VỀ TÊN HIỆU SÀO NAM - PHAN BỘI CHÂU.

16:14 07/12/2023

Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940), nhân vật trung tâm của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong quá trình hoạt động yêu nước và cách mạng của mình, từ khi bôn ba ngược xuôi khắp trong và ngoài nước cho đến lúc bị giam lỏng ở Bến Ngự-Huế, cụ Phan chưa bao giờ quên nghĩa vụ phấn đấu vì dân, vì nước, nêu cao tấm gương kiên trung bất khuất, nhân cách cao thượng…đáng được toàn thể nhân dân ta tôn kính. Và trên bước đường hoạt động cách mạng của mình đó cụ Phan đã dùng rất nhiều tên hiệu khác nhau và mang nhiều ý nghĩa.

Tên khai sinh của cụ là Phan Văn San (San tức san hô, một thứ cây bằng chất khoáng ở dưới biển, dô đó lấy biệt hiệu là Hải Thụ). Năm 1900, khi chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng, Phan Văn San ((潘文珊).) đã đổi thành tên Phan Bội Châu. Vì chữ "San" trùng với tên húy của vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Hai chữ "bội châu" (佩珠) trong tên của cụ lấy từ câu: "城中蛾眉女; 珠佩何珊珊" (Thành trung nga mi nữ; châu bội hà san san nghĩa làTrong thành có người con gái mày ngài, [đeo] chuỗi ngọc kêu leng keng).

Để ý kỹ, tên ban đầu của cụ là "San" (san san là tiếng ngọc kêu), "Bội Châu" - châu bội va vào nhau,  kêu lên tiếng "san san". Bản chất "tên mới" của ông "kêu lên" tên cũ, cả hai cái tên cùng nằm trong một câu. Đây là một cách ẩn giấu tên gốc rất khéo và rất thơ.

Năm 1095, khi  ra nước ngoài hoạt động cứu nước, Phan Bội Châu lấy biệt hiệu là Sào Nam. Tên hiệu Sào Nam lấy từ ý câu: “Hồ mã tê Bắc phong/ Việt điểu sào Nam chi”, nghĩa là: “Ngựa Hồ hí gió Bắc/ Chim Việt đậu cành Nam”. Theo điển tích, chim Việt sinh ra ở đất Việt (phía Nam Trung Quốc), cảm thụ được khí ấm áp nên khi bay đi xứ khác bao giờ cũng đậu cành phía Nam là phía ấm áp hợp với chỗ quê hương. Dùng từ “chim Việt” (Việt điểu) để chỉ nỗi nhớ quê hương cố quốc. Ngựa Hồ là ngựa sinh ra ở nước Hồ - một nước khí hậu lạnh ở phía Bắc Trung Quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh, người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến. Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ. Mỗi khi gió bấc nổi lên, tuyết rơi lả tả nơi đất khách thì ngựa lại cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.

Cũng có sách cho rằng, nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương Bắc hí vang những tiếng bi thảm."Chim Việt, ngựa Hồ" trở thành thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.

Tên hiệu “Sào Nam” của cụ Phan lấy nghĩa từ 2 câu thơ này, ý nói dù ở đâu cụ vẫn không quên gốc gác của mình, vẫn luôn một lòng hướng về quê hương, hướng về Tổ quốc.

Ngoài ra, còn rất nhiều bút danh, biệt hiệu khác có ý nghĩa như: Phan Thị Hán (ngụ ý là một hảo hán ngang tàng hào hiệp như một anh hùng Lương Sơn Bạc trong tác phẩm Thuỷ hử của Trung Quốc), hoặc Độc Tỉnh Tử (mọi người say cả, chỉ một mình ta tỉnh như Khuất Nguyên ở nước Sở xưa kia), hay là Hãn Mãn Tử (con người phóng túng)…

Phan Bội Châu (1867-1940)

Tổng hợp: Nguyễn Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN