Kỷ niệm 71 năm ngày thương binh Liệt sỹ 27/7 (27/7/1947– 27/7/2018) - Nhớ vợ chồng đồng chí Lê Hồng Phong- đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Đã 71 mùa thu trôi qua là 71 mùa tri ân tới các anh hùng liệt sỹ, thương binh trên khắp đất nước ta. Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày mà cả đất nước lặng mình tưởng nhớ đến những người con đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Trong ngày lễ thiêng này, chúng ta không thể không nhắc đến đôi vợ chồng anh hùng kiệt xuất của cách mạng Việt Nam: đồng chí Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai. Cả anh và chị đã dốc trọn đời mình để cống hiến cho non sông, đất nước. Thanh xuân của anh và chị là những năm tháng học tập không ngừng nghỉ, cống hiến không mệt mỏi vì lý tưởng giải phóng quê hương đất nước. Ngay cả đến những năm tháng cuối đời, khi bị giam cầm trong lao tù, cả anh và chị vẫn giữ vững chí khí chiến đấu. Họ đã kiên cường không khuất phục dẫu ngàn roi quất trên lưng gầy, dẫu thân xác chịu nhiều đớn đau, dẫu khát vọng sống vẫn mãi đang cháy bỏng.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt ngày 30/7/1940 sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ để bàn về chủ trương khởi nghĩa. Thực dân Pháp bắt giam chị đưa về Khám lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Những trận đòn tra tấn không khuất phục nổi ý chí của nữ cách mạng, chị dùng máu viết lên cánh cửa xà lim những vần thơ thép lửa:
“Dù đánh, dù treo, càng cương quyết
Dù kìm, dù kẹp chẳng sai lời
Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ
Triệt để thực hành chết mới thôi.”
Đến khi giặc Pháp biết chị là vợ đồng chí Lê Hồng Phong, chúng đã đưa anh đến gặp chị. Chúng muốn vợ chồng anh chị nhận nhau để làm căn cứ kết án cả hai. Gặp nhau trong lao tù, cảm xúc dồn nén với bao nỗi nhớ nhung sâu thẳm, bao nhiêu điều muốn nói, bao nhiêu điều muốn kể về bé Hồng Minh của hai người nhưng cả anh và chị đều nén vào trong, nén vào tận đáy lòng. Anh nhìn chị với cái vẻ vô tình của người chưa quen biết: “Tôi không quen chị này…” Chị nhìn anh bình tĩnh làm quân thù thất vọng: “Tôi không biết người này…” Kẻ địch rình mò để chớp lấy một nét xúc động trên ánh mắt của hai người nhưng đành bất lực. Bọn mật thám đã phải gào lên: “Sao vợ chồng chúng mày không nhận nhau đi, tao sẽ cho chúng mày được gặp con”. Không thể lung lạc ý chí người cộng sản, thực dân Pháp mở 4 phiên tòa xét xử hòng kết án tử chị Minh Khai.
Khi biết tin Pháp mở phiên tòa đầu tiên xử chị minh Khai ở Sài Gòn, cha mẹ chị lòng như lửa đốt liền cử chị Quang Thái vào Nam thuê thầy kiện để tìm mọi cách cứu chị. Buổi sáng hôm xử chị Minh Khai, Quang Thái ngồi hàng ghế đầu, lệ rưng rưng, Quang Thái chỉ muốn lên ôm chặt lấy chị, muốn ghi sâu hình ảnh của chị trong ký ức. Mọi cố gắng nỗ lực của Quang Thái đều không thành. Sau bốn phiên tòa xét xử chị Minh Khai, thực dân Pháp quy án chị :
1 án 5 năm tù khổ sai
1 án 20 năm đày đi biệt xứ
2 án chung thân
2 án tử hình.
Trong khi đó, đồng chí Lê Hồng Phong bị kết án 5 năm tù giam với lời cáo buộc vu vơ là tội phiến loạn trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và đày đi Côn Đảo với số thẻ tù 9983. Thực dân Pháp giam đồng chí Lê Hồng Phong ở banh 2, lúc ở phòng giam số 19, lúc ở xà lim số 5 là khu biệt giam dành cho các chính trị phạm. Do thất bại trong việc tìm cách kết án tử hình Lê Hồng Phong ở Sài Gòn, bọn trùm thực dân Pháp ở Nam kỳ đã chỉ thị cho tay chân ở Côn Đảo thực hiện âm mưu hãm hại đồng chí. Bọn cai ngục thực thi một chế độ lao động khổ sai vô cùng hà khắc đối với đồng chí Lê Hồng Phong, bất chấp cả luật lệ do chính nhà cầm quyền thực dân đặt ra. Chúng đánh đập đồng chí bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, trong lúc đang làm việc nặng nhọc, lúc tắm, lúc điểm danh và cả trong bữa ăn.
Thời gian bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” đồng chí Lê Hồng Phong không hay rằng vợ mình- đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã bị đưa ra xử tử vào ngày 28 tháng 8 năm 1941 cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Đỗ Văn Dậy, Phạm Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử, Phạm Văn Sáng… Trước hôm bị thực dân Pháp xử bắn, chị viết bức thư vĩnh biệt chồng. Mảnh giấy cuốn thuốc lá vo nhỏ bằng đầu tăm với mấy dòng chữ viết vội bằng bút chì đã đến tay anh. Nét chữ quen thuộc, thân yêu: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy”.
Về phía đồng chí Lê Hồng Phong lúc này, để nhanh chóng giết hại Lê Hồng Phong, để tách sự chỉ đạo của đồng chí với tù chính trị, tên chúa đảo ra lệnh giam riêng biệt vào hầm tối và đánh đập tàn nhẫn. Hầm tối giam Lê Hồng Phong có chiều dài 2m, rộng 1m. Hầm được xây kiên cố, chỉ có 1 lỗ nhỏ thông hơi, sàn hầm làm bằng xi măng, chỗ nằm có 2 vòng sắt để cùm chân tù nhân suốt ngày đêm. Đồng chí còn phải chịu cực hình một tháng 10 ngày ăn cơm nhạt nấu bằng thứ gạo ẩm mốc và thức ăn là cá khô mục. Chế độ nhà tù đã khiến đồng chí Lê Hồng Phong kiệt quệ, không thuốc, không thầy chữa trị khiến bệnh tình đồng chí ngày càng trầm trọng. Sau những ngày chống chọi với những cơn đau, trưa ngày 6/9/1942, đúng ngày sinh nhật của mình đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim số 5. Trước lúc ra đi, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhắn lại: “Xin chào các đồng chí, nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn luôn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Mộ của đồng chí Lê Hồng Phong hôm nay nằm trầm mặc uy nghi tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo. Còn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, hành trình tìm mộ của chị vẫn là nỗi trăn trở băn khoăn trong lòng mỗi người thân của chị và cả quê hương đất nước. Giáo sư-Bác sỹ-Nhà thơ Nguyễn Huy Dung- Em trai chị Minh Khai đã từng viết bài thơ “Ở trong tim” để kể về nỗi nhớ mong người chị gái yêu thương của mình trong khắc khoải con tim:
“…Tìm mộ Minh Khai, về Ngã Ba Giồng
tiếp bước dặm trường
Nhà thương Giếng Nước
Bà Điểm, Long An, Bến Lức
vùng Bến Dược
*
Mải miết đi, lòng nhớ đinh ninh
lời mẹ xưa, suốt hành trình tìm mộ
nhiều nghĩa địa Sài Gòn, đêm bão tố
nắng Củ Chi, vi vu gió Hóc Môn
sông nước trầm tư, dạ bồn chồn...
*
Trời đất, lẽ huyền thông?
thác thể xác, tinh anh còn mãi
nhưng Mẹ mong, gom lại chút hình hài
Mẹ xót Chị “thân gầy mảnh mai
gót thon trắng trượt trầy kênh rạch”
xót xa, lệ Mẹ trào!
*
Kiếp sau nào
Chị hát tự trên non
đón chúng em - chùm tuổi hồng hoa nở
lên thăm Chị, nắng thu vàng rực rỡ
cõi người hiền, mộ chỉ ở trong tim”.
“Cõi người hiền, mộ chỉ ở trong tim !”. Chị Minh Khai vẫn luôn ở trong tim của những người con đất Việt. Cuộc đời anh và chị sẽ luôn là bản hùng ca bất tử của non nước Việt Nam.
Hôm nay, về quê hương xứ Nghệ những ngày tháng 7, cùng dừng chân ghé thăm nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (Phường Quang Trung,Tp Vinh) và khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong (làng Thông Lạng, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên) để chúng ta cùng thắp nén tâm hương, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ đến cặp vợ chồng anh hùng kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.
Trần Thị Thu Hằng - Lê Thị Vinh
Tài liệu tham khảo:
- Tác phẩm : “Chị Minh Khai” – Nhà văn Nguyệt Tú.
- “Hai chị em liệt sĩ Minh Khai-Quang Thái”, tác giả Bích Thuận, NXB Thanh niên.
- Tài liệu: “Hội thảo khoa học lựa chọn phương án xây dựng nhà lưu niệm và sưu tầm các hiện vật lịch sử về đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai”. Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An, tp vinh ngày 06/3/2007.
- “Nghệ An những tấm gương cộng sản-Tập 1” Tiểu ban nghiên cứu lịch sử đảng-Tỉnh ủy Nghệ An, NXB Nghệ An.
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội