Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Người phụ nữ Việt mang tầm nhìn thời đại!

22:38 18/10/2018

Ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường (trong ngôi trường Tiểu học Pháp - Việt Cao Xuân Dục) chị Nguyễn Thị Minh Khai đã được giác ngộ cách mạng, chị tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của nữ sinh. Năm 1927, chị Gia nhập hội Hưng Nam (được thành lập ngày 14/7/1925 vốn có tên ban đầu là Hội Phục Việt, sau đó có nhiều lần đổi tên) phụ trách công tác vận động phụ nữ ở Vinh ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy, cũng trong năm này bằng sự nỗ lực của chị, tổ chức phụ nữ đầu tiên được bí mật thành lập với tên gọi: Hội Phụ nữ Tân Việt .

Chị Nguyễn Thị Minh Khai vừa là người sáng lập vừa là người tích cực tuyên truyền, vận động chị em thuộc nhiều tầng lớp giai cấp tham gia vào tổ chức này. Nhờ tài năng và lòng nhiệt tình cách mạng của chị Nguyễn Thị Minh Khai và của nhiều đồng chí khác mà chỉ trong vòng 2 năm (1927 – 1929), trên địa bàn Vinh – Bến Thủy, Hội phụ nữ Tân Việt đã phát triển nhanh chóng. Số hội viên bí mật ngày càng tăng, các cơ sở bí mật của hội được xây dựng ở nhiều nơi, chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào yêu nước diễn ra trên địa bàn thành phố và từng bước khẳng định được vị trí của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Là thành viên chủ chốt của hội, Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động được những nữ thanh niên như Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế và nhiều chị em khác ở Vinh tham gia hoạt động cách mạng. Chị thường xuyên giúp đỡ chị em khi họ gặp khó khăn, gắn kết chị em trong một khối đoàn kết, thương yêu và sống có trách nhiệm với nhau. Số chị em sau khi được chị Minh Khai giác ngộ họ lại tiếp tục tuyên truyền vận động chị em khác. Cứ như vậy, số chị em tham gia cách mạng trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy ngày càng nhiều. Vì thế, phong trào đấu tranh của nữ công nhân Vinh - Bến Thủy ngày càng sôi nổi hơn, tiêu biểu là phong trào đấu tranh đòi yêu sách của công nhân nhà máy tơ do chị Nguyễn Thị Thiu tổ chức buộc chủ nhà máy phải nhượng bộ năm 1928…

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Người sáng lập Hội phụ nữ Tân Việt và là Bí thư đầu tiên của Hội

Đến năm 1929 Hội phụ nữ Tân Việt đổi tên là “ Hội phụ nữ giải phóng ”. Khi đó hội có khoảng 50 hội viên sống rải rác trên các khu phố và thuộc nhiều tầng lớp giai cấp khác nhau. Hội chịu ảnh hưởng sâu sắc xu hướng cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về Việt Nam.

Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, chị Minh Khai được kết nạp vào Đảng, được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và những làng lân cận. Chị Minh Khai tiếp tục giữ vai trò tổ chức trong Hội phụ nữ giải phóng. Vẫn trở về với cơ sở cũ, vẫn công việc của cách mạng, nhưng giờ đây chị mang trách nhiệm nặng nề hơn. Đó là trách nhiệm của người đảng viên phấn đấu cho giai cấp, cho dân tộc.

Ở các nhà máy, chị Minh Khai hòa mình trong trong phong trào đấu tranh của công nhân, vui vẻ, nhanh nhẹn, làm việc tháo vát, nói năng có lý có tình. Vì vậy chị được các bác, các anh chị công nhân yêu mến, tin cậy. Do đó cơ sở của Đảng được xây dựng, phong trào của Hội không ngừng phát triển. Sau này, Hội phụ nữ Giải Phóng chính là tiền thân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thành lập chính thức vào năm 1930.

Mùa hè năm 1930, Chị Minh Khai được lệnh ra hoạt động ở Hải Phòng. Sau đó chị được Đảng cử sang Hương Cảng (Trung Quốc). Vào thời kỳ này, khi tư tưởng những người phụ nữ Việt Nam còn đang an phận với nghĩa vụ làm vợ làm mẹ, có những người còn chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng, thì cô gái Minh Khai mới chỉ 20 tuổi đầu, đã chấp nhận xa gia đình, xa Tổ quốc để dấn thân vào một cuộc hành trình đầy gian khổ.

Năm 1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lên cao, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia Hội Phụ nữ, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Mặc dù hoạt động ở nước ngoài nhưng Chị Minh Khai vẫn luôn quan tâm và dõi theo mọi hoạt động của phong trào Hội phụ nữ giải phóng. Chị xúc động trước những thành tích hoạt động hăng hái và tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của chị em phụ nữ quê nhà trong các cuộc đấu tranh chống áp bức cường quyền để giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.

Cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai được cử đi dự đại hội Quốc tế cộng sản sản lần thứ VII tại Liên Xô. Chị là nữ đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự đại hội này. Ngày 16/ 8/1935 trong phiên họp thứ 40 chị đã thay mặt cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam đang bị thực dân phong kiến thống trị, trình bày bản tham luận về Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng. Lần đầu tiên trên diễn đàn của Đại hội quốc tế, một phụ nữ phương Đông, một nữ đảng viên ở Việt Nam cất tiếng nói dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của Thực dân Pháp đối với Đông Dương, nêu cao tinh thần cách mạng của phụ nữ Đông Dương, phụ nữ Việt Nam, chị nêu rõ: “…Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc ở nước chúng tôi, lần đầu tiên từ ngày có Đảng cộng sản của nước chúng tôi, một phụ nữ như tôi, nữ đảng viên cộng sản Đông Dương được hân hạnh chẳng những tham gia đại hội quốc tế cộng sản, mà còn từ diễn đàn đại hội, được báo cáo đến các đồng chí Tây Âu, đến công nhân nam nữ toàn thế giới rằng, chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân của các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng…

Đặc biệt là trong thời kỳ cao trào cách mạng ở Đông Dương, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào các cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui, phải đồng tình…”

Lời phát biểu của chị Minh Khai tại Đại hội cũng chính là lời biểu dương của Đảng đối với phụ nữ Việt Nam. Những lời ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho chị em tiến lên đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.

Năm 1936, Chị Nguyễn Thị Minh Khai nhận nhiệm vụ trở về nước hoạt động. Sau đó Chị được phân công giữ chức bí thư Thành Ủy sài Gòn chợ Lớn. Thời kỳ này, dưới bút danh Nguyễn Thị Kim Anh hay Kim Anh chị đã viết sách Vẫn đề phụ nữ và nhiều bài đăng trên các báo Dân chúng, Đời nay… để phổ biến nữ quyền. Trên báo Dân chúng số ra ngày 14- 9-1938 và ngày 24- 9-1938 với bút danh Nguyễn Thị Kim Anh chị đã viết bài tranh luận với nữ sĩ Tuyết Dung của tuần báo Đọc . Phê bình bài Đàn bà con giá Nhà Nam , chị đã viết: “Một dân tộc mà bọn tu mi còn nằm khoanh trong xó bếp chưa biết quan tâm đến tiền đồ quốc gia, xã hội, và phụ nữ đang bị giam hãm nơi gia đình xó bếp… thật là trái ngược với trào lưu và trình độ dân tộc tiến hóa…” . Phê phán quan điểm khi cho rằng phụ nữ khi tham gia công tác xã hội, bê trễ việc gia đình là sai lầm và xuyên tạc kết quả của cuộc vận động giải phóng của Đảng là “phụ nữ hồi gia” , Minh Khai viết: “Nếu mỗi người lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bực thì công chuyện phụ nữ giải phóng không biết đến đời nào thực hiện ” , chị khẳng định : “Nam nữ xưa kia đã bình đẳng và sau này sẽ bình đẳng, lúc chưa bình đẳng thì phải đấu tranh đòi, đó là bước tiến hóa của lịch sử” “đàn bà cũng cần phát triển tài năng, đặng đóng vai anh thư trong lịch sử đã qua và sắp tới” . Chị phê phán thuyết “hiền thê”, “lương mẫu” có tính chất ru ngủ, khuyên chị em yên phận thủ thường như dưới chế độ phong kiến. Qua các bài viết có thể thấy được cái nhìn có tầm thời đại của chị Minh Khai, chính những bài báo đó đã góp phần khai sáng cái nhìn của xã hội thời đại đó, những quan điểm của chị đã thúc đẩy phong trào phụ nữ Việt nam phát triển thêm một tầm cao mới.

Ngày nay, khi đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong công cuộc đổi mới, phụ nữ Việt Nam có cơ hội đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, tạo vị thế cho bản thân thì những nhận định, quan điểm của chị Minh Khai dường như vẫn còn vẹn nguyên giá trị trong thực tiễn. Hàng năm, cứ đến ngày 20/10, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp lại hành hương về Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tại phường Quang Trung, thành phố Vinh tưởng nhớ đến người chiến sĩ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, người chị Cả đã góp phần xây dựng lên ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Minh Khai thật xứng đáng với lời ngợi ca:

“Gương liệt nữ hy sinh vì đất nước

Chói lòng son sống mãi với non sông”./.

(Trích câu đối tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tác giả: Đào Tam Tĩnh)

Các thế hệ phụ nữ dâng hương tại Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai
Hội phụ nữ các cấp dâng hương tại nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai

Nguyễn Thị Thu Hằng - Trần Thị Thu Hằng.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN