QUAN NIỆM VỀ DÂN QUYỀN TRONG TƯ TƯỞNG CỦA CỤ PHAN BỘI CHÂU.
Vấn đề dân quyền là vấn đề mới mẻ đối với các sĩ phu yêu nước Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XX. Dưới chế độ phong kiến nửa thực dân, người dân Việt Nam chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ phục tùng vô điều kiện yêu cầu của kẻ bề trên. Họ bị tước bỏ tất cả mọi quyền hành, họ chưa bao giờ là chủ thể của quyền lực. Bằng sự trải nghiệm của mình, Phan Bội Châu cho rằng, không có dân quyền là một trong những nguyên nhân khiến cho nhân dân ta sống trong tủi nhục, cay đắng, khốn khổ và tăm tối.
Sự lạc hậu và bất cập của hệ tư tưởng phong kiến, sự thoái hoá của vua quan nhà Nguyễn là những chướng ngại lớn trên con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành lấy chủ quyền về tay nhân dân. Theo Phan Bội Châu, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hàng thế kỷ dưới chế độ phong kiến và thực dân nửa phong kiến, đã sống một cuộc sống không có tự do là bởi cái nọc độc chuyên chế đã đầu độc và giết chết dân quyền. Khi dân không có quyền thì cũng có nghĩa là, họ chỉ là một thứ công cụ để phục tùng quyền lực và ý chí của kẻ khác. Trong khi đó, theo yêu cầu của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và canh tân đất nước thì quyền lực phải thuộc về nhân dân, tức là người dân phải có quyền. Dân quyền vừa là mục đích hướng tới, vừa là điều kiện để huy động sức mạnh của toàn dân, để giải phóng và phát huy mọi năng lực sáng tạo của con người.
Đấu tranh để giải phóng dân tộc, để giải phóng con người thoát khỏi sự áp bức, để đem lại quyền cho người dân luôn là điều trăn trở, thôi thúc trong Phan Bội Châu. Ngay trong Việt Nam quốc sử khảo (1908), Phan Bội Châu đã dành không ít tâm huyết để bàn về mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, về mầm mống dân quyền ở nước ta, về dân quyền ở nước ta bị hao mòn, về mối quan hệ giữa dân quyền và dân trí với nội dung khá phong phú. Theo Phan Bội Châu, có thể hiểu rằng, dân quyền là quyền của người dân; người dân có quyền đó là lẽ tất yếu. Do đó, không có dân quyền, hay nói cách khác, không có quyền làm người thì con người mất hết giá trị, con người không còn là con người mà trở thành trâu ngựa. Quan điểm này chẳng những khác hẳn quan điểm của Nho giáo về tam cương vốn đã in dấu ấn đậm nét trong tâm thức của mọi người, mà còn có tác động thức tỉnh nhân dân ta đứng lên đấu tranh xoá bỏ dấu ấn đó, đứng lên đấu tranh phá bỏ sự áp chế vô lý đương thời để giành lại quyền làm người của mình.
Theo Phan Bội Châu, dân quyền trở thành tiêu chí quan trọng nhất để xem xét nước còn hay mất, nước mạnh hay yếu, giá trị của người dân cao hay thấp, người dân còn hay mất. Ngay những dòng đầu tiên luận giải về mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, Phan Bội Châu viết: “Theo công pháp vạn quốc đã định, được gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước. Trong ba cái đó thì nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập; nhân dân còn thì nước còn; nhân dân mất thì nước mất. Muốn biết nhân dân còn mất như thế nào thì phải nhìn xem cái quyền của nhân dân còn mất như thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất, mà nước cũng mất. Nhận thức mới mẻ trên có tác dụng thức tỉnh, giác ngộ mọi người, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi con người vào trong mọi hoạt động chính trị, xã hội. Bởi thế, quan tâm đến dân quyền luôn là nội dung chủ yếu, là vũ khí mới lạ trong đường lối hoạt động của Phan Bội Châu.
Trước thực tiễn của phong trào đấu tranh của nhân dân ta trong những năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu là một trong những người đầu tiên sớm nhận thức được hệ tư tưởng phong kiến đã hết vai trò lịch sử và là chướng ngại trên con đường tiến lên của dân tộc, ngọn cờ quân quyền cần phải hạ xuống để dương cao ngọn cờ dân quyền. Trong Việt Nam quang phục quân phương lược (1912), Phan Bội Châu đã tuyên bố và chỉ rõ cho mọi người thấy rằng: “Phải xoá bỏ chính thể quân chủ, vì đó là một chính thể rất xấu xa… Chính thể Dân chủ cộng hoà là một chính thể rất tốt đẹp… Quyền bính của nước nhà là của chung toàn dân do nhân dân quyết định”.
Theo Phan Bội Châu, dân quyền không thể tồn tại biệt lập với quốc quyền mà trái lại, giữa chúng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, trong đó dân quyền luôn được ông đề cao, có dân quyền thì mới có quốc quyền; quốc quyền phải là công cụ để phục vụ dân; dân lập ra quyền lực công cộng để bảo vệ cho cuộc sống của mình, làm chỗ nương tựa cho mình. Quan hệ giữa trách nhiệm và quyền lợi của nhân dân với chính phủ là quan hệ hai chiều, có đi và có lại, chứ không phải quan hệ một chiều khắc nghiệt như quan hệ vua với tôi trong học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo. Bởi vậy, Phan Bội Châu cho rằng: “chính phủ phải dựa vào nhân dân để mà được yên, nhân dân cũng nhờ vào chính phủ mà có giá trị. Nhân dân có nghĩa vụ giám đốc chính phủ. Nhân dân mà làm tròn nghĩa vụ của mình thì chính phủ không dám làm sai; chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân. Chính phủ mà làm tròn nghĩa vụ của mình, thì nhân dân không đến nỗi mất chỗ nương tựa. Chính phủ tức là chỉ đại biểu cho cả nước mà thôi. Còn cái căn bản, cái then chốt thì toàn là ở dân”.
Theo Phan Bội Châu, dân quyền phải dựa vào dân trí, dân quyền gắn liền với dân trí, vì vậy nâng cao dân trí là yêu cầu sống còn của dân tộc và là xu hướng phát triển tất yếu trên con đường đi đến văn minh, phú cường. Nếu không dựa trên trình độ dân trí thì dân quyền chỉ là hình thức, pháp luật của nhà nước chỉ là sự áp đặt từ bên trên và bên ngoài chứ không phải do nhu cầu nội tại của mỗi người dân trong đời sống xã hội. Phan Bội Châu cho rằng, dân trí lên cao thì dân quyền được tôn trọng, dân quyền được tôn trọng thì nước mạnh. Điều đó có nghĩa là, dân trí cao thì nước mạnh, dân trí thấp thì nước yếu. Tương đồng với tư tưởng đó, sau này, Hồ Chí Minh có quan điểm: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Quan niệm này của Phan Bội Châu không những có tác dụng lay động, thức tỉnh nhân dân ta, mà còn dấy lên các phong trào Duy tân, Đông du hoạt động khá sôi nổi ở nước ta, trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX. Nó còn đáp ứng được khát khao cháy bỏng về một nước Việt Nam mới do người Việt Nam làm chủ./.
LỆ THU
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội