Minh Khai, Quang Thái hai cuộc đời, một lý tưởng.

15:32 08/03/2018
Có câu thơ rằng:
"Trên đất nước nghìn năm chảy máu
Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm"
(Thơ Hoàng Trung Thông)
Trên dải đất hình chữ S này đã có biết bao cuộc chiến tranh và cũng đã có biết bao nữ anh hùng hào kiệt ngã xuống để có được nền độc lập dân tộc trọn vẹn. Hôm nay, tôi muốn nói đến 2 người phụ nữ trung kiên, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai cuộc đời cao đẹp đã hy sinh vì 1 lý tưởng cứu nước. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai và chị Nguyễn Thị Quang Thái - những người con gái sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ yêu thương.
Chị Minh Khai
Chị Nguyễn Thị Minh Khai

Minh Khai và Quang Thái là 2 chị em ruột đều sinh ra và lớn lên ở thị xã Vinh. Chị Minh Khai tham gia cách mạng rất sớm. Năm 1927, chị gia nhập Đảng Tân Việt. Ba năm sau khi mới 20 tuổi, chị là cán bộ nữ duy nhất trong lứa học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được cử sang Trung Quốc để Người trực tiếp đào tạo và huấn luyện về lý luận cách mạng. Từ đó Minh Khai mãi mãi rời xa gia đình, quê hương, nơi đã hình thành và nuôi dưỡng khát vọng cứu nước.

Quang Thái
Chị Nguyễn Thị Quang Thái

Những năm xa Tổ quốc, chị Minh Khai là 1 tấm gương vượt khó. Với vốn tiếng Pháp đã có chị tự học và nói thành thạo tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Nga. Sau hơn 4 năm hoạt động, chị Minh Khai kết hôn với người đồng chí cùng chung lý tưởng với mình là Lê Hồng Phong. Hai vợ chồng đều là đại biểu tham dự Đại hội 7 của Quốc tế Cộng sản tại Liên Xô. Với việc trình bày bản tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chị Minh Khai chính là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giương cao ngọn cờ của phong trào bình đẳng giới trên diễn đàn quốc tế.

Năm 1936 Đảng phân công chị Minh Khai về nước trực tiếp gia lãnh đạo cách mạng. Chị được bầu làm Bí thư thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, công việc rất bận rộn nhưng trong lòng chị Minh Khai vẫn luôn nhớ đến gia đình mình ở thành Vinh, nhớ thầy mẹ, các em và nhất là em gái Quang Thái.
Khi chị Minh Khai lên đường đi cứu nước thì chị Quang Thái đang học ở trường Đồng Khánh ở Huế. Tại đây, chị đã có dịp gặp gỡ, hoạt động cách mạng và kết duyên vợ chồng với đồng chí Võ Nguyên Giáp người sau này là vị tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm tháng trôi qua nhưng ký ức về người chị cả luôn canh cánh bên lòng Quang Thái.
Thời kỳ này, anh Lê Hồng Phong cũng về hoạt động ở Nam Kỳ cùng chị Minh Khai. Tình yêu của anh chị đã được khai hoa kết quả khi chị mang trong mình giọt máu của anh.
Mùa xuân năm 1939, trong tình yêu thương đùm bọc chở che của những người dân Nam Bộ, chị Minh Khai đã hạ sinh 1 bé gái khỏe mạnh. Với niềm hạnh phúc vô bờ của 1 người mẹ, chị đã lấy họ và tên lót của hai vợ chồng đặt tên cho con là Lê Nguyễn Hồng Minh.
Lúc này, tình hình cách mạng Nam Kỳ đang lên cao và rất cần có những cán bộ tận tụy và có năng lực như chị Minh Khai tham gia chỉ đạo. Trong hoàn cảnh ấy, chị buộc phải gửi lại đứa con vừa lọt lòng mới vài ngày tuổi cho các đồng chí nuôi dưỡng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Chị cắn răng chịu đựng nỗi đau lớn nhất của người mẹ là phải xa con. Một đêm khuya, chị Minh Khai bọc bé Hồng Minh vào chiếc tã dày rồi trao cho 1 người đồng chí. Chị đứng bất động trong nhà nhìn chiếc xe ngựa từ Bà Điểm đến đón con đi xa mãi, xa mãi..
Một ngày tháng 7 năm 1940, sau khi cơ sở của Xứ ủy Nam Kỳ bị lộ, Minh Khai đã sa vào tay giặc. Biết chị là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn độc ác nhất, từ đánh đập, tra tấn đến dụ giỗ, mua chuộc, một trong số đó là việc chúng đã tổ chức 1 cuộc gặp gỡ giữa Hồng Phong và Minh Khai trong tù để tìm chứng cớ kết tội tử hình Hồng Phong. Nhưng mọi âm mưu của chúng đã không thể khuất phục được tinh thần bất khuất của chị. Những câu thơ chị viết bằng máu trên tường xà lim tràn đầy ý chí cách mạng không khỏi khiến chúng ta cảm phục và xúc động biết nhường nào.
“Vững chí bền gan ai hỡi ai
Kiên tâm giữ dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng vẫn chông gai…”
Nghe tin chị Minh Khai bị bắt và có thể nhận án tử hình, chị Quang Thái đã cấp tốc vào Sài Gòn mang theo niềm hy vọng của cả gia đình. Tại Khám Phú Mỹ, Minh Khai và Quang Thái ôm chầm lấy nhau sau 10 năm xa cách. Hai chị em cùng một chí hướng, hai trái tim sôi nổi yêu thương, khát khao hạnh phúc, hai người vợ, người mẹ đang mong mỏi tin chồng và phải xa những đứa con thơ. Minh Khai nắm tay Quang Thái dặn dò: “Em đừng khóc, chị dù mất nhưng rất vui sướng vì đã làm tròn nhiệm vụ. Em hãy giúp chị, chừng mô Hồng Minh khôn lớn, đi học được thì em đưa cháu về nuôi và dạy bảo cháu nên người, để sau ni cháu tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ cháu…”
Sau này, Quang Thái đã tìm gặp được bé Hồng Minh, nhưng điều kiện chiến tranh ác liệt khiến chị không thể mang cháu ra Bắc. Quang Thái đã không thể giúp Minh Khai nuôi dạy Hồng Minh bởi 3 năm sau chị đã hy sinh trong tù, sau những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù, khi đó chị chưa đến 30 tuổi.
Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử tử chị Minh Khai tại trường bắn Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Chị ngã xuống ở tuổi 31 khi tài năng và ý chí chiến đấu đang ở độ chín muồi. Chị hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Nam bộ.
nhà lưu niệm minh khai
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đường Quang Trung, thành phố Vinh

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có biết bao máu đào của các anh hùng liệt sỹ, trong đó có hai chị em Minh Khai, Quang Thái, góp phần tô thắm thêm lá cờ vinh quang của dân tộc. Sự hy sinh của họ đã giúp cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tri ân những người mẹ, người vợ và những người phụ nữ nói chung, trong lòng tôi lại tưởng nhớ đến các chị - những đóa hoa bất tử./.

Nguyễn Thị Thu Hằng


    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN