PHAN BỘI CHÂU VỚI NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN

10:13 10/11/2021

Nam Đàn- là mảnh đất nổi tiếng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa. Đất này đã từng sản sinh ra những vị đế vương, những võ tướng và thi nhân. Đó là những bậc anh hùng hào kiệt vĩ đại, có vai trò rất to lớn trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Phan Bội Châu là Lãnh tụ phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam trong 25 năm đầu thế kỷ XX. Có thể nói lịch sử chính trị nước Việt Nam trong thời gian này gắn liền với tên tuổi của PBC. Cụ là lãnh tụ của hội Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục Hội, đặc biệt là  với phong trào Đông Du nức tiếng một thời.

Vốn sinh ra khi đất nước đã rơi vào tay giặc Pháp, hàng ngày chứng kiến nỗi cùng cực của nhân dân dưới cảnh một cổ hai tròng, Phan Bội Châu luôn luôn nung nấu lớn lên cầm gươm giất giặc giải phóng dân tộc. Trải qua bao gian khổ khó khăn, tìm được cái “hư danh để che mắt đời”, năm 1904, Phan Bội Châu cùng Với một số đồng chí đã thành lập ra Duy Tân hội. Mục tiêu, tôn chỉ của Hội là tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Mà con đường trước mắt là cầu viện. Giữa đêm đen, mây mù của đất nước, Phan Bội Châu và các cộng sự của mình đã xác định chỉ có cầu viện Nhật Bản mới có thể đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục lại đất nước Việt Nam. Bởi theo  Cụ, đất nước Nhật Bản là nước “đồng châu, đồng chủng, đồng văn”, lại vừa mới đánh thắng Nga, trở thành một cường quốc hùng mạnh ở Châu Á.

Đất nước Nhật hùng cường là sức hút ý tưởng cầu viện, là điểm đến hành xử cứu nước của Phan. Đất nước Nhật văn minh là tấm gương của các dân tộc chậm tiến châu Á trong những năm đầu thế kỷ XX noi theo, trong đó có Việt Nam. Con đường cứu nước của Hội Duy Tân hướng tới xứ sở hoa anh đào là thành quả của một quãng thời gian phân tích đánh giá, so đo mạnh yếu, hơn thiệt căng thẳng.

Trong những ngày hoạt động trên đất Nhật, tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu gặp không ít khó khăn, gian khổ. Là người đứng đầu, Phan phải lo nơi ăn, chốn ở cho các đồng chí của mình; lo tìm cách để làm sao nhờ chính phủ Nhật Bản giúp đỡ. Mọi gánh nặng dồn cả lên vai Phan. Khó khăn đủ điều nhưng Phan không hề nản chí. Vốn là một người nhanh nhẹn, thông minh, ngay khi đặt chân lên đất Nhật, Phan đã tìm đến Lương Khải Siêu, một chính khách nổi tiếng của Trung Quốc nay sống lưu vong ở Nhật đồng thời cũng là một học giả với tư tưởng tiến bộ mà các tác phẩm của ông Phan đã có dịp đọc khi còn ở trong nước. Những lần tiếp xúc với Lương, Phan đã ngộ ra nhiều điều. Đặc biệt là khi được Lương giới thiệu với các chính khách Nhật Bản như Bá tước Okuma Shigenoba, Tử tước Inukai, được nghe những lời lẽ phân tích, lý giải của các chính khách này, Phan đã ngộ ra rất nhiều điều. Cụ nói: “Óc tôi mở rộng, mắt tôi sáng ra, nghĩ lại những tư tưởng cũng như hoạt động của tôi trước kia thật là lông bông, không có điều gì khả thủ” [1] . Vì thế, khi mới trong nước sang, Cụ chỉ nghĩ đơn giản là xin được viện binh và vũ khí về trang bị cho người ở nhà là có thể đánh được Pháp. Song khi thực tế sang Nhật, được nghe những lời phân tích chí tình chí lý của các chính khách, Cụ đã thấy được rằng trước hết phải có thực lực của chính mình thì mới có thể mưu đồ cuộc giải phóng dân tộc đươc. Việc cầu viện quân sự biến thành phong trào xuất dương đi học ở Nhật. Đó gọi là phong trào Đông Du (từ năm 1905-1909), bỏ cầu viện sang cầu học văn minh. Cụ chuyên chú vào kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, chấn hưng thực nghiệp, phát triển kinh tế để tăng cường thưc lực đặng chống Pháp được lâu dài và có hiệu quả. Cụ thể là đến đầu năm 1908 đã có gần 200 thanh niên ưu tú được gửi sang Nhật học tập.

Sự thành công trên đất Nhật của Cụ có sự đóng góp không nhỏ của những con người và các tổ chức dân Đảng Nhật Bản. Với Phan Bội Châu và cộng sự, thực chất là lực lượng của cách mạng hoàn toàn đối lập với đế quốc, nhưng trên đất nước Mặt trời mọc, họ lại nhận được sự giúp đỡ chí tình của các chính khách, đó là một thực tế lịch sử nhưng hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Hai tư tưởng đối lập nhau, hai cách hành động không tương phùng, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao Phan Bội Châu vẫn được sự cưu mang, giúp đỡ của các chính khách Nhật Bản là vấn đề không đơn giản.

Thông qua cuộc hội ngộ lịch sử, các chính khách Nhật Bản nhận biết đến Phan Bội Châu, một sĩ phu của đất nước Việt Nam xa xôi, hẻo lánh không chỉ với tài cao, học rộng mà còn là một con người kiên trung, có ý thức dân tộc cao cả. Đặc biệt khi ngài Okuma nói với Phan Bội Châu: “ Các ngài nếu đem được đảng nhân các ngài ra đây, nước Nhật Bản thu dụng được hết, hay là các ngài bây giờ ưng ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ vì các ngài sắp đặt chỗ ở, lấy một cách ngoại tân ưu đãi các ngài, sinh kế cũng không phải lo gì, chuộng nghĩa hiệp, trọng ái quốc là tính đặc biệt của người Nhật Bản”. Trước những lời lẽ ấy, Phan Bôi Châu phản ứng rất mạnh mẽ. Cụ nói “Chúng tôi lặn lội sóng gió muôn dặm bể mà đến đây gấp muốn được một kế hoạch thoát chết cầu sống cho dân tôi, nước tôi, nếu chỉ thân chúng tôi được khoái hoạt, mà nước tôi, dân tôi còn ở trong tay thù giặc, chúng tôi nỡ đành quên được, thì các ông còn kính trọng người ấy làm gì? [2] ”. Cũng chính  sự phản ứng mạnh mẽ, đanh thép của Phan Bội Châu đã khiến cho ngài Okuma càng thêm tin mến và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức của Phan Bội Châu hoạt động mặc dù trên phương diện cá nhân. Vì thế các học sinh Đông Du được đưa vào học trong các trường như Đồng Văn thư viện, Chấn Võ học hiệu. Ngoài ra, những thiếu niên học trường tiểu học thì được thu nhận vào ký túc xá của trường Thương nghiệp Đông Á. Đây quả thực là một thành công ngoài sự mong đợi đối với Cụ. Kết quả này là cả một sự nổ lực không ngừng nghỉ vượt qua bao thử thách, gian khó của người đứng mũi chịu sào.

Công cuộc Đông Du đang trên đà phát triển thuận lợi, phong trào gây tiếng vang lớn và có sức cổ vũ mạnh mẽ đến tư tưởng yêu nước, tinh thần đấu tranh của bao tầng lớp nhân dân trong nước. Đột nhiên, phong trào bị chính phủ Nhật yêu cầu giải tán. Điều khó khăn cho Phan Bội Châu lúc này là giải tán phí và lữ phí. Cụ phải chạy vạy khắp nơi nhờ cậy để lo cho các học sinh về nước. Trong lúc khó khăn như vậy, Cụ lại được ngài Inukai và Okuma giúp lộ phí. Tuy số tiền không phải là nhiều nhưng cũng tạm để giải quyết kịp thời cho một sô du học sinh về nước. Đối với các chính khách Nhật Bản, họ biết bản thân họ cũng nằm trong tình trạng bất lực và rất đồng cảm với Phan Bội Châu. Họ hiến kế cho Phan Bội Châu ở lại Nhật, khi nào tình hình lắng xuống sẽ tiếp tục hoạt động trở lại.  Phan Bội Châu nhận tấm chân tình ấy nhưng thời cuộc không thể cứu vãn.

Tình hình ngày thêm khó khăn hơn khi chính phủ Nhật ráo riết yêu cầu du học sinh và Phan Bội Châu phải rời khỏi Nhật bản. Khó khăn dồn nén khó khăn, Phan Bội Châu lòng như lửa đốt. Trong Phan Bội Châu niên biểu, Cụ viết: “lúc bấy giờ nội khoản bất lai, tí không như xối, mà trong khoảng vài mươi ngày, kêu khóc được bấy nhiêu, thảy cung cấp cho học sinh về nước hết; phí lữ cư, phí ngoại giao, phí in sách, nhất thiết chỉ giơ tay không.”. Trong hoàn cảnh rối bời như thế, Phan Bội Châu lại một lần nữa may mắn được một người Nhật Bản có lòng nghĩa hiệp giúp đỡ. Đó là bác sĩ Asapa. Đây là một con người có tấm lòng nghĩa hiệp cao cả đã từng giúp một du học sinh lúc đó là Nguyễn Thái Bạt bị đói mệt trên đường có nơi ăn, chốn ở, được học hành. Phan Bội Châu đang lúc quần cũng chợt nhớ đến Asapa, liền bàn với Nguyễn Thái Bạt đến nhờ bác sĩ giúp đỡ. Nhận được thư của Phan Bội Châu, Asapa không ngần ngại liền đem số tiền là 1.700 đồng bạc Nhật và một bức thư gửi ngay “Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn có bấy nhiêu, chờ sau tôi kiếm được số bạc nữa, nếu như các ngài còn cần dùng nữa, thì đánh giấy lại mau”. Thật là đang lúc trời hạn lại gặp mưa rào. Cụ Phan vui mừng khôn tả, không biết lấy gì để cảm ơn tấm chân tình của vị bác sĩ kia. Cụ mang ơn bao nhiêu con người nghĩa hiệp của xứ sở Phù Tang này. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nào ở đâu đó trên đất nước này vẫn còn bao nhiêu tấm lòng cao cả ấy. Họ xúc động, họ yêu mến Phan Bội Châu bởi ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm và ý thức dân tộc quật cường của cụ. Đó chính là cội rễ đầu tiên để mở ra một mối quan hệ mới giữa con người của 2 đất nước ở hai đầu chiến tuyến.

Người dân Nhật Bản trượng nghĩa, hào hiệp, người dân Việt Nam trọng đạo lý, ân tình. Sau mười năm rời khỏi Nhật, năm 1918, Phan Bội Châu quay lại Nhật Bản tìm lại ân nhân của mình nhưng người đã về tiên cảnh. Cụ trăn trở chưa có dịp để trả ơn ân nhân. Phan Bội Châu liền nghĩ ra cách dựng một tấm bia ca ngợi công ơn của Asapa trước mộ bác sĩ để tỏ chút lòng thành biết ơn tiên sinh. Khi dựng bia lại gặp khó khăn nhưng Phan Bội Châu đã được dân làng Asapa tạo mọi điều kiện giúp đỡ để hoàn thành tâm nguyện.

Những năm tháng sống và hoạt động ở Nhật Bản là những ngày gian khổ, nhưng cũng là quãng đời ý nghĩa nhất trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu. Nói như Cụ “đây là thời gian đắc ý nhất”.  Xứ sở hoa anh đào này không chỉ là nơi ghi dấu bao kỷ niệm buồn vui của Cụ, của phong trào Đông Du mà ở đó còn có cả những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp của con ngời nơi đây. Sự tiếp xúc, gặp gỡ giữa Phan Bội Châu với người dân Nhật Bản là sự tiếp xúc giữa con người với con người vì nhân ái và tôn trọng đại nghĩa. Sự biết ơn của Phan Bội Châu đối với một số cá nhân người Nhật Bản thật sâu nặng, tình nghĩa đó đã theo cụ đi suốt cuộc đời.

Phong trào Đông Du tuy không thành công, nhưng nó đã tạo nền tảng cho những thay đổi của nước ta đầu thế kỷ XX; góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, và nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của Cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đây là gạch nối quan trọng, mốc đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và cho đến nay phong trào Đông Du vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước.


[1] Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, Tập 6, NXB Thuận Hóa

[2] Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, Sđd

Ảnh trưng bày Bia tưởng niệm bác sĩ Asaba và các chính khách Nhật Bản đã giúp cụ Phan trong Phong tráo Đông Du như Bá tước OkumaTử tước Inukai
Ảnh đai trưng bày Bia tưởng niệm Bác sĩ Asaba và chân dung các chính khách Nhật Bản như Bá tước Okuma, Tử tước Inukai...



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN