NHỮNG CON SỐ 7 ẤN TƯỢNG TRONG CUỘC ĐỜI NHÀ CHÍ SỸ YÊU NƯỚC PHAN BỘI CHÂU.

10:35 18/03/2025

Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940), nhân vật trung tâm của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỳ XX, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là "Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng". Trong quá trình hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, từ khi bôn ba ngược xuôi khắp trong và ngoài nước cho đến lúc bị giam lỏng ở Huế, cụ Phan chưa bao giờ quên nghĩa vụ phấn đấu vì dân vì nước, nêu cao tấm gương kiên cường bất khuất, nhân cách cao thượng. Con người đặc biệt của lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX ấy cũng có những dấu mốc đặc biệt gắn với con số 7 nhiều ấn tượng.

Năm 1867, vợ chồng ông Phan Văn Phổ sinh người con trai đầu lòng đặt tên là Phan Văn San ( cụ sinh vào ngày 26/12/1867), tên huý của Cụ Phan Bội Châu.
Năm 17 tuổi, khi Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, Phan Văn San sôi sục chí căm thù liền nửa đêm khêu đèn viết Hịch Bình Tây thu bắc bí mật dán ở gốc cây to đầu làng nhằm lay động thức tỉnh lòng yêu nước, chí căm thù giặc trong các tầng lớp nhân dân.
Năm 1887, Phan Văn San bị kết án “chung thân bất đắc ứng thí” vì tội “hoài hiệp văn tự”. Nghĩa là án suốt đời không được đi thi vì tội đưa tài liệu vào trường thi. Đây là nỗi oan của Phan Bội Châu. Đến năm 1889 được nhà vua xoá án,  năm 1900 cụ trở về Nghệ An tham dự kỳ thi hương xứ Nghệ và đỗ đầu với bảng vàng danh dự “độc bảng nhất danh”. Từ đây , Phan đã có “cái hư danh để che mắt đời”, cụ chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng.
Từ năm 1905-1908, Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đông du, đưa được 197 học sinh sang Nhật du học để sau này trở về hoạt động cách mạng.
Năm 1917, Phan Bội Châu được ra tù. Trước đó, năm 1914, thực dân Pháp cấu kết với chính quyền quân phiệt Trung Quốc nhờ Tổng đốc Lưỡng Quảng là Long Tế Quang bắt giam Phan Bội Châu tại nhà tù Quảng Châu.
Năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bí mật bắt giam và đưa về tại nhà tù Hoả Lò định thủ tiêu cụ. Trong suốt ba tháng thẩm vấn của Toà đề hình từ ngày 29/8/1925 - 9/11/1925, Hội đồng xét xử của Toà Đề hình đã đề ra 1997 câu hỏi và tương đương với 1997 câu trả lời của cụ Phan Bội Châu. Cuộc thẩm vấn với chừng ấy câu hỏi và tương đương chừng ấy câu trả lời đã làm nên một bộ “hồ sơ” dài kỷ lục. Và đây chính là một tập tư liệu lịch sử quý hiếm, phán ánh “con người, cuộc đời, sự nghiệp yêu nước và cách mạng” của nhà chí sỹ Phan Bội Châu, trong đó có nhiều vấn đề, nhiều sự kiện mà từ trước đến nay ít ai biết được.

Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN