TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN ĐÁ TẠI ĐỀN BẮC THỊNH, XÃ NGHI THỊNH, HUYỆN NGHI LỘC

13:38 13/12/2023

Khi nói đến tâm thức tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt, các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận đó là một tâm thức tôn giáo đa thần. Các yếu tố về môi trường địa lý, văn hóa lịch sử, truyền thống đạo đức, v.v... đã hình thành nên tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng của người Việt Nam. Người Việt luôn quan niệm vạn vật hữu linh, tức là mọi vật đều có linh hồn và từ đó hình thành nên tín ngưỡng đa thần. Sự sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử loài người. Khi con người còn yếu đuối, bất lực trước thiên nhiên, họ dường như hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên từ đó hình thành nên tín ngưỡng thờ nhiên thần, thiên thần.

Tín ngưỡng thờ Nhiên thần mà cụ thể là tục thờ thần đá xuất hiện khá sớm và phổ biến trong đời sống tâm linh của người Việt. Riêng ở Nghệ An một số di tích thờ thần đá như: đền Yên Duệ (phường Đông Vĩnh, Thành phố Vinh), đền Cố Đá (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành)…đặc biệt có trường hợp thờ thần đã có tên họ rõ ràng: Nguyễn Văn Đá ở vùng Khánh Sơn, Nam Đàn và Nhân dân nơi đây kiêng húy tên của thần nên từ “đá” phải gọi tránh thành “đớ”.

Đối với nhân dân làng Xuân Tình xưa cũng như nhân dân Bắc Thịnh ngày nay luôn xem thần Đá là vị thần linh thiêng thường hiển linh che chở bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Theo bản thần tích của đền ký hiệu AE.B1/3 lưu tại viện Hán Nôm và Tục thờ thần và thần tích Nghệ An cho biết: “… Tương truyền rằng xưa có tảng đá trắng xuất hiện tại đây, ai cả gan khinh mạn sẽ bị tai họa. Người làng bèn lập đền thờ ở đó. Bỗng dưng tiêu tan. Khí thiêng không dứt....” [1]

Mỗi khi người dân địa phương bị ốm đau bệnh tật hay mất mát của cải, mùa màng thất bát...đều đến đền thắp hương, cầu xin thường rất linh nghiệm hễ có ai bái lạy cầu xin đều được ứng nghiệm hoặc như trong sắc phong của thần có chép: “...hiệu nghiệm khi cầu mưa xin nắng. Đức lớn che chở cho dân nên ghi thưởng đều là ý nguyện dân chúng, tặng phong để tỏ vinh hoa đặc biệt, lại linh thiêng từ lâu.” Vì vậy, thần chính là vị phúc thần bảo vệ phù hộ cho nhân dân trước những biến cố, tai ương trong cuộc sống.

Trong bản thần tích của đền chép lại một việc linh ứng của thần như sau: “... Vào khoảng những năm Thành Thái, theo lệnh bắt phu đi Trấn Ninh để làm việc. Giáp ta bắt phu 10 người, rồi trai giới để tiến hành cầu an ở đền. Trong khi lễ, có người tên là Lê Mậu Sức sợ đi Trấn Ninh đường sá xa xôi, bèn thuê một người trong ấp tên là Nguyễn Hòe đi thay. Đêm đến mơ thấy một người tay cầm gươm rồng đứng đầu giường chỉ vào và nói rằng: “tên Hòe mệnh yểu, không thể đi thay được”. Sau đó tên Sức cùng những người dân phu đi Trấn Ninh làm việc. Sau cuối cùng tên Hòe ở nhà bị bệnh chết. Còn dân phu của giáp ta thì trên đường đi về không có trở ngại gì cả” Qua đó càng thể hiện rõ hơn sự linh ứng của thần Đương cảnh Thành hoàng Thiên Đá Phúc Linh tại địa phương cũng như niềm tin của người dân đối với thần được thờ tại di tích.

Trải qua các triều đại phong kiến, thần Thành Hoàng Thiên Đá Phúc linh đã được ban cấp nhiều sắc phong, tuy nhiên hiện nay, tại viện Hán Nôm chỉ còn lưu giữ được 02 sắc phong thời Cảnh Hưng với ký hiệu AD.B1/19, trong đó có sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 8 phong cho thần là Trung đẳng thần, nội dung lược dịch các sắc phong như sau:

Sắc phong ngày 18 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747): Sắc cho vị Đại vương là Đương cảnh thành hoàng Thiên Đá Phúc linh (vốn có mỹ tự là) Thông minh Chính trực Anh nghị Quả đoán Duệ trí Hùng lược Bác hậu Trung hòa Bố đức Tuyên nhân Ứng thụy Hồng mô Thống quốc Cao danh Đại nghiệp Hưng lễ.

...Nên vâng chỉ chuẩn tặng phong Trung đẳng, xứng đáng được gia phong là: Đương cảnh thành hoàng Thiên Đá Phúc linh Thông minh Chính trực Anh nghị Quả đoán Duệ trí Hùng lược Bác hậu Trung hòa Bố đức Tuyên nhân Ứng thụy Hồng mô Thống quốc Cao danh Đại nghiệp Hưng lễ Thịnh công Khai cơ Đại vương.”

Sắc phong ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), gia phong thêm mỹ tự là: “Đương cảnh thành hoàng Thiên Đá Phúc linh Thông minh Chính trực Anh nghị Quả đoán Duệ trí Hùng lược Bác hậu Trung hòa Bố đức Tuyên nhân Ứng thụy Hồng mô Thống quốc Cao danh Đại nghiệp Hưng lễ Thịnh công Khai cơ Hùng tài Đại lược Uyên du Huyền huống Đại vương.”

Thúy Liên


[1] Thần tích đền Xuân Tình lưu tại viện Hán Nôm số AE.B1/3



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN