cử thời phong kiến Việt Nam, Nghệ An có 150 vị đỗ đại khoa, riêng Thanh Chương chiếm tới 25 vị. Trong đó, xã Thổ Hào (nay là xã Thanh Giang) có tới 3 người đỗ Tiến sĩ là Nguyễn Tiến Tài (đăng khoa năm 1664), Phạm Kinh Vỹ (đăng khoa năm 1724) và Nguyễn Lâm Thái (đăng khoa năm 1739). Ở Thanh Giang, hiện vẫn còn dấu tích bến Ba Nghè, là nơi 3 vị tiến sĩ kể trên xuống thuyền về làng vinh quy bái tổ. Đặc biệt dưới thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), có hai cha con là Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh quê ở xã Hoa Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) đều đỗ đại khoa. Hiện nay, hai cha con họ Nguyễn đang được Nhân dân địa phương phụng thờ tại đền Hai Hầu [6] - Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Tổng Võ Liệt cũng là cái nôi của đất học Thanh Chương. Minh chứng còn lại được lưu danh muôn đời là những tấm bia đá rêu phong, cổ kính được dựng ngay ngắn dọc hai bên sân đình càng làm tăng thêm truyền thống hiếu học của vùng đất giàu truyền thống. Những tấm bia trầm mặc “trơ gan cùng tuế nguyệt” một lần nữa khẳng định truyền thống hiếu học và cốt cách của người dân Thanh Chương lam lũ nhưng chịu thương, chịu khó đã để lại cho muôn đời sau những danh thơm bất hủ.

Theo thống kê, Toàn tổng Võ Liệt có 445 người đỗ đạt, trong đó 377 vị đậu Tú tài, 63 vị đậu Cử nhân, 3 vị đậu Phó bảng và 2 vị đậu Đại khoa. Trong đó có trường hợp “phụ tử huynh đệ đồng khoa” có nghĩa là “cha con anh em cùng một khoa”. Có những người họ giỏi nổi tiếng đương thời như tiến sỹ Phan Sỹ Thục “Sắc tứ đệ tam giáp đồng tiến sỹ” đã từng làm Chánh sứ trong đoàn sứ nhà Nguyễn đi sang Trung Quốc.

Hiện nay, tại đình Võ Liệt đang lưu giữ 6 tấm bia đá, được đánh số thứ tự từ 1 đến 6, đây là những tấm bia ghi danh những người đậu đại khoa cho đến tú tài. Bia gồm 3 phần: đế bia, thân và trán bia, bia một mặt, khắc chữ hầu như còn nguyên vẹn.

Bia số 1 là tấm bia ghi danh Đại khoa các triều đại. Bia được khắc vào ngày 15 tháng 6 năm Thành Thái thứ 5 (1893) do Hội Tư Văn xã Võ Liệt đảm nhận. Đến ngày 24 tháng 5 năm Khải Định thứ 8 (1923) bia được khắc lại. Nội dung Văn bia này ghi lại tên tuổi 5 vị đậu đạt (2 vị đậu Đại khoa, 3 vị đậu Phó bảng) của tổng Võ Liệt. Trong số những người đậu đạt ấy phải kể đến tên tuổi của các vị:

1.  Tiến sỹ Phan Nhân Tường: ông quê ở xã Hoàng Xá [7] , đậu Đồng Tiến sĩ chế khoa năm Nguyên Hòa thứ 14 triều Lê (1546), làm quan ở Viện Tri Phiên hình được nhiều lần phong sắc Phúc thần.

2. Tiến sĩ Phan Sỹ Thục: quê ở xã Võ Liệt, đậu Tú tài khoa Canh Tý triều vua Thiệu Trị (1841), đậu Cử nhân khoa Bính Ngọ triều vua Tự Đức (1846), đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Dậu (1849). Làm chánh sứ nhà Thanh, lần lượt làm Tham tri hai bộ (bộ Binh, bộ Lại).

3. Lê Đình Chức: quê ở xã Thanh La [8] , đậu Tú tài ân khoa Nhâm Dần triều vua Thiệu Trị (1842), đậu Cử nhân khoa Nhâm Dần triều vua Thiệu Trị (1842), đậu Phó bảng ân khoa Tân Hợi triều vua Tự Đức (1851). Làm quan đến Lang trung.

4. Phan Đình Trác: quê ở xã Võ Liệt, đậu Tú tài khoa Tân Dậu triều vua Thiệu Trị (1841), đậu cử nhân ân khoa Nhâm Dần triều vua Thiệu Trị (1842), đậu Phó bảng ân khoa Tân Hợi triều vua Tự Đức (1851).

5. Phan Sĩ Bàng: quê xã Võ Liệt, đậu Cử nhân khoa Nhâm Tý triều vua Duy Tân (1912), đậu Phó bảng khoa Quý Sửu triều vua Duy Tân (1913), thăng Hàn lâm viện thị độc, đốc giáo Hạn tự trường Quốc học.

3. Các sự kiện lịch sử gắn liền với đình Võ Liệt

Đình Võ Liệt - Địa điểm ghi dấu các sự kiện lịch sử cũng như chứng kiến sự đấu tranh của Nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An: Năm 1929, đình là nơi hội họp của Đảng Tân Việt huyện Thanh Chương; cuộc biểu tình vào sáng ngày 1/6/1930, cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 - đưa anh em công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt chống lại tư bản đế quốc và địa chủ phong kiến, thời kỳ công nông phải hy sinh cho cách mạng để đòi quyền sống và quyền tự do. Đình còn là một trong những nơi đầu tiên thành lập chính quyền Xô Viết “xã bộ nông, thôn bộ nông”, thực thi nhiều chính sách ưu việt của một chính quyền cách mạng.

Trong những năm 1940 - 1947, đình Võ Liệt là nơi diễn ra những cuộc họp thành lập, khôi phục lại Chi bộ đảng Võ Liệt năm 1940, nơi tiến hành Đại hội đại biểu Khu uỷ IV dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Thiếu tướng Nguyễn Sơn…

4. Sự kiện ghi dấu Đại tướng về thăm đình Võ Liệt

Năm 1986, đình vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam cùng phu nhân là Giáo sư Đặng Thị Bích Hà, con gái Giáo sư Đặng Thai Mai về thăm quê hương. Sau khi tham quan, đọc nội dung văn bia của di tích, Đại tướng rất vui nói: “Đây là Văn miếu của huyện”. Ngày 26/1/2007, trong thư gửi Đảng bộ và Nhân dân xã Võ Liệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp Viết “Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như ở đây. Đây là Văn miếu rất đáng tự hào của quê ta, các thế hệ con cháu, phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của ông cha ta”.

5. Hậu thế tôn vinh

Với những giá trị truyền thống, kiến trúc độc đáo và các sự liện lịch sử hết sức quan trọng đình Võ Liệt được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử  - Văn hóa theo Quyết định số 1288/QĐ -VH, ngày 16 tháng 11 năm 1988. Từ khi được xếp hạng, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa gắn với di tich như: mít tinh, kỷ niệm, nói chuyện truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của di tích góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, yêu quê hương xứ trên mảnh đất này./.

Trần Thị Thơ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An (2010), Thanh Chương xưa và nay, Nhà xuất bản Khoa học xã hội;

2. Lý lịch di tích đình Võ Liệt lưu tại kho Ban quản lý Di tích Nghệ An;

3. Ninh Viết Giao chủ biên (2004), Văn bia Nghệ An , Nhà xuất bản Nghệ An;

4. Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1 (1985), Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh;

5. Lịch sử đảng bộ đảng cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương (1930 - 1945), Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh.


[1] Trong đó có 492 di tích được xếp hạng (6 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia, 341 di tích cấp tỉnh)

[2] Trong đó 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 01 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; 09 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

[3] Theo Quyết định số 201/QĐ - UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh, huyện Thanh Chương có 457 di tích thuộc danh mục kiểm kê trong đó có 62 di tích đã xếp hạng các cấp (12 di tích cấp Quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh)

[4] Việc khắc tên vào bia đá được bắt đầu từ năm 1442 thời Lê Thánh Tông

[5] Trong vòng 100, nhà Lê đã tổ chức 31 kỳ thi với số người đỗ là 1007 người, riêng thời Lê Thánh Tông đã có 12 kho thi Hội với 501 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 10 người đỗ Trạng Nguyên.

[6] Thuộc xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương

[7] Nay thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương

[8] Nay thuộc xã Thanh Lĩnh



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN