NGUYỄN THỊ MINH KHAI QUA NHỮNG ĐÁNH GIÁ SÂU SẮC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

09:42 17/05/2025

Trong dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, hình ảnh nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Khai – người con ưu tú của dân tộc, người học trò trung kiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh – mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Đặc biệt, trong nhiều dịp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời đánh giá đầy trân trọng và xúc động về người đồng chí. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin được đề cập đến những đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai-người học trò thân thiết của Người.

“Việt Nam phụ nữ đời đời

Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh

Ngàn thu rạng tiếng Bà Trưng

Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.

Bà Triệu Ẩu thật anh hùng

Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.

Mấy năm cách mệnh khẩn trương

Chị em phụ nữ thường thường tham gia

Mấy phen tranh đấu xông pha,

Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?

Kìa như chị Nguyễn Thị Minh Khai

Bị làm án tử đến hai ba lần.”

Đoạn thơ trên trích bài báo có tựa đề: Phụ nữ- in trên Việt Nam độc lập của Mặt trận Việt Minh ngày 1/9/1941. Cho tới nay, khi bài báo được xác định là của Nguyễn Ái Quốc, vào thời điểm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh ngày 26/8/1941 thì Người đã có ngay được tin tức về Nguyễn Thị Minh Khai để viết bài đưa lên báo Việt Nam độc lập. Đây cũng là bài báo đầu tiên với những lời đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh nhắc đến Nguyễn Thị Minh Khai trên báo. Người đã trân trọng đưa tên Nguyễn Thị Minh Khai vào Lịch sử Việt Nam, sánh ngang với những nữ anh hùng dân tộc trong tiến trình tranh đấu bảo tồn và phát triển của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai- Người học trò ưu tú của Đảng và của Bác Hồ!

Sinh ra trong một gia đình yêu nước tại Nghệ An, lớn lên trong những năm tháng đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, Nguyễn Thị Minh Khai sớm được tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh. Chính Người đã bồi dưỡng đồng chí Minh Khai trong những năm hoạt động cách mạng tại Trung Quốc. Trong ký ức của Bác, Nguyễn Thị Minh Khai là người học trò ham học hỏi, giàu ý chí, có bản lĩnh chính trị và tinh thần cách mạng cao độ.

Năm 1934 Nguyễn Thị Minh Khai đã sớm thể hiện năng lực chính trị xuất sắc, được cử sang công tác tại Quốc tế Cộng sản và nhiều lần làm đại biểu tham dự hội nghị quốc tế. Sau khi đất nước giành được độc lập, trong chuyến đi thăm nước Pháp vào ngày 28/6/1946, khi tiếp các đại biểu phụ nữ từ nước Angieri, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Mỹ, Nga…Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: “trong mấy mươi năm vận động độc lập, nhiều phụ nữ Việt Nam đã hy sinh, trong đó chị Minh Khai là một người tiêu biểu trong thời kỳ đó”.

Trong bài viết đăng trên Tập san sinh hoạt nội bộ số đầu năm 1949, với đầu đề Đảng ta, bút danh Trần Thắng Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì có một chủ nghĩa cách mạng nhất, một tổ chức chặt chẽ nhất, chí hy sinh tận tụy không bờ bến của đảng viên… những đảng viên vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác”.

Trong bài nói chuyện với cán bộ của Ban tuyên giao Trung ương ngày 28/1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Đảng viên chúng ta có rất nhiều người gương mẫu, có đạo đức cách mạng. Như nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đã bị đế quốc hết án tử hình hai nơi, mà lúc hy sinh vẫn rất oanh liệt.”.

Sự trân trọng và yêu quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không chỉ dừng lại ở những lời ca ngợi cá nhân, mà còn mang ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục thế hệ cách mạng sau này. Bằng chính cuộc đời và sự nghiệp của mình, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã hiện thân cho hình mẫu người cán bộ cách mạng thời kỳ đầu – kiên trung, bất khuất, trí tuệ và đầy nhân văn.

Ngày nay, tên tuổi của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được đặt cho nhiều trường học, con đường, cơ sở văn hóa khắp cả nước, như một cách để thế hệ mai sau mãi khắc ghi những lời đánh giá trân trọng của Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại đã từng dạy rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.” Và Nguyễn Thị Minh Khai chính là người phụ nữ đã chọn con đường đó – con đường mà Bác Hồ đã mở lối.

Trần Thị Thu Hằng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN