Bảo tàng Nghệ An tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập và khánh thành trưng bày nội thất, trưng bày chuyên đề "Gốm sứ truyền thống Việt Nam tại Nghệ An"

15:52 19/12/2019

Sáng nay, ngày 19/12/2019 hòa trong không khí hân hoan chào mừng các sự kiện trọng đại của dân tộc, kỷ niệm lần thứ 73 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2019), kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) tại Bảo tàng Nghệ An đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, cắt băng khánh thành trưng bày nội thất, trưng bày chuyên đề "Gốm sứ truyền thống Việt Nam tại Nghệ An" và  đón nhận bức trướng của UBND tỉnh trao tặng.

Về dự buổi lễ có đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Mậu Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Sở, Ban , nghành, đoàn thể, các thế hệ cán bộ nghành văn hóa và các em học sinh trong toàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An trình bày diễn văn khai mạc
Đồng chí Hồ Mậu Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao phát biểu tại buổi lễ
Ông Hoàng Minh Truyền - đại diện cán bộ của Bảo tàng Nghệ An qua các thời kỳ phát biểu tại buổi lễ

Đồng chí Hồ Mậu Thanh trao tặng bức trướng của UBND tỉnh nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập
Lễ cắt băng khánh thành trưng bày nội thất và chuyên đề "Gốm sứ truyền thống Việt Nam tại Nghệ An"

Bảo tàng Nghệ An ra đời năm 1979 với tên gọi là Bảo tàng Nghệ Tĩnh, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển từ những ngày đầu thành lập nhiều gian khó với những mái nhà cấp 4 thô sơ, nhỏ bé dưới những rặng phi lao trong khu vực thành Vinh cổ kính, các cán bộ viên chức không ngại khó khăn, vất vả đã cùng nhau đi khắp mọi vùng quê xứ Nghệ để sưu tầm tài liệu hiện vật, tổ chức nhiều buổi trưng bày lưu động để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong giai đoạn từ năm 1992 - 2002 trước khi Ban quản lý Di tích ra đời, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An với chức năng, nhiệm vụ vừa làm công tác nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày lưu động, hướng dẫn xây dựng nhà truyền thống cơ sở, vừa làm công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, nghiên cứu xây dựng kịch bản đón bằng, kịch bản tổ chức, phục hồi lễ hội truyền thống góp phần to lớn trong công tác bảo vệ, giữ gìn những bản sắc văn hóa của mọi vùng quê xứ Nghệ.

Cho đến hôm nay, Bảo tàng Nghệ An là nơi lưu giữ số lượng lớn các tài liệu hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu với 31.327 đơn vị hiện vật, hàng chục bộ sưu tập hiện vật quý hiếm và 3 bảo vật Quốc gia được Nhà nước công nhận năm 2017. Về cơ sở vật chất bảo tàng có tổng diện tích 13.300m2 trong đó nhà kho bảo quản hiện vật 2 tầng có diện tích 720m2. Nhà trưng bày với quy mô 3 tầng với tổng diện tích 3000m2. Năm 2005 UBND Tỉnh đã phê duyệt Đề cương trưng bày bảo tàng Nghệ An. Trong đó gồm 5 chủ đề chính:

Chủ đề 1: Nghệ An thiên nhiên và con người.

Chủ đề 2: Nghệ An thời tiền sử đến buổi đầu dựng nước

Chủ đề 3: Nghệ An trong lịch sử đầu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc (từ thế kỷ 1 - 1945)

Chủ đề 4: Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước (1945 - 1975)

Chủ đề 5: Nghệ An từ năm 1976 đến nay trong sự nghiệp đổi mới.

Các đại biểu và nhân dân tham quan trưng bày
Hình ảnh phòng trưng bày
Hiện vật trưng bày tại bảo tàng
Hiện vật trưng bày
Hiện vật trưng bày tại bảo tàng
Hiện vật trưng bày tại bảo tàng
Bộ sưu tập trống đồng cổ tại bảo tàng
Các em học sinh tham quan vf trải nghiệm làm đồ gốm cùng các nghệ nhân ở xã Đà Sơn, Đô Lương

Với sự đầu tư trưng bày đổi mới, hài hòa nhiều chủ đề, nội dung hấp dẫn đầy lôi cuốn, Bảo tàng Nghệ An là bức tranh sống động mô tả lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nghệ An từ thời nguyên thủy cho đến thời hiện đại với thiên nhiên phong phú đa dạng, các dân tộc sinh sống hòa bình, giàu bản sắc, với nhiều hiện vật gốc giàu ý nghĩa.... Đây sẽ trở thành chốn giáo dục truyền thống, nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời là điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn trong "hành trình di sản văn hóa miền Trung".

Nguyễn Thị Thu Hằng.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN