Viết về những người phụ nữ anh hùng nhân ngày mồng 8 tháng 3

13:27 08/03/2019

Lịch sử Dân tộc Việt Nam trải qua biết bao thăng trầm và biến cố. Trong dòng chảy của lịch sử đầy vinh quang nhưng cũng lắm gian truân ấy luôn có bóng hình của những người phụ nữ: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Với thiên chức cao cả là làm mẹ, làm vợ bằng một trái tim nồng ấm và một tâm hồn đôn hậu, họ là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm gia đình và tâm hồn của mỗi chúng ta. Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 là dịp mà chúng ta cùng nhau nhắc đến những người phụ nữ yêu thương ấy. Và bài viết này xin dành những dòng chữ trân quý nhất để viết về 6 người phụ nữ anh hùng kiệt xuất trong hàng triệu người phụ nữ anh hùng của lịch sử Việt Nam.

1. Trưng Trắc và Trưng Nhị: Hai nữ vương đầu tiên trong lịch sử

Hai Bà Trưng là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc. Trong sử sách hai bà được biết đến như những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và Trưng Trắc tự xưng là Nữ Vương. Thời kỳ của hai bà xen giữa Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ Vương. Tương truyền, sau khi Hai Bà Trưng hóa sinh vào cõi bất diệt thì nhân dân đã khởi dựng đền Hát Môn- nay thuộc địa bàn xã Hát Môn, Huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Đền Hát Môn còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về văn hóa, lịch sử. Với những giá trị đặc biệt đó. Di tích Đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt( tại quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Hai Bà Trưng (Tranh dân gian Đông Hồ)
Nhãn

2. Nguyễn Thị Minh Khai: Nữ chiến sỹ cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh. Chị sinh ngày 1/11/1910 tại Thành phố Vinh. Thuở nhỏ, chị tham gia học ở trường tiểu học vinh, lên 14 tuổi chị chuyển sang học lớp nhất trường Tiểu học Pháp Việt Cao Xuân Dục. Được học với thầy giáo Trần phú, chứng kiến cảnh lầm than của quê hương và được chính thầy Trần Phú giác ngộ, năm 16 tuổi chị chính thức dấn thân vào con đường cách mạng khi gia nhập đảng Tân Việt. Đầu năm 1929 chị bí mật thoát ly gia đình hoạt động cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, chị được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền vận động phụ nữ đấu tranh chị là nữ Đảng viên đầu tiên và là duy nhất lúc bấy giờ. Những năm tháng từ năm 1930 đến năm 1939 là những năm tháng chị hoạt động không ngừng nghỉ vì quê hương đất nước. Phận nữ nhi, chị bôn ba cùng các đồng chí khác để đấu tranh vì sự nghiệp dân tộc. Chị cắn răng hy sinh hạnh phúc riêng, chẳng thể làm tròn bổn phận của người con trong gia đình, chẳng thể làm người vợ hiền chu toàn với người chồng Lê Hồng Phong và chẳng thể nào làm tròn thiên chức làm mẹ với cô con gái bé bỏng Lê Nguyễn Hồng Minh. Sinh con ra chưa tròn tháng, chị dằn lòng gửi con lại cho các đồng chí nuôi dưỡng. Năm 1940 chị sa vào lưới giặc. Năm 1941 chị ngã xuống trước nòng súng hung tợn của kẻ thù khi mới ngoài 30 tuổi. Hiện nay, nhà lưu niệm mang tên chị đã được xây dựng và đi vào hoạt động gần 6 năm. Đây luôn là địa chỉ đỏ để thế hệ hôm nay cùng ôn lại lịch sử và thắp nén tri ân đến nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai.

Nln Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai(Phường Quang Trung,Tp Vinh)

3. Nguyễn Thị Chiên - Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, tại xóm trại đồng, xã Tân Tiến, Tỉnh Thái Bình. Cái tên Nguyễn Thị Chiên là do anh em du kích đặt cho bà sau này, còn cha mẹ chị đăt tên chị theo cái nếp ngày xưa là Tý Con. Nhà có năm anh chị em, bà là út. Gia cảnh khốn khó, sinh bà hôm trước, hôm sau người mẹ đã phải ủ con để đi làm thuê. Bà lớn lên trong khốn khó nhưng đầy bản lĩnh. Năm 1930 bà tham gia lực lượng du kích ở thôn, xã. Trong kháng chiến chống Pháp, bà đã xây dựng và chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Hoạt động hiệu quả, táo bạo dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”. Năm 1950, trong khi đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà bị bắt, bị dụ dỗ tra tấn hết sức dã man suốt 3 tháng trời. Sau khi được trả tự do, bà tiếp tục chiến đấu và dành nhiều chiến công xuất sắc. Bà được phong Anh hùng tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất tổ chức tại Việt Bắc năm 1952, khi chỉ mới 22 tuổi đời, bà xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam, về tinh thần thi đua yêu nước, đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Nguyễn Thị Chiên- Nữ anh hùng đầu tiên của QĐND VN

4. Đinh Thị Vân- Nữ đại tá tình báo giỏi nhất.

Đinh Thị Vân với tên thật là Đinh Thị Mậu, bà sinh năm 1916 trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Được anh trai là Đinh Lai Hạp và Đinh Thúc giác ngộ, vận động, bà tham gia  hoạt động cách mạng, làm giao liên, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức “Ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ cách mạng. Năm 1946, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và liên tục giữ các chức vụ huyện ủy viên Xuân Trường, ủy viên ban thường vụ Phụ nữ cứu quốc tỉnh Nam Định. Tháng 6 năm 1954, bà được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu ý đồ chiến lược của địch. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà đã chủ động khuyên chồng lấy vợ khác để có thể thay bà chăm sóc mẹ già yếu. Trước giờ lên đường nhận nhiệm vụ, bà nhận được tin chồng mình đã bằng lòng kết hôn với chị Nguyễn Thị Sen. Nén nỗi lòng riêng, mừng cho anh, bà âm thầm lên đường làm nhiệm vụ. Với giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ bà đã tìm cách vượt qua mạng lưới kiểm soát dày đặc của địch, thu thập và cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho cấp trên. Tháng 10 năm 1954 bà nhận lệnh bí mật vào Nam với vai người đi buôn vào Nam kiếm sống. Từ đấy, với cái tên “Dì Sáu” ngày ngày trên đôi vai gầy bà gánh hàng rong khắp ngõ phó Sài Gòn gây dựng mạng lưới tình báo. Lưới tình báo do bà gây dựng đã cung cấp cho quân ta nhiều tin tức có giá trị góp phần làm nên chiến công chung cho ngành tình báo và cho sự thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Năm 1970, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - Anh hùng đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng.

Đinh Thị Vân- Nữ tình báo giỏi nhất

5. Võ Thị Sáu - Nữ anh hùng lượng vũ trang trẻ nhất.

Võ Thị Sáu sinh năm 1933 ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống yêu nước, lại chứng kiến cảnh thực dân Pháp giết chóc đồng bào, chị Sáu đã không ngần ngại cùng các anh trai tham gia cách mạng. 14 tuổi, Võ Thị Sáu theo anh gia nhập Việt Minh, trốn lên chiến khu chống Pháp. Chị tham gia đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong khoảng thời gian này, chị Sáu tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp. Người con gái Đất Đỏ còn nhiều lần phát hiện gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.

Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay rồi không may bị bắt. Trong hơn một tháng bị giam tại nhà tù Đất Đỏ, dù bị giặc tra tấn dã man, chị không khai báo. Địch phải chuyển chị về khám Chí Hòa. Chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Võ Thị Sáu, thực dân Pháp và tay sai mở phiên tòa, kết án tử hình đối với nữ chiến sĩ trẻ. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. Nhờ sự kiên cường, dũng cảm, trung thành, Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức ngay đêm trước khi hy sinh. Trong quá trình bị bắt, tra tấn và đến tận những giây phút cuối cùng, Võ Thị Sáu luôn chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, bất khuất của chiến sĩ cộng sản. Khi mới bị bắt, địch tra tấn chị chết đi sống lại nhưng không moi được nửa lời khai báo. Sự kiên trung ấy một lần nữa thể hiện tại phiên tòa đại hình khi chị Sáu (khi đó mới 17 tuổi) hiên ngang khẳng định: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Ra đến pháp trường trước quân thù hung tợn, Võ Thị Sáu kiên quyết không quỳ xuống, yêu cầu không bịt mắt. Năm 1993, nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Võ Thị Sáu

Đây chỉ là hình ảnh về một số nữ anh hùng tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam. Còn biết bao người phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ cống hiến cho sự tồn vinh và phát triển của dân tộc. Xin dành tặng những lời tri ân và biết ơn đến những người phụ nữ Việt nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3!

Nguyễn Thị Thu Hằng - Trần Thị Thu Hằng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN