Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - Một gia đình cách mạng tiêu biểu
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nề nếp gia phong ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thân sinh đồng chí Lê Hồng Phong là cụ Lê Huy Quán là hậu duệ đời thứ 12 của đại tộc họ Lê ở Hưng Nguyên. Dòng tộc ông Lê Huy Quán có truyền thống lao động chăm chỉ, hiếu học, đoàn kết, có nhiều người đỗ đạt, giúp triều đình lo việc nước. Thế hệ con cháu ở Thông Lạng vẫn luôn tự hào về thủy tổ của mình. Ông Lê Huy Quán là một người có học và nho nhã, ông từng giữ chức Chánh Tổng Giai Thụ Bản Tĩnh tổng Thông Lạng. Có thời điểm ông dạy học trong làng cho con nhà khá giả. Ông Huy Quán là người rất yêu điệu Ví Phường Vải, vì yêu điệu Ví mà ông tham gia những buổi hát giao duyên với đám hội phường sang bên kia dòng Lam. Từ điệu Ví mộc mạc ân tình, ông đã nên duyên với người con gái nổi tiếng nết na, gia giáo trong vùng con của cụ tú Phạm Côn tên là Phan Thị San. Cưới nhau về, mẹ San sinh được 5 người con, 2 trai và 3 gái. Dù gia đình còn nhiều khó khăn song vợ chồng ông luôn sống đời thanh bạch, yêu thương con cái và chăm lo cho các con ăn học bằng người. Đặc biệt là cậu con thứ tư trong gia đình- Lê Huy Doãn, với đức tính chăm chỉ, thông minh cùng dáng mạo khôi ngô, khỏe mạnh, Lê Huy Doãn từ nhỏ đã được cả nhà yêu thương và đặt nhiều kì vọng. Lớn lên trong gia đình có nề nếp gia giáo, nặng tình nghĩa với cộng đồng, giàu tình thương đối với họ hàng, làng xóm, ngay từ thuở ấu thơ cậu bé Doãn đã là một người nghĩa tình sâu nặng, sâu sắc tinh anh.
Sau khi học hết bậc Sơ học yếu lược, năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi Quảng Châu-Trung Quốc tìm con đường làm cách mạng và được gia nhập Tâm Tâm Xã. Năm 1924, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-LêNin. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã chủ trì công việc của Đảng trong giai đoạn cách mạng bị địch khủng bố ác liệt sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và tham gia soạn thảo, triển khai "Chương trình hành động của Đảng" tạo bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam. Từ năm 1932 đến 1933, bằng năng lực, trí tuệ và quyết tâm phi thường, đồng chí Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao cho, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng. Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Với việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, mà vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đã có tác động hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước. Trước hết là duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời, khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được.
Trong thời gian này, đồng chí Lê Hồng Phong đã gặp gỡ cô gái đồng hương- đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai- người sau đó đã trở thành người vợ kề vai sát cánh bên anh suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 tại thị xã Vĩnh Yên, Nghệ An. Thân phụ của chị Minh Khai tên là Nguyễn Huy Bình, người làng Mọc Thượng Đình, Từ Liêm, Nhân Chính Hà Nội. Ông sinh trưởng trong dòng họ có nhiều người tài giỏi đỗ đạt. Bản thân là hàng ấm sinh, tức là con quan khi có bố là cụ Nguyễn Huy Toản từng đỗ phó bảng và làm đến chức Tuần phủ tỉnh Bắc Giang. Là người học rộng thông hiểu về Hán văn Pháp Văn nên năm 1907 ông được cử về làm ký lục nhà Ga xe lửa Vinh. Tính ông hiền lành, ít nói lại đức độ bao dung nên được làng xóm nhân dân yêu thương, nể trọng. Ông được nhà nước thời đó phong sắc Hàn Lâm, bởi vậy mà người dân quanh vùng còn trìu mến gọi ông là cụ Hàn Bình. Mẹ của chị Minh Khai tên là Đậu Thị Thư, một cô thôn nữ con của một nhà nho nghèo yêu nước ở làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lớn lên ở độ tuổi trăng tròn, bà theo mẹ ra chợ Thượng ở Đức Thọ rồi ra đến chợ Vinh để bán hàng vải. Và ông bà đã gặp gỡ, nên duyên với nhau trên mảnh đất phố Ga Vinh. Cưới nhau về, ông bà sinh hạ được 8 người con, trong đó nổi bật là cô con gái cả Nguyễn Thị Minh Khai. Từ nhỏ, cô chị cả Nguyễn Thị Minh Khai đã bộc lộ tư chất thông minh lanh lợi, học giỏi hơn đám bạn cùng trang lứa. Năm 1926, được các thầy giáo trong Hội Phục Việt như: Trần Phú, Hà Huy Tập… giác ngộ, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia các phong trào yêu nước: dự lễ mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tham gia đấu tranh đòi trả tự do cho nhà chí sỹ ái quốc Phan Bội Châu. Những luồng tư tưởng mới cùng với thơ văn yêu nước sục sôi ý chí cách mạng của cụ Phan đã thôi thúc Vịnh quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai. Mùa hè năm 1927, Chị được kết nạp vào tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, để dễ bề hoạt động, chị đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Minh Khai được kết nạp vào Đảng, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên. Từ một nữ sinh yêu nước, Nguyễn Thị Minh Khai đã trở thành đảng viên cộng sản, thực sự chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ; chị đã tổ chức được nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng là lực lượng nòng cốt cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đầu năm 1930, Minh Khai được Phân cục Trung ương Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc Kỳ rồi sang Trung Quốc, làm công tác liện lạc cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản ở Hương Cảng. Ngày 29/4/1931, Minh Khai bị bắt, bị kết án tại Quảng Châu- Trung Quốc. Năm 1933, nhờ sự can thiệp của Quốc tế cứu tế đỏ, chị được trả tự do. Sau khi ra khỏi nhà tù của Quốc dân Đảng, Nguyễn Thị Minh Khai bị mất liên lạc với tổ chức. Đồng chí đã bí mật quay trở lại Hồng Kông bí mật tìm manh mối liên lạc.
Trong lúc Nguyễn Thị Minh Khai tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng thì những người cộng sản Đông Dương đã thành lập nên tổ chức Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí Lê Hồng phong(bí danh lúc này là Lítvinốp) làm Thư ký. Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cộng sản Đông Dương có nhiệm vụ liên hệ với các cơ sở, tổ chức Đảng nhằm khôi phục, củng cố tổ chức phát triển thêm các tổ chức mới, thống nhất lực lượng trong toàn quốc . Đồng thời, tích cực liên lạc với các đồng chí ở trong nước sang, những đồng chí ở các địa bàn khác và cả những chiến sĩ mới được ra tù để khôi phục tổ chức. Chính vì vậy, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nhanh chóng nắm được thông tin, kết nối được với các đồng chí trong Ban. Khoảng tháng 8/1934, Lê Hồng Phong được người liên lạc giới thiệu có đồng chí Trần Thái Lan đến gặp. Lê Hồng Phong thoáng nghĩ người con trai họ Trần từ Thái Lan sang chắc sẽ cho mình nhiều tin tức mới. Không ngờ đấy là một người con gái đồng hương. Sau giây phút bỡ ngỡ, Lê Hồng Phong biết đây là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vừa trải qua những ngày sống trong nhà tù đế quốc đầy gian khổ. Lê Hồng Phong thể hiện sự mến phục người nữ đồng chí quả cảm vô cùng. Nguyễn Thị Minh Khai cũng rất vui mừng vì được gặp đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và được chính thức trở lại hoạt động, tập trung cho nhiệm vụ khôi phục, phát triển hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Nguyễn thị Minh Khai được giao nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cộng sản ở Thái Lan và những công việc liên quan đến công cuộc tái lập hệ thống tổ chức Đảng cộng sản Đông Dương. Đây chính là thời gian mà hai người đồng chí, đồng hương Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong đã gặp gỡ và bắt đầu sát cánh cùng nhau trong công tác hoạt động cách mạng của mình. Tình yêu của anh chị từ đây dần chớm nở, Tổ chức Đảng đã hiểu được và luôn ủng hộ và giúp đỡ anh chị. Dù tình cảm mỗi ngày thêm sâu nặng, nhưng cả anh và chị đều tập trung hết mình cho công việc, đặc biệt là sự chuẩn bị cho Đại hội lần thứ Nhất của Đảng cộng sản Đông Dương. Khối lượng công việc lớn nhưng đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã hoàn thành khẩn trương và chính xác.
Đang tập trung tham gia chuẩn bị đại hội lần thứ I của Đảng thì lúc này Ban chỉ huy ở ngoài nhận nhiệm vụ chuẩn bị tham luận để trình bày trước diễn đàn đại hội quốc tế lần thứ VII tại Mátxcova. Khoảng tháng 10 năm 1934, các đồng chí có tên trong danh sách đại biểu đã sang Liên xô dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Matxcova. Nhờ sự bố trí của Quốc tế cộng sản, các đồng chí bí mật lên đường theo một chiếc tàu thuỷ Liên Xô ở Thượng Hải đến cảng Vlađivôxtốc, rồi từ đó đi tầu hoả xuyên Xiberi để đến Mátxcơva. Đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn được đón về ở tại kí túc xá Trường Đại học Phương Đông. Chuyến đi này tình cảm giữa anh Lê Hồng Phong và Nguyên Thị Minh Khai càng thêm gắn bó. Lê Hồng Phong đã từng sống và học tập tại Liên Xô trong những năm 1926-1931 nên anh rất giỏi tiếng Nga và thông thạo địa chỉ ở Mátxcơva. Nhờ sự giúp đỡ của Lê Hồng Phong mà chị Minh Khai rất yên tâm khi lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga.
Trong lúc này, tại Ma Cao, tháng 3/1935, đại hội Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ I và đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội đã bầu vắng mặt Đồng chí Lê Hồng Phong khi anh đang ở Liên Xô, điều đó một lần nữa khẳng định công lao và uy tín của Đồng chí đối với việc hồi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng. Đây là Đại hội có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đã đem lại cho toàn thể Đảng viên và quần chúng thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 7 năm 1935, Đại hội quốc tế cộng sản lần VII đã diễn ra. Đồng chí Lê Hồng Phong tham dự với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Đảng cộng sản Đông Dương, mang số thẻ 167 - bí danh Hải An. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham dự với bí danh là Phan Lan số thẻ 169. Cả hai anh chị đã có bài tham luận xuất sắc trong kì Đại hội này. Lê Hồng Phong đã có bài phát biểu tham luận đặc biệt quan trọng chỉ ra phong trào chung của đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1930 đến năm 1935, nêu bật những thành tích to lớn, những khuyết điểm, những kinh nghiệm mà Đảng đã thu hoạch được và những triển vọng của phong trào đấu tranh trong điều kiện tình hình Quốc tế và trong nước có những thay đổi mới. Trong phiên họp lần thứ 40, chiều ngày 16/8/1935, Minh Khai đã vinh dự trình bày tham luận: “Vai trò của phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”. Bản tham luận đã được đại hội nhiệt liệt hoan nghênh. Và cũng chính tại đại hội này Đảng ta đã trở thành phân bộ chính thức của Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong vinh dự được bầu làm ủy viên ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Như vậy, đồng chí Lê Hồng Phong vừa là Tổng bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương, vừa là ủy viên ban chấp hành quốc tế cộng sản, vừa là đại diện ban chỉ huy ở ngoài của đảng. Và là một trong 46 ủy viên chính thức của 23 quốc gia có đại biểu là ủy viên chính thức và 1 trong 2 đại biểu của các nước thuộc địa của Ban chấp hành Đảng cộng sản Đông Dương tham gia vào bộ máy cao nhất của vô sản toàn thế giới. Như vậy, cả hai anh chị đã cùng đồng hành và mang lại thắng lợi vinh quang cho Đảng ta từ những ngày đầu thành lập. Với Đảng, anh chị là những nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn hết lòng phấn đấu vì nhiệm vụ, tình cảm riêng tư của anh chị luôn song hành cùng tình yêu lớn lao dành cho Tổ Quốc. Những ngày tháng học tập tại Liên Xô, Lê Hồng Phong luôn tận tình giúp đỡ cho chị từ dịch thuật tài liệu học tập từ tiếng Nga đến hướng dẫn chị hoàn thành các bài tham luận xuất sắc. Những yêu thương từ đó lớn dần lên, lễ cưới của anh chị đã được tổ chức tại Mátxcơva do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lảm chủ hôn.
Trước yêu cầu của phong trào cách mạng trong nước, năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng anh Hoàng Văn Nọn đóng vai một đôi vợ chồng trẻ giàu có người Trung Hoa đi du lịch Châu Âu đã trở về Trung Quốc an toàn, sau đó 2 người tìm cách trở về Nam Kỳ. Chị công tác tại cơ quan Xứ uỷ Nam Kì, được chỉ định giữ chức Bí thư thành ủy sài gòn Chợ Lớn lãnh đạo đấu tranh đòi dân chủ và hòa bình ở Nam Kỳ. Chị trực tiếp tham gia bút chiến trên các tờ báo công khai như báo Giải Phóng, Lao Động, Tin tức… là cây bút sắc sảo trên tờ Dân Chúng với bút danh Nguyễn Thị Kim Anh. Với khả năng ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, Trung chị là nhà diễn giả xuất sắc tại các rạp hát, tại cuộc mít tinh biểu tình thời kì đó.
Tháng 11 năm 1937, anh Lê Hồng Phong bàn giao công việc của Ban chỉ huy ở ngoài cho đồng chí Phùng Chí Kiên, làm thẻ căn cước với tên La Anh bí mật về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Giai đoạn này Lê Hồng Phong, đã lăn lộn trong phong trào ở các khu lao động nội, ngoại thành, bí mật đến nói chuyện với nhiều cuộc họp, mở lớp huấn luyện cho cán bộ và cũng cố các tổ chức Đảng ở các tỉnh Nam Kỳ. Với cương vị là uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, đồng chí chỉ đạo hội nghị Ban chấp hành Trung ương(3-1938) bàn việc mở rộng hơn nữa chính sách mặt trận của Đảng, đấu tranh chống lại các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, bám sát với tình hình thực tế, Lê Hồng Phong cùng với Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng nhằm tập hợp rộng rãi đông đảo quần chúng, tranh thủ hơn nữa mọi lực lượng có thể tranh thủ vào cuộc đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh và hoà bình. Nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng cùng với sự chỉ đạo chặt chẽ của đồng chí LHP và ban chấp hành trung ương, cao trào đấu tranh năm 1936- 1939 phát triển mạnh mẽ và đã thu đc thắng lợi quan trọng, đây là lần đầu tiên từ khi ra đời, Đảng ta đã xây dựng được trên thực tế một đạo quân chính trị đông đảo và phát động cao trào đấu tranh công khai hợp pháp kết hợp với bán công khai chống đế quốc, thực dân phản động rộng khắp trong cả nước. Có thể nói, trong những thắng lợi của cao trào đấu tranh dân chủ đều in đậm công lao và cống hiến của Đ/c LHP. Dù hoạt động trong cùng địa bàn nhưng vì yêu cầu bí mật vợ chồng anh Lê Hồng Phong phải ở mỗi người một nơi, nhưng họ luôn sát cánh cùng nhau trong công tác. Và hạnh phúc đơm hoa khi năm 1938 chị Minh Khai mang thai đứa con đầu lòng. Thời điểm mang thai, chị Minh Khai tá túc hoạt động trong một căn nhà nhỏ trong xóm lao động(nay là đường Sư Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Đang mang bầu, nhưng chị vẫn sống kham khổ như bao đồng chí khác. Mỗi lần công tác về, chị mua một ít rau muống, một quả trứng rồi dầm với nước chấm cùng ăn. Anh em thương chị nên lúc đi đâu về thường mua thêm rau quả về cho chị, người dân lao động trong xóm nghèo thỉnh thoảng ghé cho thêm rau. Mang bầu khó khăn trăm bề nhưng chị luôn xông pha công tác hoạt động, vượt qua muôn trùng hiểm nguy bởi thời điểm này, thực dân Pháp đã có trong tay hồ sơ theo dõi chị.
Mùa xuân năm 1939, Chị Minh Khai trở dạ, chị nuôi Hai Sóc liền đưa Minh Khai đến gặp bà đỡ tên Trinh, chủ của nhà hộ sinh Hồng phúc số nhà 75 đường Mác MaHon, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Là một bà đỡ giỏi lại có cảm tình với cách mạng nên bà đỡ Trinh đã đồng ý giúp đỡ che chở cho mẹ con chị. Đêm vượt cạn không có chồng bên cạnh, chỉ có tình yêu chị dành cho anh, cho con đã giúp chị vượt qua bao nỗi đớn đau. Chị đặt tên con là Lê Nguyễn Hồng Minh- cái tên đc ghép từ tên của anh và chị.
Giữa bao bộn bề chị Minh Khai nhận được tin dữ: Anh Lê Hồng Phong bị bắt. Thực dân Pháp bắt giam anh vào ngày 22/6/1939 tại Sài Gòn và dùng mọi cực hình tra tấn, hành hạ nhưng không có kết quả, cuối cùng chúng đã kết án anh 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội mang thẻ căn cước giả. Mãn hạn tù, Lê Hồng Phong bị quản thúc tại quê nhà. Chị Minh Khai nỗ lực tìm kiếm thông tin về chồng nhưng mọi thông tin đều bị bưng bít. Vì tính mệnh dân tộc, vì an toàn của con lúc này chị đành nén tình cảm riêng tư gửi con lại cho cơ sở Mười Tám thôn vườn Trầu nuôi dưỡng để tiếp tục tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng.
Lúc này, thực dân pháp rất lo sợ người chiến sĩ cộng sản mà chúng gọi là “tên phiến loạn nguy hiểm” Lê Hồng Phong. Vậy nên, sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, chúng đã cho mật thám từ Nam Kỳ ra Nghệ An bắt giữ LHP và đưa vào giam giữ tại Khám Lớn, Sài Gòn, vào tháng 1-1940. Ngày 30/7/1940 khi đang cùng Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sa vào tay giặc.
Biết Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong, thực dân Pháp đã bố trí đưa Lê Hồng Phong đến gặp Minh Khai hy vọng 2 người sẽ nhận nhau để có chứng cứ buộc tội Lê Hồng Phong. Nắm rõ âm mưu nham hiểm của kẻ thù, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã cố nén xúc động, gác tình vợ chồng, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết. Không hẹn trước mà cả 2 đều kiên quyết không nhận nhau, trước sau đều trả lời: không biết!
Qua hai phiên tòa xét xử, tòa án binh Sài Gòn xử Nguyễn Thị Minh Khai mức án cao nhất – tử hình cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần… Trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tranh thủ từng giây, từng phút truyền đạt những lý luận, kinh nghiệm đấu tranh, động viên bạn tù bằng những vần thơ tràn đầy nhiệt huyết: “ Vững chí bền gan ai hỡi ai. Kiên tâm giữ dạ mới anh tài. Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ. Con đường cách mạng vẫn chông gai” . Trước ngày chị bị quân thù xử bắn, Minh Khai đã kịp, thêu chiếc áo gối, viết thư tạ lỗi với cha mẹ, gửi lời cảm ơn tới các đồng chí đang nuôi nấng Hồng Minh, gửi lời chào vĩnh biệt đến người chồng thương yêu đang bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo :“Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa, sẽ mãi mãi là người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy” .
Về phía đồng chí Lê Hồng Phong, không có chứng cứ nhưng Thực dân Pháp vẫn quyết vẫn kết án đồng chí 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc đày ra Côn Đảo với tội danh âm mưu xúi giục lật đổ chính phủ Nam kỳ. Trong ngục lao Côn Đảo, hàng ngày bị tra tấn, đánh đập, trên gương mặt của đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm, chố sưng húp lên, có chỗ còn loét ra ri rỉ máu. Chúng “nuôi dưỡng” đồng chí với 1 tháng 10 ngày cơm nhạt bằng 1 thứ gạo hẩm mốc và thức ăn là cá nục khô. Có những lần Lê Hồng Phong vừa bưng bát cơm lên ăn thì bọn cai ngục nhảy vào xông vào, đấm ,đá, quất túi bụi, làm máu chảy từ đầu, cằm chảy đỏ cả bát cơm. Thế nhưng Lê Hồng Phong vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm chan máu, với quyết tâm phải sống, để còn sống còn chiến đấu. với thái độ vô cùng bình tĩnh ấy của Lê Hồng Phong, kẻ thù đã phải hoảng sợ chùn tay, một tên cầm đầu bọn cai ngục đã rón rén lại gần và hất hàm hỏi: “Tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn ngồi ăn? mày không biết đau à? Lê Hồng Phong thong thả đặt bát cơm xuống quắc mắt lại nhìn thẳng vào kẻ thù và dằn từng tiếng một: “Chúng mày nói một ngày chúng mày không đánh cho chúng tao chảy máu thì chúng mày ăn không ngon ,vậy nên chúng tao phải ăn để có máu đối phó lại với chúng mày”, nói xong Lê Hồng Phong lại tiếp tục bưng bát cơm chan máu lên ăn như chưa có việc gì ghê gớm xảy ra.
Một năm sau khi chị Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh, anh Lê Hồng Phong mới hay tin về người vợ, người đồng chí của mình. Vào 1 buổi trưa hè năm 1942, dưới gốc bàng xà lim số 2, đồng chí Lê Hồng Phong nói chuyện với người lính Gardrien Ấn Độ vừa ở đất liền ra, “Chúng tôi có 1 nữ đồng chí là Minh Khai bị xét xử thế nào, ông có biết không”, vừa nghe đến cái tên Minh Khai, người lính Ấn với vẻ mặt trang nghiêm, đôi mắt buồn đứng lên cất mũ cúi chào rồi kể trong niềm xúc động :“Bà lớn Minh Khai bị bắn chết rồi, tôi nói bà lớn là bà lớn thật, núi cũng phải nghiêng mình, cây cối cũng phái cúi chào bà”. Đồng chí Lê Hồng Phong lặng im như bức tượng đá, tim như ngừng đập, anh không muốn tin về điều khủng khiếp ấy, thế là người đồng chí trung kiên, người vợ yêu dấu của anh đã mãi mãi ra đi, Hồng Minh bé nhỏ đã mất mẹ, rồi sẽ mất cha...Côn Đảo lặng gió, những kỷ niệm hiếm hoi bên nhau chợt ùa về!
Với những trận đòn thù tàn ác dã man liên tục trên 1 cơ thể đã làm cho đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức, vào trưa ngày 06/9/1942 tại xà lim số 5 banh II, Lê Hồng Phong đã vĩnh viễn từ biệt anh em. Trước khi trút hơi thở cuối cùng Lê Hồng Phong đã nhắn lại với các bạn tù rằng: “nhờ các đ/c nói với đảng rằng:“tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Những đóng góp to lớn và sự hy sinh của đồng chí Lê Hồng Phong cùng với tấm gương đấu tranh gan dạ và anh dũng kiên cường của người đồng chí, người bạn đời thuỷ chung son sắt Nguyễn Thị Minh Khai là những cống hiến lớn của một gia đình cách mạng tiêu biểu. Trọn cuộc đời, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã hy sinh tình cảm riêng tư, họ chấp nhận xa nhau khi Tổ Quốc cần và sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc Việt Nam.
Trần Thị Thu Hằng
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội