Tượng đài Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở Thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn.
Xứ Nghệ nói chung và Nam Đàn nói riêng được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt, là đất “Yên, Triệu của Việt Nam”. Từ hồn thiêng của núi Hùng sông Lam đã hun đúc nên biết bao đấng anh hùng hào kiệt, trong số những tinh hoa ấy, cụ Phan Bội Châu nổi lên như một ngôi sao chói lọi tỏa sáng suốt gần ba mươi năm đầu thế kỷ XX. Ánh sáng ấy vẫn còn vang vọng đến ngày nay và mãi đến muôn đời sau.
Để tôn vinh tấm gương cao đẹp của chí sỹ Phan Bội Châu và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, Khu lưu niệm Phan Bội Châu đã được Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 xếp hạng khu lưu niệm Phan Bội Châu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Cùng với việc được nâng hạng, Khu lưu niệm còn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm, cho phép đầu tư, chỉnh trang khuôn viên, xứng tầm với công lao to lớn của Cụ, trong đó, xây dựng tượng đài được xem là hạng mục trọng điểm. Đây là loại hình nghệ thuật có tính khái quát cao, có sức biểu cảm lớn và sâu sắc. Nó chứa đựng và chuyển tải những nội dung thông tin hết sức phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, tượng đài được coi là thông điệp lịch sử và nghệ thuật giúp cho các thế hệ trẻ hiểu được chính xác lịch sử dân tộc. Với ý nghĩa to lớn đó, việc xây dựng tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu tại khu Di tích lưu niệm, trung tâm thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn - quê hương của Cụ - là hết sức cần thiết. Đó cũng là nguyện vọng khát khao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An.
Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn số 4244 –CV/TU của về việc quy hoạch chỉnh trang và lập dự án tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm Phan Bội Châu, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép triển khai và phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình: tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Quyết định số 5074/QĐ.UBND-XD ngày, trong đó, xác định hạng mục: Xây dựng tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu là một hạng mục trọng điểm.
Ngày 28 tháng 10 năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 5726/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo khu lưu niệm Phan Bội Châu, trong đó có hạng mục xây mới tượng cụ Phan Bội Châu.
Ngày 12 tháng 12 năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 6009/QĐ.UBND –VX về việc phê duyệt đề cương sáng tác, phác thảo tượng đài Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu thuộc dự án: Tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn.
Trên cơ sở đó, Chủ đầu tư (Ban quản lý Di tích Nghệ An) đã tiến hành các bước cần thiết để tiến hành quy trình làm tượng. Hiện nay, trải qua nhiều lần họp duyệt và góp ý của Hội đồng nghệ thuật (được thành lập ngày 04/01/2018 tại Quyết định số 24/QĐ.UBND-VX ngày của UBND tỉnh Nghệ An), tượng đã được chuyển bước phóng tượng dẹt tỷ lệ 1:1 nhằm trưng cầu ý kiến của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tỉnh nhà, cũng như những người yêu quý cụ Phan trong cả nước để công trình được hoàn thiện, xứng tầm với những đóng góp to lớn của nhà yêu nước Phan Bội Châu và phong trào cách mạng của tỉnh nhà.
Tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu nằm trong quần thể khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại trung tâm thị trấn Nam Đàn, theo dự án được phê duyệt bao gồm nhiều hạng mục, do đó, phải quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ liên hoàn giữa tượng đài và các hạng mục công trình khác. Ngoài ra, công trình nằm trên khu đất có địa hình bằng phẳng, gần đường giao thông, gần sông, không gian tương đối rộng nên đòi hỏi có kích thước phù hợp, hình khối chắc, đơn giản nhưng gây được ấn tượng mạnh và bằng chất liệu bền vững.
Công trình tượng đài có tổng chiều cao 5.4 m so với cốt 0.00 (Cốt đường giao thông phía trước). Bản thân tượng bằng chất liệu Đồng cao 3,2 m và đế bệ bằng chất liệu Bê tông, ốp đá xanh Thanh Hóa có chiều cao 2,2m.
Về nội dung tư tưởng: Tượng khắc họa hình ảnh của nhà chí sĩ yêu nước có tư tưởng vượt thời đại, một trí thức cách mạng tiêu biểu, một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Điểm nhấn của bức tượng là khuôn mặt, vừa thể hiện được phong cách thanh tao của một nhà nho với vầng trán cao rộng, chùm râu dài lột tả nét thông thái, uyên thâm, vừa thể hiện tinh thần quật cường với nét mặt cương nghị, đôi mắt quắc thước, sáng ngời khí tiết của một sĩ phu trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Tay phải cầm sách, biểu tượng của một trí thức Nho học, tay trái buông, bàn tay nắm lại thể hiện quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Tà áo vừa mềm mại, vừa tung bay, thể hiện sự thanh tao của một nhà Nho nhưng mang đậm khí chất của một chí sỹ yêu nước quyết tâm tìm đường giải phóng dân tộc trong bối cảnh xã hội đầy sóng gió.
Đế tượng được làm bằng chất liệu bê tông, ốp đá Thanh Hóa, các mặt thể hiện sự gồ ghề, khúc khuỷu như chính quá trình gian nan tìm đường giải phóng dân tộc của Cụ. Mặt trước ghi dòng chữ “Phan Bội Châu 1867 – 1940”.
Tượng đài là hình ảnh sinh động, phản ánh được thần thái của nhân vật, thể hiện được ý chí và sức mạnh tinh thần, khí phách anh hùng, bất khuất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - một tấm gương sáng trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc lâu dài. Thông qua đó gúp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho mỗi người dân.
Về Mỹ thuật: Tượng đài thể hiện sự bề thế, hoành tráng, sừng sững trong không gian bao la của đất trời. Có hình khối chắc khoẻ, phù hợp với không gian xung quanh, tạo được vẻ sống động, lột tả được thần thái tiêu biểu của nhân vật, khí phách bất khuất, kiên trung của nhà yêu nước Phan Bội Châu, gây được xúc cảm ấn tượng đối với mọi người, tạo được cảm xúc thẩm mỹ về hình tượng một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, một nhà cách mạng tiêu biểu, một trí thức lớn của thời đại.
Việc xây dựng Tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu không chỉ đơn thuần là một nhân vật thuộc lịch sử cách mạng mà còn rất thiết thực với sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước hiện nay. Tượng đài thể hiện ý chí và sức mạnh tinh thần, khí phách anh hùng, bất khuất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu - một tấm gương sáng trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó, giáo dục các thế hệ sau này, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng khiến ta thêm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Ngô Thị Lâm
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội