MỐI QUAN HỆ GIỮA CỤ PHAN BỘI CHÂU VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

15:46 20/05/2025

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, ở huyện Nam Đàn có những con người tài năng, lỗi lạc. Họ chơi rất thân với nhau và được nhân dân Nam Đàn xưng tụng “tứ hổ” với câu ca bất hủ:

Uyên bác bất như San

Thông minh bất như Sắc

Tài hoa bất như Quý

Cường trí bất như Lương

Hay trong các câu chuyện trong những đêm hát phường vải, những con người tài hoa ấy được chính họ nói đến với tất cả niềm tự hào. Khi “tứ hổ” đến phường vải Thanh Chương hát, các o phường vải ở đây vốn nghe danh họ đã lâu song vẫn dí dỏm  cất tiếng hỏi:

Bốn chàng quê quán ở đâu

Xin tường danh tính để sau em chào

Tức thì Phan Văn San liền trả lời:

Nam Đàn tứ hổ là đây

San, Sắc, Lương, Quý một bầy bốn anh.

Ban học và bạn chơi là một mặt. Sâu sắc hơn, gắn bó với nhau hơn lại là mặt “đồng chí”. Cả bốn người đều sớm thấy được cái nhục nước mất nhà tan, dân tộc lầm than cực khổ. Cả bốn người với mức độ khác nhau đều có tư tưởng chống Pháp, hoặc trực tiếp tham gia phong trào yêu nước như Trần Văn Lương là một trong những thủ lĩnh của đội sĩ tử Cần Vương ở Nghệ An năm 1855,. Vương Thúc Quý cũng là một tay kiệt hiệt nặng lòng vì đất nước, một “thí sinh quân” hăng hái lúc đó.

Đặc biệt trong số bạn ấy, Nguyễn Sinh Sắc là người rất gắn bó với cụ Phan Bội Châu. Người sĩ phu yêu nước này khi buộc phải ra làm quan đã có một câu “tuyên ngôn nổi tiếng: Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ (quan trường là nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn), rồi khi làm Tri huyện Bình Khê (Bình Định) đã tìm cách thả những tù nhân phạm tội “chống thuế” năm 1908, sau đó đã bỏ quan về làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ Sắc ấy chính là thân sinh của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Hai cụ đều có tư chất thông minh, mẫn tiệp, cùng say đắm với ví phường vải, cùng học với thầy giáo Đông Khê Nguyễn Thức Tự, cùng soi chung truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước của xứ Nghệ với những trang nghĩa liệt như Mai Thúc Loan, Phan Đình Phùng... Đó là điều kiện để hai cụ gần gũi, thân thiết với nhau. Mối quan hệ này đã góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung.

Khoa Mậu Tuất (1898), cụ Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hội lần thứ hai cũng bị trượt, rồi về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang mở lớp dạy học. Cũng trong thời gian này, sau khi mang cái oán oan nghiệt “Hoài hiệp văn tự” trong khoa thi Hương “Đinh Dậu” (1897) ở trường Nghệ, Phan Văn San đã rời quê hương Nghệ Tĩnh vào kinh đô Huế rồi dạy học tại nhà ông Võ Bá Hạp ở An Hoà, thành phố Huế. Hai con người trong “Tứ hổ Nam Đàn” cứ lận đận mãi ở chốn trường thì, nay lại gặp lại nhau ở đất đế đô, hai người đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về cảnh ngộ, về thời cuộc, về tư tưởng, về con đường đang và sẽ đi tới của cuộc đời.

Đến năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương tìm đường cứu nước, ông Sắc và các bạn đến tiễn đưa và có làm mấy vần thơ tiễn cụ Phan như sau:

“Độc Lôi sơn hạ

Hữu Biệt Kiều Tây

Phong vi vi hề chấp quân quyết

Vũ tế tế hề dữ quân biệt”

( Dưới sườn núi Độc Lôi, Mé Tây cầu hữu Biệt, Gió hiu hiu thổi, bịn rịn cầm tay áo anh, Mưa bay lất phất cùng anh tiễn biệt)

Tình bạn giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Sinh Sắc thuỷ chung như nhất cho đến cuối đời. Tháng10 năm 1929, khi được tin cụ Sắc từ trần ở Sa Đéc, cụ Phan đã có câu đối viếng với vế trên như sau: Trùng tuyền hạ, đối án hàn huyên, cầm sắt hữu thanh giai quốc tháo ( Dưới suối vàng, cùng nhau trò chuyện, tình bạn sắt son đều vì việc nước).

Sau khi cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Huế làm quan, thì ở quê nhà Kim Liên, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, anh và chị của Nguyễn Sinh Cung đã lần lượt hăng hái đi theo tiếng gọi cứu nước của Phan Bội Châu, hoạt động trong tổ chức Duy Tân hội, tham gia tổ chức đánh Pháp của Đội Quyên - Đội Phấn.

Đội Quyên - Đội Phấn là hai người cầm đầu phái đấu tranh võ trang dưới ngọn cờ yêu nước của Phan Bội Châu, đã xây dựng căn cứ chống Pháp ở vùng Bồ Lư thuộc huyện Thanh Chương và vùng Đông Hồ thuộc vùng Tân Kỳ, miền Tây Nghệ Tĩnh.

Cuối năm 1910, cô Nguyễn Thị Thanh trong một chuyến đi liên lạc bí mật với nghĩa quân Đội Quyên - Đội Phấn bị bọn thực dân Pháp đón bắt ngay giữa đường. Cô Thanh đã thông minh nhanh chóng thủ tiêu các tài liệu bí mật mang theo người, tuy vậy, thực dân Pháp vẫn bắt cô nhốt vào nhà tù và dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man để khai thác tài liệu về hoạt động của nghĩa quân. Nhưng cô vẫn giữ lòng trung kiên, không hề khai báo nữa lời. Cuối cùng, không có tang chứng cụ thể, chúng buộc phải thả cô ra khỏi nhà tù vào đầu năm 1911.

Tối ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Ngọ (tối ngày 5 – 2 rạng 6 – 2 – 1918), cô Thanh phối hợp với Nguyễn Kiên, một sĩ quan lính khố xanh đã giải ngũ, bí mật trèo vào thành Vinh lấy trộm 3 khẩu súng trong doanh trại Lữ đoàn lính khố xanh để giao cho Phan Khắc Tiêu, một cộng tác viên tích cực của cô Thanh chuyển cho nghĩa quân của Đội Quyên - Đội Phấn ở căn cứ Bồ Lư, Thanh Chương. Nhưng công việc đang tiến hành thì cô Thanh bị bắt. Ngày 17 – 2 – 1918, bọn Pháp đến đào hầm bí mật trong nhà cô Thanh ở tại cửa tả thành phố Vinh lấy được 3 khoá nòng súng. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn, nhưng cô Thanh không hề khai báo về tổ chức cách mạng mà cô đang tham gia hoạt động: “Biển có thể cạn, đá có thể mòn, đầu tôi có thể đứt, xương tôi có thể tan, nhưng thân tôi quyết không thể sa vào vòng của giặc, chí tôi dã quyết như vậy”. Trước sự anh dũng, kiên cường của bà Thanh như vậy,  cụ Phan đã viết về bà như sau: “Người nữ đảng viên hoạt động tích cực, không quản ngại khó khăn, hy sinh  đã hoàn thành xuất sắc những công việc khó khăn mà mọi người tin rằng chỉ có cô mới làm được như đưa thoát một đảng viên quan trọng vừa trốn tù ra trở lại con đường hoạt động. Người con gái yếu đuối mà bọn giặc cho rằng chỉ “xéo một cái là nát nhừ” sau vài tháng ở tù vẫn không hề đổi chí”.Tuy vậy, trong phiên toà số 80 ngày 4 – 6 – 1918 tại Vinh, chúng đã tuyên án xử phạt cô Thanh đánh 100 trượng, tù khổ sai 9 năm, đày cách quê hương Nghệ Tĩnh 300 dặm.

Ngày 2 – 12 – 1918, chúng đưa cô Thanh vào giam tại nhà lao Quảng Ngãi. Năm 1922, chúng chuyển cô Thanh ra Huế và giam lỏng ở đây cho đến tháng 9 – 1940.

Năm 1926 ở Huế, khi được tin cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp đưa từ Hoả Lò Hà Nội về giam lỏng tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, cô đã đến thăm. Cuộc gặp gỡ sau hai mươi năm xa cách, thấy Phan Bội Châu già yếu đi, cô xót xa ứng khẩu đọc hai câu thơ:

Tây phong nhất dạ linh nhân lão

Điều tận châu nhan, bạch tận đầu.

(Nghĩa là: Ngọn gió tây thổi một đêm làm người ta già đi, tàn cả dung nhan, bạc cả đầu).

Đặc biệt, người con trai thứ ba Nguyễn Sinh Cung khi còn nhỏ thường theo cụ Sắc lên nhà cụ Phan chơi. Cậu rất thích nghe cụ Phan ngâm nga hai câu thơ;

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối thị hạ văn chương

(Nghĩa là Mỗi bữa ăn không quên ghi sử sách, Lập thân hèn nhất ấy văn chương)

Trong một đêm cụ Phan và cụ Sắc đang ngồi đàm đạo, Nguyễn Sinh Cung đứng bên cạnh để giúp cha tiếp khách. Cụ Phan thấy Nguyễn Sinh Cung là một chú bé thông minh, đĩnh ngộ. Nhân thấy trăng lên sáng đẹp, cụ Phan liền ra cho cậu một đôi câu đối:

Nguyệt thượng bạch (nghĩa là mặt trăng lên sáng trong).

Cậu Cung ứng khẩu đối ngay:

Nhật xuất hồng (nghĩa là mặt trời mọc đỏ chói).

Cụ Phan tấm tắc khen ngợi, cho cậu là một chú bé có khẩu khí anh hùng, nếu biết rèn luyện thì sau này sẽ làm nên đại sự cho đất nước.

Nội dung đàm đạo việc nước giữa cụ Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước trong vùng đã có tác động bồi dưỡng, gợi mở một đường hướng mới cho cậu Nguyễn Sinh Cung trong suy nghĩ và hành động.

Đến đầu năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật Bản tìm đường cứu nước. Các bạn trong “tứ hổ” đưa tiễn cụ Phan đến tận chân Cầu Hữu Biệt và bé Cung cũng được ông Sắc cho đi cùng. Trước lúc ra đi, cụ Phan cầm tây bé Cung nói: “ Cháu ơi! Hậu sinh khả uý. Chú tin cháu sẽ là:

Chim bằng tung cánh xuyên trời thẳm

Thử sức đại dương thuở cá côn”.

(Côn ở đây cũng chính là tên của Nguyễn Sinh Cung)

Từ đó, Phan Bội Châu xa các bạn của mình, xa quê hương, gia đình dấn thân vào con đường cứu cứu nước, cứu dân với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết.

Thượng tuần tháng 7 năm Ất Tỵ (1905), cụ Phan Bội Châu từ Nhật Bản bí mật trở về nước, rồi về Nghệ Tĩnh họp các đảng viên bàn kế hoạch đưa học sinh xuất dương du học.  Trong số những thiếu niên ưu tú, cụ Phan Bội Châu dự định đưa Nguyễn Tât Thành sang Nhật nhưng anh không đi. Chịu ảnh hưởng của các phong trào chống Pháp, nhưng với trí thông minh bẩm sinh, Nguyễn Tất Thành suy nghĩ về nguyên nhân thất bại của các phong trào đầu thế kỷ XX cũng như phong trào Cần Vương trước đó, đặc biệt đối với con đường Đông du của cụ Phan. Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước thiết tha của cụ Phan, Nguyễn Tất Thành thấy rõ: Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó không thể nào xảy ra.

Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) vào ngày 11-11-1924. Trước khi Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Phan Bội Châu có mặt ở Quảng Châu để liên hệ xin cho thanh niên Việt Nam vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Thời gian này, nhận ra xu thế cách mạng đã nghiêng về cách mạng thế giới, Phan Bội Châu định cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng, thảo Đảng cương và Chương trình đại lược cũng theo như chương trình Quốc dân đảng Trung Hoa. Khi biết tin Nguyễn Ái Quốc cũng có mặt ở Trung Quốc, Phan Bội Châu liền viết thư gửi cho người cháu người đồng hương của mình. Mong Nguyễn Ái Quốc có thể góp ý cho con đường cách mạng của mình.

Bức thư tìm thấy trong kho lưu trữ của Trung tâm Văn khố Hải ngoại ở Aixen Provence (Pháp) cùng với hai bức thư khác của cụ Phan gửi cho các nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và Lâm Đức Thụ. Đáp lại người chú Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư trao đổi với cụ, đề nghị sửa đổi lại Chương trình và Đảng cương Việt Nam Quốc dân đảng. Trong khoảng mười ngày đầu tháng 2-1925, Người gửi liên tiếp hai lá thư cho Phan Bội Châu, lúc này đang ở Hàng Châu. Ngày 14-2-1925, Phan Bội Châu gửi thư trả lời Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc). Nội dung thư có những ý chính như: “Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ. Anh em cháu thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu, bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Tuy thư dựa trực tiếp trên chuyện thật, nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng cường quá nhiều, quả thật không phải như hai mươi năm trước. Việc gây dựng lại giang sơn ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được… Bác đang định tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận với cháu, không biết cháu còn ở lại Quảng Đông lâu mau, hoặc giả trong tương lai có ý định đi chỗ khác không? Trong lòng bác có nhiều chuyện muốn hỏi ý kiến cháu nhưng không gặp mặt thì làm sao có thể bàn cho hết ý được? Làm sao được? Nếu không coi già yếu là đồ bỏ thì cháu viết thư nhiều cho bác, bác thành thật yêu cầu cháu đấy”.
Việc Phan Bội Châu coi Lý Thụy là một nhà lãnh đạo trẻ, đầy triển vọng, “xin được hỏi ý kiến”, một mặt nói lên tinh thần yêu nước chân chính của nhà yêu nước lỗi lạc họ Phan, luôn đặt sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc làm mục đích tối cao của đời mình, mặt khác do sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu, mạnh mẽ của người cháu đi sau giỏi hơn, có thể gây dựng lại giang sơn với một tiền đồ tươi sáng.
Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị Thực dân Pháp bắt giam đưa về nhà tù Hoả Lò và định thủ tiêu cụ. Nhưng tin tức cụ bị bắt sớm đã được nhân dân cả nước biết. Vì vậy, một phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan đã nổ ra từ Bắc Chí Nam. Trong tình hình ấy, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu đăng Báo Le Paria, số 36-37 vào tháng 9, 10-1925. Trong bài viết, bằng “đôi cánh của trí tưởng tượng”, Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng “Varen, mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị chúng đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ. Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng...”. Những lời nêu trên là sự đánh giá, một khẳng định vai trò lịch sử của nhà yêu nước Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc sẽ kế thừa, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ mà lớp cha ông chưa thể làm được.

Năm 1929, nằm trong ngôi nhà tranh ở Huế, giữa sự bao vây của bọn thực dân Pháp, cụ Phan Bội Châu thấy cần phải tổng kết kinh nghiệm cuộc đời hoạt động cách mạng của mình để làm bài học cho thế hệ sau bằng tập hồi ký Phan Bội Châu niên biểu , trong đó nhiều lần cụ đã trân trọng nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc. Điều đó, chứng tỏ cụ Phan rất khiêm nhường và hết sức tin tưởng Nguyễn Ái Quốc. Cụ đã khuyên một số thanh niên có tâm huyết với vận mệnh đất nước lúc ấy là không nên theo cụ nữa mà nên theo ông Nguyễn Ái Quốc để hoạt động cứu nước.

Năm 1934, cụ Trần Lê Hữu và nhà nghiên cứu Đào Duy Anh có ghé thăm cụ Phan ở Huế. Qua câu chuyện về đất nước, cụ Trần Lê Hữu than thở: “Thưa cụ, chúng tôi không hiểu rồi nước ta có độc lập được không. Thấy từ trước đến nay, hễ lớp anh hùng chí sĩ nào nổi lên là bị bắt, bị tù, bị giết cho đến cụ là niềm hy vọng trong mấy chục năm nay rồi cũng bị bắt về giam lỏng ở đây, như thế thì còn mong gì nữa!”.

Cụ Phan khoát tay giải thích: “Ông không nên nghĩ thế. Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi tuy tôi có lòng mà thực bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập. Nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác lớn hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà chúng tôi không làm xong. Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không?”.

Lúc ấy cụ Trần Lê Hữu nói với cái giọng buồn rầu, thương tiếc: “Các báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt và chết ở Hương Cảng cách đây mấy năm rồi”.

Cụ Phan Bội Châu phủ nhận cái tin đó: “Không, tôi chắc ông Nguyễn vẫn còn, mà ông ấy còn thì nước ta sẽ được độc lập. Họ bắt tôi dễ, chứ họ làm sao mà bắt được ông Quốc, mà có bắt đi nữa thì họ cũng phải thả thôi, vì ông ấy giỏi chứ có như tôi đâu. Ông ta lại có nhiều vây cánh và bạn bè khắp thế giới nữa”.

Nhưng cụ Trần Lê Hữu lại thưa: “Thưa cụ “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh Thánh”. Thánh chẳng phải là cụ hay sao mà cụ còn thất bại nữa là người khác.

Cụ Phan đáp: “ Kể cái nghề cử tử thì xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ta thường có thói trọng văn học mà gán cho người ta tiếng nọ, tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thật thì thánh chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ không phải ai khác. Tôi đã có thư từ với ông khi còn ở Trung Quốc. Qua những lời lẽ mà tôi tiếp nhận được thì tôi hình dung ra, đối với dân tộc mình lúc này, ông Nguyễn không những đúng với câu của cổ nhân “Hậu sinh khả uý” mà ông còn đáp ứng được cái kỳ vọng của hàng chục triệu con người”.

Những lời nói trên là sự đánh giá, một sự khẳng định vai trò lịch sử của nhà yêu nước Phan Bội Châu về Nguyễn Ái Quốc. Người đã tiếp bước, kế thừa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lớp cha ông chưa thể làm được. Từ Phan Bội Châu đến Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là “một cuộc giao ca lịch sử”. Bước tiến ấy, sự nhảy vọt ấy tiến triển trong sự kế thừa, trên cơ sở truyền thống yêu nước của dân tộc, thể hiện sự chuyển giao nhiệm vụ từ thế hệ trước, bây giờ đã bất cập trước tình hình và nhiệm vụ mới, cho thế hệ mới đầy sức lực và trí tuệ, trung thực và nhạy bén với di sản của cha ông, có khả năng hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao ở tầm cao, theo con đường mới. Đó là sự chuyển giao biện chứng, tự nhiên, lịch sử, song đầy nghĩa tình trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam.

Như vậy, quan hệ qua lại giữa cụ Phan Bội Châu và những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh là mối quan hệ giữa thế hệ con cháu với các bậc cha, chú, với một niềm tin “hậu sinh khả uý” được xuyên suốt bởi sợi chỉ đỏ: Yêu nước, thương dân.

Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN