NGÔI NHÀ TRANH NƠI ĐÃ CẤT TIẾNG KHÓC CHÀO ĐỜI VÀ GẮN BÓ THỜI NIÊN THIẾU CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG.
Xứ nghệ trong trái tim đồng chí Lê Hồng Phong luôn ẩn chứa biết bao tình cảm thiêng liêng, mà những ngày cuối đời trong nhà lao Côn Đảo đồng chí vẫn không nguôi nhớ về Núi Hồng, dòng Lam.
“ Hồng Lĩnh non cao làm lá chắn
Lam Giang nước biếc tựa hào sôi
Mấy ngàn năm tuấn kiệt anh tài
Dựa đất vững cõi Nam ngời chính khí:”
Trích Bài thơ “Hồng nghệ An Phú”
Cảnh vật của quê hương luôn hiện hữu trước mắt của đồng chí, tình cảm gia đình thì luôn thổn thức, bao nhớ nhung gia diết không thể nào quên. Trong nhà lao đồng chí đã bí mật gửi một bức điện thư về với quê nhà, nội dung bức điện chỉ có 38 từ thôi nhưng ẩn chứa biết bao tâm tư tình cảm của đồng chí, nội dung bức điện như sau: “ Xin anh em bà con miễn trách, đã hơn năm nay tôi không viết thư, chắc rằng anh chị Hương và ông bà, con cháu đều mạnh. Con gái lớn rồi nên gả đi cho có đôi”. Đây cũng chính là bút tích cuối cùng của đồng chí Lê Hồng Phong.
Về với xã Hưng Thông ngày nay, tại xóm Hồng Phong nơi mảnh đất mà đồng chí Lê Hồng Phong đã được sinh ra, còn lại mái nhà tranh, ngôi nhà yêu dấu với những hiện vật đã gắn với tuổi thơ, thời niên thiếu và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí.
Ngôi nhà được ông Lê Huy Quán và bà Phạm Thị Sáu xây cất năm 1900 tại làng Thông Lạng, nay là xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên ngày nay, Sau khi đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh vào năm 1942 thì người anh trai là cụ Lê Huy Soạn đã cố gắng gìn giữ nhưng chỉ được 17 năm, do tuổi cao sức yếu phải về ở với người con trai, nên năm 1959 ngôi nhà này đã bị bán đi 1 lần cách đây 5km về phía đông, đó là xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ngày nay. Sau những biến cố lịch sử ngôi nhà và hiện vật đã bị thất lạc và mất mát hết.
Năm 1988 Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và nghành văn hóa thông tin đã cho phục hồi tôn tạo lại ngôi nhà và ngôi nhà đã được chuộc lại và tọa lạc trên nền đất cũ, đồng thời cho sưu tầm lại những hiện vật của gia đình bị thất lạc.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu truyền thống của người Việt ở thế kỷ XIX gồm 2 phần : Nhà lớn và nhà ngang
Nhà lớn dành cho việc thờ cúng tổ tiên, đọc sách, tiếp khách, nghỉ ngơi ông bà, cha mẹ và những người đàn ông trong gia đình.
Nhà ngang dùng cho việc bếp núc, sinh hoạt của những người phụ nữ và vợ chồng con cái trong nhà.
Ngôi nhà trên gồm có 3 gian, 2 hồi, quay theo hướng đông, làm bằng gỗ, mái lợp bằng tranh săng. Gian thứ nhất đặt 1 bộ tràng kỷ, trên xà có 1 giá sách , đây là nơi tiếp đón khách đồng thời cũng là chỗ học tập của đồng chí Lê Hồng Phong thuở thiếu thời, cũng chính là nơi gặp gỡ, đàm đạo việc nước của đồng chí Lê Hồng Phong trong thời gian bị quản thúc tại quê nhà. Phía trong là chiếc rương đựng lúa, đây cũng là nơi cất dấu những tài liệu trong thời gian đồng chí bị quản thúc tại quê nhà, là hiện vất gốc của gia đình Lê Hồng Phong thời đó.
Gian thứ hai được bài trí 1 bộ tế khí để thờ phụng gia tiên, tổ tiên theo nét cổ truyền có đủ thất sự, ngày xưa bàn thờ nhỏ và đơn sơ hơn, nhưng khi nhà nước phục dựng thì bàn thờ tổ tiên được phục dựng theo 3 cấp như bây giờ. Hiện nay, trên gian thờ có 1 hộp gỗ đựng 1 nắm đất tại phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong do đồng chí Nguyễn Đình Tiếp - UBND huyện Côn Đảo mang về vào tháng 9/ 1999 trong một dịp đồng chí về thăm di tích, đây được coi như một phần linh hồn của đồng chí đã về an tọa tại quê nhà.
Gian thứ 3 là nơi sinh hoạt của gia đình, tại đây đặt một chiếc phản gỗ, đây được coi là hiện vật thiêng liêng nhất của ngôi nhà, Tương tuyền vào tháng 1 năm 1940 đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt khi đang ngồi máy vá trên chiếc phản gỗ này. đồng chí Lê Hồng Phong là một người may vá rất đẹp, ban đầu là chuyện ông chú họ sắp đến ngày lo vợ cho con mà chưa nhờ đươc người may áo cưới, thuê ở cửa hiệu thì tiền công cao lại phải chờ lâu, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhận làm hộ. Đôi bàn tay của người đàn ông vốn đã quen với những máy móc hết sức tinh vi, nay với chiếc kéo, cái kim và cuộn chỉ, ngồi kết từng mảnh vải đơn sơ, một công việc vốn thuộc thiên chức của phụ nữ, nhưng đồng chí không nề hà và đã làm như 1 người thợ lành nghề, tiếp sau đó đã rất nhiều người dân trong vùng đến nhờ Đồng chí may vá. Đồng chí ngồi khâu nhưng trong tâm trí lại lo nghĩ đến những việc hệ trọng khác. Và việc may vá chỉ là 1 hình thức để Đồng chí dễ bề hoạt động, trong thời gian bị quản thúc nhưng đồng chí thường xuyên viết báo, thư, báo cáo gửi đến tỉnh uỷ Nghệ An, xứ uỷ và lên cả Trung ương. Ngôi nhà đã trở thành cơ sở liên lạc giữa đồng chí và các tổ chức cách mạng.
Phía trong là 1 cái phòng ngủ của bố mẹ đồng chí Lê Hồng Phong. Chiếc giường đơn và đôi giá chiếu đơn sơ mộc mạc, đôi giá chiếu này gợi nhớ đến cuộc sống nghèo túng của người dân ngày xưa, mùa đông đến không có chăn để đắp nên người ta lấy chiếu đắp thay chăn, mỗi sáng mai thức dậy xếp chiếu gọn gàng đặt lên giá chiếu này. Còn chiếc giường nơi ghi dấu sự ra đời của đồng chí Lê Hồng Phong. Trên chiếc giường này vào ngày 6/9/1902 đồng chí Lê Hồng Phong đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng của gia đình và bạn bè, mỗi mép giường vách phên đều gợi nhớ đến những lần vịn bàn tay trong những ngày đầu chập chững biết đi của đồng chí, đồng chí đã lớn lên trong vòng tay yêu thương cùng với những lời hát ngọt ngào của Mẹ. Bà sáu thường ru con rằng:
“ Con ơi nhớ lấy câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh phải trả, nước non phải đền ”.
Chính bà Sáu là người đã chắp nối cho lâu đài trí tuệ của đồng chí, căn phòng mộc mạc đơn sơ nhưng là cái nôi nuôi dưỡng hình thành nhân cách trí tuệ của đồng chí Lê Hồng Phong từ những ngày còn thơ ấu. Tiếp theo giữa nhà trên và nhà dưới được đặt 1 bộ phản xà máng, nó nằm dưới 1 cái máng giữa 2 nhà , nơi này dùng để các cụ thân bằng làng xóm sang chơi ngồi chè nước đàm đạo chuyện đời chuyện đạo, chuyện đông tây kim cổ.
Nhà ngang chia thành 2 gian: bố trí vuông góc với ngôi nhà chính, cũng được làm bằng gỗ mái lợp tranh săng, quay theo hướng nam. Gian thứ nhất được dùng làm bếp, và để các vật dụng của gia đình như chiếc tủ đựng thức ăn hàng ngày, cái vại đựng nước, cái mươn ăn cơm, ống đũa bát , cái chõng tre. Tất cả là những hiện vật gốc của gia đình Lê Hồng Phong thời đó, sau khi phục dựng được con cháu hiến tặng lại. Gian tiếp theo đặt 1 chiếc võng chõng tre để nghỉ mát những trưa hè nóng nực và để các đồ sản xuất của gia đình như là: nia, nống, cào, cuốc, liềm…. đặc biệt là cái cối xay lúa, cái cối này dùng để bóc lúa, được làm từ nứa, phía trong được làm bằng đất sét, thớt trên có cái cầu và tay quay dùng để xay lúa.
Xay thóc xong còn phải sàng sảy để lấy vỏ trấu ra , sau đó được đưa đến cối giã gạo và chiếc cối giã gạo này được đặt ở đầu hồi phía nam của ngôi nhà chính, lúc này 1 người đứng lên giã, 1 người ở dưới gạt cho đều gạo, người đứng giã phải giả từ 300-400 chày thì gạo mới trắng, vì thế Bác hồ đã ví sự rèn luyện của con người qua cái chày giã gạo:
“ Gạo đem vào giã bao đâu đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
Lê Thu
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội